QĐND - “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời” là cuốn sách mới xuất bản của ký giả A-lanh Rút-xi-ô (Alain Ruscio) do Nhà xuất bản Les Indes savantes Pari - Pháp ấn hành tháng 12 năm 2010. Tháng 4-2011, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Việt kiều ở Pháp về thăm quê hương đến tìm tôi cho biết: A-lanh Rút-xi-ô nhờ tôi chuyển cuốn sách kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà, đồng thời, cũng tặng vợ chồng tôi một cuốn. Tôi đã đọc và trích dịch giới thiệu với bạn đọc.

A-lanh Rút-xi-ô và sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời”

A-lanh Rút-xi-ô là tiến sĩ quốc gia môn sử học, chuyên gia về lịch sử Việt Nam đương đại và về chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Ông đã nhiều năm làm phóng viên Báo Humanité (Nhân đạo) tại Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa A-lanh Rút-xi-ô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra vào dịp kỷ niệm lần thứ 25 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1979). A-lanh Rút-xi-ô nhớ lại: “Ngày hôm ấy, tôi đi qua một Hà Nội nghèo, phố xá đầy xe đạp và còn một tàu điện cũ kỹ từ thời thực dân. Tôi sung sướng nghĩ rằng: Tôi đã có được một “Cuộc hẹn gặp với lịch sử”...

Tôi khắc ghi trong tâm khảm hình ảnh đầu tiên: Tướng Giáp đứng trên cầu thang, còn tôi thì hăm hở bước lên bậc, mắt không rời khỏi ông.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra rất nồng ấm. “Đại tướng chỉ có thể tiếp ông khoảng dưới một giờ”. Thực tế tôi đã ngồi bên ông Giáp ba tiếng đồng hồ liền. Hai danh nghĩa của tôi: Phóng viên Báo Nhân Đạo và nhà sử học, chuyên gia về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã giúp tôi.

Trang bìa cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời”.

Vậy là vào dịp kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi kỷ niệm 50 năm đã trôi qua. Trong 30 năm tôi đã nhiều lần được gặp tướng Giáp trong mỗi dịp tôi đến Việt Nam, mà những dịp ấy thì nhiều. Duy chỉ có một lần: Tháng giêng năm 2010, ông không thể tiếp tôi vì ông đã quá yếu, ông vừa đạt tuổi 100 và nay ông đã vượt qua.

Mỗi lần gặp gỡ, tôi ghi chép liên tục. Và tự nhiên ý định viết một cuốn sách về các cuộc phỏng vấn nảy nở trong đầu tôi. Tuy nhiên làm điều này không dễ. Tướng Giáp, như mọi người Việt Nam và những người cộng sản, không thích nói đến “Tôi”. Đây không phải là một sự khiêm tốn giả tạo. Ông khẳng định: “Quần chúng nhân dân là người làm nên Lịch sử”.

Thầy giáo dạy sử

A-lanh Rút-xi-ô (AR) hỏi: “Trước khi đến giai đoạn mà cuộc đời ông gắn bó với những giờ phút quyết định của lịch sử nước ông - và của cả thế giới nữa - tôi đề nghị ông hãy nhớ lại thời còn trẻ: Ông đã từng dạy Sử ở Trường Thăng Long thì phải, nếu tôi không nhầm?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (VNG) trả lời: “Đúng như vậy! Nhà trường ấy không hợp khẩu vị của các nhà cầm quyền thực dân. Hiệu trưởng là một nhà ái quốc chân chính: Ông Hoàng Minh Giám. Ông ấy hoạt động trong Đảng xã hội. Giáo viên nhà trường gồm những người được coi là cộng sản, bị Sở mật thám Pháp theo dõi gắt gao, trong số đó có ông Đặng Thai Mai, sau này là nhạc phụ của tôi”.

AR: “Bây giờ chúng ta hãy trẻ lại vài chục năm. Hãy tưởng tượng tôi là học trò của ông, tôi đang chăm chú nghe ông giảng. Vậy ông nói gì về quá khứ của nước ông?”.

VNG: “Ông có lý khi muốn bắt đầu câu chuyện bằng lịch sử Việt Nam xa xưa, rất lâu trước khi người Pháp đến. Ông đã biết câu nói: “Lịch sử là mẹ của tất cả sự thật”. Ở Việt Nam, từ rất sớm đã hình thành một nền văn hóa dân tộc. Ta có thể nói đến một nền văn minh xuất hiện trên châu thổ một con sông, giống như trường hợp ở Mésopotamie chẳng hạn. Đối với chúng tôi, đó là nền văn minh châu thổ sông Hồng. Tại Mésopotamie cũng như nhiều nơi khác, dù sao cũng có một chu kỳ cổ điển: Khởi đầu, phát triển, rồi suy thoái. Còn ở đây thì trái lại, nền văn minh sông Hồng không ngừng phát triển”...

Cuộc đối thoại giữa A-lanh Rút-xi-ô với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp diễn qua các thời kỳ từ thời đại Văn Lang rồi một nghìn năm Bắc thuộc gắn liền với các cuộc khởi nghĩa, điển hình là khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu Công nguyên. Một nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc Việt Nam không hề bị đồng hóa và cuối cùng đã vùng lên giành lại nền độc lập. Khi vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thì kỷ nguyên một nghìn năm độc lập tự chủ được mở ra, chỉ gián đoạn bằng 20 năm đô hộ của quân Minh. Suốt một nghìn năm ấy, dân tộc Việt Nam dưới triều đại của các vị vua yêu nước đã đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần từ Tống, Nguyên đến Minh, Thanh.

AR: “Tôi có cảm tưởng là khi một người Việt Nam nói, ngay cả đến nghìn năm sau này nữa, khi nhắc đến các sự kiện trên, trong lòng người Việt Nam trào dâng một niềm tự hào. Đó là chủ nghĩa dân tộc? Hay là lòng yêu nước?”.

VNG: “Đó là lòng yêu nước và chỉ là lòng yêu nước mà thôi”...

... Rồi Đại tướng kể lại: Đặc biệt trong thế kỷ XIII, dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông là đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, đã từng chinh phục nhiều dân tộc từ Á sang Âu, đã từng chinh phục cả nước Trung Hoa. Vậy mà ba lần đến xâm lược Việt Nam là ba lần thất bại. Đại tướng kể câu chuyện cách đây vài năm, Đại tướng có dịp đến thăm Bảo tàng U-lan Ba-to ở Mông Cổ. Ở đó có treo một bản đồ châu Á cổ, vẽ đế quốc Mông Cổ thời cực thịnh bao gồm cả nước Việt Nam. Đại tướng nói với Giám đốc Bảo tàng: “Các bạn đã phạm sai lầm về lịch sử. Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Mông Cổ không thể xâm chiếm được. Ngoài ra còn có Nhật Bản là quốc gia được biển cả bảo vệ”.

Trả lời câu hỏi của A-lanh Rút-xi-ô về cuộc xâm lược của quân Minh đầu thế kỷ XV, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Cuộc xâm lược ấy đã kéo dài hai mươi năm, gây ra cho dân tộc Việt Nam biết bao nhiêu đau thương. Rồi Lê Lợi với sự giúp đỡ của Nguyễn Trãi đã nổi dậy, tiến hành cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Đây thực sự là một cuộc chiến tranh toàn dân, mọi người Việt Nam đều tham gia chiến đấu với một lòng yêu nước rất cao”. Đại tướng đọc cho A-lanh Rút-xi-ô nghe đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, một trong những tác phẩm lâu đời của lịch sử văn hóa nhân loại.

Đại tướng khẳng định: Nước Việt Nam từ rất sớm đã có một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, là tinh thần đấu tranh bất khuất để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Đối mặt với mối hiểm nguy từ bên ngoài, sự cần thiết bảo vệ nền độc lập dân tộc tạo nên sự đoàn kết quốc gia. Trả lời câu hỏi của A-lanh Rút-xi-ô vì sao một dân tộc anh hùng như dân tộc Việt Nam lại phải chịu sự đô hộ của thực dân phương Tây? Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: Không ít nguyên nhân đưa đến một thời kỳ đen tối gần 100 năm trong lịch sử Việt Nam. Suy cho cùng đó là tương quan lực lượng đã thay đổi căn bản. Việt Nam là một nước nhỏ, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quân đội trang bị thô sơ. Còn đế quốc Pháp là một nước đã đi vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, có nền công nghiệp hiện đại, quân đội được trang bị tối tân.

Các nhà yêu nước Việt Nam thời đó chưa tìm được kế sách cứu nước. Nhiều cuộc đấu tranh yêu nước bị dìm trong biển máu. Phong trào yêu nước của Việt Nam lâm vào khủng hoảng về đường lối. Công cuộc tìm đường cứu nước đã phải trải qua gần nửa thế kỷ.

Người thanh niên yêu nước

A-lanh Rút-xi-ô nói: “Chúng ta đã đến giai đoạn mà hoạt động của bản thân ông hòa vào lịch sử của nước ông. Tôi muốn đề cập đến tiểu sử của ông. Ông sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, tỉnh Quảng Bình thuộc miền Trung Việt Nam. Điều này có ý nghĩa tượng trưng. Cách quê ông chỉ vài chục cây số là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc suốt 20 năm từ 1955 đến 1975. Ông và mọi người Việt Nam đều cảm nhận nỗi đau đất nước bị chia cắt.

Thân phụ ông là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho làm ruộng. Thân mẫu ông là một phụ nữ rất mực dịu hiền đã có ảnh hưởng lớn đối với ông. Cha mẹ ông và những người thân đều là những người yêu nước. Tuổi thơ của ông văng vẳng tiếng ru của những bài vè yêu nước. Ông được nghe kể về các hoạt động chống lại sự đô hộ của người Pháp. Quê hương ông là một địa phương có phong trào yêu nước sôi nổi. Từ 1923, ông vào Huế học ở trường Quốc học. Huế là kinh đô của Nam triều, nô lệ của nhà cầm quyền thực dân Pháp. Nhưng ở đó, phong trào yêu nước còn sôi nổi gấp bội so với vùng nông thôn. Ông có kỷ niệm gì về thời niên thiếu ấy?”.

Ảnh trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Khi người ta ở tuổi thiếu niên, khi người ta là người yêu nước thì trước mắt ta là cảnh thường nhật của muôn vàn điều bất công, điều ghê tởm của chế độ thuộc địa. Khi ta chia sẻ mối căm hờn của một dân tộc bị ngoại bang chà đạp thì khó mà quên được những kỷ niệm ấy.

Hồi ấy có những tên tuổi làm cho chúng tôi xúc động. Chúng tôi đọc “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu, đọc báo chí tiến bộ như Tiếng chuông rè. Năm 1926 tôi tham gia cuộc biểu dương lực lượng của phong trào yêu nước chống chế độ thuộc địa nhân lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Việc đó làm tôi bị đuổi học. Sau đó tôi gia nhập Đảng Tân Việt - một tổ chức yêu nước có quan điểm tiến bộ”.

AR: "Ông có thể nói rõ hơn đến lúc nào lần đầu tiên ông nghe nói đến chủ nghĩa Mác?".

VNG: "Đừng quên là ta đang nói đến thời kỳ mà ở nước tôi chưa có Đảng Cộng sản. Các sách báo tiến bộ bị cấm triệt để. Trong Đảng Tân Việt có những người theo chủ nghĩa cộng sản, tôi tìm hiểu ở họ. Tôi còn nhớ khi tôi đến trú ngụ tại nhà thầy giáo tôi ở Trường Quốc học là thầy Võ Liêm Sơn, lúc ấy tôi đang bị nhà cầm quyền Pháp theo dõi gắt gao, thầy Võ Liêm Sơn đã đón tôi nồng nhiệt và chính trong tủ sách của thầy, tôi tìm thấy và đọc những cuốn sách đầu tiên về chủ nghĩa Mác".

AR: "Cảm tưởng của ông lúc ấy như thế nào?".

VNG: "Thế hệ tôi đến với chủ nghĩa Mác không phải là một sự lựa chọn tùy tiện, ngẫu nhiên. Đó là một sự suy ngẫm sâu xa về nguyên nhân đất nước bị chinh phục, suy ngẫm về con đường cứu nước, tất cả những điều đó đã dẫn dắt chúng tôi đến sự lựa chọn chính trị ấy. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy. Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khi đọc Luận cương của Lê-nin. Ta biết khẩu hiệu nổi tiếng của Mác - Ăng-ghen: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại", Lê-nin đã thêm: "Các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại". Điều đó nói lên vị trí quan trọng của vấn đề dân tộc giải phóng trong phong trào cách mạng thế giới. Tôi, một thập kỷ sau Bác Hồ, đã dần dần tìm đến lý tưởng cộng sản"...

Cuộc trò chuyện giữa A-lanh Rút-xi-ô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục đề cập đến việc Võ Nguyên Giáp năm 1929 đã ráo riết hoạt động để chuyển Tân Việt cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Rồi năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau đổi tên là Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1930 được đánh dấu bởi nhiều cuộc đấu tranh trực diện của phong trào yêu nước chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 2 là cuộc khởi nghĩa Yên Bái, mùa hè là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Thực dân Pháp đàn áp dã man: Quân đội Pháp càn quét, máy bay Pháp ném bom. Võ Nguyên Giáp tham gia tổ chức "Cứu tế cho Nghệ Tĩnh đỏ". Ông bị bắt và bị kết án hai năm tù. Ông được ra tù nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ Pháp, lúc đó ông vừa tròn hai mươi tuổi.

Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội học ở Trường Albert Sarraut, tốt nghiệp Tú tài triết học năm 1934, đăng ký vào học Trường Đại học Luật, là thầy giáo dạy sử ở Trường Thăng Long, đồng thời hoạt động cách mạng sôi nổi trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939).

A-lanh Rút-xi-ô chuyển sang hỏi chuyện lúc nào Võ Nguyên Giáp biết đến Nguyễn Ái Quốc và đọc tác phẩm của Người? Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Tôi không xác định thật rõ ràng lúc nào lần đầu tiên tôi nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc. Có thể vào năm 1926, 1927. Thời gian đó, học sinh Quốc học thường đến thăm cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt đưa về giam lỏng tại Huế. Cụ Phan Bội Châu không phải là người cộng sản, nhưng cụ rất ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc và nói chuyện về Nguyễn Ái Quốc cho chúng tôi nghe. Rồi đến một lúc, chúng tôi có được cuốn sách "Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp" và chuyền tay nhau đọc những tác phẩm khác của Nguyễn Ái Quốc, trong đó có bài phát biểu tại một cuộc họp ở Quảng Đông. Tất cả những tài liệu ấy đều bị cấm, người đọc có thể bị liên lụy, nhưng chúng tôi vẫn tìm ra nhiều cách để đọc. Tôi trèo lên ngọn một cây cao, quan sát bốn phía và ngồi trên đó mà đọc.

Đối với tầng lớp thanh niên chúng tôi, Nguyễn Ái Quốc tượng trưng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, không vụ lợi, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau đó tôi tiếp tục đọc nhiều tác phẩm của Mác - Lê-nin, sách của Nhà xuất bản Xã hội quốc tế (Editions sociales internationales), Báo Nhân đạo (Humanité), sách về chủ nghĩa Cộng sản (Cahiers du communisme) mà chúng tôi có được nhờ các thủy thủ Pháp là đảng viên cộng sản hoặc đoàn viên công đoàn Pháp mang sang Việt Nam. Điều đó, những người cách mạng Việt Nam thuộc thế hệ tôi không bao giờ quên".

Tiếp đó, trả lời câu hỏi của A-lanh Rút-xi-ô về điều gì là quan trọng nhất, là luận điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích: Mác - Ăng-ghen xây dựng học thuyết về đấu tranh cách mạng với nòng cốt là giai cấp vô sản vào thời điểm mà sự thống trị của châu Âu đối với thế giới mới bắt đầu và hình thức chủ nghĩa thực dân chưa phổ biến. Lúc đó chỉ mới có sự đô hộ của đế quốc Anh ở Ấn Độ và đế quốc Pháp ở An-giê-ri. Mác qua đời năm 1883, khi đó cuộc chinh phục của đế quốc Pháp ở Việt Nam chưa kết thúc.

Lê-nin đã nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc. Nhưng sau khi giành được chính quyền, Lê-nin không có nhiều thời gian dành cho vấn đề thuộc địa. Tuy nhiên Lê-nin đã có sự chỉ dẫn quý báu khi nói đến vai trò của phong trào giải phóng dân tộc.

Nguyễn Ái Quốc đã có những cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Người đã viết nhiều tác phẩm về vấn đề này, đã xuất bản Báo Le Paria. Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nêu lên luận điểm: Cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Nhân dân các nước thuộc địa có thể đem sức mình mà tự giải phóng cho mình, không ỷ lại chờ đợi cách mạng ở chính quốc thành công.

A-lanh Rút-xi-ô nói: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó là điều sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Người chiến sĩ du kích

A-lanh Rút-xi-ô hỏi: “Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Sự đô hộ của Pháp từ năm 1940 gắn liền với sự có mặt của quân đội Nhật. Lúc đó các ông có nhận thấy có những khả năng mới xuất hiện và nhiều sự kiện quan trọng sắp diễn ra hay không?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chúng tôi nhận định rằng tình hình quốc tế đang tạo ra thời cơ mới mà chúng tôi phải nắm bắt và sẵn sàng hành động. Chúng tôi nhận định rằng thế giới đang bước vào một chu kỳ chiến tranh và cách mạng mới. Chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp - Nhật. Chúng tôi đã đặt sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới. Từ mùa thu 1939 đến mùa xuân 1941 là giai đoạn then chốt. Thu 1939, chiến tranh thế giới bùng nổ; Xuân 1941, thành lập Mặt trận Việt Minh. Chính trong thời kỳ này đã hình thành và chín muồi ý tưởng về một mặt trận dân tộc thống nhất đấu tranh giành độc lập. Ý tưởng này do chính Bác Hồ nêu ra và Trung ương Đảng nhất trí”.

Trả lời câu hỏi của A-lanh Rút-xi-ô về việc Võ Nguyên Giáp được lệnh bí mật rời Việt Nam đi Trung Quốc, Đại tướng nói: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cho tôi biết quyết định của Đảng và tổ chức cho tôi ra đi. Tháng 5-1940, tôi rời khỏi Hà Nội, lòng đau như cắt vì tôi để lại đó Quang Thái, vợ tôi tay ẵm đứa con nhỏ. Tôi không ngờ rằng phút chia tay lại là phút vĩnh biệt. Tôi vượt biên giới trong một cuộc hành trình gian nan cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, người mà tôi đã cùng hoạt động trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương”.

AR: “Vậy là đến cái giây phút trọng đại đối với ông cũng như đối với lịch sử nước ông (nếu tôi nói rộng ra là đối với cả lịch sử thế giới nữa), đó là lần đầu tiên ông gặp Nguyễn Ái Quốc?”.

VNG: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ có ghé tai tôi nói: “Sang bên đó có thể gặp Nguyễn Ái Quốc”. Cuộc gặp diễn ra tháng 6-1940 tại Côn Minh với một người mang bí danh là Vương. Phạm Văn Đồng và tôi biết lúc đó Bác Hồ đang ở Nam Trung Quốc. Trên một con thuyền đậu tại Quý Hồ, chúng tôi gặp một người khoảng 50 tuổi rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có một chùm râu thưa, không có vẻ gì là thượng cấp, rất gần gũi, giản dị. Tuy gặp lần đầu nhưng tôi có cảm tưởng là đã quen biết từ lâu, nghe giọng nói của Người vẫn còn âm sắc miền Trung mặc dù Người đã xa nước khoảng 30 năm. Bác Hồ đã quen biết anh Đồng là người đã gặp Bác ở Quảng Đông khi hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bác nói rất dễ thương: “Chú Đồng không già đi chút nào!”. Đối với tôi thì Người nhận xét tôi giống như một cô gái! Cuộc gặp ngắn để không gây sự chú ý. Sau đó, chúng tôi thường gặp Bác lúc chỗ này lúc nơi khác, rất bất ngờ. Một thời gian sau, anh Đồng và tôi được cử đi Diên An, nhưng liền sau đó, có lệnh quay lại. Tình hình châu Âu đang biến chuyển mau lẹ. Phải về nước ngay chuẩn bị cho cuộc đấu tranh cách mạng. Đồng chí Vũ Anh về trước chọn được một địa điểm lý tưởng gần biên giới: Pắc Bó. Đầu năm 1941, Bác Hồ về đấy…”.

AR: “Các ông đã trở về Việt Nam và từ giờ phút này, các ông trải qua một cuộc sống triệt để bí mật. Ông có thể nói cho tôi biết những năm tháng hoạt động du kích từ 1941 đến 1945?”.

VNG: “Khoảng thời gian từ 1941 đến 1945, tôi nhiều lần bí mật qua lại biên giới, lúc sang Nam Trung Quốc, lúc trở về Pắc Bó tùy theo công việc. Đây là thời gian hoạt động vô cùng hào hứng chuẩn bị cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Chúng tôi tiến hành một công cuộc vận động quần chúng rộng lớn để tạo lực lượng. Chính quá trình này đã dẫn tới Cách mạng Tháng Tám 1945…”.

AR: “Các ông sống như thế nào? Về vật chất và tinh thần?”.

VNG: “Về tinh thần là vô cùng hứng khởi. Một kỷ niệm không bao giờ quên: Một đêm quanh đống lửa tại Pắc Bó, chúng tôi nghe Bác Hồ dự đoán: “Sự thất bại của chủ nghĩa phát xít là không thể tránh khỏi. Trong vòng bốn, năm năm nữa, Hít-le và quân phiệt Nhật sẽ thua. Đó là thời cơ giải phóng Tổ quốc mến yêu của chúng ta”. Nói điều đó, đôi mắt Người rực sáng. Chúng tôi rất cảm động. Ngay trong những lúc hoạt động du kích khó khăn gian khổ nhất, chúng tôi không lúc nào ngừng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Về đời sống vật chất thì vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi sống trong những hang hốc đầy rắn rết, đêm rét run cầm cập, có gì ăn nấy, thỉnh thoảng mới có chút thịt trộn rất nhiều muối, gọi là “thịt Việt Minh”.

Bác Hồ nhiều tuổi hơn chúng tôi nhưng lại có một sức chịu đựng phi thường. Người thích ứng với mọi hoàn cảnh. Người tự đặt cho mình một chế độ làm việc nghiêm ngặt. Bác dậy rất sớm (chính Bác đánh thức chúng tôi) tập thể dục rồi làm việc”.

(Còn nữa)

Trung tướng Phạm Hồng Cư