Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ ta đã dự đoán được trước tình hình và nhiệm vụ của quân đội, quyết định điều động 100 học viên quân sự ưu tú nhất lên đường đến Mát-xcơ-va học chuyên ngành tiếng Nga...
Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Đăng Nguyên sinh năm 1936, quê ông ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay về nghỉ hưu sống cùng với gia đình tại Khu tập thể quân đội, số 28 - Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. Ông Nguyên nhập ngũ vào quân đội năm 12 tuổi, được nhận về làm liên lạc tại Tiểu đoàn 29 Lũng Vài (tỉnh Lạng Sơn), sau đó về học Trường Thiếu sinh quân Đại đoàn 308. Ông được chuyển về học tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam (đóng ở Đại Từ, Thái Nguyên), cùng cả trường chuyển sang học tại Quế Lâm, Nam Ninh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tháng 8-1954, ông cùng Đoàn học viên quân sự của trường từ Nam Ninh lên đường học tiếng Nga 2 năm. Đây là những người đi học tiếng Nga đầu tiên của quân đội ta, học xong nhận nhiệm vụ đặc biệt, tham gia phiên dịch tiếng Nga, tiếp nhận vũ khí hiện đại, đón tiếp chuyên gia quân sự nước bạn giúp quân đội ta.
Năm 1956, ông Nguyên về nước nhận nhiệm vụ phiên dịch tại Phòng bí thư ngoại văn - Văn phòng Bộ Quốc phòng. Ông tham gia hướng dẫn tiếng Nga cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp quân đội (trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái…). Ông nhận nhiệm vụ phiên dịch cho Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam do Thiếu tướng Trần Quý Hai - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tham dự Đại hội Không quân Liên Xô và tiếp theo là phiên dịch cho Đoàn Hải quân Việt Nam do Thiếu tướng Tạ Xuân Thu làm Trưởng đoàn, tham dự Đại hội Hải quân Liên Xô. Ông còn đi phiên dịch cho Đoàn chuyên gia quân sự nước bạn đi khảo sát, nghiên cứu địa hình, bố trí chiến lược và xây dựng hệ thống phòng thủ từ các tỉnh phía Bắc đến vĩ tuyến 17...
 |
Ông Nguyễn Đăng Nguyên (thứ nhất, bên phải, hàng trước) cùng Đoàn cựu chiến binh Liên Xô (trước đây) tham quan chiến trường xưa. Ảnh: Hoàng Nam
|
Năm 1960, ông Nguyên nhận nhiệm vụ biệt phái về Bộ Tư lệnh Hải quân, làm đội trưởng đội phiên dịch cùng đơn vị lên đường sang huấn luyện tại Hạm đội Thái Bình Dương, Liên Xô. Về nước, ông tiếp tục phiên dịch cho chuyên gia quân sự Liên Xô giúp ta huấn luyện bộ đội pháo binh và ra-đa phòng thủ bảo vệ bờ biển. Năm 1964, ông phiên dịch cho các đoàn quân đội các nước đến Việt Nam nghiên cứu về kinh nghiệm tổ chức chiến tranh nhân dân chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ. Năm 1968, ông Nguyên tiếp tục là Đội trưởng Đội phiên dịch Hải quân, đến Hạm đội Thái Bình Dương phiên dịch cho chuyên gia quân sự. Năm 1969, ông về nước công tác tại Phòng đối ngoại Bộ Quốc phòng, sau đó ông về công tác tại Viện khoa học quân sự. Đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chuẩn bị tác chiến đánh máy bay B52 Mỹ ra đánh phá miền Bắc, ông nhận nhiệm vụ phiên dịch cho Trung đoàn tên lửa Sam 3 (tầm thấp) huấn luyện tại Ba-ku, Liên Xô. Thời gian đó, bạn giúp ta huấn luyện 2 Trung đoàn tên lửa gồm 1.600 học viên, được chọn lựa từ những cán bộ, kỹ sư và sinh viên các trường đại học có trình độ ưu tú, đào tạo về kỹ thuật điều khiển tên lửa.
Ông Nguyên vẫn giữ mãi những kỷ niệm về nghề phiên dịch, đi không được báo trước, không biết thời gian nào được về, nhận lệnh là lên đường ngay. Thời gian đó bộ đội được chọn sang nước bạn đào tạo, huấn luyện kỹ thuật quân sự và nhận khí tài, vũ khí về nước được giữ tuyệt đối bí mật. Học xong là lên đường về nước tham gia chiến đấu ngay. Ông Nguyên cho biết, nghề phiên dịch yêu cầu người dịch phải dịch thành thạo xuôi ngược, dịch rõ nghĩa từng câu từng ý trôi chảy. Đi dịch cho chuyên gia quân sự bạn kiểm tra tuyến phòng thủ biên giới, ông Nguyên phải học thuộc lòng tên các điểm cao nằm ở chỗ nào và sát trục đường nào, tên đồi núi và các con sông suối chảy qua… Khi dịch phải chỉ thành thạo được các vị trí trên bản đồ quân sự.
Ông Nguyên còn dành thời gian dịch sách từ tiếng Nga sang tiếng Việt, ông đã dịch được 20 đầu sách phục vụ cho công tác lý luận và nghiên cứu quân sự trong quân đội. Ông đã dịch những cuốn sách: Chiến lược quân sự (về những nguyên tắc, đường lối trong việc xây dựng lực lượng vũ trang và phòng thủ đất nước). Tâm lý học quân sự (kinh nghiệm về quân sự cho bộ đội, dân quân và du kích). Hậu cần lực lượng vũ trang Xô-viết trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (2 tập - Kể về đóng góp của lực lượng hậu cần Xô-viết trong chiến tranh chống phát-xít Đức). Chiến tranh Việt Nam là thế đó (sách dịch chung - Hồi ký của những chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam, từ năm 1965 đến 1973, xuất bản tháng 4-2008). Ông tham gia biên soạn cuốn Từ điển quân sự Nga - Việt (gồm 4.000 từ, xuất bản năm 2004).
Về nghỉ hưu, ông Nguyên vẫn thường xuyên đi phiên dịch cho các Đoàn cựu chiến binh chuyên gia quân sự Liên Xô sang thăm lại Việt Nam. Ông tâm sự: “Những cựu chiến binh Liên Xô và Việt Nam gặp lại nhau rất cảm động. Chúng tôi nguyện sẽ giữ mãi trong trái tim mình tình đồng đội…”.
ĐẠI HOÀNG