Tiếp theo và hết Kế hoạch quân sự (theo phương án điều chỉnh) do Bí thư Quân ủy báo cáo trước hội nghị Thường vụ Trung ương được tập thể nhất trí(1). Cũng tại hội nghị này, Thường vụ Trung ương đã thảo luận bản chỉ thị của Thường vụ nhan đề Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo. Sau khi nhận xét “trừ một vài nơi xảy ra hiện tượng hoang mang, còn phần nhiều quân ta đã trấn tĩnh phản công lại địch”, bản chỉ thị phân tích âm mưu và cách đánh của địch, nhấn mạnh yêu cầu về lãnh đạo tư tưởng không sợ địch, nhưng không khinh địch và đề ra nhiệm vụ của toàn quân, toàn dân phải làm gì và làm thế nào để đánh bại cuộc tiến công của địch. Bản chỉ thị được tập thể Thường vụ Trung ương thông qua. Kết thúc hội nghị Cụ Hồ nói, đại ý : Quân Pháp chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu bộ đội và dân quân du kích đánh địch khắp nơi, buộc chúng phải dàn mỏng lực lượng hơn nữa để đối phó, thì nhất định chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực của ta qua mùa đông này là coi như thắng lợi.

Ngày 15 tháng 10 khi bộ máy chỉ huy các mặt trận chuẩn bị lên đường thì một đơn vị vệ binh bảo vệ Cụ Hồ vượt sang phía đông đường số 3, chuyển nơi ở và làm việc đến xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Liên Việt tiếp tục di chuyển theo kế hoạch.

Quyết tâm và biện pháp chiến lược của Tổng hành dinh sớm tạo nên những chuyển biến mới trên chiến trường, ngay trong những ngày cuối tháng 10. Lập công đầu là mặt trận hướng tây, phía Sông Lô - Đường số 2. Sau trận phục kích đạt hiệu suất cao tại Km 7 trên đường Tuyên Quang – Hà Giang (22-10), là trận bắn đắm tàu địch trên sông Lô trong hai ngày 23 và 24. Biết rút kinh nghiệm và kiên quyết khắc phục những thiếu sót về bố trí pháo trong trận trước, bộ đội pháo binh Khu 10 được sự hỗ trợ của dân quân đã cơ động pháo sát bờ sông, bố trí ở vị trí bất ngờ, thực hiện “đặt gần bắn thẳng”, nên đã liên tiếp bắn đắm tàu địch ở Khoan Bộ và Đoan Hùng. Kết thúc tháng 10 là trận phục kích trên đèo Bông Lau trên đường số 4, tiến công một đoàn vận tải trên 30 xe, diệt toàn bộ lực lượng hộ tống của địch, thu toàn bộ vũ khí. Sau này trong Hồi ký, tướng Raoul Salan phải thừa nhận đây là tổn thất lớn đầu tiên trong cuộc tiến công lên Việt Bắc.

Trước những khó khăn mới của địch và kết quả chiến đấu của bộ đội, trong huấn lệnh ngày 27 tháng 10, Tổng chỉ huy nhấn mạnh nhiệm vụ “đánh mạnh hơn nữa trên mặt trận Sông Lô và Đường số 4”, khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa yêu cầu tiếp tế tăng viện với khả năng bảo vệ trên các tuyến vận tải trên bộ và trên sông của địch. Trong thư động viên bộ đội tại các mặt trận, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp(2) khẳng định: những ngày xáo trộn do bất ngờ và bị động đã qua. Binh lực của ta đã được triển khai đúng hướng. Do xác định đúng phương thức tác chiến nên các mặt trận đang đánh địch một cách chủ động và có hiệu quả. Ông dự kiến chỉ trong vòng một tháng nữa – cụ thể là trong tháng 11 – với hoạt động “đều tay” của các tiểu đoàn tập trung và với sự phát triển của phong trào dân quân du kích được sự dìu dắt của các đại đội độc lập, cục diện chiến trường sẽ chuyển biến và có thể chuyển biến rất nhanh, ngày càng có lợi cho ta.

Đúng như Thường vụ Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy dự đoán, chỉ mới sau ba tuần ra quân, lực lượng bị căng mỏng, không gặp sự “đối mặt” với chủ lực của ta như Bộ chỉ huy Pháp mong đợi, trong khi việc cơ động trên các hướng đều bị uy hiếp, địch bắt đầu rút bỏ một số vị trí lẻ, đột xuất (Chợ Đồn, Chiêm Hóa, Chợ Rã…) co về các thị xã Bắc Cạn và Tuyên Quang.

Từ trung tuần tháng 11, sau trận phục kích hiệu suất cao của pháo binh tại ngã ba Khe Lau (ngày 10 tháng 11), có nhiều triệu chứng địch chuyển hướng kế hoạch, có thể là những triệu chứng của việc lui quân. Về phía ta, trước diễn biến thuận lợi của tình hình chiến sự, đã xuất hiện cách đánh giá không đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Ngày 18 tháng 11, Khu 10 điện báo cáo Tổng chỉ huy: Địch rất hoang mang rệu rã. Đề nghị cho tập trung bộ binh và pháo binh tiến công tiêu diệt địch trong thị xã Tuyên Quang. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp cử phái viên xuống truyền đạt nhận định của Bộ: Lực lượng địch còn đông, trang bị còn mạnh, thực tế chưa cho phép đánh lớn vào một thị xã mà địa hình gồm cả sông và núi như thị xã Tuyên Quang. Chỉ thị của Bộ lúc này là vừa tích cực tiêu hao địch cơ động trên bộ và trên sông, tiếp tục theo dõi thật sát mọi hoạt động của chúng, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch khi chúng rút lui.

Trước triệu chứng mới của quân Pháp, trong mệnh lệnh gửi các hướng chuẩn bị đánh địch tháo chạy Tổng chỉ huy nhấn mạnh: tuyệt đối chống khuynh hướng chỉ muốn đánh những trận lớn, coi thường những trận nhỏ; đối với các toán quân địch đi lùng sục càn quét khủng bố, không nên dùng hình thức phòng ngự mà phải linh hoạt nghi binh lừa địch, quấy rối, “đánh chim sẻ”, làm cho chúng mất tự do hành động, đi đến đâu cũng bị đánh…

Từ trung tuần tháng 12, địch bắt đầu rút quân dọc sông Lô và nhiều đường liên tỉnh như Tuyên Quang – Sơn Dương – Thiện Kế – Vĩnh Yên; đường Tuyên Quang – Thái Nguyên (đường 13)… Do trình độ nắm địch không chắc, thông tin chậm, cơ động lực lượng không kịp thời, lại do địch khéo nghi binh đánh lạc hướng trong quá trình tháo chạy cho nên trong nhiều trường hợp ta bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Các trận truy kích địch trên đường Đèo Khế - Bình Ca, trận phục kích địch ở Phục Linh - Quán Ông Già (đường Chợ Chu - Quảng Nạp - Phú Minh) hay ở Phan Lương (tả ngạn sông Lô) đều đạt kết quả không cao. Ngay cả trường hợp địch nhảy dù xuống Võ Nhai và dừng chân chờ đợi nhau trên các trục đường trong khu tứ giác Chợ Mới – Võ Nhai – Thái Nguyên – Giang Tiên, ta cũng không kịp cơ động bộ đội để đánh địch. Đáng kể nhất về hiệu xuất chiến đấu trong quá trình đánh địch rút chạy là trận phục kích ở Đèo Giàng (trên đường số 3 – giữa tháng 12) phá hủy gần 20 xe vận tải và tiêu diệt chừng hai trung đội địch.

Chiến dịch Việt Bắc kết thúc đúng vào dịp kỷ niệm một năm kháng chiến toàn quốc và kỷ niệm lần thứ 3 ngày thành lập quân đội. Đêm 22 tháng 12, dưới ánh lửa của hàng ngàn bó đuốc sáng rực sân vận động thị xã Tuyên Quang, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ đọc Nhật lệnh tuyên dương công trạng của quân và dân Việt Bắc và các chiến trường phối hợp trong cả nước. Ông nhắc nhở các đơn vị vừa tham gia chiến dịch cũng như toàn quân phải học tập kinh nghiệm của chiến trường Việt Bắc để đánh giá đúng ưu khuyết điểm của ta và hiểu biết thêm về địch để thắng địch. Tổng chỉ huy nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt của các cấp chỉ huy là phải chấn chỉnh và rèn luyện bộ đội, sao cho tình báo phải nhanh, liên lạc phải thông suốt, địa hình phải thuộc, vận động phải khẩn trương nhẹ nhàng, chỉ huy phải kịp thời và kiên quyết.

*

* *

Đối mặt và làm thất bại cuộc hành binh của chừng 15.000 quân viễn chinh xâm lược nhà nghề của Pháp trong 75 ngày cuối năm 1947 là một quân đội cách mạng mới vừa tròn ba tuổi - Cụ Hồ gọi là “đội quân thơ ấu”. Mặc dù còn bộc lộ rất nhiều yếu kém nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy đúng đắn kịp thời, quân và dân Việt Bắc đã buộc địch phải lui quân mà không đạt được mục tiêu nào trong kế hoạch hành binh của chúng. Cơ quan lãnh đạo kháng chiến – mà tướng Raoul Salan coi là mục tiêu hàng đầu cần tiêu diệt – vẫn tồn tại và bước đầu rút được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chỉ huy toàn quân, toàn dân đương đầu với một kẻ địch mạnh trong một chiến dịch lớn. Bộ đội chủ lực - mà Bộ chỉ huy địch đề ra yêu cầu là phải đập tan (chúng gọi là “bẻ quằn ngọn giáo kháng chiến”), đội quân đó không những đứng vững mà còn trưởng thành trải qua gần ba tháng cọ xát với địch. Căn cứ địa Việt Bắc - mà địch nuôi ý đồ phá cho tan tành và “lôi kéo dân chúng khỏi ảnh hưởng của Việt Minh” - cả một vùng rừng núi trùng điệp vẫn do nhân dân các dân tộc 6 tỉnh làm chủ. Địch có chiếm được một số thị xã (như Cao Bằng, Bắc Cạn) nhưng, như Quân sử 4 của quân đội Sài Gòn sau này viết, việc chiếm đóng được vài tỉnh lỵ ở Việt Bắc đã buộc Pháp phải giam chân một lực lượng quân sự quan trọng “mà vẫn không phong tỏa được con đường số 4, trái lại từ năm 1948 việc chiếm đóng đó đã biến con đường này thành mục tiêu cho Việt Minh tập đánh trận… Hơn nữa chính việc chiếm đóng con đường chiến lược Đông Bắc đã dẫn Pháp đến thất bại quân sự rất chua cay sau này”(3).

Thất bại trong cuộc hành binh lên Việt Bắc đã tác động trực tiếp đến giới cầm quyền Pháp. Ở Pa-ri, Paul Ramadier ra đi, chiếc ghế thủ tướng giao lại cho Maurice Schuman. Tiếp đó, ở Sài Gòn, tướng Etienne Valluy bị triệu hồi, quyền tổng chỉ huy chuyển sang tay tướng Henri Blaizot. Nhìn lại từ ngày Tổng thống Pháp De Gaulle ra lệnh cho quân viễn chinh sang tái xâm lược Đông Dương, chỉ mới 28 tháng, Pa-ri đã phải 6 lần thay thủ tướng và 3 lần thay tổng chỉ huy. Thực tế đó chứng minh lời Cụ Hồ nói trong hội nghị Thường vụ Trung ương trước khi bước vào chiến dịch Việt Bắc rằng tình hình chính trị ở Pháp cực kỳ rối ren buộc chúng phải tìm mọi cách sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Bằng cuộc hành binh mạo hiểm này, không những Pháp không đánh được “đòn quyết định” mà còn lún sâu vào tình thế bất lợi mới về nhiều mặt quân sự, chính trị, kinh tế…

Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc, trong niềm vui chung của quân và dân cả nước, Cụ Hồ viết luôn mấy bài báo về thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này. Trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm một năm kháng chiến toàn quốc, Cụ viết: “Chúng ta biết trước rằng kháng chiến ắt phải gay go, phải trường kỳ, nhưng chắc chắn sẽ thắng lợi”. Trong bài Việt Bắc anh dũng, sau khi lược lại diễn biến của chiến dịch và từng bước thất bại của địch, Cụ nhận định: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân, du kích, nhờ sự hăng hái của toàn thể đồng bào, mà ta đã đánh tan cuộc tấn công vào Việt Bắc của thực dân Pháp. Cụ căn dặn toàn dân, toàn quân chớ tự kiêu tự đại, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn chuẩn bị đề phòng, vì thực dân Pháp chưa bị đánh quỵ. Chúng sẽ tấn công nơi này rồi đến nơi khác… Cuộc kháng chiến sẽ gay go hơn nữa.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội, Cụ Hồ dành nhiều tình cảm cho các chiến sĩ trong bài viết Kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam. Sau khi khẳng định bước đường trưởng thành và chiến thắng của quân đội – từ Giải phóng quân đến Vệ quốc quân - ra đời đúng 3 năm trước, Cụ căn dặn: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái khí quật cường tất thắng, cái đạo đức trí – dũng – liêm – trung của Giải phóng quân”.

Ngay từ khi chiến dịch Việt Bắc sắp kết thúc, Tổng bí thư Trường Chinh và Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã trao đổi và nhất trí rằng chiến dịch đầu tiên này đã cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Theo tinh thần đó, trong báo cáo tại hội nghị cấp Khu và trung đoàn giữa tháng 12 năm 1947 cũng như trong hội nghị Tổng Quân ủy ngày 1 tháng 1 năm 1948, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã phân tích cụ thể cuộc hành binh của địch, cách đối phó của ta, từ đó rút ra những kết luận quan trọng phục vụ cho công tác xây dựng quân đội trước tình hình mới.

Về bước trưởng thành của quân đội, Tổng chỉ huy nhận xét: Lần đầu đánh địch vận động trên sông, nhưng bộ đội pháo binh tiến bộ nhanh, chiến đấu có hiệu quả, trong khi bộ binh học tập được cách đánh phục kích và tập kích, dân quân du kích bước đầu phát triển. Nhưng cũng do lần đầu đối mặt với cuộc tiến công quy mô lớn nên ta bộc lộ nhiều yếu kém: Phán đoán địch thời kỳ đầu không đúng, chủ quan về tình hình căn cứ địa, cho rằng địch yếu không dám mạo hiểm tiến công lên Việt Bắc, không dám nhảy dù xuống Bắc Cạn. Do đó, công tác chuẩn bị không chu đáo, thiếu đề phòng trường hợp hậu phương có thể nhanh chóng biến thành tiền tuyến, nên có một số nơi lúc đầu bị thất bại (Bắc Cạn) hoặc tổn thất về người và của (Phúc Yên, Bắc Giang). Về phía lãnh đạo, do tổ chức nhiều cấp, phương tiện thông tin liên lạc thiếu thốn nên mệnh lệnh nhiều khi không thông suốt. Phương châm du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ đề ra là đúng nhưng thiếu biện pháp cụ thể để phát động chiến tranh du kích. Cấp chiến lược chưa nắm chắc trình độ bộ đội nên nhấn mạnh nhiều về tập trung, trong khi điều kiện địa hình và trình độ cơ động và bố trí của bộ đội còn kém, việc chấp hành mệnh lệnh còn chậm chạp, không triệt để. Cùng với việc nêu lên những thiếu sót và yếu kém, Tổng chỉ huy đề ra nhiệm vụ và biện pháp khắc phục, cụ thể là bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện bộ đội, chỉnh đốn tổ chức và cải tiến tác phong chỉ đạo, chỉ huy.

Ngày 6 tháng 2 năm 1948, nghị quyết ngày 1 tháng 1 năm 1948 của Quân ủy đánh giá chiến dịch Việt Bắc được Bộ Tổng chỉ huy chuyển đạt xuống các đơn vị dưới hình thức bản Huấn thị về củng cố bộ đội và học tập kinh nghiệm Thu Đông 1947. Bộ chỉ thị các Khu và Trung đoàn dựa vào kiểm điểm của Quân ủy mà triển khai việc kiểm điểm cấp mình, đơn vị mình và chỉ đạo cấp dưới tổng kết rút kinh nghiệm. Bản huấn thị nhắc nhở các đơn vị chú ý kinh nghiệm về phán đoán địch, kinh nghiệm rút ra từ cách đánh của địch (các ưu và khuyết điểm trong các thủ đoạn tiến công, phòng ngự, phản công, hành quân, rút lui của chúng) và những kinh nghiệm về tổ chức và chỉ đạo, chỉ huy của ta, về công tác chính trị trong chiến đấu. Cuối bản huấn thị, Tổng chỉ huy viết:

Trong trận Việt Bắc vừa qua, địch thất bại nhưng ta chưa phải đã hoàn toàn thắng lợi, khuyết điểm của ta còn nhiều. Học tập và trưởng thành trong chiến đấu là nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc trao cho chúng ta lúc này. Các cấp cán bộ và toàn thể bộ đội phải nhận trách nhiệm này, noi theo truyền thống của Đội Quân giải phóng khi xưa, kiên quyết học tập, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để thắng địch trong giai đoạn này, hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, giành phần thắng lợi cuối cùng về ta.

Luôn nêu cao tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm thiếu sót để dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là một trong những đức tính cầm quân của Tổng chỉ huy – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Yếu tố đầu tiên và trực tiếp dẫn đến thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc bắt nguồn từ chỗ cơ quan quân sự Tổng hành dinh nhạy bén phát hiện những thiếu sót và không phù hợp trong kế hoạch tác chiến ngày 4 tháng 10 và quyết tâm sửa chữa. Cụ thể là kiên quyết thay đổi kế hoạch, chọn phương thức tổ chức và phương thức tác chiến thích hợp để lật ngược thế cờ, chuyển từ bị động sang chủ động và cuối cùng giành thắng lợi. Sau khi chiến dịch kết thúc, cùng với việc đánh giá ưu điểm và thắng lợi, cấp lãnh đạo chiến lược rất nghiêm khắc với những yếu kém phát hiện trong quá trình diễn biến chiến dịch và quyết tâm chỉ đạo sửa chữa để toàn quân không ngừng trưởng thành và chiến thắng.

Nhớ lại cách đây một thập kỷ, trong cuộc hội thảo khoa học tổ chức tại Bắc Cạn tháng 12 năm 1997 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: Hồi đó, trong lúc hàng vạn quân Pháp đang tiến công ồ ạt, nếu chúng ta không biết kịp thời thay đổi kế hoạch, thay đổi cách đánh, cứ đem binh lực lớn nhưng trang bị kém và chưa có kinh nghiệm chiến đấu dàn ra đối mặt với xe tăng pháo binh của địch, thì tan.

Nửa thế kỷ sau, nhà sử học Mỹ Cecil B.Currey, tác giả cuốn Chiến thắng bằng mọi giá(4), đã dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng:“Trong chiến tranh, thắng nhiều trận mà rút được ít bài học kinh nghiệm có thể không lợi bằng chỉ mới thắng một trận mà đã học tập được nhiều điều bổ ích”.

“Biết lấy chiến trường làm trường học thực tế” đã trở thành một trong những phương châm xây dựng và chiến đấu đồng thời cũng là một trong những yếu tố trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc.

TRẦN TRỌNG TRUNG

(1) Toàn chiến trường Việt Bắc sẽ được tổ chức thành ba mặt trận, do cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp phụ trách: Mặt trận Sông Lô-đường số 2 do các ông Lê Thiết Hùng và Trần Tử Bình chỉ huy, Mặt trận đường số 3 do Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ huy;

(2) Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đi Mặt trận đường số 4 cùng một bộ máy chỉ huy nhẹ để theo dõi và chỉ đạo các chiến trường toàn quốc.

(3) Ý nói thất bại của quân Pháp trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.

(4) Cecil B.Currey-Victory at any cost-Brassey’s. INC-Washington & London 1997.