 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hồ Chí Minh năm 2004 |
Tại TP Hồ Chí Minh có Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ với hàng trăm hội viên. Họ là những chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 55 năm trước. Năm nay, họ cùng nhau ngồi lại, viết nên cuốn sách “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”…
“Cha của tôi quê ở Phú Yên, từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ nên tôi luôn ấp ủ viết về vùng đất thiêng liêng này. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Điện Biên trong tôi”. Năm nay, hướng tới kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên tôi vinh dự được Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ mời vào ban biên tập cuốn sách “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”-Trung tướng Lê Nam Phong, Trưởng ban liên lạc, nguyên là đại đội trưởng “mở cửa” của tiểu đoàn 322, Trung đoàn Tu Vũ, Đại đoàn 308, kể lại.
Dưới tán cây xoài già, các cựu chiến binh Điện Biên cùng nhau ôn lại những trận chiến năm xưa. Ngày ấy, ông Lê Nam Phong mới 28 tuổi, chỉ huy đại đội đánh vào đồi Độc Lập đêm 14-3-1954. Nhớ lại kỷ niệm xưa, Trung tướng Lê Nam Phong bùi ngùi vì sự hy sinh quá lớn của những chiến sĩ Điện Biên. Ở đại đội của ông, phải liên tục bổ sung quân từ tuyến sau lên. Một người ngã xuống, người khác thế vào, đến nỗi có người lính mới, ông chưa kịp biết tên thì anh đã hy sinh. Trước khi vào đợt 2 chiến dịch, đại đội trưởng Lê Nam Phong có một sáng kiến khá thú vị: “Tất cả cạo trọc đầu hết để thể hiện quyết thắng trận này”. Mọi người nghe ý kiến đó thì khoái vô cùng, vì vừa thể hiện quyết tâm chiến đấu, vừa để cho mát, nhất là nơi chiến hào nhão nhoét bùn đất. Thế là anh này lấy kéo cắt cho anh kia, rồi lấy dao cạo sạch. Cả đại đội đầu nhẵn thín như các sư trên chùa vậy. Từ đó đại đội trưởng Lê Nam Phong có biệt danh mới “Đại đội trưởng đầu trọc”.
Thiếu tướng Bùi Nam Hà, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung đoàn của ông được giao về tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào tháng 10-1954. Một vinh dự cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn là được gặp Bác Hồ tại Đền Hùng để nghe Bác căn dặn trước khi vào Hà Nội. Tại đây Bác đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy đã ghi vào tâm khảm của ông và các đồng đội trong suốt cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ.
Đại tá Hoàng Minh Phương cho biết, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban liên lạc đã phối hợp với công ty Mai Linh tổ chức cho hàng trăm cựu chiến binh Điện Biên Phủ hành quân về lại chiến trường xưa. Còn năm nay, kỷ niệm 55 năm, Ban liên lạc mong muốn có cuốn sách tập hợp những bài viết của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại TP Hồ Chí Minh để ghi nhận những kinh nghiệm, những bài học chiến đấu cho thế hệ mai sau.
Đại tá Minh Cao, nguyên Chính trị viên phó của tiểu đoàn Phủ Thông, tiểu đoàn được giao đánh trận mở đầu vào cứ điểm Him Lam, được giao trưởng ban biên tập cuốn sách cũng viết ba bài về tiểu đoàn Phủ Thông oai hùng, về tình cảm của ông với miền Tây Bắc.
Trong ban biên tập cuốn sách còn có nhà biên kịch Lê Nguyên, người có cả ba anh em trai cùng tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Anh cả Lê Hào ở trung đoàn 141, ông Lê Tuân là trung đội trưởng vận tải ở đèo Lũng Lô, còn Lê Nguyên được giao phụ trách tờ báo “Anh dũng” của Đại đoàn 312. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lê Nguyên còn gắn bó nhiều với Điện Biên, ông đã có nhiều sáng tác thơ, nhạc về miền ký ức Điện Biên Phủ xưa.
Đến dự buổi gặp mặt tại nhà Trung tướng Lê Nam Phong còn có đạo diễn điện ảnh Nguyễn Trí Việt, nguyên Chính trị viên đại đội 245, thuộc tiểu đoàn Phủ Thông, trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ông Nguyễn Trí Việt là một trong 3 người Nam Bộ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông mới 24 tuổi, nay đã 79 tuổi, sức khỏe đã giảm sút. Ngồi cạnh tôi, ông ho sù sụ mà vẫn nhẩm bài hát năm xưa đi chiến dịch “Đường trường muôn dặm thân nam nhi. Coi thường chinh chiến ta cùng đi. Căm thù vay trả có sá chi…”. Ông nhắc đến đỉnh Pú Hồng, dốc Chuối, đèo “Cụ Mậu”… những địa danh ở Điện Biên mà ông đã cùng đồng đội kéo pháo vượt qua. Lúc chia tay, ông dặn chúng tôi: “Các bạn trẻ gắng làm cuốn sách cho ngon lành nhé, đây là tấm lòng của chúng tôi với Điện Biên…”. Không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp ông. Ông đã ra đi trước khi cuốn sách hoàn thành.
Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã tuổi cao sức yếu, nhưng họ vẫn tích cực trong công tác xã hội, đem ngọn lửa Điện Biên truyền cho lớp trẻ. Cuốn sách “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện” sẽ là món quà quí giá trong dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG