Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: internet

Các đồng chí thân mến!

Cách đây tròn 60 năm, vào Thu-Đông năm 1947, khi Toàn quốc kháng chiến mới diễn ra chưa đầy một năm, thực dân Pháp mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, bao gồm cả thủy, lục, không quân đánh vào Việt Bắc-căn cứ địa kháng chiến Trung ương- nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, phá cơ quan đầu não kháng chiến, phá hủy tiềm lực kháng chiến, khóa chặt biên giới Việt-Trung, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành cuộc phản công chiến lược trên toàn chiến trường Việt Bắc. Lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Việt Bắc, được quân và dân cả nước từ Bắc chí Nam phối hợp đã chiến đấu anh dũng và mưu trí tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ được các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, bảo toàn được lực lượng của bộ đội chủ lực, đánh bại hoàn toàn chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng sa lầy bị động kéo dài cuộc chiến tranh ngoài ý muốn.

Chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947 là chiến thắng chung của cả nước, mà trực tiếp là quân dân Việt Bắc. Chiến thắng đầu tiên ở quy mô chiến dịch ấy đã làm tăng thêm ý chí chiến đấu và củng cố lòng tin của nhân dân cả nước vào sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa nhất định thắng lợi.

Qua chiến thắng Việt Bắc, chúng ta có thể nêu lên những bài học quan trọng trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh-nguyên nhân trực tiếp đưa chiến dịch phản công đầu tiên đến thắng lợi:

- Đó là bài học về chủ động xây dựng căn cứ địa trước khi bước vào cuộc kháng chiến và suốt xuân hè năm 1947. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, bồi dưỡng cán bộ, củng cố tổ chức, tăng cường trang bị, giáo dục chính trị, nhằm nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, đồng thời phát triển lực lượng vũ trang địa phương, động viên quân và dân căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đối phó với cuộc tiến công của địch.

- Đó là bài học biến bị động thành chủ động. Khi hàng vạn quân Pháp dùng bộ binh, xe tăng, pháo binh, không quân, ồ ạt tiến công lên Việt Bắc, lúc đầu ta có bị bất ngờ bị động, nhưng do bám sát tình hình, phân tích đúng những điểm yếu của địch, những khó khăn nhược điểm của ta và khi bắt được kế hoạch tấn công của địch, ta đã kịp thời thay đổi kế hoạch tác chiến lúc đầu, Bộ Tổng chỉ huy đã triển khai 3 mặt trận: Đường số 2-Sông Lô, Đường số 3-Bắc Kạn và Đường số 4-Lạng Sơn, chọn đúng cách tổ chức lực lượng và cách đánh thích hợp, đánh mạnh vào chỗ yếu của địch, bẻ gãy từng gọng kìm của chúng, buộc chúng phải đi đến thất bại.

- Đó là bài học về phát triển chiến tranh nhân dân lên một bước mới, tiến hành rộng rãi toàn dân đánh giặc, đánh địch bằng mọi cách, mọi thứ vũ khí có trong tay, đặc biệt là bước đầu vận dụng thực hiện phương châm: "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" đã phát huy sức mạnh của bộ đội chủ lực kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương cùng với toàn dân tiến hành chiến tranh du kích rộng rãi.

Bài học sâu sắc mà tôi cho là có ý nghĩa thời sự đối với chúng ta trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó là lãnh đạo chỉ đạo luôn bám sát thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật về những điểm chưa đúng của ta trong đánh giá tình hình địch cũng như trong cách đánh lúc đầu và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách hành động cho phù hợp, tức là phải dũng cảm thay đổi chủ trương khi đã thấy không phù hợp với thực tế khách quan. Nhờ vậy chúng ta đã giành được thắng lợi.

Với thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám và chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông năm 1947, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của niềm tin, của chiến thắng. Hai tiếng Việt Bắc thân yêu trở thành tên gọi của chiến công, đi vào lòng người, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, cổ vũ toàn dân và toàn quân ta trên mỗi nẻo đường kháng chiến.

Trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, Việt Bắc luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Vì vậy tôi mong đồng bào các dân tộc Việt Bắc hãy nêu cao truyền thống cách mạng nỗ lực phấn đấu tiến lên và mong Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước quan tâm giúp đỡ các tỉnh vùng căn cứ địa Việt Bắc phát triển giàu mạnh sớm tiến kịp miền xuôi, tương xứng với vai trò căn cứ địa quan trọng bậc nhất của cách mạng Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Việt Bắc, chúng ta càng tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trên các mặt trận Sông Lô, Đường số 3, Đường số 4 mùa khô năm 1947, đồng thời tưởng nhớ đến các liệt sĩ trên các chiến trường khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc để Tổ quốc ta có được ngày nay.

Tôi hoan nghênh Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Quân khu 1 và Quân khu 2 tổ chức cuộc Hội thảo khoa học: "Chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947-vai trò căn cứ địa và bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến". Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để kỷ niệm chiến thắng Việt Bắc, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn dân và toàn quân ta, nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và cả mai sau.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Chào thân ái,

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2007

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP