Xuất phát từ ý tưởng muốn lưu giữ một cách có hệ thống các tác phẩm, luận văn, bài viết… có giá trị của Đại tướng Lê Trọng Tấn, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo bạn đọc muốn có trong tay cùng một lúc nhiều tác phẩm của ông, tháng 5 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt bạn đọc cuốn “Tổng tập Đại tướng Lê Trọng Tấn”. Sách dày 886 trang, khổ 19x27, được phát hành tại Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa-Thành phố Hồ Chí Minh và tất cả các thư viện của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cuộc đời và sự nghiệp quân sự của đồng chí Lê Trọng Tấn gắn liền với quá trình xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã có công lao to lớn trong xây dựng lực lượng vũ trang từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy, từ đơn thuần bộ binh trở thành một quân đội gồm nhiều quân, binh chủng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Trọng Tấn đã trở thành một vị tướng lỗi lạc, tài ba, một nhà quân sự chiến lược dày dạn kinh nghiệm trong chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đúng như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Đồng chí Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra, Đại đoàn 312 do đồng chí làm Đại đoàn trưởng được giao nhiệm vụ trên các hướng tác chiến chủ yếu: tiêu diệt địch ở cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch. Trận đầu ra quân đã giành thắng lợi lớn, tạo nên niềm tin tưởng và sức chiến đấu cho bộ đội trên toàn mặt trận. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn 312 tiếp tục phát triển tiến công chiếm cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo, các vị trí đồi E, C1, D… tạo bàn đạp cho quân ta tiến công địch ở trung tâm Mường Thanh, đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Đại đoàn đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, ghi nhận sự thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1961, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng và được cử giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1964, là Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Gắn bó với chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ đạo các chiến dịch như Đồng Xoài, Bàu Bàng-Dầu Tiếng (1965), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của quân Mỹ và quân ngụy vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh-1967)… Cùng với các tướng lĩnh tài ba khác, đồng chí đã góp phần cùng với quân và dân ta đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp đó, từ năm 1970, trên cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, đồng chí liên tục được cử làm Tư lệnh các chiến dịch lớn như Đường 9-Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), chiến dịch Trị Thiên (1972), chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng (3-1975).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau khi chỉ huy giải phóng Đà Nẵng, đồng chí được cử làm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và là Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh cánh quân này đã thần tốc theo đường ven biển tiến về phía Nam, phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang. Sau đó nhanh chóng phối hợp với các cánh quân khác của ta tiến vào Sài Gòn, cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập. Chính vì sự nhạy bén đó mà trong Hội nghị tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”.

“Tổng tập Đại tướng Lê Trọng Tấn” là những trang viết từ những trải nghiệm sâu sắc thực tiễn chiến trường và trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới. Đại tướng đã phân tích những vấn đề nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam, về phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng, về huấn luyện chiến đấu trong những điều kiện mới trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong đó tập trung đi sâu phân tích những nét nổi bật về tư tưởng, chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh của ta; những âm mưu, thủ đoạn của địch. Nêu lên nghệ thuật tạo thời cơ và nắm vững thời cơ tổ chức thực hành thắng lợi các chiến dịch. Làm sáng tỏ tư tưởng cách mạng tiến công và nghệ thuật tiến công quân địch trong mọi tình huống. Đồng thời nêu lên quy luật phát triển về chiến thuật và cách đánh của Quân đội ta nhằm đánh bại những hình thức, biện pháp tác chiến cao nhất của địch để giành thắng lợi. Từ những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn chiến đấu đều được giải quyết thành công ngay trong thực tiễn sống động một cách sáng tạo theo đường lối, quan điểm của Đảng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác huấn luyện, xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Các tác phẩm, luận văn quân sự và nhiều bài viết tuyển chọn trong “Tổng tập Lê Trọng Tấn” được sắp xếp tuần tự theo thời gian. Nội dung của ấn phẩm được chia thành ba phần chính:

* Phần một gồm tác phẩm hồi ký:

-Từ Đồng Quan đến Điện Biên.

* Phần hai gồm các tác phẩm quân sự:

-Mấy vấn đề về chỉ đạo và chỉ huy tác chiến,

-Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954-Một bước phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam),

-Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

-Xây dựng mỗi huyện thành một pháo đài quân sự.

* Phần ba tuyển chọn một số bài viết về quân sự đã đăng trên các báo, tạp chí trong nước.

PHAN NGỌC DOÃN