Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên tư lệnh Quân khu 4, dù đã 88 tuổi đời, 65 năm tuổi đảng nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, có một trí nhớ tuyệt vời. Ông tâm sự, suốt 49 năm tuổi quân chủ yếu làm cán bộ quân sự, trải qua nhiều cương vị chỉ huy, về hưu hàng chục năm nay, nhưng cái chất chính trị trong ông vẫn còn nguyên. ông khẳng định, chính những cán bộ quân sự là Tư lệnh quân khu, quân chủng, quân đoàn… mới là những người đầu tiên đề nghị khôi phục lại chế độ chính ủy, chính trị viên chứ không phải là cán bộ chính trị.
 |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trò chuyện với phóng viên Báo Quân khu Bốn. Ảnh: Trần Dũng
|
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, muốn nhận thức đúng Nghị quyết 51, trước hết phải quay lại thời kỳ thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có nghĩa là “Chính trị trọng hơn quân sự”, “Chính trị phải đi trước”. Đó là tư tưởng xuyên suốt, là nội hàm, là bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội hàm, bản chất đó dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, thông qua hệ thống tổ chức đảng trong quân đội, chức danh chỉ huy quân sự bên cạnh có chính ủy, chính trị viên. Chính từ những chủ trương đúng đắn này, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho quân đội ngày càng trưởng thành, hùng mạnh, đủ sức đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn, qua 2 cuộc kháng chiến, bất kỳ ở đâu, khó khăn như thế nào, nếu vai trò tổ chức đảng, người chỉ huy cùng chính ủy, chính trị viên được đề cao, thì đó là nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của trận đánh và thắng lợi của đơn vị đó.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ví dụ, thời kỳ Mỹ can thiệp quân sự vào Miền Nam, không chỉ trong nước mà thế giới đều lo ngại ta không đánh được Mỹ. Nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định, đây là cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính nghĩa chống lại xâm lược, chống lại phi nghĩa. Đế quốc Mỹ, quân đội Mỹ chỉ mạnh trên đất nước Mỹ chứ không mạnh trên đất Việt Nam. Vì Mỹ có nhiều cũng chỉ có trên một triệu quân, còn Việt Nam có đến ba mấy triệu dân, lại có một lực lượng vũ trang vững mạnh, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, với hệ thống chính trị thông qua đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Hệ thống chính trị đó là nền tảng, là chỗ dựa cho lực lượng vũ trang dành thắng lợi. Trên chiến trường Tây Nguyên, lúc đó đồng chí Chu Huy Mân vừa là Tư lệnh, vừa là Chính ủy. Đồng chí Chu Huy Mân đã quán triệt sâu sắc quan điểm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là phải kiên quyết tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, biết vận động, nắm chắc tình hình để động viên bộ đội, và đề cao tư tưởng người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải là ngọn cờ tiêu biểu để đơn vị giành thắng lợi. Sau chiến thắng Plâyme, lúc giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đồng chí Chu Huy Mân gọi các đồng chí chính ủy trung đoàn lên, giao cho mỗi người một đoạn dây thừng để bắt tù binh Mỹ. Ai cũng suy nghĩ sao không giao nhiệm vụ bắt tù binh cho trung đoàn trưởng mà lại giao cho chính ủy. Từ chi tiết đó để thấy rằng đồng chí Chu Huy Mân là một con người chính trị, bao giờ cũng xác định sức mạnh của đơn vị bắt nguồn từ sự lãnh đạo của đảng, mà đại biểu cho sự lãnh đạo đó là chính ủy, chính trị viên. Ý đồng chí là muốn đánh thắng phải có ý chí, tức là về chính trị, mà người chính ủy, chính trị viên phải là ngọn cờ. Lúc xung trận, người chỉ huy khó khăn, người chính ủy, chính trị viên ở bên phải là điểm tựa để người chỉ huy vượt qua khó khăn, chỉ huy giành thắng lợi. Còn ở Quân khu 4, tiêu biểu có chính trị viên Nguyễn Viết Xuân với lời hô nổi tiếng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Lúc đó khó khăn ác liệt lắm, bom đạn tơi bời. Vậy mà người chính trị viên đã trèo lên công sự để động viên bộ đội. Lúc khó khăn, lúc ác liệt nhất, xoay chuyển bại thành thắng, nhân tố quyết định cuối cùng là người chính ủy, chính trị viên, người đó dương cao được ngọn cờ thì sẽ thắng lợi, người đó không dương cao được ngọn cờ thì chắc chắn thất bại.
Nói về nghị quyết 51, ông cho rằng, nhờ có nghị quyết mà trước những khó khăn và tác động mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, quân đội không những đứng vững mà còn là ngọn cờ, là điểm tựa để giữ vững định hướng, giữ vững ổn định chính trị. Vai trò ngọn cờ, điểm tựa của quân đội không phải bằng quân sự mà trước hết là chính trị, thông qua hệ thống lãnh đạo, mà người chính ủy, chính trị viên cùng với người chỉ huy là cốt lõi. Sức mạnh của quân đội ngày càng phát triển trước hết là nhân tố chính trị ngày càng được củng cố vững chắc, trong đó có một phần quan trọng của chính ủy, chính trị viên. Ở đâu mà người chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy đoàn kết thống nhất thì ở đó sức mạnh chính trị, sức mạnh tổng hợp của đơn vị được giữ vững và tăng cường. Người chính ủy, chính trị viên phải luôn luôn cùng đồng tâm hiệp lực với người chỉ huy thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế tốt rồi nhưng phải có con người tốt, con người đó trước hết là chính ủy, chính trị viên. Người chính ủy, chính trị viên phải ngang tầm là người cầm cờ lãnh đạo, định hướng cho đơn vị của mình. Đã là chính ủy, chính trị viên rồi chưa phải đã hoàn thiện, mà phải tiếp tục rèn luyện, càng nâng cao chất lượng, bản lĩnh người cầm cờ bao nhiêu thì cơ chế vận hành sẽ tốt bấy nhiêu. Ngược lại, người chỉ huy phải mẫu mực về quán triệt tinh thần nghị quyết, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho. Hai nhân tố này thống nhất với nhau sẽ tạo nên sức mạnh. Và suy cho cùng, nhân tố quyết định Nghị quyết 51 là sự thống nhất giữa người chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy, sự thống nhất đó trên quan điểm đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt.
Liếc đồng hồ đã gần 11 giờ trưa, chúng tôi xin phép về để ông còn chăm sóc bà. Trước khi chưa tay, ông cho chúng tôi xem bức ảnh ông chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kiềm chế sự xúc động, ông nói với chúng tôi: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự thiên tài mà còn là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa. Hôm đưa tang Đại tướng, cả nhà tôi cùng ra đường Phạm Văn Đồng vái tiễn Bác về với thế giới người hiền. Tôi sẽ có những kiến nghị để tôn vinh Đại tướng xứng với tầm vóc mà Bác đã cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc”.
PHAN THANH HẢI