Là một huyện vùng biển của tỉnh Thái Bình, Tiền Hải phía bắc giáp huyện Thái Thụy (Thái Bình), phía nam giáp huyện Giao Thủy (Nam Định), phía đông giáp huyện Kiến Xương (Thái Bình), phía đông giáp biển. Huyện được thành lập năm 1828 - kết quả công cuộc doanh điền của triều Nguyễn, do Nguyễn Công Trứ trực tiếp thực hiện. Mặc dù có lịch sử chưa đầy 200 năm, còn khá mới so với lịch sử của dân tộc, nhưng trong từng giai đoạn, Tiền Hải luôn luôn xuất hiện những người nổi tiếng, đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đầu tiên có thể kể đến nhà yêu nước, chí sĩ Nguyễn Quang Bích. Ông vốn họ Ngô, sau đổi sang họ Nguyễn, sinh ngày 8-4 năm Nhâm Thìn (7-5-1832), năm 1858 đỗ Tú tài, đến năm 1861 đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ, huyện Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1869, ông đỗ Hoàng giáp, rồi được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, Khánh Hòa, lần lượt trải các chức vụ: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử Giám, án sát Bình Định, rồi làm Chánh sứ Sơn phòng kiêm tuần phủ Hưng Hóa. Khi làm quan, ông luôn chăm lo phúc lợi cho nhân dân nên được dân chúng yêu quý. Năm 1883, thực dân Pháp tấn công Hưng Hóa, Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ huy binh sĩ chiến đấu, giữ thành. Khi thành mất, ông rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài, không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình, đổi về Huế nhậm chức. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp, Nguyễn Quang Bích đã nhiệt tình hưởng ứng và trở thành một trong những lãnh tụ lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở Bắc Kỳ, được phong là Lễ bộ Thượng thư, Sung hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ. Ông đã hai lần nhận lãnh Quốc thư sang Trung Quốc cầu viện. Trên đường sang Trung Quốc, ông được Tôn Thất Thuyết tiếp đón niềm nở và tỏ lòng cảm phục, có tặng thơ văn cho ông trên đường công cán. Năm 1889, ông bệnh nặng và mất tại bản doanh của nghĩa quân ở châu Yên Lập, hưởng dương 58 tuổi. Khi bệnh nặng, nghĩa quân và con cháu đến thăm, ông dặn: “Ta đem thân hứa quốc, không cần người đi lại thăm nom vô ích. Sau này nếu có ai nhớ đến ta, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ ta”. Khi ông mất, một sĩ phu có bài điếu ông: “Bất hủ giả danh, tại thiên hạ, tại hậu thế. Hà đoạt chi tốc, thử quốc bộ, thử nhân tâm “, nghĩa là: “Tiếng để lâu truyền, khiến thiên hạ biết mãi, đời sau biết mãi. Trời sao vội dứt, lúc vận nước thế này, lòng người thế này”.
Đại tướng Hoàng Văn Thái - vị tướng có đức độ và tài năng. Đại tướng Hoàng Văn Thái (tức Hoàng Văn Xiêm), sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân yêu nước, tại xã Tây An. Năm 18 tuổi, ông rời quê hương đi làm công nhân ở mỏ than Hòn Gai và sau đó là mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Hoạt động trong phong trào công nhân do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, ông sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936, ông về Tiền Hải hoạt động trong phong trào Mặt trận Bình dân, tổ chức các hội tương tế, ái hữu, tham gia chống thuế, chống bắt phu, bắt lính, tuyên truyền và xây dựng tổ chức cách mạng trong nhân dân ở một số xã.
Tháng 5-1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và là người tích cực hoạt động, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ở các xã Tiền Hoàn, Đại Hữu, An Khang thuộc huyện Tiền Hải. Tháng 9-1940, ông bị địch bắt, không tìm được chứng cứ chúng buộc phải thả. Ra tù (tháng 10-1940), ông được Đảng đưa về hoạt động bí mật ở vùng căn cứ Lạng Giang, Hiệp Hòa, Bắc Giang - được chỉ định tham gia xây dựng và làm Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Tháng 9-1941, ông được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đi học quân sự ở nước ngoài. Tháng 10-1944 về nước, được Đảng giao cho nhiệm vụ quan trọng là tham gia tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay).
Tháng 9-1945, ông giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ủy viên Quân ủy hội, ủy viên Ban Quân sự Trung ương; năm 1948, được phong quân hàm Thiếu tướng. Tháng 9-1958, là Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, kiêm Chủ nhiệm ủy ban thể dục thể thao Trung ương. Tháng 8-1966, ông được cử vào miền Nam làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V, quyền Bí thư Khu ủy V; tháng 1-1967, làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, Phó bí thư Trung ương Cục kiêm Phó Bí thư Quân ủy miền. Năm 1974, được phong quân hàm Thượng tướng, năm 1980 được phong quân hàm Đại tướng. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở Đại tướng Hoàng Văn Thái, điều quý nhất là không có chủ nghĩa cá nhân. Ông luôn nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt việc nước, việc quân lên trên hết. Với tinh thấn ấy, ông đã có tác dụng lớn là chăm lo sự đoàn kết trong Đảng, trong quân đội, trong đội ngũ cán bộ, giữa các quân chủng và binh chủng, giữa quân đội với nhân dân.
Bên cạnh đó, đất mới Tiền Hải còn hun đúc nên nhiều anh hùng, dũng sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Tiền Hải có 41.157 thanh niên gia nhập quân đội, hàng ngàn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, trong đó có 5.643 liệt sĩ, 1.314 thương binh,125 đồng chí lão thành cách mạng, 49 đơn vị và cơ sở cách mạng, 83 gia đình có công với nước, 5 đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một đơn vị dân quân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vào năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân việt Nam anh hùng, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Tiền Hải vô cùng phấn khởi đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Quốc hội và nhà nước trao tặng.
Thu Trang