 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược ở Tây Trường Sơn mùa khô 1972-1973. Ảnh tư liệu |
Sự chỉ đạo của Tổng hành dinh (Kỳ 1)
Sự chỉ đạo của Tổng hành dinh (Kỳ 2)Thường trực Quân ủy xác định: Bộ tư lệnh 500 là cơ quan chỉ đạo chỉ huy về mọi mặt tất cả các lực lượng đang làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo đảm giao thông và đánh địch trên tuyến đường được giao phụ trách. Nhiệm vụ cụ thể là: 1) Tổ chức và chỉ huy toàn bộ công tác bảo đảm giao thông, vận chuyển mọi nhu cầu vật chất cho các chiến trường, nhu cầu nội bộ của Đoàn 559, của các đơn vị hành quân vào chiến trường và thương binh, bệnh binh từ chiến trường ra; 2) Củng cố những con đường đã có, làm thêm những con đường mới ở cả hai phía đông và tây Trường Sơn, đặc biệt là xây dựng tuyến tây Khu 4 thành tuyến vận chuyển chiến lược rất mạnh và vững chắc trong mọi tình huống. Về quan hệ chỉ đạo, Bộ tư lệnh 500 là đơn vị đặt dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về mọi mặt; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh giao thông vận tải Quân khu 4 về công tác bảo đảm giao thông và kế hoạch vận chuyển. Cũng từ cuối tháng 10 năm 1968, tại cơ quan Tổng hành dinh hình thành một Tổ thường trực gồm thủ trưởng ba Tổng cục có nhiệm vụ giúp Thường trực Quân ủy thường xuyên theo dõi và chỉ đạo công tác chi viện chiến trường trên các tuyến đường vận chuyển chiến lược.
Trước tình hình địch tiếp tục đánh phá ngày càng ác liệt, gây khó khăn rất lớn trên các tuyến vận chuyển chiến lược, ngày 13-11-1968, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện cho các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Đôn và Đồng Sỹ Nguyên gợi ý một số biện pháp nhằm đẩy mạnh việc vận chuyển chi viện cho các chiến trường miền Nam. Bức điện viết: Cần đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn để có biện pháp thích hợp, kiên quyết không nên dùng lối đối phó tay đôi với địch bằng biện pháp sử dụng cao xạ, tên lửa, cơ giới… mà phải triển khai phương thức vận chuyển theo đường vòng, làm thêm đường tránh và mở rộng đường vận chuyển cơ giới; khi cần thì nghi binh ở những khu vực trọng điểm địch đánh phá, để tạo điều kiện cho xe ta đi qua. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ tư lệnh 500 với Đoàn 559 để đưa hàng vượt qua những trọng điểm trên các đường 12, 20 và đẩy gấp hàng vào phía nam A Chóc, nhằm chi viện kịp thời cho phía trong. Hướng vận chuyển của Bộ tư lệnh 500 nên mở rộng sang phía đông đường vận chuyển của Đoàn 559.
Thực tế tình hình lúc này cho thấy, đã sắp hết năm 1968 mà tình hình vận chuyển vẫn chưa có khả năng bảo đảm cho các chiến trường (nhất là chiến trường B4) có thể hoạt động lớn trước tháng 3-1969. Mặt khác, trên cơ sở tính toán lại của Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Hậu cần, nhận thấy thiếu sự cân đối giữa số lượng gạo đã chuyển được, số còn tồn kho ở các tuyến, nhu cầu của các chiến trường và khả năng đáp ứng của các tuyến… Trước tình hình đó, ngày 19-12-1968 hai cơ quan Tham mưu và Hậu cần của Tổng hành dinh đề nghị Thường trực Quân ủy điều chỉnh kế hoạch vận chuyển gạo bảo đảm cho các chiến trường hoạt động trong Đông Xuân 1968-1969 và cả năm 1969. Ngày 24-12, Thường trực Quân ủy chuẩn y kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu vận chuyển cho các chiến trường miền Nam năm 1969 đồng thời chỉ thị cần bảo đảm vững chắc và cân đối với khả năng và lực lượng vận chuyển; tăng cường lực lượng cho Bộ tư lệnh 500 để làm kho cất giấu, bảo quản; không chỉ tập trung lực lượng mà cần tập trung cả sự chỉ đạo nhằm giải quyết vấn đề thông hàng ở các cửa khẩu và các trọng điểm khác dự kiến địch có thể tập trung đánh phá sau này; tập trung sức mở gấp 3 đường vận chuyển bằng gùi thồ từ khu vực A Chóc xuống đường 9; tăng cường lực lượng để tiếp tục mở thêm đường gùi thồ nhằm bảo đảm kế hoạch vận chuyển, ưu tiên gạo và xăng dầu.
Do những cố gắng của các cơ quan Tổng hành dinh và của bộ đội trên các tuyến đường vận chuyển chiến lược cho nên lượng hàng chi viện vào chiến trường những ngày cuối năm 1968 và đầu năm 1969 ngày càng đạt kết quả khả quan. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả đó là việc tiếp nhận, bảo quản vận chuyển đã đi vào nền nếp, thực hiện tương đối tốt mọi chế độ, quy định đã đề ra trong kế hoạch. Cũng không loại trừ một nguyên nhân khiến kết quả vận chuyển cuối năm 1968 đầu năm 1969 đạt kế hoạch là do hoạt động tích cực và có hiệu quả của các lực lượng phòng không, góp phần làm giảm cường độ đánh phá của máy bay địch so với những tháng trước. Tuy nhiên, tồn tại cần khẩn trương và kiên quyết khắc phục khi bước vào kế hoạch chiến lược năm 1969 là hàng hóa tồn đọng ở các đầu mối còn nhiều. Khối lượng hàng chuyển lên phía trước, nhất là khối lượng hàng vượt các cửa khẩu chưa đạt kế hoạch; các mặt hàng vận chuyển vào chiến trường chưa cân đối, trong đó gạo và xăng dầu còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của chiến trường; đường vận chuyển A Chóc, Cha Ky chưa phát huy được tác dụng nên hàng hóa ứ đọng ở các tuyến 559 và 500 còn nhiều.
Tổng hành dinh đã nêu lên những yếu kém và tồn tại nói trên và chỉ ra phương hướng để các Bộ Tư lệnh chỉ đạo các hướng khắc phục trước khi bước vào kế hoạch chiến lược năm 1969. Trong các bức điện chỉ đạo của Tổng hành dinh toát lên một ý quan trọng có tác dụng động viên rất lớn đối với bộ đội trên các tuyến vận chuyển chi viện chiến trường. Đó là: Chỉ có vượt qua mọi khó khăn, khắc phục bằng được những yếu kém và tồn tại trên các tuyến vận chuyển chiến lược mới tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các chiến trường tiếp tục đánh mạnh, buộc đế quốc Mỹ phải đẩy nhanh quá trình xuống thang và mới từng bước làm thất bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của chúng.
Từ thực tế trên đây, có thể rút ra mấy điểm trong sự chỉ đạo của Tổng hành dinh đối với việc bảo đảm vận chuyển chiến lược chi viện tiền tuyến trong quá trình leo thang rồi từng bước xuống thang của đế quốc Mỹ, mà đặc biệt là trong mấy đợt tiến công chiến lược năm Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, như sau:
1- Thành công trong công tác vận chuyển chi viện chiến trường trong những năm đỉnh cao chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà chủ yếu là trước và trong năm 1968, là do Tổng hành dinh dự kiến đúng và chỉ đạo kịp thời ngay khi quân Mỹ bắt đầu xuất hiện trên chiến trường miền Nam, nhưng đồng thời cũng do bản lĩnh của Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chủ động đi trước một bước trên cơ sở dự kiến khả năng chiến tranh phát triển và yêu cầu ngày càng lớn của các chiến trường, nên đã kịp thời huy động và tổ chức mọi lực lượng nhằm đảm bảo triển khai kế hoạch khi có lệnh của Tổng hành dinh.
2 - Tổng hành dinh phán đoán đúng và kịp thời khả năng phản ứng của địch khi ta mở cuộc tiến công chiến lược Mậu Thân, nên đã dự báo cho các Bộ tư lệnh 559 và Quân khu 4 chuẩn bị đối phó với việc địch nống ra hòng cắt đường vận chuyển chiến lược và đặc biệt là đối phó với khả năng tăng cường đánh phá của không quân Mỹ. Nhìn chung, tuy địch gây cho Bộ đội Trường Sơn rất nhiều khó khăn nhưng ta không bị động trước âm mưu của chúng. Lực lượng phòng không, công binh và Thanh niên xung phong không ngừng được Tổng hành dinh điều chỉnh và tăng cường cho Đường 559 đã góp phần hạn chế cường độ và khắc phục hậu quả đánh phá của không quân địch trên toàn tuyến, tạo thêm điều kiện cho Bộ đội Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ.
3 - Mặc dù Đường 559 là tuyến vận chuyển chiến lược chủ yếu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và do địch đánh phá ác liệt ở địa bàn Khu 4, khả năng độc lập khắc phục những khó khăn ở vùng “cán xoong” là ngoài tầm với của Bộ Tư lệnh 559. Tổng hành dinh đã kịp thời tổ chức thêm Bộ tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 và Bộ Tư lệnh 500 để hỗ trợ và phối hợp với Bộ tư lệnh 559, đồng thời tăng cường sự chỉ đạo của ba cơ quan Tổng hành dinh giúp Thường trực Quân uỷ bám sát tình hình và chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu trí đấu lực với địch, thực hiện quyết tâm thắng địch trên địa bàn Khu 4, từng bước khai thông đường cho hàng viện trợ vào chiến trường phục vụ kế hoạch tác chiến.
4- Quá trình chỉ đạo vận chuyển chi viện cho các đợt tiến công chiến lược trong và sau đỉnh cao 1968 là quá trình Tổng hành dinh bám rất sát tình hình các tuyến vận chuyển chiến lược, kịp thời phát hiện những khó khăn và tồn tại của từng tuyến đường và chủ động nghiên cứu thận trọng để tìm biện pháp tối ưu và tích cực nhất, cụ thể nhất, nhằm giúp đỡ khắc phục ở mức cao nhất cả về nhận thức tư tưởng, tổ chức, lực lượng, phương tiện và biện pháp đối phó với địch. Được sự chỉ đạo và giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Tổng hành dinh, Bộ tư lệnh và cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 cũng như trên các tuyến vận chuyển chiến lược khác đã cùng quân và dân miền Nam thực hiện quyết tâm chiến lược của Tổng hành dinh trong và sau Mậu Thân, góp phần tạo nên bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh.
TRẦN TRỌNG TRUNG