Trong bài “Tìm dấu chân của Bác” đăng trên Sự kiện và Nhân chứng số tháng 10-2008, tác giả – Thiếu tướng Cao Pha (nay đã mất) có kể về chuyến đi tìm lại những địa danh lịch sử đã gắn với hình ảnh của Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới, tháng 9-1950. Chuyến đi đương nhiên là vô cùng gian nan vất vả, vì Thiếu tướng Cao Pha khi ấy (năm 2003) đã 84 tuổi; vả lại, cũng đã hơn 50 năm kể từ ngày mở chiến dịch, địa hình, địa vật đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, bằng tình cảm kính yêu đối với Bác, vì trách nhiệm đối với cụm di tích “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi chiến dịch Biên giới năm 1950” đang được khảo sát xây dựng, ông đã khắc phục nỗi mệt nhọc của tuổi già, cùng đoàn khảo sát tìm đến các điểm cao được cho là nơi Bác đã dừng chân trong thời gian chỉ đạo chiến dịch, đặc biệt là nơi Bác ngồi quan sát mặt trận Đông Khê từng được ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Cũng trong bài viết đó, liên quan đến các di tích cụ thể, tác giả Cao Pha kiến nghị: “Dựng một tấm bia nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến quan sát vị trí Cao Bằng, từ đó Đại tướng đề nghị chuyển hướng tiến công từ Cao Bằng về Đông Khê”.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu.
|
Không rõ kiến nghị này của vị tướng quá cố đã được lắng nghe đến đâu, và cụm di tích đã được triển khai xây dựng như thế nào, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được thông tin cho bạn đọc về chuyến đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên điểm cao quan sát vị trí Cao Bằng như đã được tướng Cao Pha nói đến trong kiến nghị của mình. Cũng xin được nói ngay, những thông tin này là từ những trang nhật kí của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người có vinh dự được theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi cũng như được chứng kiến một số hoạt động của Đại tướng trước và sau đó. Trước đó một ngày (5-8-1950), cha tôi được dự cuộc nói chuyện của Đại tướng với các văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch. Cuộc nói chuyện diễn ra bên sa bàn mô phỏng căn cứ địch ở Cao Bằng; Đại tướng cưỡi một con ngựa đỏ đi tới bên sa bàn làm tại một góc rừng, cha tôi còn nhớ trông ông hồng hào và rất tươi. Hay sau chuyến đi một ngày (7-8-1950), cha tôi lại được chứng kiến Đại tướng chuẩn bị tiếp Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, và sau đó là “khai hội với Phan, Tiến, Phương sau khi bọn này ngủ dậy”... (Cha tôi lúc đó là một cán bộ văn nghệ được cử đi viết sách, báo phản ánh chiến dịch, trong khi nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An được phân công là nhiếp ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới)...
Trong những trang nhật kí giới thiệu sau đây, chúng tôi xin được để nguyên các tên viết tắt, bí danh, mật danh như tác giả đã viết, trong đó Hưng là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, N5 là mật danh vị trí Cao Bằng, An là tên nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An; đó là những cái tên chúng tôi đã xác định được. Còn Phan thì có thể là gọi tắt tên của Đại tá Phan Phác, Tổng tham mưu phó.
“6-8-1950. Cùng An, Khiêm vượt đèo Mã Phục, đi trên đường số 3 về phía Cao Bằng. Hưng tới sau, thấy mình nằm, hỏi có mệt không? Ngủ. Lúc dậy Hưng đang ăn cơm, hỏi: “Anh có ăn để chúng tôi bố trí bát đũa”. Trưa đi. Qua một con suối, một đội viên cõng Hưng. Lên dốc. Phong cảnh đẹp. Thung lũng nhỏ, núi biếc. Có cây lá màu hung. Vài cái lều lơ thơ, một cái bếp, sàn ọp ẹp. Hưng có vẻ sốt ruột. Mưa sùi sụt. Tới một bản con. Một đội viên đội mưa, cầm súng, áo xanh, mũ phủ vải, đứng gác lom khom bên một rặng trúc. Nhà làm trên mỏm núi, sườn núi ngô thoai thoải. Hưng thảo luận với Phan về việc đi. Nhiều người không tin tưởng. Đói. Ngồi trú mưa ở một nhà con, một người đàn bà Thổ đắp chăn sốt, đứa con gái nằm bên. Mua ngô, nướng và rang. Hưng thảo luận xong, sang cùng Phan, cởi áo hơ lửa, để lộ thân hình trắng nõn. Bên cạnh là một đội viên Thổ. Hưng hỏi chuyện. Người đội viên nhổ tóc bạc cho Hưng. Hưng cười hỏi: “Có bạc cả đâu, còn một nửa đen, sao đồng chí lại bảo là bạc mà nhổ của tôi”. Hỏi có hay viết thư về nhà không? – ít viết. Chỉ có Tết viết thôi. Ra bộ đội, vì thanh niên đi cả. Hỏi có lấy vợ không? – Không, vì lấy vợ thì [khác nào] để cho du kích. Hưng vịn vai anh ta. Gọi Hưng là ông: “Ông trắng quá”. Hưng nói vì đi đánh Tây nhiều cho nên trắng. Ra đi, Hưng nói: “Không biết hắn có nghĩ gì không mà hồn nhiên quá”. Hưng muốn làm văn nghệ.
Đi. Vì lúc ấy hửng. Hưng đi đất. Càng đi, trời càng mù, không trông rõ gì cả. Mình vẫn tin tưởng, nhưng An nói chiều rồi. Hưng có vẻ không vui, nhưng anh pha trò. Càng gần N5 càng mù. Toàn lau. Ngụy trang. Có tranchée (hào) của Nhật đào. Có người hú. Cấm ho và nói to. Không mưa, nhưng mù. Có người nói: “Mình không trông thấy nó, nó cũng không trông thấy mình”. Đứng lố nhố trên hào. Đã có binoculaire (ống nhòm) trong hào. Xem ống nhòm. Anh quân báo, một thanh niên vui vẻ, lắc đầu: “Không trông thấy gì”. Gió thổi mát. Mình tin rằng mù sẽ tan. Vì gió đánh mạnh. An chụp ảnh, Leica avant dernier modèle (máy ảnh Leica kiểu áp chót). Viện trợ(1). Bỗng mình reo lên. Trông thấy rồi. Một viền đỉnh núi trắng, sáng. Gió chọc thủng một màn mù. Chạy cả xuống hào. Nhưng mù lại trở lại. Rồi trong một giây nó lại bay. Phan chỉ trỏ: Kìa con sông Bằng Giang. Kìa đường số 4. Mù lại đặc, rồi lại lộ một dãy núi xanh biếc, có mây trắng chắn ngang. Mọi người hồi hộp. Anh Hòa Lạc đứng im lìm trước mặt, bên một khóm cây. Thất vọng, như một trò ú tim. Mù. Rồi lại im lặng chờ. Hưng đứng sau lưng mình, sờ lưng mình. Hỏi: “Anh có hay làm thơ không? Tôi lắm lúc rất muốn làm thơ. Như cái cảnh lúc này, làm được thơ thì thú biết mấy”.
Rồi thì màn sân khấu mở ra, N5 hiện dần dần, rồi rõ nét, sông Hiến, sông Bằng. Cầu. Hô xuống cả tranchée. An chụp mấy pose (kiểu). Nhấp nhô. Có người nói: “Xuống cả tranchée, không thì vị trí bảo vệ sân bay chỉ cách mình có 800 thước”. Hưng áp ngực trên thành tranchée, nhìn sang vị trí. Sân bay có một chiếc máy bay. Bên kia sông, phố. Con đường số 4 lượn tít mù. Cảm thấy một cái gì nhơ nhớ, bực bực. Đất nước của mình, mà phải lén lút. Nhưng cũng tự hào. Hưng đã nói đùa: “Bulletin (bản tin) của nó hôm nay lại ghi: Rien à signaler” (Không có gì đáng chú ý). Có mấy người trong bộ Tổng tư lệnh hỏi: “Anh có cảm giác gì không?” Anh quân báo cũng hỏi. N5 im lặng như một bức tranh. Không thấy người đi lại. Các vị trí ngoại vi đỏ kệch. Mấy thằng ngụy binh hát tiếng Thổ. Có người nghe tiếng kèn. Hôm nay chủ nhật. “Minh!” - Hưng gọi. Minh đến gần. Hưng hỏi ôn tồn, từng chỗ. Từ pháo đài, sang khu phố. Đâu là nhà chỉ huy, đâu nhà thờ, đâu nhà máy điện. Hưng nhòm ống nhòm. Nhà mái tôn trông như hai cái ao. Trông vào ống nhòm mới rõ. Trời tối dần dần. Chung quanh chỗ chúng tôi mù đã bao phủ. Nhưng N5 còn rõ. Nhà sân bay lên bếp. Hưng: “Nhà tụi ngụy binh không có đèn”. Đèn trong phố bắt đầu bật. Hai ba ngọn sáng. Một chiếc đèn ô tô hay xe đạp. Hưng đứng lên thành hầm xem, và hỏi rất tỉ mỉ. Nói: “Khác sa bàn nhiều lắm”. Anh đưa cho tôi ống nhòm, lúc ấy đã tối. Nhìn vào nom rõ, như cái vườn có điện trước mặt. Hỏi có xem thấy gì không? Anh vui lắm. Nói: “Đánh được N5 thì Tây khiếp”.
Dọc đường về. Anh nói: “Phải có vài trận thắng mới được”.
Ngã nhiều quá. Rét. Ướt. Rách áo. Nhưng mình đi phăng phăng. Về đến nhà quân báo thì đã 1 giờ 30 phút sáng. Ăn cơm. Hôm nay còn một việc nữa. Một anh nói: “Cắt gác”. Hưng cười. Không nên để trung đội quân báo gác không, mình mệt mà họ cũng mệt.
Ngủ. Nghĩ đến Cương. Vui. Đêm nay không phải gác...
Để kết thúc bài viết này, xin được trở lại với ý kiến của Thiếu tướng Cao Pha trong bài Tìm dấu chân của Bác về việc dựng tấm bia nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến quan sát vị trí Cao Bằng, vì “từ đó Đại tướng đề nghị chuyển hướng tiến công từ Cao Bằng về Đông Khê”. Rõ ràng, như thực tế cho thấy, đây là một sự chuyển hướng có tính quyết định đối với thành công của chiến dịch. Đó cũng là kết quả của một sự cân nhắc rất kỹ và cũng rất kín của Đại tướng, nhưng đó là chuyện về sau, vì như ở câu kết của đoạn nhật ký nói trên, Đại tướng còn nói vui: “Đánh được N5 thì Tây khiếp”.
Nguyễn Huy Thắng
(1): Hàng viện trợ của Mỹ cho Pháp.