|
Các chiến sĩ Vệ quốc bảo vệ từng căn nhà, từng tấc đất của thủ đô Hà Nội. | |
Ngày 19/12/1946, trước dã tâm tái xâm lược nước ta của thực dân Pháp, "Nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên"(1). Đó là ngày mở đầu "cuộc tổng tiến công"(2), "cuộc tổng giao chiến đầu tiên"(3) của cuộc chiến tranh cách mạng đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo.
Ngày đó đã đi vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam là ngày mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp oanh liệt, đầy tự hào với bao điều không thể nào quên...
Phát động cuộc chiến đúng thời cơ
Lần đầu tiên lãnh đạo kháng chiến, nhưng từ sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấu dã tâm của kẻ thù. Ngay trong Hội nghị toàn quốc của Đảng tháng 8.1945 ở Tân Trào trước tổng khởi nghĩa, Đảng đã chỉ rõ "Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị của chúng ở Đông Dương"(4).
Để đối phó với kẻ thù mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương vừa kiên quyết kháng chiến ở miền Nam, vừa ra sức xây dựng chế độ mới, Nhà nước mới về mọi mặt, thể hiện thiện chí hoà bình, kiên trì đối thoại nhằm thủ tiêu hoặc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất: Chiến tranh lan rộng ra cả nước...
Bất chấp thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân ta, quân Pháp liên tục khiêu khích, lấn chiếm và tìm cách mở rộng chiến tranh, chỉ cần "một phần quân tăng viện từ mẫu quốc được chờ đợi đã đến nơi, nghĩa là khoảng 15.1.1947..."(5).
Điều đó hoàn toàn trùng hợp với một bản báo cáo của Morett - Giám đốc Sở An ninh Pháp tại Bắc Kỳ - phân tích tình hình ngày 15/12/1946, như sau: "Tôi không nghĩ rằng, Bộ chỉ huy các lực lượng Việt Nam có ý định mở cuộc xung đột, bởi họ đã có rất nhiều cơ hội, nhưng họ không lợi dụng những cơ hội đó. Theo ý mọi người, chúng ta mà chủ động gây chiến trước thì chỉ có thể là thắng lợi"(6).
Nhưng Pháp chưa đủ lực lượng cần thiết, họ phải chờ đợi, ít nhất vào giữa tháng 1 năm sau. Và khoảng thời gian đó (cuối tháng 12/1946 đến giữa tháng 1/1947) là thời cơ thuận lợi nhất để Đảng ta phát động kháng chiến toàn quốc. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, có thể nói đó là thời điểm tối ưu trong một thời cơ thuận lợi.
Một số người trong chính giới Pháp(7) đổ lỗi cho phía Việt Nam đã gây ra chiến tranh, họ xem đây là "một sự nhầm lẫn chính trị to lớn, nó đã đưa Đông Dương vào một cuộc chiến tranh dài vô tận..."(8).
Những tác giả trên cố tình không nhớ đến việc giới hiếu chiến Pháp đã chuẩn bị trở lại xâm lược Đông Dương khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc. Việc họ theo gót quân Anh vào miền Nam là bất hợp pháp, việc ra được miền Bắc là nhờ sự mua bán với Tưởng Giới Thạch và bao lần không thực hiện các điều cam kết, liên tục khiêu khích, lấn chiếm, tiếp tục đưa quân sang để mở rộng chiến tranh...
Sau này, nhiều tác giả nước ngoài đã chỉ rõ nguồn gốc của cuộc chiến tranh. King C.Chen - một người Mỹ gốc Hoa - khẳng định: Về quân sự, tuy Việt Minh tiến công trước, nhưng điều đó không che lấp nguyên nhân thật sự của chiến tranh: "Việc trở lại chế độ thực dân Pháp mới là nguyên nhân căn bản của cuộc chiến"(9). Ký giả Mỹ Z.P.Harrison: "Có thể nói, ngay từ đầu Việt Minh đã nhượng bộ người Pháp, không còn cách nào tránh nổi, họ đã phải tiến hành chiến tranh"(10).
Vậy là, lãnh đạo cuộc kháng chiến đầu tiên sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, chủ động và kiên quyết phát động cuộc chiến đúng thời cơ, khi khả năng hoà hoãn không còn và đất nước đã được chuẩn bị về mọi mặt.
Sự kỳ diệu của chiến tranh nhân dân
Căn cứ vào tương quan lực lượng, vào thực trạng địch-ta, tối 19 tháng 12 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy chính thức phát lệnh cho các đơn vị, địa phương, chiến trường nổ súng đồng loạt.
20 giờ 3 phút ngày 19/12, quân và dân ta ở Hà Nội nổ súng đánh địch. Ngay trong đêm đến rạng sáng hôm sau, các thành phố, thị xã: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòn Gai, Vinh, Nam Định, Huế cũng nổ súng đánh địch. Với nhiều lý do, trước hết là bởi phương tiện thông tin lạc hậu và kinh nghiệm triển khai phối hợp, chỉ huy chiến đấu còn hạn chế, chỉ Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian, những nơi khác chậm từ 2 đến 7 giờ.
Quân và dân ta trên chiến trường Nam Bộ đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến phối hợp với miền Bắc, "Nhiệm vụ của Nam Bộ là không thể cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc"(11).
Chủ trương đánh địch cùng lúc và đã tổ chức đánh địch gần như cùng một thời điểm, với tinh thần chủ động, đúng thời cơ, đã thể hiện rực rỡ nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh của Đảng ta.
Với một nhân dân đã làm chủ đất nước, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chỉ huy, cuộc tổng tiến công của quân và dân ta đã giam chân hàng vạn quân địch suốt hơn 3 tháng trời, tạo điều kiện cho cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến. Nhớ lại, cuối thế kỷ XIX, khi đánh Hà Nội, quân Pháp chỉ có vài đại đội bộ binh, do vài viên sĩ quan cấp uý chỉ huy mà đã chiếm thành, chiếm cả thành phố trong vài ngày, mới thấy rõ sự kỳ diệu của chiến tranh nhân dân có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng.
Chúng ta vui mừng bởi lịch sử hai nước Việt-Pháp đã sang một chương mới. Đó là sự hợp tác và hữu nghị vì lợi ích của cả hai nước trong một thế giới hiện đại. Ôn lại quá khứ cũng là để cho quá khứ nhắc nhở hiện tại và tương lai, để những gì thuộc lợi ích chân chính của nhân dân hai nước và cả loài người không ngừng phát triển.
Chú thích: (1). Trường Chinh, Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, H, 1987, tr.22. (2). Văn kiện quân sự của Đảng, Nxb QĐND, H, 1976, tr.105. (3). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND-Nxb Thanh niên, H, 1995, tr.30. (4). Văn kiện Đảng 1930-1945, Nxb Sự thật, H, 1977, tr.413. (5). Dẫn theo Phi-líp Đơ-vi-le: Paris-Sài Gòn-Hà Nội, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993, tr.323. (6). Dẫn theo Phi-líp Đơ-vi-le: Paris-Sài Gòn-Hà Nội, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993, tr.402-403. (7). Xem J.Xanh-tơ-ni: Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Paris, 1967, lưu Thư viện Trung ương Quân đội (bản dịch), tr.21 và 254 và Xa-lăng: Một đế chế cáo chung (hồi ký), Paris, 1971, lưu Viện LSQS Việt Nam (bản dịch), tr.18 và 19. (8). R.Xa-lăng, Sđd, tr.18-19. (9). King C.Chen, Việt Nam và Trung Quốc (1938-1954), Sài Gòn cơ sở xuất bản Sử Địa, 1973, lưu Thư viện Viện LSQS, tr.180. (10). Z.P.He-ri-xơn, Cuộc chiến tranh triền miên, Niu-oóc, 1982, lưu Trung tâm Thông tin Khoa học và Kỹ thuật quân sự (bản dịch). (11). Văn kiện quân sự của Đảng, tập 2, Nxb QĐND, H, 1976, tr.69.
B.N - (theo Lao động) |