Đại tá Trần Chất với kỷ vật chiếc khăn do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng chiến sĩ Điện Biên Phủ xuất sắc năm 1954.

Tôi tìm gặp Đại tá Trần Chất, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 265 (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ Đô) người đã tham gia trận đánh công kiên Đồi A1 ngày 31-3-1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh đã đi vào lịch sử như một chiến tích oai hùng, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

18 giờ 15 phút ngày 31-3-1954, trận tiến công Đồi A1 bắt đầu. Sau 15 phút chiến đấu, cả mũi điểm và mũi diện của ta đã hoàn toàn làm chủ tầng phòng ngự phía dưới của quân Pháp, bắt sống 15 tên; chiến sĩ ta tìm thấy một ngách phụ và đánh bộc phá, diệt 20 tên, bắt sống 4 tên. Đến 2 giờ sáng ngày 1-4-1954, địch đưa hai đại đội quân cơ động từ Mường Thanh lên phản kích, cả hai đợt đều bị bộ đội ta đánh lui…

Đại tá Trần Chất, người đại đội trưởng đánh trận trên Đồi A1 năm xưa nay đã bước vào tuổi 85. Ông quê ở làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). Nhà nghèo, dưới thời nô lệ, ông phải đi kiếm sống bằng nghề khuân vác thuê ở Hà Nội. Cách mạng Tháng 8 thành công, ông là chiến sĩ tự vệ tham gia giành chính quyền và sau là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô ở Việt Bắc, là Tiểu đội trưởng chỉ huy khẩu đội ba-dô-ka (loại súng do bộ đội quân giới của ta chế tạo) bắn chìm tàu chiến địch trên sông Lô tại Bình Ca ngày 12-10-1947. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen và tiểu đoàn của ông được vinh dự mang tên “Tiểu đoàn Bình Ca”. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, với tinh thần chiến đấu mưu trí dũng cảm, lập công xuất sắc, ông được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gửi tặng một chiếc khăn do chị em tự may. Quá trình chiến đấu, Đại đội trưởng Trần Chất đã 5 lần bị thương, lần bị thương nặng nhất tại Đồi A1, tưởng như đã phải cưa chân, nhưng nhờ sự tận tình cứu chữa của các chiến sĩ quân y, ông đã qua khỏi và tiếp tục trở về đội ngũ chiến đấu.

Đại tá Trần Chất sau này công tác tại Học viện Chính trị, giữ các cương vị: Trưởng phòng Cán bộ, rồi Hệ trưởng Hệ Quốc tế. Đến năm 1984, ông về hưu và tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay, ông định cư tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vợ ông cũng là chiến sĩ thanh niên xung phong, không may bị bại liệt và từ hơn 10 năm nay luôn được ông chăm sóc chu đáo; mọi sinh hoạt cá nhân của bà đều do ông hỗ trợ. Bà con khu dân cư hằng ngày vẫn thấy ông đẩy xe đưa bà đi dạo trong khuôn viên khu tập thể. Một người con trai của ông đã dũng cảm nhảy xuống nước cứu bạn và không may bị tử vong. Nén đau thương, bệnh tật, ông bà đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách giữa đời thường, sống một cuộc sống thanh bạch, giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” và luôn được bà con lối xóm quý trọng.

NGUYỄN VĂN VĨNH