Sau một thời gian lăn lộn dưới bom đạn biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, cuối tháng 4-1965 đoàn văn công Quảng Bình được Bộ Văn hóa cho ra nghỉ dưỡng và học tập ở Hà Nội.
 |
Nhà hát Cải lương Trung ương biểu diễn cho Bác Hồ xem tiết mục Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài (năm 1955) (ảnh internet) |
Từ Quảng Bình mới ra, lại được biểu diễn tại câu lạc bộ Thống Nhất giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, mừng thì mừng mà lo cũng rất lo. Vì tiết mục hầu hết là “cây nhà, lá vườn”, anh chị em tự biên, tự diễn, đơn giản, mộc mạc, giọng nói miền Trung. Sức khỏe sút kém, đa số anh chị em đều gầy và xanh không biết có đáp ứng nổi đòi hỏi nghệ thuật của bà con Thủ đô hay không? Hôm ấy là ngày 1 tháng 5 năm 1965, giấy mời xem biểu diễn tại câu lạc bộ Thống Nhất đã phát hết. Đùng một cái, chúng tôi được hoãn diễn tại câu lạc bộ để đi “Phục vụ đặc biệt!”. Ai cũng đoán già đoán non rằng: Tối nay nhất định đoàn sẽ phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Quốc phòng, vì mấy lần Đại tướng vào công tác tại quê hương nhưng quá bận chưa có dịp xem đoàn diễn và đó cũng là nguyện vọng, ao ước của anh chị em trong đoàn.
Đúng 5 giờ chiều, hai chiếc xe đến chở đoàn đi, gồm 20 cán bộ và diễn viên (13 nam, 7 nữ). Hỏi các đồng chí lái xe chở đoàn đi diễn ở đâu, họ mỉm cười và im lặng. Không đầy 15 phút sau, xe đã đưa chúng tôi vào Phủ Chủ tịch, lúc này được thông báo là phục vụ Trung ương Đảng. Anh chị em ai cũng vui mừng, lãnh đạo đoàn căn dặn: Phải gắng hết sức diễn thật hay. Trong lúc hóa trang, cô Nam Kỷ nói nhỏ với bạn: “Mình tự nhiên đau bụng không biết có diễn được không?”.
Một lúc sau có người đến báo là Bác Hồ đến thăm, mới nghe nói ai cũng bồi hồi, thấp thỏm; gương lược, phấn sáp, bút chì không cầm nổi. Có người tự kiểm tra mình xem thử thức hay ngủ, sự thật hay chiêm bao? Và rồi Bác đến thật. Vừa nhìn thấy Bác mọi người đều òa lên khóc nức nở. Bác bảo:
- Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi, đánh giặc kiên cường, bây giờ phải vui lên chứ sao lại khóc?
Nói vậy nhưng rồi Bác cũng lấy khăn lau nước mắt của mình. Bác hỏi:
- Lúc nãy, có cháu nào kêu đau bụng để bác sĩ đem thuốc cho cháu uống.
Cô Nam Kỷ thưa:
- Dạ thưa Bác, lúc nãy, cháu đau bụng, nhưng bây giờ trông thấy Bác vui mừng, sung sướng quá nên hết đau rồi ạ.
Có người thắc mắc: Nam Kỷ nói nho nhỏ mà Bác nghe được? Thì ra trong phòng có máy thu thanh.
Giờ diễn đã đến, màn mở đầu, bảy cô cầm bảy cái mẹt tròn bằng cái nón phía trước dán giấy đỏ với câu khẩu hiệu: “Tinh thần ngày 1-5 muôn năm”. Đây là sáng kiến của đoàn trưởng vì tiết mục mới sáng tác kịp thời phục vụ Trung ương bằng tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên, các cô chưa thuộc hết nên phải dán bài hát vào trong tấm mẹt để nhìn và hát. Hát xong, Bác Hồ lên sân khấu giơ cái mẹt lên và nói:
- Thưa quí vị khán giả: Đây không đơn thuần là câu khẩu hiệu mà tủ đựng tài liệu của các cháu tôi đó!
Mọi người cười vang…
Khi tốp ca nữ hát xong bài “Quảng Bình quê ta ơi!”, Bác nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chú lên tặng hoa cho các cháu đi. Quảng Bình quê chú đó!”. Thế là Đại tướng vui vẻ tặng cho mỗi cô một bông hoa. Khi cô diễn viên kể xong bài vè “Mẹ Suốt”, Bác hỏi:
- Cháu có biết ai sáng tác bài đó không?
Cô diễn viên thưa:
- Thưa Bác, bài này do chú Tố Hữu viết!
Bác lại hỏi: “Thế cháu đã gặp, đã biết chú Tố Hữu chưa?”.
Cô diễn viên trả lời:
- Thưa Bác, cháu chưa gặp, chưa biết ạ!
Bác mời đồng chí Tố Hữu lên tặng hoa. Tặng hoa xong, đồng chí Tố Hữu hỏi:
- Rứa chừ o đã biết tui chưa?
Cả hội trường lại cười vang. Khi diễn viên độc tấu bài “Mạ thằng Cu” (bài này kể chuyện mạ thằng Cu sợ máy bay). Diễn viên sợ người Bắc không hiểu từ “mạ” nên sửa lại “mẹ thằng Cu”. Bác cải chính ngay: “Miền Trung ta thì đa phần gọi “mạ”, ít ai gọi “mẹ”. Cứ sau mỗi tiết mục, Bác mời một đồng chí Trung ương lên tặng hoa. Khi hoa giữa bàn hết, các đồng chí phục vụ phải ra vườn hái thêm. Đêm đó có 8 tiết mục ca hát và một vở kịch “Bữa cơm trưa”. Tất cả chương trình chỉ khống chế trong một giờ 30 phút. Diễn xong, Bác gọi: “Đồng chí kéo cái dộp dộp ở đâu? (Bác gọi vui cây đàn Ác-coóc-đi-ông) hãy kéo bài “Kết đoàn” để ta cùng hát chung!”. Cuối cùng Bác gọi: “Chú nháy đâu, nháy cho Bác cháu tôi một pô nào?”.
Chụp ảnh xong, Bác chia kẹo và thuốc lá. Nữ, một cô vài ba cái kẹo; nam, mỗi người một điếu thuốc. Nhận quà xong, ai cũng muốn đứng gần Bác để nắm được cái áo, sờ được chòm râu. Hai mươi cán bộ và diễn viên đoàn văn công Quảng Bình vây quanh Bác không chịu rời. Bác bảo: “Nghe nói Quảng Bình quân sự giỏi mà nghiêm lắm phải không?”. Mọi người đều trả lời: “Thưa Bác, đúng đấy ạ!”. Vậy thì tất cả xếp một hàng dọc. Rồi Bác hô: “Nghiêm, đằng sau quay”. Mọi người làm theo và Bác hô: “Đi đều, bước, một, hai, một, hai…”. Đi được mấy bước, chúng tôi quay lại đã không thấy Bác nữa rồi. Đêm đó, diễn xong, hậu cần của Bác cho đoàn ăn một bữa cháo cá thật ngon nhưng vì sung sướng, cảm động nên không ai ăn nổi…
Sáng hôm sau đồng chí phục vụ đem đến cho mỗi người một tấm ảnh.
NGỌC TRANH