 |
Ông La-ri Bơ-mân (giữa) tại buổi giao lưu sáng 12-6.
Ảnh: Phương Linh |
Đã nhiều lần gặp gỡ, giao lưu với độc giả Việt Nam, nhưng cuộc giao lưu giữa Giáo sư, tiến sĩ La-ri Bơ-mân, tác giả cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” với các nhà sử học, giới báo chí và các sinh viên Việt Nam sáng hôm qua (12-6) tại Nhà xuất bản Thông tấn đã gợi mở thêm nhiều điều mà người ta còn chưa biết về cuốn sách này cũng như kế hoạch sắp tới của ông La-ri.
Trước khi viết cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”, Giáo sư La-ri đã viết bốn cuốn sách khác về Việt Nam, nhưng tất cả đều là Việt Nam qua cái nhìn của người Mỹ. Khi bắt tay viết “Điệp viên hoàn hảo” cũng là lúc ông bắt đầu nhìn đất nước Việt Nam qua con mắt của một người Việt Nam. Ông là học giả Mỹ đầu tiên viết về Phạm Xuân Ẩn. Tại Việt Nam, cuốn sách đã được phát hành 31 nghìn bản, một dấu ấn cho một cuốn sách hiện nay.
- Tại sao ông lại chọn Phạm Xuân Ẩn cho tác phẩm của mình?
- Trong hơn 20 năm qua, đã có nhiều người muốn viết về cuộc đời của ông Phạm Xuân Ẩn. Nhiều người cũng như bản thân tôi thường hỏi: “Tại sao một điệp viên như ông Ẩn lại có nhiều người bạn đến như vậy?”. Đây chính là một phần trong những điều bí ẩn của cuộc đời điệp viên số một của Việt Nam.
Giống như bao tác giả khác, tôi cũng muốn viết về Phạm Xuân Ẩn nhưng cuối cùng chính Phạm Xuân Ẩn lại chọn tôi là người viết. Ông ấy chọn tôi để tiết lộ một số điều bí mật mà ông đang nắm giữ, bởi lẽ ông thích và tôn trọng một số cuốn sách mà tôi viết trước đây về Việt Nam. Ông Ẩn tin rằng, để tôi viết về cuộc đời của ông ấy sẽ có lợi cho cả người Việt Nam lẫn người Mỹ.
Chính vì vậy, khi cuốn sách ra đời, nó trở thành cuốn sách tôi tâm đắc nhất. Tôi rất cảm ơn ông Ẩn bởi ông đã dạy tôi những điều mà tôi tưởng như biết rồi nhưng thực ra tôi chưa biết. Tôi có thể đã nghe tới Việt Nam nhưng chưa hiểu về đất nước này cho đến khi tôi gặp Phạm Xuân Ẩn.
- Sinh viên Mỹ, đặc biệt là sinh viên trường đại học Ca-li-pho-ni-a, nơi ông Phạm Xuân Ẩn từng học, đã đón nhận cuốn sách này như thế nào?
-Các sinh viên Mỹ rất quan tâm tới cuốn sách này. Họ không thể tin rằng một điệp viên sống hai mặt này lại chưa hề một lần bị lộ. Các sinh viên trường đại học Ca-li-pho-ni-a khi đọc xong cuốn sách của tôi đều đặt một câu hỏi: “Tại sao nước Mỹ không rút ra bài học của Việt Nam trước đây với cuộc chiến ở I-rắc hiện nay?”. Sinh viên Mỹ còn lập ra một trang web để kết nối với nhau. Họ thảo luận về nhiều vấn đề như tại sao Mỹ lại can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; Người Mỹ có hiểu được văn hóa, lịch sử của Việt Nam hay không?...
- Cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” đã được chuyển thể thành phim. Vậy bộ phim ấy bám theo tinh thần cuốn sách hay là trở thành một bộ phim phiêu lưu, hành động như trong các bộ phim Mỹ?
-Tôi đã bán bản quyền tác phẩm cho một nhà làm phim. Nhà làm phim đã hỏi tôi muốn làm bộ phim này như thế nào. Tôi đã trả lời rằng, bộ phim ra đời phải dựa trên cuốn sách, chứ không phải dạng phim mạo hiểm. Tuy nhiên, bộ phim này cũng không phải là bộ phim tài liệu mà sẽ theo dạng phim truyện. Trong phim sẽ khắc họa chân dung điệp viên Phạm Xuân Ẩn, về những việc mà ông ấy đã làm cho phía Việt Nam. Bộ phim còn nói về chiến tranh, về cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân cũng như sự sụp đổ của quân đội Mỹ ở Sài Gòn năm 1975.
Ước muốn của tôi là quay bộ phim này ở Việt Nam. Bên Mỹ, chúng tôi chưa ký hợp đồng nào để làm bộ phim này nhưng nhiều đạo diễn nổi tiếng bày tỏ sự quan tâm của họ muốn quay bộ phim này. Tôi chỉ chấp nhận với điều kiện phim phải quay ở Việt Nam.
-Được biết, sau “Điệp viên hòan hảo”, ông có kế hoạch viết một cuốn sách về chất độc da cam. Tại sao ông lại chọn chủ đề này vốn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay?
- Vâng, tôi đang viết một cuốn sách về chất độc da cam ở Việt Nam, trong đó khắc họa chân dung đô đốc En-mô Ru-xeo Dum-oát, người tham gia rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Trong suy nghĩ của tôi, ông Dum-oát đã bị các công ty hóa chất và Chính phủ Mỹ đánh lừa về tác hại của chất độc da cam. Kết quả là chính con trai của ông (cũng từng tham chiến ở Việt Nam thời kỳ đó) đã chết vì phơi nhiễm chất độc da cam.
Đô đốc Dum-oát, với tư cách là thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và là Tư lệnh hải quân Mỹ tại Việt Nam, đã ra lệnh rải chất độc da cam ở đất nước các bạn trong chiến tranh. Khi biết được hậu quả của chất độc da cam, ông Dum-oát đã đi đầu trong các cuộc biểu tình và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có sự đền bù cho người dân Việt Nam cũng như các cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Năm 1995, ông Dum-oát đã trở lại Việt Nam, đến Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bắt đầu những nỗ lực đầu tiên, với hi vọng có thể giúp giải quyết vấn đề chất độc da cam từ những phối hợp trong lĩnh vực y tế. Ông đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra sự hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam nghiên cứu về hậu quả chất độc da cam... Tôi hi vọng, ba năm nữa khi hoàn thành cuốn sách này, tôi sẽ trở lại Việt Nam để giới thiệu với các bạn.
-Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh-Vân Anh (ghi)