Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng trải qua nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, là một trong 2 vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
“Đường Trường Sơn là con đường của sự thống nhất Bắc Nam, con đường biểu hiện sinh động tình đoàn kết quốc tế đặc biệt giữa Việt Nam – Lào – Campuchia và là con đường hứa hẹn tương lai giàu có của đất nước theo lý tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi tỏ”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh của Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) lâu nhất (từ cuối năm 1966-1976) bồi hồi nhớ lại nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980), 50 năm Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2009).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng trải qua nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, là một trong 2 vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
Cùng với các tướng Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược thành con đường vận tải chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi của chiến tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.
“Binh đoàn 559 được thành lập ngày 19/5/1959, đúng dịp kỷ niệm 69 năm ngày sinh của Bác, do Thiếu tướng Võ Bẩm làm trưởng đoàn. Lúc đầu, Binh đoàn 559 làm nhiệm vụ giao liên gùi thồ lương thực, vũ khí trong rừng phục vụ kháng chiến, sau đó trưởng thành cùng cách mạng trở thành Bộ đội Trường Sơn anh hùng”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hồi tưởng.
Những thời khắc quyết định mang tính lịch sử
Nói về một trong những thời điểm lịch sử, giai đoạn quyết định thay đổi phương thức vận tải từ thô sơ sang cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại: Đã có lúc tuyến đường này bị tắc cả tháng không đi được do bị địch đánh dữ dội và nắm được quy luật vận chuyển của ta. Sau khi phân tích mọi phương cách, Tư lệnh Trường Sơn quyết định địch cứ đánh, còn ta cứ đi… bằng nhiều đường. Con đường mà địch thấy quen thuộc thì ta nghi binh cho xe chạy qua lại để hút địch, còn ta đi bằng 2 con đường khác. Ban đầu phương cách này cũng gặp nhiều gian nan, tổn thất, thậm chí cũng đã có ý kiến băn khoăn cho rằng nên quay lại cách vận chuyển gùi thồ cho an toàn. Nhưng sau đó, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã kết luận “lấy vận tải cơ giới là chính, kết hợp với gùi thồ từng nơi từng lúc”. Và thực tế đã chứng minh quyết định này là đúng đắn, góp phần quan trọng rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 Các chuyến xe tải trên đường vào Nam chi viện cho chiến trường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
|
“Từ năm 1967 trở đi, vận tải cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn đã không còn “đơn thương, độc mã” nữa, bởi chúng ta đã thực hiện thành công việc chuyển đổi phương thức vận tải từ thô sơ sang cơ giới với đầy đủ các điều kiện: phá thế độc đạo của con đường huyết mạch này, và đi trong tư thế binh chủng hợp thành có phòng không và công binh, bộ binh hỗ trợ bảo vệ…”.
Cũng đã có lúc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cương quyết thực hiện quyết định táo bạo là vận chuyển giữa ban ngày, cũng không phải chỉ vài xe mà là cả tiểu đoàn hành quân, điều trước đó chưa làm được trong điều kiện địch đánh phá quyết liệt ngăn chặn ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Bí quyết của thành công này như ông phân tích “phải trên cơ sở hiểu địch, hiểu ta, đảm bảo điều kiện thực hiện và hiểu thời tiết”….
Hiểu địch là bởi, khi máy bay địch bay tầm thấp dưới 120m sẽ không nhìn thấy gì nơi mặt đất, nhất là trong điều kiện thời tiết có gió mùa đông bắc, thời điểm đó thường xuất hiện mưa phùn, trần mây thấp,… địch càng không thể phát hiện ở phía dưới ta đang vận chuyển. Hai là điều kiện để xe chạy được ban ngày là mặt đường phải không lầy, đi qua sông bằng cầu phao chứ không phải đi phà, xe vận chuyển phải đi theo đội hình, có chỉ huy trực tiếp,…

Tháng 3/1973, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND VN Võ Nguyên Giáp về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 1972, quyết định đẩy nhanh tiến độ mở đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn
|
Có thời điểm lưu lượng trên Đường Trường Sơn lên đến 12 vạn cán bộ, chiến sỹ, trong đó có khoảng 2 vạn thanh niên xung phong, phiên chế thành 8 sư đoàn và 1 sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc. Tất cả đều ở độ tuổi thanh niên. Có thể nói nhờ lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, giải phóng đất nước đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người, ai ai cũng sẵn sàng chịu đựng gian khổ, không sợ hy sinh, sẵng sàng hiến dâng tuổi xuân cho tổ quốc.
Sống mãi “Con đường huyền thoại”
Lịch sử đường Hồ Chí Minh phản ánh trình độ vận dụng sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn từng bước tiến lên theo quy luật chung của chiến tranh giải phóng dân tộc – quy luật phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, lấy cơ sở vật chất hạ tầng là khâu đột phá, bao gồm: đường giao liên đi bộ, đường ôtô, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống thông tin, hệ thống đảm bảo kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y,… tạo nên lực lượng vật chất đi trước một bước, đồng bộ, liên hoàn ở tây Trường Sơn và đông Trường Sơn, bảo đảm vận chuyển, hành quân quy mô lớn, thông suốt, liên tục trong mọi tình huống.
Quyết định sáng tạo, độc đáo từ tổ chức binh trạm phát triển thành những sư đoàn binh chủng, xây dựng thành công các sư đoàn ôtô vận tải, sư đoàn công binh đã tạo nên những “quả đấm” mạnh, bắt kịp thời cơ “thần tốc” mở đường, vận chuyển một khối lượng to lớn vật chất và phương tiện, cơ động những binh đoàn lớn cho các chiến trường.
 Đường Hồ Chí Minh hôm nay được xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn, tiếp tục góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước
|
Đặc biệt, trong mùa xuân đại thắng năm 1975, lực lượng ôtô vận tải của bộ đội Trường Sơn chính là phương tiện cơ giới đã trực tiếp vận chuyển các sư đoàn, quân đoàn để tấn công “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Đồng thời, các sư đoàn của bộ đội Trường Sơn là những đơn vị chủ lực tại chỗ, kịp thời cơ động tăng cường cho các chiến dịch Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, cho cánh quân Duyên Hải, cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một “con đường huyền thoại”, một kỳ tích của cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc trong thế kỷ XX, với biết bao thanh niên xung phong, các chiến sỹ, dân công, văn nghệ sỹ,… đã cống hiến tâm lực, xương máu và tuổi xuân của mình để xây dựng, duy trì sức chiến đấu mãnh liệt của đường Hồ Chí Minh dưới mưa bom, bão đạn suốt thời kỳ đánh giặc Mỹ.
Và giờ đây, trong thời bình, con đường huyết mạch này được xây dựng lại đàng hoàng, to đẹp, tiếp tục góp phần to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.