 |
Bằng chứng nhận huân chương của Trung tướng Đặng Kinh. |
Đỡ tấm bằng huân chương Quân công từ trên nóc tủ xuống, Trung tướng Đặng Kinh cẩn thận vuốt ve, ngắm nghía: “Nó vẫn còn rõ cả chữ ký của Đại tướng”. Tấm huân chương này ông được tặng thưởng theo Nghị định số 181/NĐ ngày 22-8-1954, được ghi vào sổ khen thưởng của Bộ Quốc phòng số 382. 1 c. QP, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký.
Trung tướng Đặng Kinh kể: Sau hai tháng chuẩn bị, tôi cùng các đồng chí Minh Khánh và Trần Hoàn chọn trong bốn đại đội của tỉnh được 100 anh em thuộc loại “tinh nhuệ” đi đánh sân bay Cát Bi và 30 anh em khác làm nhiệm vụ bảo vệ. Cả đội do tôi trực tiếp chỉ huy, dự kiến trận đánh sẽ nổ ra vào đêm 20-12-1953, nhân kỷ niệm 7 năm ngày Toàn quốc kháng chiến. Kế hoạch được Thường vụ tỉnh đội thông qua nhưng khi đưa lên báo cáo đồng chí Ngạn, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Khai, Tư lệnh Liên khu 3, đồng chí Dương Hữu Miên, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Liên khu 3 thì bị dừng lại. Các đồng chí ở Tỉnh ủy và Bộ tư lệnh cho rằng cần phải bảo vệ cho đoàn cán bộ chiến sĩ đánh sân bay vì đây là những chiến sĩ nòng cốt của tỉnh. Bộ tư lệnh Liên khu 3 sẽ điều Trung đoàn 50 do đồng chí Nguyễn Tiệp chỉ huy yểm trợ cho đơn vị. Khi quân ta nổ súng đánh sân bay thì Trung đoàn 50 tiến vào Kiến Thụy đánh càn để bảo vệ lực lượng này.
Một hôm tôi được lệnh đi công tác ở Vĩnh Bảo. Vừa đến nơi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chờ sẵn và nói ngay: “Trên yêu cầu khu ta phối hợp với chiến trường chính khẩn trương. Mình gọi gặp cậu để ta bàn đánh sân bay Cát Bi vào tháng ba. Trước đây kế hoạch của ta chuẩn bị đánh lớn, bây giờ ta thực hiện phương án đánh nhỏ chắc ăn. Ta chỉ cần phá hủy 50 chiếc là được”.
 |
Xác máy bay Pháp bị phá hủy tại sân bay Cát Bi sau trận đánh. |
Nghe đồng chí Bí thư nói vậy, tôi nghĩ thầm: “Với sự chuẩn bị của mình, đánh 50 chiếc không vấn đề gì”. Nghĩ vậy, tôi quay sang hỏi: “Anh cho biết đánh một chiếc máy bay, anh quy đổi cho tôi bằng bao nhiêu tên Pháp?”. Đồng chí Bí thư cười trả lời: “Cứ diệt một máy bay được đánh giá bằng một trung đội Âu-Phi”. Tôi quay lại giao hẹn với đồng chí Bí thư: “Nếu anh em chúng tôi phá hủy 50 chiếc máy bay được tính bằng diệt 50 trung đội, cứ 10 trung đội bằng một tiểu đoàn. Như vậy hoàn thành chỉ tiêu của anh, bộ đội Kiến An sẽ đánh một trận diệt 5 tiểu đoàn Âu-Phi”. Đồng chí Bí thư cười, trả lời đồng ý và hỏi tôi: Cậu định sử dụng bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ? Tôi trả lời khoảng 30 đồng chí là đủ.
Đêm 6-3-1954, được sự giúp đỡ của nhân dân Kiến Thụy, Tiên Lãng, 32 đồng chí bộ đội Kiến An đã vào sân bay Cát Bi. Các chiến sĩ chia làm hai mũi bí mật đột nhập, ém sẵn ở đường băng. Đúng 0 giờ ngày 7-3, tất cả các chiến sĩ đồng loạt xông vào khu đỗ máy bay. Quân ta dùng bộc phá phá hủy máy bay. Những ánh chớp lóe lên cùng với những tiếng nổ của các thùng chứa xăng, máy bay bốc cháy thành dãy, sáng rực trời… Chỉ trong 15 phút, ta phá hủy 59 máy bay của địch rồi rút ra ngoài. Khoảng 5 giờ 30 phút sáng, anh em đã về nơi tập kết. Trận này một đồng chí hy sinh do lính tuần tra địch bắn trả, còn hai đồng chí bị thương, được nhân dân Hòa Nghĩa đón về cứu chữa.
Ngày 8-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen, trong đó có đoạn: “Đây là một chiến công lớn, là một trong những trận chiến đấu oanh liệt dũng cảm nhất, là trận phá hoại lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay, đánh thẳng vào nơi trung tâm quân sự giặc ở sát Hà Nội và Hải Phòng… Tinh thần dũng cảm vô song của các đồng chí đáng nêu cao cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ toàn quân học tập…”.
TRẦN HẰNG