Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Quý Hải (bên trái) và chính trị viên Tiểu đoàn 2 Đào Hướng (Đoàn pháo binh Bông Lau, năm 1975).

Cuốn nhật ký mô tả khá sinh động, chân thực tinh thần chiến đấu ngoan cường của biết bao cán bộ, chiến sĩ pháo binh, công binh, bộ binh và nhân dân đã dũng cảm vượt qua bom đạn khốc liệt để giành chiến thắng tại Mặt trận Quảng Trị, mùa hè 1972. Tôi mong cuốn sách có giá trị này sẽ góp phần truyền lại những kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT, đặc biệt là lực lượng pháo binh ba thứ quân. Đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trên đây là những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên trang đầu cuốn Mùa hè cháy, do NXB Quân đội nhân dân phát hành tháng 5-2008. Mùa hè cháy là cuốn nhật ký chiến tranh của Đại tá Quý Hải, ghi trong thời gian từ đầu năm 1968, khi anh từ Trường sĩ quan Pháo binh được điều về làm tiểu đoàn phó thuộc Đoàn pháo binh Bông Lau, cùng đơn vị vào chiến trường Trị Thiên, tham gia nhiều chiến dịch lớn mà tiêu biểu là “mùa hè rực lửa” năm 1972.

Thượng tướng-Giáo sư Hoàng Minh Thảo nhận xét cuốn nhật ký này đã “viết trung thực, có giá trị, rút được kinh nghiệm quý, nhất là cho các lớp chưa qua chiến đấu”. Thiếu tướng Trần Hữu Định-Chính ủy Binh chủng Pháo binh-đánh giá: “Đây không chỉ là những dòng nhật ký cá nhân, mà ở đó Đại tá Quý Hải đã viết về tinh thần chiến đấu ngoan cường của biết bao chiến sĩ pháo binh đã dũng cảm vượt qua bom đạn khốc liệt để giành chiến thắng, ở đó còn có cả những ước mơ hoài bão của tuổi trẻ cùng lý tưởng cách mạng, niềm tin về chiến thắng của dân tộc”. Đại tá Cao Sơn, nguyên Đoàn trưởng Đoàn pháo binh Bông Lau, sau khi đọc cuốn nhật ký này, đã viết: “Là một cán bộ chỉ huy chiến đấu giữa chiến trường, mà đồng chí Quý Hải vẫn tranh thủ thời gian chăm chút ghi lại tỉ mỉ cả về thời gian, địa điểm, mối quan hệ đồng chí, đồng bào… với tình cảm tin tưởng, lãng mạn của tuổi thanh xuân. Nhất là sự kiện đập tan sự kháng cự của trung đoàn 56 ngụy, buộc chúng phải đầu hàng. Sau đó còn tham khảo sưu tầm nhiều tài liệu trong và ngoài nước để những ý nghĩa và công tích của đơn vị được sâu sắc và xác thực thêm”. Một đồng đội cùng chiến hào nữa, Đại tá Đỗ Son, nguyên Chủ nhiệm chính trị Đoàn pháo binh Bông Lau, gần 40 năm sau được đọc những trang nhật ký về những ngày tháng ấy, đã viết thư cho tác giả: “Tác phẩm đã giúp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo binh 38 (tức đoàn Bông Lau-BT) chiến đấu thời kỳ đó-trong đó có tôi-nhớ lại những giờ phút oanh liệt đầy gian khổ diễn ra từng ngày, từng giờ; nhớ lại những trận chiến thắng và cả những hy sinh của đồng đội…

Gặp mặt bạn chiến đấu Đoàn pháo binh Bông Lau, tháng 4-2006.

Tác phẩm không những đem lại niềm tự hào cho chúng tôi-lớp cán bộ, chiến sĩ đã qua chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị thời kỳ chiến tranh-mà còn có tác dụng giáo dục tốt cho lớp thanh niên sau chiến tranh, đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”…

Thiết nghĩ, giới thiệu về cuốn nhật ký Mùa hè cháy của Đại tá cựu chiến binh-nhà văn Quý Hải, không gì chính xác và thuyết phục hơn là dẫn ra những ý kiến trên đây của các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu và những cựu chiến binh là đồng đội của tác giả trong “mùa hè cháy” ấy. Phần tôi xin

được nói thêm: Gần ba trăm trang của cuốn nhật ký ấy đã lôi cuốn tôi một mạch như đang được đọc một cuốn truyện ký được viết bởi một cây bút khá chuyên nghiệp. Hình như ngày ấy, người Tiểu đoàn phó Quý Hải-một thanh niên trí thức xứ Đoài gia nhập quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược-vào chiến trường đã có sẵn ý thức của một nhà văn tương lai, nên những trang nhật ký của anh đã vượt lên kiểu viết nhật ký thông thường, trở thành những trang ghi chép tư liệu văn chương rất đặc sắc. Đọc nhật ký của anh, ta bắt gặp những chi tiết sinh động, những quan sát tỉ mỉ mà các nhà phê bình văn học vẫn gọi là “vốn sống thực tế” hết sức phong phú và độc đáo. Có nhiều trang nhật ký “đẹp” như một đoạn văn tự sự hoặc trữ tình của một cuốn tiểu thuyết. Nhiều mẩu chuyện thời chiến được kể với một giọng văn rất tài hoa. Chính cái chất tài hoa ấy đã cắt nghĩa vì sao sau này bước ra khỏi chiến tranh, Quý Hải đã “chuyển ngành” sang làm biên tập viên Truyền hình Quân đội nhân dân một thời gian khá lâu trước khi được bổ nhiệm làm đoàn trưởng Đoàn kịch nói Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu. Và cũng từ đó, ngoài công tác biên tập truyền hình rồi làm quản lý một đơn vị sân khấu hàng đầu của đất nước, Quý Hải còn được biết đến với tư cách một nhà văn, một nhà biên kịch và một nhạc sĩ. Lĩnh vực nào anh cũng có những thành tựu đáng kể. Đặc biệt từ ngày nghỉ hưu đến nay anh viết càng khoẻ, hình như bao nhiêu vốn kiến thức và vốn sống tích lũy qua hai cuộc chiến tranh đang “bùng nổ” trong anh. Ngoài hàng chục vở kịch đã được dàn dựng trên sân khấu của những đơn vị nghệ thuật danh tiếng, anh còn có tám cuốn tiểu thuyết “bề thế” và nhiều kịch bản phim đã ra mắt khán giả. Trong đó, có những bộ phim truyền hình hàng chục tập đã và đang phát trên đài Truyền hình Việt Nam và đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh…

Những năm gần đây, nhiều cuốn nhật ký chiến tranh được sưu tầm, biên soạn và xuất bản đã tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong đời sống xã hội và đời sống văn học. Mỗi cuốn nhật ký chiến tranh có một số phận, hoàn cảnh mà khi đến được với độc giả đã khiến bao thế hệ xúc động, cảm phục. Tiêu biểu trong số đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cuốn sách may mắn còn lại với chúng ta hôm nay nhờ lời can ngăn của một người lính ngụy: “Đừng đốt vì trong đó đã có lửa”. Mùa hè cháy của Quý Hải cũng là một cuốn nhật ký “trong đó đã có lửa” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Được biết, chỉ hơn một tháng sau khi NXB Quân đội nhân dân phát hành Mùa hè cháy, cuốn sách đã được NXB Hội Nhà văn tái bản lần thứ nhất 1.500 cuốn. Thêm một hiện tượng hiếm có về thời gian và số lượng tái bản trong tình hình xuất bản hiện nay. Và điều đó thêm một lần nữa đã góp phần khẳng định giá trị nhiều mặt của cuốn nhật ký chiến tranh Mùa hè cháy!

MAI NAM THẮNG