Trân trọng trao bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bà Đặng Bích Hà, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ Hy Lạp Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít (George Hadjimichalis) bày tỏ rằng, được đến thăm nhà Đại tướng là một vinh dự lớn trong cuộc đời ông.

Họa sĩ Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít trao tặng Phu nhân Đặng Bích Hà bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đối với họa sĩ Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít và đoàn đại biểu Đại sứ quán Hy Lạp tại Hà Nội, cuộc gặp gỡ với Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 17-11 là không thể nào quên. Ngay khi vừa bước vào phòng khách, đoàn đã được Phu nhân Đại tướng ra đón tiếp niềm nở. Không cần tới phiên dịch, Phu nhân mở đầu câu chuyện bằng tiếng Pháp với các vị khách nước ngoài.

Ấn tượng về một vị tướng huyền thoại của Việt Nam và của cả thế giới in đậm trong trí óc của một học sinh mười tuổi Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít người Hy Lạp. Đó là vào năm 1965, ở trường học của Hát-gi-mi-cha-lít chiếu một bộ phim Mỹ tuyên truyền chống lại những hành động của Việt Minh trước đó mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Không hiểu vì một lý do nào đó mà bộ phim này đã rất cuốn hút cậu học sinh nhỏ tuổi này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy quân đội đánh bại cả đội quân Pháp hùng mạnh, đã trở thành hình tượng ngưỡng mộ của Hát-gi-mi-cha-lít và một số bạn cùng lớp từ đó đến  bây giờ.

Họa sĩ Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít cho biết, vào thời điểm diễn ra chế độ độc tài ở Hy Lạp, ông là một thành viên tích cực của Tổ chức Thanh niên của Đảng Cộng sản Hy Lạp. Từ năm 1971, khi đang du học tại Luân Đôn (Anh), ông đã tham gia các phong trào ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và đòi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Trong tâm tưởng của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là vị Đại tướng, là Nhân tài kiệt xuất của Quân đội nhân dânViệt Nam. Hình ảnh Đại tướng trong cuộc họp chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mãi in đậm trong tâm trí người họa sĩ, cùng với đường lối chiến lược đánh Pháp “nếu địch tập trung lực lượng trong một khu vực nhỏ, chúng sẽ trở nên rất mạnh nhưng sẽ mất đất, còn nếu chúng dàn mỏng quân  ra diện rộng, chúng sẽ giành được thêm đất, nhưng lực lượng sẽ yếu đi”. Đây cũng là lí do tại sao sự tập trung co cụm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ lại là lợi thế tấn công và giành thắng lợi của quân đội Việt Nam về sau này. Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít thấy kế sách này của Đại tướng quả là phi thường. Nó trở thành phương châm sống, kim chỉ nam cho cuộc đời ông sau này... 

Họa sĩ Gioóc-giơ Hát-gi-mi-cha-lít tâm sự, ông đã chờ đợi chuyến thăm Việt Nam này khá lâu rồi và được thăm gia đình Đại tướng là một trong những thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Hoạ sĩ Gioóc-giơ nhớ lại: Năm 1998, khi phải nằm viện vì phát hiện bị ung thư phổi đang di căn lên não, ông đã nhớ đến kế sách đánh giặc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cho rằng, phương pháp trị liệu hóa học sẽ ngăn ngừa sự phát triển lan rộng của tế bào ung thư, sẽ dồn chúng lại trên một diện hẹp và xạ trị sẽ tiêu diệt được chúng. Với hy vọng đó, ông bắt đầu xây dựng một phương pháp trị liệu của riêng mình bằng cách đọc rất nhiều sách viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc quá trình trị liệu, ông sáng tác được hai tác phẩm nghệ thuật, đã được trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại A-ten (Athens) và M.O.M.A (Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Niu Y-oóc). Đó là hai bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một trong hai bức vừa được tặng gia đình Đại tướng trong chuyến thăm này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, họa sĩ Gioóc-giơ cho biết, ông đã vẽ chân dung Đại tướng dựa theo bức ảnh Đại tướng chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xe ô tô khi đi dự mít tinh năm 1945. “Tôi đã gửi gắm tất cả tình cảm của mình với Đại tướng trong bức tranh này!”, ông Gioóc-giơ bày tỏ. Và dường như không nén nổi cảm xúc của mình, họa sĩ Gioóc-giơ thốt lên: “Đến thăm gia đình Đại tướng, được thăm căn phòng khách giản dị, treo rất nhiều tranh ảnh về Đại tướng, được nói chuyện với Phu nhân về Đại tướng, tôi càng hiểu thêm nhân cách vĩ đại của vị tướng huyền thoại được cả thế giới ngưỡng mộ”.

Trước khi chia tay, ông bùi ngùi nói: “Tâm nguyện cuộc đời của tôi đã hoàn thành. Tôi không có gì để hối tiếc nữa”.

Bài và ảnh: KIM OANH