Tháng ba, những cây ban bung hoa trắng khắp núi, rừng Mường Phăng. Trong sân ngôi nhà của tổ bảo vệ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi người đang đập giập những cây nứa lớn, đan những phên gianh để tu sửa các điểm lán, hầm... đón du khách vào dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng Điện Biên Phủ.
Anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ di tích Mường Phăng, giới thiệu với chúng tôi: Công việc chính của tổ bảo vệ là quản lý tài sản, thu lệ phí, quét dọn, phục vụ khách tham quan và sửa chữa nhỏ lẻ. Theo anh Hoàng thì tất cả, từ phên gianh, cái lạt đến đổ cột bê tông giả gỗ, cột bê tông giả tre, phên đan giả tre, thùng rác giả gốc cây rỗng… đều được chính anh chị em tổ bảo vệ thực hiện. Tiền lương, cộng với tiền công sửa chữa nhỏ lẻ cũng giúp đời sống của anh chị em tổ bảo vệ đỡ vất hơn. Nhất là từ năm 2004 đến nay, khi Nhà nước đầu tư nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng cho quần thể di tích Điện Biên Phủ, thì việc bảo vệ cũng thuận lợi, thu nhập có phần khá hơn.
“Tiền thân” tổ bảo vệ và cũng là “người tiền nhiệm đầu tiên” của anh Lò Văn Hoàng là ông Lò Văn Bóng. Trong suốt 30 năm ròng, từ 1954 đến 1984, ông Bóng lặng lẽ làm công việc không ai giao, cũng chẳng cơ quan, ban, ngành nào trả lương mà chỉ bằng trách nhiệm người đảng viên cộng sản. Đến năm 1984, Đại tướng Hoàng Văn Thái trở lại Mường Phăng, biết chuyện ông Bóng, Đại tướng xúc động nói: “Anh Bóng ơi, anh đúng rồi. Mường Phăng là của cả nước đấy, anh cố giữ lấy nhé!”. Từ đó, tổ bảo vệ di tích Mường Phăng chính thức được thành lập, gồm 7 người trong tổ hưu trí Mường Phăng, do ông Bóng làm tổ trưởng với mức thù lao 15.000 đồng/7 người/tháng, do Bảo tàng tỉnh Lai Châu (cũ) chi trả. 10 năm sau (1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Mường Phăng, tổ bảo vệ lại được tăng lương lên 70.000 đồng/6 người/tháng. Cuối cùng, năm 2004, khi các điểm di tích được Nhà nước đầu tư tôn tạo với nguồn kinh phí lớn, thì tổ bảo vệ hưu trí được thay thế bằng lực lượng thanh niên trẻ, khỏe với mức lương 550.000 đồng/người/tháng. Anh Hoàng được giao làm tổ trưởng từ đó và cho đến nay, cũng chỉ mình anh là người “tốt nghiệp” qua hai lớp tập huấn: “Bảo vệ cơ quan doanh nghiệp” và “Bồi dưỡng phát huy giá trị di tích lịch sử Điện Biên Phủ”.
Chia tay chúng tôi, anh Hoàng hẹn: “Dịp 7-5 gặp lại nhé”. Anh cho biết: “Tôi cùng anh, chị em tổ bảo vệ rất tự hào vì được bảo vệ khu di tích lịch sử”. Năm nay 42 tuổi, anh Hoàng mới “biết” Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi cơ quan chức năng vào phát dọn, khôi phục các đường hầm, nhà, lán... năm 1984. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, cán bộ, nhân dân Mường Phăng với tấm lòng kính trọng, biết ơn, đã viết thư gửi lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 26-2-2009, đoàn Cựu chiến binh xã Mường Phăng và huyện Điện Biên đã về Thủ đô Hà Nội thăm và chúc thọ Đại tướng. Anh Lò Văn Hoàng và tổ di tích đã gửi lời hứa tới Đại tướng và nhân dân rằng: Nguyện đem hết sức mình, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân, du khách nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ, tôn vinh giá trị thiêng liêng của khu di tích lịch sử Mường Phăng.
NGUYỄN ĐỨC LỢI