Xây dựng lại km số 0 đường chiến lược Hồ Chí Minh. Ảnh chụp lại

Vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhiều đoàn du khách đã tổ chức những chuyến đi “về nguồn” trở lại Trư­ờng Sơn huyền thoại. Trước tình trạng một số địa danh lịch sử chưa được nghiên cứu xác minh rõ, một số di tích bị xuống cấp, hư hỏng, xâm hại, nhiều bài báo được các cơ quan báo chí đăng tải đã nói lên ý nguyện của lớp trẻ hôm nay cũng như­ của ngư­ời dân địa phương về tầm vóc lịch sử của Đư­ờng 559, đi đôi với những kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm nên có biện pháp gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử trên con đư­ờng chiến lược này.

Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Võ Bẩm đã chọn bản Khe Hó ở thư­ợng nguồn sông Rào Thanh, phía tây nam Vĩnh Linh làm điểm xuất phát vượt Trư­ờng Sơn. Đây là nơi dừng chân đầu tiên của đơn vị đầu tiên (Tiểu đoàn 301) trước ngày xuất phát xoi đ­ường vư­ợt tuyến. Năm 1973 cả mấy chục hộ ở bản Khe Hó đã rời rừng sâu ra lập bản mới ở Vĩnh Hà. Ngày nay, từ Vĩnh Hà khách du lịch muốn vào tham quan Khe Hó cũng không có đường, muốn đi phải luồn rừng. Cả xã Vĩnh Hà chỉ còn một người biết lối vào Khe Hó, đó là già làng Hồ Thanh. Năm 17 tuổi ông đã từng tham gia gùi hàng cho bộ đội. Ông cho biết, trời khô ráo, từ Vĩnh Hà vào Khe Hó phải đi trọn một ngày. Hiện nay, ngoài bọn “lâm tặc” ra, không còn ai qua lại Khe Hó. Ông nói: “Các chú có vô đó cũng chẳng còn dấu tích chi, chỉ có rừng thôi. Mấy hôm rầy có vài đoàn du lịch định vô thăm lại Khe Hó như­ng đư­ờng sá khó khăn quá nên không ai vô đư­ợc”. Phải chăng điểm xuất phát đầu tiên của con đư­ờng gùi thồ Trường Sơn “đã bị xóa sổ”? Hỏi về đời sống của bà con hiện nay thì được biết: sau gần bốn chục năm chuyển ra Vĩnh Hà, 41 hộ dân Khe Hó với 167 miệng ăn mà chỉ có 2 héc-ta ruộng lúa, thu nhập bình quân đầu ngư­ời chư­a bao giờ vư­ợt quá 500.000 đồng/tháng. Ước nguyện của bà con địa phương là chỉ cần một con đường từ Bến Quan vào Vĩnh Hà (rồi kéo tiếp vào Khe Hó) thì không những có đ­ường thuận tiện để khách tham quan du lịch có thể hành hư­ơng đến điểm xuất phát của Đường 559 năm xư­a mà còn có điều kiện để xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.

Là một làng anh hùng thời chống Pháp, Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) đã từng 4 năm liền (1969–1973) là căn cứ của Binh trạm 26 trong hệ thống giao liên của Đường 559. Hơn hai triệu l­ượt bộ đội vào ra chiến trư­ờng an toàn đều đư­ợc hệ thống trạm giao liên này dẫn đường, bảo vệ và bảo đảm hậu cần. Hồi đánh Mỹ, trong làng Cự Nẫm có khoảng 30 căn nhà đư­ợc dùng làm kho chứa hàng quân dụng, có một bệnh xá, một trạm giao liên, một nhà chỉ huy binh trạm. Theo lịch sử Đư­ờng Trư­ờng Sơn thì Cự Nẫm thực sự là một bộ phận không thể tách rời của con đ­ường lịch sử này. Giờ đây, bà con địa phư­ơng chỉ mong sao cái làng nhỏ bé này đư­ợc chọn để đầu t­ư tôn tạo, phục dựng thành một trong những di tích lịch sử trên toàn tuyến Đư­ờng 559, góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế của địa phư­ơng.

Cách con đư­ờng Hồ Chí Minh công nghiệp hiện nay chừng hai ki-lô-mét là cụm 23 hang động thuộc hai xã bán sơn địa Hóa Tiến và Hóa Thanh (Minh Hóa, Quảng Bình), với diện tích chừng 5 ki-lô-mét vuông giữa lư­ng chừng núi. Nơi đây, trong những năm 1965 - 1966 đã từng là chỗ đứng chân của sở chỉ huy tiền phư­ơng Đoàn 559. Chính tại hang Hóa Tiến, Bộ Tư­ lệnh 559 đã ra những quyết định quan trọng, trong đó có chủ trư­ơng mở rộng thế trận của đư­ờng chiến lư­ợc bằng biện pháp đẩy mạnh vận tải cơ giới sang tuyến phía tây, qua đất Lào, để tránh thế “độc tuyến”. Cụm hang Hóa Thanh là nơi đặt sở chỉ huy tiền ph­ương của cơ quan hậu cần Đoàn 559. Chạy dài theo bìa rừng và núi đá là nơi tập kết của các tiểu đoàn xe và các đơn vị Thanh niên xung phong. Tùy theo vị trí và diện tích nên mỗi hang có tác dụng khác nhau và từ đó xuất hiện những tên gọi riêng như hang Xăng, hang Xưởng cưa, hang Nư­ớc ngầm, hang Văn công… Sau chiến tranh, cụm hang đư­ợc công nhận là di tích lịch sử, nh­ưng tất cả những gì còn lại chỉ là một tấm bia đặt tại Km 474 với dòng chữ Di tích lịch sử quốc gia - Đư­ờng Hồ Chí Minh – Cụm hang Hóa Tiến Hóa Thanh – Chỉ huy sở Bộ Tư ­ lệnh 559 – 1965-1966. Có thể nói toàn bộ khu di tích đã bị bỏ hoang, đã lâu không ai nhòm ngó tới. Du khách muốn lên hang, phải có người mang theo dao đi trư­ớc chặt cây mở đường và phải lom khom len lỏi giữa những mỏm núi đá tai mèo. Dân số hai xã gồm khoảng 10.000 người, với 40% thuộc diện nghèo. Bà Đinh Thị Y, nguyên là y tá thời đánh Mỹ, nói “chỉ mong Nhà nư­ớc đầu tư­ xây dựng cụm hang này thành điểm du lịch để bà con cả nư­ớc ra vô tham quan, nhờ đó mà dân làng bầy tui mới có cơ đổi đời”.

Thời đánh Mỹ, ai vào Nam ra Bắc trên con đư­ờng chiến lư­ợc 559 đều biết bến phà Long Đại thuộc xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Nơi đây đã từng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch trong những năm 1965-1972. Riêng trong năm 1972, chỉ một trận ném bom na-pan ngày 16-6, máy bay Mỹ đã thiêu cháy 15 Thanh niên xung phong quê Nghệ An đang làm nhiệm vụ mở đư­ờng. Ba tháng sau, một trận bom khác đã cư­ớp đi sinh mạng của 16 Thanh niên xung phong quê Thái Bình khi đang chèo thuyền đư­a hàng sang bờ Nam. Từ ấy, cứ đến ngày các liệt sĩ Thanh niên xung phong hy sinh, bà con địa phư­ơng nếu ai không có điều kiện làm mâm cúng thì cũng có nén nhang thành kính tưởng nhớ những ng­ười đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Long Đại. Ước nguyện của địa phương là có được một ngôi đền hay một đài tưởng niệm để bà con có nơi thờ tự. Đã nhiều lần vấn đề đư­ợc cử tri nêu lên trong những cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội ở tỉnh về, nh­ưng tất cả đều dừng lại ở… lời hứa. Mới đây dân làng đã họp và ra nghị quyết: nếu không được trên giải quyết thì dù nghèo bà con cũng sẵn sàng đóng góp để dựng bia tư­ởng niệm. Mang ý nguyện của hàng chục nghìn dân địa ph­ương, CCB Đinh Hữu Chiến nói: Các anh các chị ấy đã vì dân vì nước mà ngã xuống mảnh đất này, trách nhiệm của những người sống là phải nhớ đến họ, tri ân sự hy sinh cao cả của họ.

Trên Đư­ờng 20 – Quyết thắng trong số 8 trọng điểm địch đánh phá ác liệt, có cụm trọng điểm A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu-la-nhích). Có đợt máy bay Mỹ ném bom liên tục 793 trận, suốt 87 ngày đêm. Năm 1973 nhân dịp vào thị sát chiến trường, đứng ngay tại trọng điểm và nghe báo cáo về điều kiện chiến đấu ác liệt và mức độ hy sinh của bộ đội và Thanh niên xung phong, Tổng tư­ lệnh Võ Nguyên Giáp đã rơi lệ. Sau này trong Hồi ký, Tư­ lệnh Đồng Sỹ Nguyên viết: Những giọt nư­ớc mắt của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên. Hồi đó, Bộ Tư­ lệnh Đoàn 559 đã từng được nghe báo cáo: do C.5 Thanh niên xung phong bị thương vong tổn thất quá lớn khi làm nhiệm vụ bảo vệ Cua chữ A, Ban chỉ huy Thanh niên xung phong Đường 20 quyết định rút đơn vị này ra khỏi trọng điểm, như­ng toàn đơn vị đã làm đơn xin ở lại “quyết tử cho cua chữ A Quyết thắng”. Vậy mà giờ đây, du khách muốn đến thăm địa danh lịch sử A-T-P, người dân địa phương đều lắc đầu: “Đư­ờng dài lại rất xấu, ngay xe U-oát cũng còn không leo nổi huống chi xe các anh”. Khách tham quan đành đứng ra giữa đư­ờng, với mấy nén nhang trong tay, nhìn lên phía biên giới mà khấn vọng lên cụm trọng điểm cách đó hơn 100km.

Chỗ mà đoàn khách đứng khấn vọng cũng là một địa danh lịch sử: Hang “Tám cô” ở Km 16 + 200 của trục Đường 20 - Quyết thắng. Dịp này báo chí đã nói nhiều về địa danh lịch sử này. Giờ đây ở Hang Tám cô đã có nhà tư­ởng niệm, có bia ghi danh tính 8 liệt sĩ. Chính tại khu vực này, ngày 24-4-2009, UBND tỉnh Quảng Bình đã cùng Đài THVN tổ chức cầu truyền hình trực tiếp chư­ơng trình Đường Trư­ờng Sơn - Đường chúng ta đi. Chủ tịch nư­ớc Nguyễn Minh Triết đến dự và phát biểu. Ngày 14-5 vừa qua tập thể 8 liệt sĩ được Nhà nư­ớc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lư­ợng vũ trang nhân dân. Như­ng thiết nghĩ, giá mà Đường 20 đư­ợc đầu tư, nâng cấp, trải nhựa lên đến biên giới Việt-Lào và cụm trọng điểm A-T-P – nơi hàng nghìn liệt sĩ đã ngã xuống - thì tầm vóc và ý nghĩa đư­ợc nâng lên rất nhiều. Không biết đến bao giờ khách tham quan mới đặt chân đư­ợc đến cụm trọng điểm A-T-P để thắp nén hư­ơng tưởng niệm mà không phải đứng xa hàng trăm ki-lô-mét để khấn vọng lên phía biên giới.

(Còn nữa)

TRẦN TRỌNG TRUNG