Đầu tháng 1-1954, Bộ Chính trị họp tại Tỉn Keo (Thái Nguyên) hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Các đồng chí Đảng ủy viên gồm có Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị, Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Ngày 5-1-1954, đồng chí Võ nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Cùng đi có các đồng chí Trần Văn Quang (Cục trưởng Cục Tác chiến), Lê Trọng Nghĩa (Cục trưởng Cục Quân báo), Hoàng Đạo Thúy (Cục trưởng Cục thông tin liên lạc… Qua thị sát mặt trận, kiểm tra công tác chuẩn bị, thấy nhiều mặt chưa ổn để thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”; trong khi đó tình hình địch có những thay đổi. Qua hơn hai tháng chiếm đóng Điện Biên Phủ, chúng đã cơ bản xây dựng xong trận địa phòng ngự vững chắc, những vị trí tiền tiêu được tăng cường các đơn vị tinh nhuệ và còn biết được ngày giờ ta nổ súng… Với trách nhiệm của người Chỉ huy cao nhất của mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lùi thời gian nổ súng lại... để Đảng ủy họp bàn chủ trương. Và quyết định sáng suốt “đánh chắc tiến chắc” ra đời.

Khi phương châm tác chiến đã thay đổi, nó kéo theo hàng loạt thay đổi của những nhiệm vụ khác, đặc biệt là nhiệm vụ bảo đảm cung cấp. Vì vậy, cơ quan Tham mưu giành nhiều thời giờ làm việc với cơ quan Hậu cần nghiên cứu lại tuyến bảo đảm cung cấp theo yêu cầu mới.

Trước đó, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận cầu đường, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lao động, khẩn trương sửa chữa và làm thêm đường mới. Sau ba tháng chuẩn bị cho chiến dịch (12-1953/3-1954), ta đã hoàn thành tu sửa và mở mới các con đường số 41, số 13, đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới. Ngoài ra còn mở mới được 60 km đường xe ô tô vận chuyển và kéo pháo hoạt động ngoài hỏa tuyến. Công việc làm đường, sửa chữa đường lên Điện Biên Phủ thu được thắng lợi, thực sự là điều kiện thuận lợi cho việc sớm đưa ô tô vào phục vụ chiến dịch. Trong chiến dịch này, số xe ô tô được điều động ra mặt trận gồm 16 đại đội với 628 xe, hơn 800 lái xe (cả quân đội và dân chính). Tuyến vận tải cơ giới được hình thành bao gồm: Tuyến của Hội đồng Cung cấp Mặt trận, phụ trách các cung từ Hòa bình đi Cò Nòi, dài 184 km, cung Bờ Đậu- Sơn La dài 369km. Tuyến của Tổng cục Hậu cần phụ trách từ Lạng Sơn đi Bờ Đậu, dài 180 km; Cao Bằng- Bờ Đậu, dài 296 km; Bờ Đậu- Sơn La, dài 369 km. Số lượng xe hoạt động ở cả hai tuyến này là 182 xe (lúc nhiều nhất là 237 xe). Hậu cần chiến dịch có các cung vận tải cơ giới là Lai Châu đi Tuần Giáo, dài 98 km; Sơn La- Điện Biên Phủ, dài 173 km; khu vực hỏa tuyến, dài khoảng 30 km. Hệ thống sửa chữa, phục vụ xe vận chuyển được bố trí từ hậu phương ra tiền tuyến, ở hậu phương có xưởng Tiền Phong và Chiến thắng. Trên đường ra Mặt trận có xưởng sửa chữa AZ.11 ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái), bảo đảm cho xe hoạt động từ hậu phương ra các kho trung tuyến. Đội sửa chữa ở Tuần Giáo và km15 đường Tuần Giáo- Điện Biên Phủ phục vụ các xe hoạt động ở trung tuyến và hỏa tuyến. Ngoài ra còn có 2 đội cơ động, một đội hoạt động trên đường 41, một đội hoạt động trên đường số 1. Căn cứ vào khả năng của phương tiện, tình hình đường sá, thời tiết, yêu cầu của chiến dịch… phương châm vận tải được đề ra là: Cơ giới là chủ yếu, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô sơ.

Nay, Tổng Quân ủy quyết định chuyển phương châm tác chiến, thời gian chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu của bộ đội ta kéo dài…do vậy nhu cầu về mọi mặt đều tăng vọt, có loại gấp hai, có loại gấp ba lần so với yêu cầu đề ra trước đây. Để đảm bảo việc vận chuyển vũ khí, lương thực từ Sơn La ra hỏa tuyến, Cục Vận tải tiếp tục dồn xe lên phía trước, đồng thời đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh tổ chức vận chuyển cho thích hợp với khối lượng vật chất ngày càng lớn. Mọi hoạt động của các đơn vị đều xoay quanh phương châm vận chuyển: “Cơ giới là chính”. Công tác chính trị được tăng cường, phong trào thi đua được đẩy mạnh nhằm làm cho xe ô tô tranh thủ được nhiều thời gian chạy trên đường, nâng được trọng tải của xe.

Đầu tháng 3-1954, Bộ tổng Tư lệnh tăng cường cho Cục Vận tải 228 xe ô tô và một số lái xe, thợ sửa chữa mới được đào tạo ở trường Tiến Bộ. Với số xe mới và lực lượng lái xe, thợ sửa chữa vừa được bổ sung, Cục Vận tải lập thêm 7 đại đội vận tải cơ giới. Sang tháng 4, lực lượng vận tải cơ giới của quân đội ta đã có 16 đại đội ô tô, gồm 534 xe, đều huy động phục vụ chiến dịch. Số đơn vị xe hoạt động ở tuyến tiền phương lên đến 9 đại đội. Ở tuyến hậu phương của Tổng cục Cung cấp, Hội đồng cung cấp Mặt trận, các liên khu... sử dụng 182 xe (bằng 7 đại đội), lúc cao điểm là 237 xe (do xe của tuyến chiến dịch đi cung cấp trở về).

Tổng kết công tác vận tải chiến dịch Điện Biên Phủ, với hơn 2 vạn tấn vật phẩm và trên 4 triệu tấn/km vận chuyển trong 6 tháng, nếu không thực hiện phương châm vận tải, lấy Cơ giới là chính...” thì không thể nào bảo đảm được. Công tác vận tải đã thành công lớn trong việc vận chuyển đảm bảo yêu cầu tác chiến chiến dịch, trong đó vận tải cơ giới đóng vai trò chủ yếu, thực hiện được 97% khối lượng hàng vận chuyển đến Mặt trận1.

THU TRANG



1Tổng kết công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng cục Hậu cần, xuất bản 1996, tr 94