Từ thế kỷ trước, địa danh Pa Thí thuộc tỉnh Sầm Nưa (Lào) đã được nhiều người biết đến như là một khúc tráng ca về tình hữu nghị đặc biệt Lào-Việt, về tinh thần chiến đấu quả cảm, sáng tạo của bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội cách mạng Lào. Giặc Mỹ đã từng thách thức rằng, nếu Việt Cộng và Lào Cộng chiếm được Pa Thí thì Mặt Trời sẽ mọc ở đằng Tây và nước biển sẽ chảy vào Lào... Vậy mà điều giặc Mỹ không thể ngờ tới đã xảy ra...

Thật may mắn, trên đường đi sang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào công tác, tôi đã được nghe nhiều cựu chiến binh Việt Nam kể về trận chiến đấu ác liệt trên núi Pa Thí. Đến Sầm Nưa, tôi lại được các bạn Lào ưu ái cho mượn xe ô tô và cử cán bộ đưa về thăm đỉnh Pa Thí, nơi diễn ra trận chiến đấu được xếp vào loại ác liệt nhất trong lịch sử quân đội cách mạng Lào và cũng là một trong những trận chiến đấu hiệp đồng ăn ý nhất giữa quân đội cách mạng Lào và quân tình nguyện Việt Nam.
Súng của Mỹ để lại trên đồi Pa Thí

Đại úy Voong Púa, cán bộ Tỉnh đội Hủa Phăn (Lào) cho biết: Đỉnh Pa Thí cao 1.768 mét so với mực nước biển. Đường lên đỉnh Pa Thí chỉ có một lối đi an toàn duy nhất do công binh Mỹ chém vào đá tạo nên, nhưng lối đi này cũng dựng đứng. Thấy được vị trí lợi hại của Pa Thí, giặc Mỹ đã xây dựng trên đỉnh Pa Thí một cứ điểm quân sự mạnh từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Trên đỉnh của Pa Thí, chúng lắp đặt một đài ra-đa hiện đại có khả năng phát hiện hoạt động lên xuống của máy bay từ tất cả các sân bay ở vùng Thượng Lào và miền Bắc Việt Nam. Với “con mắt thần” Pa Thí, tất cả đường bay của bọn giặc lái Mỹ gây tội ác ở miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng Bắc Lào đều được điều khiển một cách chính xác, đặc biệt là các máy bay bay thấp, máy bay thả biệt kích vào Bắc Lào và miền Bắc Việt Nam.

Theo Đại tá-Tiến sĩ Dương Đình Lập, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tổ chức quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, để bảo vệ “con mắt thần” trên đỉnh Pa Thí, địch xây dựng khu vực Pa Thí thành một căn cứ đặc biệt của Vàng Pao. Tại đây, chúng tổ chức một trận địa pháo liên hoàn gồm nhiều tầng, lớp khác nhau. Trên đỉnh Pa Thí khá bằng phẳng, có hai sân trực thăng và máy bay hạ cất cánh liên tục cung cấp đạn dược, đồ ăn thức uống cho bọn Mỹ và phỉ đồn trú. Xung quanh có các bãi mìn. Tại đỉnh Pa Thí có 4 trung đội phỉ chốt giữ cùng 19 cố vấn Mỹ. Xung quanh Pa Thí có 15 đại đội thiện chiến của Vàng Pao có sự chỉ huy của cố vấn Mỹ bảo vệ. Với việc bố trí chặt chẽ như vậy, giặc Mỹ đã từng thách thức rằng, nếu Việt Cộng và Lào Cộng chiếm được Pa Thí thì Mặt Trời sẽ mọc ở đằng Tây và nước biển sẽ chảy vào Lào.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Khiên, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn công binh 217 và Đại tá Hà Minh Tân, nguyên cố vấn chuyên gia quân sự giúp Tổng cục Chính trị quân đội Lào thì việc đánh căn cứ Pa Thí được quân đội cách mạng Lào và quân tình nguyện Việt Nam nghiên cứu khá kỹ lưỡng. Trung đoàn công binh 217 của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã bí mật mở đường cho quân ta tiềm nhập, cả đường cho bộ binh, xe tăng và pháo lớn. Tham gia tấn công cứ điểm Pa Thí có 2 tiểu đoàn bộ đội chủ lực Lào (Tiểu đoàn 705 và Tiểu đoàn 613), một tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Hủa Phăn. Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam gồm hai tiểu đoàn bộ binh (5 và 923) của Đoàn 766, một đơn vị đặc công của Quân khu Tây Bắc và 2 máy bay AN.2 của Không quân nhân dân Việt Nam chi viện.

Bộ đội đặc công của ta và của bạn bắt đầu tiềm nhập từ 17 giờ ngày 7-3-1968, cho đến 10-3 mới đến vị trí xuất phát tiến công theo hướng mà quân đội Mỹ không thể ngờ tới, đó là hướng vách đá dựng đứng. Sau khi chiếm được đỉnh Pa Thí, liên quân Lào-Việt lập tức chuyển sang đồng loạt tiến công các mục tiêu chủ yếu (như trạm dẫn đường, sở chỉ huy, sân bay,...); sau đó chuyển sang đánh lấn các mục tiêu khác dưới sự chi viện của không quân và pháo binh. Đến trưa 11-3, liên quân Lào-Việt đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Pa Thí. Kết quả ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 872 tên trong đó có tên thiếu tá chỉ huy trưởng và một số cố vấn, nhân viên kỹ thuật đài ra-đa, làm tan rã 3 đại đội, bắn rơi 10 máy bay, thu 300 súng, giải phóng 10 xã với hơn 10 nghìn dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư khen liên quân Lào-Việt tham gia trận Pa Thí.

Hơn 40 năm trôi qua, Pa Thí giờ đây đã đổi thay nhiều, nhưng vết tích chiến tranh vẫn còn lại khá lớn. Khu vực đặt ra-đa của Mỹ giờ vẫn còn một số thiết bị hỏng, cạnh đó là xác một chiếc máy bay và gần như nguyên vẹn một cỗ máy đào công sự của Mỹ.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ