 |
Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên họp bàn kế hoạch tác chiến trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Sự chỉ đạo của Tổng hành dinh đối với các trục đường vận chuyển chiến lược nói chung và với Đường 559 nói riêng, gắn liền với sự chỉ đạo công tác chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và là sự chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ khi quân Mỹ vào và từng bước leo thang chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc, đến khi ta phát động cuộc tiến công chiến lược Mậu Thân, sự chỉ đạo đó đã định hướng cho các lực lượng trên con đường huyền thoại này vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến trường, góp phần tạo nên một bước ngoặt chiến lược, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh.
Từ đầu năm 1965, Thường trực Quân ủy đã xác định: Về tổ chức và các mối quan hệ, Bộ tư lệnh Đoàn 559 có quyền hạn như một quân khu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Ba cơ quan Tham mưu, Chính trị và Hậu cần của Tổng hành dinh có nhiệm vụ giúp Quân ủy Trung ương chỉ đạo Đoàn 559 về mọi mặt.
Vào thời điểm những đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, trên tuyến đường vận chuyển chiến lược 559 đã hình thành 3 lực lượng chính: Lực lượng mở đường mới, sửa chữa và củng cố các đường cũ; lực lượng vận chuyển, giữ kho và lực lượng chiến đấu bảo vệ tuyến đường. Để bảo đảm cho Đoàn 559 hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hành lang, bảo vệ hàng hóa, hoàn thành các kế hoạch vận chuyển, bảo đảm kế hoạch hành quân của các lực lượng tăng cường, từ tháng 4 năm 1965, Bộ Tổng tham mưu luôn quan tâm tăng cường lực lượng cho Bộ tư lệnh Đoàn 559, bao gồm Thanh niên xung phong, Bộ binh, Công binh và nhất là lực lượng Phòng không.
Quân Mỹ vào, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển, yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn. Để tạo điều kiện bảo đảm hoạt động của các chiến trường trong tình hình mới, một vấn đề được Tổng hành dinh đặc biệt quan tâm lúc này là ngành Giao thông vận tải chiến lược. Từ đầu năm 1965, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có chỉ thị về đảm bảo giao thông chi viện tiền tuyến, nhưng thực tế cho thấy các ngành các cấp (kể cả ngành Giao thông và Quân đội) chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vận chuyển chiến lược chi viện chiến trường, cho nên chưa có chuyển biến cơ bản cả về tổ chức và lãnh đạo.
Ngay sau khi quân Mỹ vào, do máy bay địch ngày càng tập trung đánh phá ác liệt trên tuyến đường vận chuyển chiến lược, lại do thời tiết mùa mưa nên việc bảo đảm giao thông chi viện chiến trường ngay trong năm đầu đánh Mỹ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến chiến lược.
Ngày 17-6-1965, Bí thư Quân ủy Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị Thường trực Quân ủy bàn chuyên đề về công tác giao thông bảo đảm chi viện chiến trường. Hội nghị xác định: Phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận rõ công tác trung tâm đột xuất hiện nay là vấn đề bảo đảm giao thông vận chuyển, trên cơ sở đó mà động viên mọi người tích cực tham gia giải quyết. Riêng đối với quân đội, hai nhiệm vụ chính trong công tác giao thông vận chuyển là: Chiến đấu với máy bay địch, bảo đảm cầu phà, nhất là cầu phà trọng yếu và tổ chức lực lượng phòng không bảo vệ các chuyến xe lửa quan trọng. Thường trực Quân ủy giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu phát triển thêm công binh, trước mắt tăng cường công binh cho Quân khu 4(1).
Ngày 3-7, Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị về việc củng cố tổ chức biên chế Đoàn 559 với quân số (năm 1965) là 16.722 người. Tiếp đó, trước yêu cầu bảo vệ tuyến đường ngày càng tăng, từ cuối năm 1965 và các năm sau, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục điều thêm một số đơn vị công binh, phòng hóa và súng phòng không cho Đoàn 559.
Một mốc quan trọng về sự chỉ đạo của Tổng hành dinh đối với công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường thời kỳ này là nghị quyết của Tổng hành dinh khoảng ba tháng sau khi quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Ngày 4-6-1965, Tổ Thường trực 5 đồng chí Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và để ra chủ trương “giữ vững quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn đồng thời chú trọng chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để thắng địch trong trường hợp chiến tranh có thể kéo dài và biến dần thành "chiến tranh cục bộ".
Triển khai quyết tâm chiến lược trên đây, ngày 12-7-1965, trong báo cáo gửi lên Bộ Chính trị về tình hình 6 tháng đầu năm 1965 và chủ trương chiến lược sắp tới, Quân ủy Trung ương nhận xét rằng trong lãnh đạo công tác chi viện miền Nam còn có vấn đề đặt ra chưa đúng mức, chưa kịp thời và chưa phát động được toàn dân tham gia, ví như vấn để bảo đảm giao thông vận tải. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ về tình hình nửa nước có hòa bình, nửa nước có chiến tranh trước đây và nhận thức về tình hình cả nước có chiến tranh hiện nay. Trên cơ sở dự kiến đế quốc Mỹ sẽ tiếp tục đưa quân vào và khả năng từng bước chuyển từ "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ", Quân ủy Trung ương đề nghị: để kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường khi chiến tranh mở rộng, bên cạnh việc củng cố và phát triển ngành Giao thông vận tải của Nhà nước là chính, cần tổ chức giao thông quân sự để bảo đảm vận chuyển cho tiền tuyến, bảo đảm những nhiệm vụ đột xuất và trên những địa bàn trọng điểm.
Sau khi có nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề giao thông vận tải, liền trong mấy ngày từ 20 đến 23-10-1965 Bí thư Quân ủy Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị Thường trực Quân ủy thảo luận và xác định: Quân đội phải hết sức coi trọng vấn đề bảo đảm giao thông; vấn đề giao thông và vấn đề vận tải phải đi đôi; cả Bộ Giao thông, cả Bộ Quốc phòng, toàn quân, toàn dân cùng tham gia mới bảo đảm được giao thông trong điều kiện đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại; ở nơi nào gay go, liên quan đến tác chiến hoặc gặp nhiều khó khăn, một lực lượng không giải quyết được thì bộ đội phải được kịp thời điều đến tăng cường để cùng làm. Cũng trong cuộc họp này, Thường trực Quân ủy đã quyết nghị một số vấn đề cụ thể về các tuyến giao thông cần bảo đảm, dự kiến đường mới cần làm thêm trong đó có đường trong hệ thống Đường chiến lược 559 và giao cho Bộ Tổng tham mưu bàn với Bộ Giao thông về phân công phụ trách các tuyến đường, về chiến đấu bảo vệ các trọng điểm, về xây dựng và quản lý lực lượng, về tổ chức chỉ đạo…
Trên đường vào Nam phổ biến Nghị quyết Trung ương 12, ngày 31-3-1966, Phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái gửi thư cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình vận chuyển trên tuyến Đường 559, một năm sau khi quân Mỹ vào miền Nam. Thư viết: Đến nay, có thể kết luận được vì sao kế hoạch vận chuyển của Đoàn 559 không thực hiện được trong thời gian đã định. Về nguyên nhân khách quan, đó là do đường dài lại xấu nhưng chủ yếu là do địch đánh quá mạnh nhất là từ đầu năm 1966; về nguyên nhân chủ quan, đó là do nhận thức tình hình, nhận thức về âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch chưa sâu sắc, trên đề ra kế hoạch nhưng dưới chuyển biến chậm cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Bản thân kế hoạch có mặt tích cực nhưng thiếu cơ sở thực tế: Đề ra thường chủ quan, số lượng lớn nhưng thời gian không đủ để thực hiện. Trong những nguyên nhân chủ quan nói trên, không chỉ do sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559 còn đơn giản mà còn do “anh em ở dưới có vấn đề tư tưởng đấy”. Cụ thể là anh em thực sự gặp rất nhiều khó khăn mà sức mình không thể khắc phục được, nhưng lại sợ không dám trình bày hết với trên, do đó lo lắng và có phần bi quan, trong khi lực lượng vận chuyển ngày càng đau yếu, thiếu ăn, thiếu thuốc…
Cuối cùng, để khắc phục tình hình trên, đồng chí Hoàng Văn Thái đề nghị Quân ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề sau đây:
1) - Kế hoạch cần được tính toán lại cho sát với khả năng thực tế hơn, cần chia ra từng đợt hoạt động hè - thu - đông.
2) - Kế hoạch vận chuyển cần đi đôi với kế hoạch chiến đấu, đánh địch để bảo vệ đường, bảo vệ vận chuyển. Phải coi đây là một kế hoạch chiến đấu, chứ không chỉ là kế hoạch vận chuyển thông thường. Cán bộ, chiến sĩ từ trên xuống phải có ý thức đầy đủ về mặt này.
3) - Phải lãnh đạo, chỉ huy tập trung bảo đảm vận chuyển từng đoạn, từng đợt, có trọng điểm. Lực lượng và phương tiện cũng phải sử dụng tập trung hơn, tổ chức hiệp đồng thật chặt chẽ.
4) - Cần tăng cường phòng không thích đáng, coi đây là trọng điểm bảo đảm số 1. Phòng không bố trí có khu vực, có cơ động để chi viện cho trọng điểm.
5) - Phải cố gắng khắc phục bằng được tình hình hiện nay là việc vận chuyển- nhất là gạo và xăng - không kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
6) - Đối với sinh hoạt của anh em trên hành lang, một mặt phải tích cực sản xuất tự túc, mặt khác phải đảm bảo nhu cầu ăn uống, thuốc men để có đủ sức khỏe.
7) - Kế hoạch cho các đơn vị quân tăng cường vào chiến trường miền Nam phải được chuẩn bị chu đáo về tư tưởng và tổ chức, không nên vội vã, vì vừa qua đi ồ ạt nên tình trạng đào ngũ ngày càng nhiều, phát sinh nhiều khó khăn cho trong này và trên đường hành lang.
Bức thư của đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành nội dung chủ yếu của cuộc họp chuyên đề sau đó giữa Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với thủ trưởng ba cơ quan quân sự Tổng hành dinh nhằm tìm giải pháp hạn chế những khó khăn và khắc phục những thiếu sót trong việc vận chuyển chi viện chiến trường. Trước mắt, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Đoàn 559 thực hiện một số biện pháp tổ chức hành quân nhằm khắc phục những khó khăn về lương thực(2). Tiếp đó, ngày 16-8-1966 Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Hậu cần họp bàn chuyên đề về chỉ đạo tổ chức vận chuyển của Đoàn 559 nhằm bảo đảm cho quyết tâm chiến lược mới - Quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1967. Các biện pháp nêu lên gồm kết hợp đường bộ và đường sông, kết hợp phương tiện thô sơ với cơ giới, xác định sự phân công giữa Đoàn 559 với lực lượng Hậu cần Tây Nguyên… Riêng về tổ chức hành quân của lực lượng tăng cường, sau khi tổng hợp tình hình năm 1966(3), thấy lực lượng bị hao hụt rất nhiều dọc đường hành quân, nhất là chặng đường từ Tây Nguyên vào Nam Bộ, Bộ Tổng tham mưu đã tự nghiêm khắc kiểm điểm thấy trách nhiệm của mình và xác định sẽ cùng Bộ tư lệnh Miền và Mặt trận Tây Nguyên nghiên cứu để kịp thời khắc phục. Ngay sau đó Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức các Đoàn cán bộ vào kiểm tra và giúp đỡ trong công tác tổ chức hành quân. Do số lượng quân tăng cường vào Nam trong năm 1967 rất đông nên Thường trực Quân ủy cũng đặt công tác lãnh đạo, tổ chức chỉ huy hành quân thành một công tác đột xuất và coi như một chiến dịch lớn. Trong dịp này, một số cán bộ có năng lực đã được Tổng hành dinh tăng cường cho Bộ tư lệnh 559.
(Còn nữa)
TRẦN TRỌNG TRUNG
(1)Thực hiện nghị quyết của Thường trực Quân ủy, ngày 28 tháng 6 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Bộ tư lệnh Công binh, trên cơ sở Cục Công binh trước đây. Trong 5 nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao cho Bộ tư lệnh Công binh, nhiệm vụ thứ 5 được xác định như sau: Theo chỉ thị của Bộ mà quan hệ với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đường giao thông thủy, bộ; nắm chắc tình hình đường sá và công tác bảo đảm đường giao thông do các cơ quan Nhà nước phụ trách.
(2)Cụ thể là các đoàn quân bổ sung giảm bớt số lượng vũ khí mang vào chiến trường, chỉ trang bị 1/3 để tự vệ. Đến Đường 9, số người không mang vũ khí sẽ nhận số gạo cần thiết đủ ăn vào đến Binh trạm 7. Số người mang vũ khí tự vệ vẫn phải nhận số gạo như cũ. Theo nhận xét của Bộ Tổng tham mưu, nhờ biện pháp này nên đã giảm được số gạo rất lớn trên đường hành lang.
(3) Trong đó có tình hình do thư của đồng chí Đại úy Trần Độ, cán bộ Cục Tác chiến, phản ảnh về những yếu kém trong tổ chức bảo đảm hành quân của Sư đoàn 7 vào Nam, để quân số rơi rớt rất nhiều vì bị thiếu đói, bệnh tật, kiệt sức.