(Tiếp theo số trước)

Cơ quan lãnh đạo kháng chiến vừa đến căn cứ địa Việt Bắc thì một sự kiện đặc biệt đã diễn ra. Theo đề nghị của cao ủy mới của Pháp là Emile Bollaert, Chính phủ ta đồng ý tiếp phái viên của Pháp là giáo sư Paul Mus để đối phương trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn (đề ngày 25 tháng 4-1947) của Chính phủ ta. Cuộc gặp diễn ra đêm 12-5-1947 tại căn nhà duy nhất còn lại tại thị xã Thái Nguyên - một thị xã đã bị “tiêu thổ”. Sau khi cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui lòng cho ông ta gặp để làm nhiệm vụ cao ủy giao cho, Paul Mus đọc để Cụ Hồ nghe bản thông điệp (không ghi thành văn bản mà ông ta đã học thuộc lòng). Thông điệp của cao ủy Pháp nêu lên bốn điều kiện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án là những điều kiện buộc phía Việt Nam phải đầu hàng(1). Nghe xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi người đối thoại:

- Ông Mus, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không?... Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ hèn mạt. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn mạt.

Ngày 25-5, trong thư gửi nhân dân cả nước về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết :

“… Vì nhân đạo, vì hòa bình, vì muốn giữ cảm tình với Pháp, Chính phủ ta đề nghị với Chính phủ Pháp, căn cứ vào nguyện vọng thống nhất và độc lập của nhân dân ta, tìm cách dàn xếp cuộc chiến tranh…”. Sau khi nhắc lại những điều kiện của phía Pháp nêu ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “…Thế là chúng đòi toàn thể đồng bào ta và con cháu ta đời đời phải quỳ gối cúi đầu làm nô lệ cho chúng!”. Cuối cùng Người kêu gọi: “… Chúng ta phải kiên quyết hy sinh chiến đấu, để đánh tan bọn quân phiệt thực dân, để tranh lấy thống nhất và độc lập…”(2).

Trong công tác chuẩn bị bước vào mùa khô, cái khó khăn lớn nhất đối với cơ quan quân sự Tổng hành dinh là phán đoán ý đồ chiến lược, khả năng huy động lực lượng và phương thức hoạt động của địch. Thực tế lúc này không chỉ do trình độ nghiệp vụ trinh sát tình báo còn rất hạn chế mà còn do mới có sự xáo trộn về mặt tổ chức của Phòng Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Hơn nữa, bước vào kháng chiến toàn quốc, ta đâu đã có những nhà tình báo chiến lược - những Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức, Đinh Thị Vân… như những năm đầu kháng chiến chống Mỹ! Việc nắm tình hình địch lúc này chủ yếu dựa vào theo dõi đài địch, báo chí công khai và những tin tức từ cơ sở trong “thành” báo ra, nên không những độ tin cậy hạn chế mà nhiều khi không kịp thời.

Vấn đề thu hút nhiều thời gian của hội nghị quân sự họp tháng 6 năm 1947 cũng chính là vấn đề đánh giá địch. Ta phán đoán mùa khô sắp tới địch có thể tiến công ở đồng bằng sông Hồng, cũng có thể ở hai vùng tự do rộng lớn của ta là Thanh Nghệ (Khu 4) và Nam Ngãi (Khu 5). Địch đánh lên Việt Bắc ở vào khả năng thứ 3 của sự phán đoán. Tuy nhiên hội nghị quân sự lần này đánh dấu một bước phát triển mới về chỉ đạo chiến lược của cơ quan quân sự Tổng hành dinh. Đó là sự nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chiến lược giữa các chiến trường toàn quốc, giữa vùng tạm bị chiếm với mặt trận chính diện, giữa chủ lực với các lực lượng vũ trang địa phương, dù địch tiến công hướng nào. Đó còn là việc xác định 11 nguyên tắc chỉ đạo tác chiến, trong đó nổi bật là nguyên tắc giữ quyền chủ động, thể hiện sự quán triệt bước đầu tinh thần và tư tưởng chủ động tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng. Chúng ta đều biết những nguyên tắc đó còn tiếp tục được bổ sung hoàn chỉnh trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng nhưng lúc này, mới qua nửa năm cọ xát với địch, sự hình thành 11 nguyên tắc chỉ đạo tác chiến nói lên một bước phát triển quan trọng của tư duy quân sự của cấp lãnh đạo chiến lược.

Bước sang tháng 9, thêm một sự kiện đáng quan tâm về phía địch. Cao ủy Pháp Emile Bollaert ra Bắc và ngày 10 ông ta đọc một bài diễn văn nói rõ không thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh và chỉ trao độc lập cho những người “đại diện đích thực” của nhân dân Việt Nam. Lập tức Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi lời tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám phê phán toàn bộ bài diễn văn của viên cao ủy Pháp chỉ là trò lừa bịp, chẳng có giá trị gì hết. Ông Giám vạch trần hành động thực tế của Pháp lúc này là họ đang chuẩn bị “ra quân”. Ít ngày sau đó, trong chỉ thị Bôla nói gì? Ta phải làm gì? Thường vụ Trung ương chỉ thị rõ: Phải chuẩn bị chống các cuộc quân địch đánh xuyên mũi dùi, đánh vòng thật rộng, nhảy dù, đổ bộ sau lưng ta. Tiếc rằng tinh thần chỉ đạo đó của Thường vụ Trung ương không được quán triệt đầy đủ trong hội nghị quân sự cuối tháng 9.

Tại hội nghị quân sự này, nội dung cuộc tranh luận vẫn xoay quanh hướng tiến công sắp tới của địch là ở đâu, đồng bằng Bắc Bộ, Việt Bắc hay Khu 4? Riêng với căn cứ địa, hội nghị cho rằng Việt Bắc là một chiến trường mới, khó dự đoán, rằng nếu mạo hiểm địch mới đánh Việt Bắc trước. Về phương hướng tác chiến của ta, hội nghị xác định: phải tránh mạo hiểm khi dùng binh lực lớn trong vận động chiến; coi trọng đánh giao thông vận tải; nên dùng phục kích hơn tập kích; phát triển rộng rãi chiến tranh du kích; đả phá tư tưởng giữ đất… Ngày 29 tháng 9 hội nghị bế mạc nhưng vẫn tồn tại những bài toán chưa có đáp số đầy đủ: Khả năng huy động binh lực của địch là bao nhiêu? Cách đánh của chúng thế nào?(3)… Và một vấn đề rất quan trọng là làm thế nào để phát động được chiến tranh du kích? Các huấn lệnh của Bộ Tổng chỉ huy về phát động chiến tranh du kích và nghị quyết về phân tán một phần bộ đội chủ lực để hỗ trợ cho phong trào dân quân là đúng, nhưng còn thiếu sự hướng dẫn về biện pháp cụ thể, nhiều vấn đề chưa được định hình, chưa thành công thức.

Cuộc kinh lý của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp xuống Khu 12 đã giúp tháo gỡ được vấn đề tồn tại có tầm chiến lược này. Từ kinh nghiệm của một đại đội đứng chân được trong vùng sau lưng địch ở Nam phần Bắc Ninh, trà trộn vào dân để tồn tại và hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương cùng đánh địch có hiệu quả, Tổng chỉ huy đã đề nghị một phương án táo bạo để phát động chiến tranh du kích trong toàn quốc. Phương án được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương chấp nhận. Đó là phân tán chừng 1/3 bộ đội chủ lực (từ Khu 4 trở ra) thành những đại đội độc lập đưa về các huyện (châu), trực tiếp dìu dắt lực lượng vũ trang tại chỗ xây dựng và chiến đấu. Trong khi đó 2/3 chủ lực còn lại để nguyên biên chế, quy mô tác chiến chủ yếu và phổ biến là tiểu đoàn tập trung. Phương châm đại đội độc lập – tiểu đoàn tập trung xuất hiện từ đó và trở thành biện pháp chiến lược hết sức quan trọng trong việc dùng binh để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tác chiến của bộ đội chủ lực, đồng thời phát triển chiến tranh du kích rộng rãi. Hồi đó, cán bộ tham mưu Tổng hành dinh nói rằng Bộ đã tìm được biện pháp hữu hiệu để “đi được bằng cả hai chân”: du kích và chính quy.

Ngày 4-10-1947 kế hoạch tác chiến được cơ quan tham mưu gửi xuống để các Khu và trung đoàn triển khai chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Theo kế hoạch đó, ta nhận định: trường hợp thứ nhất là địch càn quét vùng đồng bằng, trường hợp thứ hai, nếu chúng đánh lên Việt Bắc, mặt chính sẽ là Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang (xuất phát từ phán đoán địch từ trung du đánh lên). Chủ lực các Khu đánh chặn địch trên địa bàn được phân công, riêng đại đoàn Độc lập vòng xuống Nhã Nam phối hợp với Khu 1. Các Khu khác trong toàn quốc hoạt động phối hợp.

Do chưa có triệu chứng tiến công của địch, ngày 6 tháng 10 Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp lên đường kinh lý Tuyên Quang. Không ai nghĩ rằng ngay sáng hôm sau cuộc tiến công của địch lên Việt Bắc bắt đầu. Địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn khi Tổng bí thư Trường Chinh và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đều có mặt trong thị xã (đồng chí Trường Chinh làm việc với Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái đang kiểm tra huấn luyện của một đơn vị chiến sĩ mới tại sân vận động). Ở cơ quan Tổng chỉ huy (trú quân ở phía đông Núi Hồng, trong khu vực Lục Rã - Bản Mù - Bản Piềng - Đồng Đau) chỉ có Cục trưởng Chính trị Văn Tiến Dũng, Tham mưu chủ nhiệm Trần Văn Lư và Trưởng phòng Tác chiến Đào Văn Trường.

Quá trưa ngày 7 tháng 10 cơ quan Tác chiến mới nhận được tin địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới và hôm sau chúng nhảy tiếp xuống Chợ Đồn. Cả ba địa điểm trên hình thành một vòng cung phía đông bắc cách cơ quan lãnh đạo kháng chiến từ 25 đến 40 km đường chim bay. Thực tế cho thấy những tin tức đầu tiên về hành động của địch hoàn toàn khác với dự kiến và kế hoạch đối phó của ta. Chúng nhảy xuống trung tâm căn cứ địa trong khi công tác chuẩn bị kháng chiến của ta, từ công tác phá hoại, việc sơ tán kho tàng, cơ quan, bệnh viện… chỉ tập trung vào từ các thị xã Tuyên Quang và Thái Nguyên trở xuống. Vùng phía nam Bắc Kạn và các trục đường số 2 (bắc Tuyên Quang) và số 3 (bắc Thái Nguyên) còn nhiều sơ hở, đặc biệt đáng quan tâm là cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở không xa vùng đang xảy ra chiến sự.

Nghe tin cuộc hành binh của địch bắt đầu, từ huyện lỵ Chiêm Hóa, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp cùng đoàn tùy tùng dùng ngựa xuyên rừng thâu đêm theo đường tắt về Tổng hành dinh. Có mặt ở cơ quan sáng ngày 8, Tổng chỉ huy thật sự lo lắng khi biết tin hai đồng chí Trường Chinh và Hoàng Văn Thái đang ở trung tâm vùng có chiến sự. Một số phái viên tham mưu cùng vệ binh được phái ngay lên Bắc Kạn. Tiếp theo mệnh lệnh hôm trước của cơ quan tác chiến, những mệnh lệnh đầu tiên của Tổng chỉ huy được phát đi, nhằm điều động lực lượng từ trung du lên đánh địch, đồng thời với mệnh lệnh gửi các khu 1, 10 và 12 sẵn sàng chiến đấu tiêu hao tiêu diệt địch, tiếp tục phá hoại đường sá, giúp dân sơ tán, làm “vườn không nhà trống”, phối hợp với địa phương trừ gian, phòng gian, bảo vệ cơ quan, công xưởng, bệnh viện…

Chiều tối, Tổng tham mưu trưởng cũng từ thị xã Bắc Kạn thoát hiểm về tới cơ quan. Cuộc trao đổi sơ bộ giữa các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng bước đầu rút ra kết luận: mặc dù lúc này trên các hướng khác chưa có tin báo cáo về, nhưng rõ ràng là địch dựa vào ưu thế binh khí kỹ thuật, lợi dụng được sơ khoáng của ta nên chúng hành động mạo hiểm và đã giành được bất ngờ. Cần đề phòng hướng đường số 4, địch có thể đánh chiếm Cao Bằng rồi nối với Bắc Kạn, hình thành một gọng kìm ôm lấy căn cứ địa từ hướng đông bắc, rồi càn quét xuống phía nam là địa bàn chúng nghi là có cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Cơ quan tham mưu được lệnh bằng mọi giá phải bảo vệ an toàn cơ quan Đảng và Chính phủ và cho người lên ngay Bắc Kạn tìm Tổng bí thư, đồng thời khẩn trương điều thêm lực lượng từ trung du lên hướng đường số 3 và số 4, ngăn chặn địch đánh rộng ra các thị xã thị trấn.

Đêm hôm sau, Tổng chỉ huy nhận được báo cáo: cán bộ phái lên Bắc Kạn đã gặp Tổng bí thư cùng một đơn vị bảo vệ đang từ hướng Thành Cóc đi về căn cứ. Nghe tin, Tổng chỉ huy thở phào nhẹ nhõm. Ông vội gọi sang Trung ương để đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 11 tháng 10 Cụ Hồ chủ tọa các cuộc họp của Đảng đoàn Chính phủ rồi của Hội đồng Chính phủ, thảo luận kế hoạch đối phó với cuộc tiến công của quân Pháp, trong đó có vấn đề di chuyển các cơ quan trung ương. Lúc này Bộ Tổng tham mưu đã nhận được tin ngày 9 địch nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng trong khi phía Khu 10, tàu địch đã xuất hiện trên sông Lô, đang tiến lên hướng Đoan Hùng. Phân tích tình hình chiến sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định ý định của địch là các hướng hành binh (như hai gọng kìm) sẽ hội quân với nhau ở Bắc Kạn(4), tạo thành một cái ô bọc lấy căn cứ địa Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, khép chặt vòng vây, dưới đánh lên, trên đánh xuống hòng phá cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Địch mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ trở thành ô rách. Như vậy là Cụ đã chỉ cho toàn quân phương hướng hành động: Phải bẻ gãy gọng kìm của địch.

Ngày 13, từ trạm liên lạc của Bộ Tổng tham mưu ở Quán Vuông gọi vào, báo cáo có một liên lạc từ Cao Bằng về mang theo một tài liệu quan trọng yêu cầu được giao tận tay cho cơ quan Bộ. Nhận bản tài liệu, cơ quan tác chiến xác định đó là bản kế hoạch hành binh của địch lên Việt Bắc mà bộ đội thu được từ một máy bay của địch bị bắn rơi ở Cao Bằng. Theo lệnh của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, bản kế hoạch được dịch đến đâu cơ quan tác chiến tác nghiệp ngay lên bản đồ chiến sự để báo cáo Tổng chỉ huy.

Phân tích kế hoạch của địch, cuộc họp buổi tối hôm đó của Tổng chỉ huy với các đồng chí Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng và Đào Văn Trường đã rút ra mấy kết luận quan trọng, đồng thời cũng là phướng hướng hành động của Bộ Tổng chỉ huy sau khi được Thường vụ Trung ương thông qua:

1) Hai gọng kìm của địch rất rộng, bao gồm 8 tỉnh trung du và Việt Bắc, nhưng tập trung vào khu tứ giác Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Kạn - Thái Nguyên, trong đó trọng điểm càn quét lùng sục là Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới;

2) Do trung tâm càn quét của địch ở gần khu vực đứng chân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến nên vấn đề quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm an toàn cho các cơ quan trong quá trình di chuyển;

3) Điểm mạnh của địch là quân đông và binh khí kỹ thuật hiện đại nhưng chỗ mạnh đó sẽ trở thành điểm yếu vì trên chiến trường rừng núi và thời tiết mùa đông, tính năng kỹ thuật và tác dụng của máy bay, pháo binh sẽ bị hạn chế, binh lực nhiều nhưng bị dàn mỏng trên một chiến trường rất rộng, lại rất xa hậu phương ở đồng bằng, mọi nguồn tiếp tế và tăng viện phải trông vào các trục đường bộ và đường thủy, rất dễ bị quân ta phục kích;

4) Kế hoạch hội quân của địch ở Đài Thị trên thực tế đã bị chậm lại vì, hiện nay tính theo đường chim bay, cánh quân hướng đông còn cách điểm hẹn chừng 30km đường rừng, cánh quân hướng tây còn cách chừng 80km đường sông;

5) Kế hoạch tác chiến – theo mệnh lệnh ngày 4 tháng 10 - không còn phù hợp với thực tế tình hình chiến sự lúc này. Chưa phải lúc đem binh lực lớn, trang bị thô sơ, kinh nghiệm chiến đấu còn hạn chế, ra đối mặt với xe tăng pháo binh địch. Cần đề nghị với Thường vụ Trung ương cho điều chỉnh lại kế hoạch, hình thành ba mặt trận trên các hướng Sông Lô - Đường số 3 - Đường số 4, với chừng 20 tiểu đoàn chủ lực, dùng lực lượng vừa và nhỏ, lấy phục kích làm cách đánh chủ yếu nhằm tiêu hao tiêu diệt quân địch cơ động (tăng viện, tiếp tế) trên các trục đường bộ và đường sông, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của địch, trước hết là gọng kìm phía tây (hướng Sông Lô - Đường số 2).

6) Lúc này cần và có thể thí nghiệm phương châm đại đội độc lập – tiểu đoàn tập trung. Cụ thể là, cùng với chừng 20 tiểu đoàn trên ba mặt trận nói trên, cần phân tán chừng 30 đại đội chủ lực, hình thành các đại đội đưa về hoạt động độc lập ở các châu (huyện) thuộc các tỉnh đang và sẽ có chiến sự như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên, nhằm giúp đỡ lực lượng vũ trang địa phương phát triển chiến tranh du kích, đánh địch rộng rãi, hạn chế khả năng càn quét của chúng. Các Khu 1, 10, 12 cần giải tán 1 – 2 cơ quan tiểu đoàn bộ có các đại đội được phái đi hoạt động độc lập, đưa cán bộ xuống tăng cường cho các đại đội đó.

7) Chỉ thị ngay cho các địa phương, nhất là hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên khắc phục những thiếu sót trong chuẩn bị chiến đấu vừa qua, trước hết huy động dân quân vào công tác phá hoại đường sá, tổ chức sơ tán nhân dân, giúp dân làm vườn không nhà trống, di chuyển các công binh xưởng, bênh viện, kho tàng, cơ quan… sâu hẳn vào trong, xa đường lớn.

(Còn nữa)

Trần Trọng Trung

(1) Theo Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám, bốn điều kiện đó là: 1) Quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp; 2) Quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam; 3) Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người đã bắt (mà họ gọi là con tin – otages); 4) Chính phủ Việt Nam phải trao cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói người Nhật và người Pháp) đã chạy sang Việt Nam.

(2) Xem Hồ Chí Minh – Chiến tranh nhân dân Việt Nam- NXB Quân đội nhân dân – 1980 – trang 133.

(3) Trong lúc thảo luận, nếu ý kiến của số đông cho rằng địch không dám nhảy sâu vào căn cứ địa Việt Bắc thì cũng có ý kiến mạnh bạo nói rằng: “Cẩn thận đấy, không khéo chúng nhảy ngay lên đầu chúng ta cho mà xem”. Câu nói đó- không được số đông đồng tình – lại được thực tế chứng minh là đúng.

(4) Do lúc này tin tức chưa đầy đủ nên Cụ Hồ phán đoán địch sẽ hội quân ở Bắc Kạn. Nhưng theo kế hoạch chúng dự định hội quân ở Đài Thị, một địa điểm bên bờ tả ngạn sông Gâm, đông bắc Chiêm Hóa chừng 10km và tây Chợ Đồn chừng 30km đường chim bay.