Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong vòng tay đồng đội. Ảnh: Quang Thái

Những tiếng cười giòn tan, những cái ôm xúc động, những lời nói nghẹn ngào, những cái bắt tay thắt chặt, những giọt nước mắt lã chã... Đó là những tình cảm chân thành và thân thiết mà hơn một vạn đại biểu thay mặt cho hàng triệu người đã từng chiến đấu, công tác, lao động trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu xuyên dãy Trường Sơn gặp lại nhau.

Không chỉ có vậy, cuộc gặp mặt lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh cùng với cuộc gặp các thế hệ lãnh đạo, Anh hùng Bộ đội Trường Sơn đã làm tái hiện khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...

Rưng rưng nhớ đồng đội cũ

Cuộc nói chuyện của Đại úy Phạm Hồng Sơn 81 tuổi, ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân, Thanh Hóa với đồng đội cũ trên địa bàn Thủ đô thường xuyên phải ngắt quãng bởi những giọt nước mắt xúc động khi nhắc tới những người đồng đội cũ đã hy sinh, từ trần. Đại úy Phạm Hồng Sơn là một trong số rất ít những người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ mở đường “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” trong Tiểu đoàn 301 nay vẫn còn sống. Để ra được Hà Nội đúng ngày kỷ niệm, cụ Sơn đã phải đi từ ngày hôm trước xuống thành phố Thanh Hóa, sau đó đi theo xe của Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa về Hà Nội. Cụ Sơn nói với chúng tôi: “Được gặp đồng đội cũ, tôi như trẻ lại, như sống lại thời kỳ gùi thồ vượt Trường Sơn”.

Anh hùng Nguyễn Viết Sinh, người đã từng đi bộ gùi thồ vượt núi rừng Trường Sơn tính theo chiều dài bằng nửa vòng trái đất bồi hồi nhớ tới kỷ niệm với đồng chí Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559: “Hồi đó tôi là tiểu đội trưởng. Tiểu đội của tôi sau khi đi gùi thồ về thì trời gần tối, gặp đồng chí Võ Bẩm. Đồng chí từ chối việc bố trí chỗ ngủ trên lán của chỉ huy đại đội mà xin ngủ chung với anh em trong tiểu đội tôi để tìm hiểu về tâm tư tình cảm của anh em. Đêm khuya, một đồng chí trong tiểu đội đổi gác, cứ ngỡ đồng chí Võ Bẩm là chiến sĩ trong tiểu đội liền kéo tay lôi dậy để gác. Khi nghe thấy đồng chí Võ Bẩm nói: Tôi là Võ Bẩm đây, chiến sĩ kia phát hoảng, nhưng đồng chí Võ Bẩm không phê bình. Cán bộ sâu sát với chiến sĩ là một trong những nhân tố quan trọng để Bộ đội Trường Sơn chiến thắng”.

Trong bài phát biểu của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và Thiếu tướng Võ Sở, Trưởng ban liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã nhiều lần phải dừng lại bởi những giọt nước mắt rơi lã chã khi nhắc đến sự hy sinh của đồng đội cũ.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết: Để có ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, hơn 22 nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của chiến trường Trường Sơn đã hy sinh, hơn 30 nghìn chiến sĩ bị thương, hàng vạn người mang thương tích do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin…

Làm sống lại các dữ liệu lịch sử

Các đồng chí lãnh đạo Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Binh đoàn 12) không thể ngờ được rằng, trong cuộc gặp mặt lịch sử này, nhiều dữ liệu lịch sử đã được làm sáng tỏ, nhiều chủ nhân đích thực của các hiện vật trong bảo tàng đã được tìm thấy.

Chiếc xe bọc thép phá bom từ trường được trưng bày trong bảo tàng được rất nhiều du khách chú ý. Xe này được Viện Kỹ thuật quân sự Việt Nam nghiên cứu chế tạo trên cơ sở cải tiến xe bọc thép BTR của Liên Xô (trước đây). Chiếc xe này đã phá được hàng nghìn quả bom. Thật bất ngờ, Trung tá cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lãng ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong đoàn CCB Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh về gặp mặt đã nhận ra đây là chiếc xe do mình sử dụng trong thời gian từ năm 1968 đến năm 1972. Hiện Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đang tiến hành xác minh lại lịch sử của chiếc xe này.

Rất nhiều các câu chuyện cảm động về các hiện vật trong Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cũng được các cựu chiến binh Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn kể lại, được các cán bộ Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh ghi lại, làm sống động hơn cho việc thuyết minh, giới thiệu các hiện vật của Bảo tàng.

Trong các cuộc nói chuyện của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, ký ức của cuộc chiến tranh được nêu ra, như là tâm điểm của cuộc gặp mặt. Cuộc gặp mặt đã làm tái hiện khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – Đại tá Nguyễn Bá Thưởng, Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Hưng Yên đã nói với chúng tôi như vậy.

Nghị lực phi thường của các cựu chiến binh Trường Sơn

Rất nhiều cựu chiến binh Trường Sơn đã đến bắt tay và chúc mừng doanh nhân Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Bắc Hà. Anh Chiến nguyên là chiến sĩ lái xe thuộc Binh trạm 33, Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Bắc Hà, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, trong đó có gần một nửa lao động đã từng là bộ đội.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Quý, thương binh hạng 4/4 nguyên là chiến sĩ lái xe sư đoàn 571 Anh hùng (đơn vị chủ công đưa bộ đội hành quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử) cũng được nhiều cựu chiến binh hỏi thăm không phải vì anh đã ủng hộ 100 triệu đồng cho các hoạt động tình nghĩa của Bộ đội Trường Sơn mà vì nghị lực của anh lính xung kích từ chiến trường đến thương trường. Hiện anh là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Thái Bình Dương, đang tham gia hàng trăm dự án xây dựng, trong đó có những dự án xây dựng nhà máy điện trị giá hàng nghìn tỉ đồng.

Rất nhiều tấm gương vượt qua khó khăn trong cuộc sống đã được các cựu chiến binh Trường Sơn nhắc đến, như là điểm tựa để mọi người cùng vươn lên. Điều đáng tự hào là trong đội ngũ các cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn đã có rất nhiều người trở thành doanh nhân giỏi. Chị Ngô Thị Nguyệt, nguyên là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 473 nay là một trong 10 doanh nhân tiêu biểu nhất của tỉnh Thanh Hóa. Các doanh nhân đã từng là bộ đội Trường Sơn hiện đang công tác trong quân đội như Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc; Đại tá Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Công ty Tư vấn và Khảo sát-thiết kế xây dựng; Đại tá Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Công ty xây dựng 99… cũng đều chỉ huy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Kế tục và phát huy truyền thống Trường Sơn

Các cựu chiến binh Trường Sơn trân trọng đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh –Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Trong thư của Đại tướng có đoạn viết: “Chúc các đồng chí mạnh khỏe, luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng của Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp đổi mới, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Các cựu chiến binh Trường Sơn rất tự hào vì đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn là Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trong những năm qua đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tại các cuộc gặp mặt, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12-Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã phát biểu ý kiến khẳng định, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn đang viết tiếp truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Trong những năm gần đây, đơn vị liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Hiện nay các đơn vị của Binh đoàn đang có mặt ở nhiều công trình trọng điểm của đất nước như Nhà máy thủy điện Sơn La, Đường Trường Sơn Đông, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nhà máy thủy điện Bản Chát, đường Tuần tra biên giới… Các đơn vị của Binh đoàn phần lớn đều kế thừa truyền thống của các đơn vị Anh hùng trên đường Hồ Chí Minh năm xưa, phát huy được truyền thống vẻ vang trong chiến tranh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, giải quyết đủ việc làm cho người lao động, có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và là nơi dự trữ tiềm lực quốc phòng cho đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại cuộc gặp mặt, Thiếu tá Vũ Quang Tuynh, Trưởng ban Bảo mật Binh đoàn 12, con trai của liệt sĩ Vũ Xuân Ba, Chính trị viên đại đội pháo cao xạ thuộc Bộ đội Trường Sơn cho rằng: “Được sống và làm việc tại Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Tôi và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 sẽ nguyện đem hết sức lực và trí tuệ của mình, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng”.

ĐỖ PHÚ THỌ