Làng tôi nằm trên thế đất con Rồng, xung quanh có năm ngọn núi cao. Từ xưa các cụ bảo đó là năm con hổ chầu về phía con Rồng. Đầu Rồng ở Khau Pa, nhìn thẳng xuống hai ngọn núi ở Khau Rục, Mạn Sơn Dầu. Hai ngọn núi, một hình tháp bút, một hình lưỡi kiếm, chĩa thẳng lên trời. Đất ấy tưởng phát hiền tài xuất chúng, thế mà lại nằm sâu trong rừng hun hút.
Hồi nhỏ đi chợ “kháng chiến” (chợ đêm) khi về đến dốc Thác Lầm, chân mỏi, mắt mỏi, người mềm như sợi lạt. Tôi ngồi phệt xuống bãi cỏ hỏi cha:
- Sao nhà mình ở mãi trong rừng hả Pá?
- Thằng giặc nó ác quá mà.
- Phải nhờ lá rừng che mắt nó ư?
- Nhờ cụ hổ, cụ gấu mới sống nổi mà.
Một năm nhà tôi nuôi được con lợn, định để ăn Tết thì bị hổ vồ, mang vào thung lũng Cẩm Gioọc ăn thịt. Mẹ tôi đem nắm hương vào gốc cây bồ kết già, khấn vái mãi chúng mới để lại cho một chân. Cha bảo: Cẩm Gioọc là thung lũng phi eng, phi đếch, bao nhiêu người chết non chết yểu ở tứ xứ đều đem vào đấy chôn nên gọi là Cẩm Gioọc (Hoa héo). Mang cái tên ấy xót xa nên gọi láy lại là Khau Điều, các cụ bảo thế. Người dân mọi vùng đều kiêng kỵ, họ bảo Khau Điều là mường ma, mường quỷ. Hỏi rõ ngọn nguồn, cụ kỵ nhà tôi di cư từ mạn Quán Triều lên, ông Tà Thông và ông Vòng Ựng mãi mới đến vùng đất này. Như vậy làng Khau Điều toàn dân ngụ cư, còn dân bản địa không còn ai nữa. Dấu tích nền nhà bà Hai Tong, đám ruộng bà Đỏ... không còn rõ họ đi đâu, ai mất, ai còn giờ vô tăm tích.
Thời Pháp thuộc, làng Khau Điều chìm trong thế giới ma quỷ, tập tục lạc hậu. Cây hoa Kháo Quang ở đầu làng năm nào dân cũng đến hái trụi cành về tế lễ các vị thần linh mà giặc giã và bệnh tật vẫn đến rình rập. Mả mới đè lên mả cũ ở thung lũng Cẩm Gioọc vẫn dày lên trông thật khiếp sợ.
Tôi vỗ vào đùi cha:
- Pá ơi! Đừng kể nữa, chúng con sợ lắm.
- Không sợ nữa con à.
- Con ma vẫn nằm đó.
- Không.
Cha tôi bảo từ ngày Bộ đội Cụ Hồ về lấy đồn Chợ Chu, thằng Pháp, thằng Nhật không còn xuống làng cướp bóc của cải nữa, trẻ con, phụ nữ không sợ chúng dọa dẫm nữa. Bọn chúng là con ma, con quỷ đấy, dân bản phải theo Cụ Hồ đánh lại chúng thôi.
Bộ đội cách mạng từ Hà Nội lên Định Hóa xây dựng chiến khu đánh Pháp. Làng tôi có bộ đội giải phóng quân, bộ đội làm súng, làm đạn và sau là bộ đội chính trị cục. Bộ đội làm báo, làm văn ở lâu nhất. Làng Khau Điều có vài nóc nhà, thấy có nhiều bộ đội, cái lo nhiều hơn cái mừng, vì ai cũng bảo “Bộ đội lên bản là loạn súng loạn đạn”. Tuy thế, nhà nào cũng làm lán vào rừng ở, còn nhường nhà, nhường làng cho bộ đội ở và làm việc. Có nhà lên Đồng Mút, nhà lên Hin Hụm, nhà ở Vai Lốc. Riêng nhà ông Bình liều chết không chạy, ông ta bảo số đào hoa, lấy những ba bà vợ, nhưng toàn vợ nắm vợ mớ, “vợ nhặt”. Ông có cô con gái đầu lòng tên là Bình, dân bản gọi tên ông theo tên con cả là ông Bình (tên thật ông là Hinh).
Bộ đội chính trị cục, bộ đội nhà báo lập doanh trại dưới tán ba gốc đa to, dưới tán rừng cọ, rừng vầu; từ Cẩm Gioọc lên Rọ càng chi chít những lán trại và hầm hào trú ẩn. Một hôm ông Lớn (bộ đội to) hỏi ông Bình:
- Nhà cụ có bốn người?
- Phải.
- Nhà sàn rộng thoáng?
- Phải.
Bộ đội Lớn cho con trai là bộ đội Phong mang máy chữ xuống gầm sàn nhà ông Bình làm việc, vợ chồng ông ở hẳn trên nhà. Cô Bình bước vào tuổi dậy thì, mặt đỏ lựng như quả gấc chín mỗi khi bắt gặp bộ đội Phong ghé trộm mình. Ông Bình biết ý, để đôi trai gái ở gần nhau không ổn nên nói nhỏ với bộ đội Lớn:
- Con chim iểng ở gần con chim khướu không được đâu.
- Nó hót to lộ bí mật hả?
- Không! Nó quyến nhau lên ngọn cây đa mất.
- Cụ không thích nó bay nhảy ư?
Ông Bình lắc đầu. Ông bảo cuộc kháng chiến đang dồn dập, trẻ, già, trai, gái xuôi ngược ai cũng lo kháng chiến kiến quốc thì còn thì giờ đâu lo tơ nguyệt. Bộ đội Phong và cô Bình đều nghe tiếng, cả hai cùng cười khúc khích, giấu đôi má đỏ và cặp môi hồng vào tấm khăn nhuộm chàm và cổ áo trấn thủ.
Bộ đội Lớn mổ gà sống thiến thật to để trình tổ nhà có người lạ đến ở trọ.
Ông Lớn bảo ông Bình đến gọi cha con tôi đến cùng ăn. Thấy tôi còn nhỏ, ông Lớn đưa tôi hai còng bới (chân) và bảo:
- Cháu thích đi bộ đội đánh máy chữ không?
Tôi nghe câu được câu không, tưởng ông Lớn bảo có ăn nổi đôi còng bới không nên lắc đầu nguây nguẩy.
- Cu không thích đi à?
Bộ đội Phong ngồi cạnh cô Bình nháy mắt, cô Bình huých cánh tay vào sườn tôi, tôi hiểu ý liền gật đầu.
Bộ đội Lớn nói với hai ông già của bản:
- Cụ Hồ bảo: Đời mình đánh giặc không xong thì đời con, đời cháu, bao giờ hết giặc mới thôi.
Ông Bình vừa nhai thịt gà vừa thắc mắc:
- Bộ đội sao lại đi đánh máy chữ?
- Đánh chữ sao thằng giặc nó chết được?
- ............
Bộ đội Lớn giải thích: Bộ đội đánh giặc ngoài mặt trận ví như cái tay cái chân, còn bộ đội làm báo ví như cái tai cái mắt. Cái tai nghe thấy lệnh, cái mắt mới nhìn rõ thằng địch mà bắn, khẩu súng mới nổ trúng quân thù. Bộ đội Lớn còn nói nhiều, nói rõ các cụ già ít chữ mới hiểu ra, cái ác của thằng giặc, cái dũng của bộ đội, cái mưu trí của bộ đội làm báo.
Khi các cụ đang mải trò chuyện quanh bếp lửa thì bộ đội Phong và cô Bình đã bước nhẹ xuống cầu thang, không để lại tiếng động. Hai người ra bãi cây chuối hạt um tùm lá, đi nhanh lên cái lán nhỏ dưới tán cây “mác rọa”. Ở đấy có anh bộ đội đeo kính viết chữ ngược vào mặt đá, có anh áp giấy vào đá và quay đá để in ra thành tờ báo, gọi là in “Rô ni ô”. Xưởng in có mười hai người, mỗi người một việc, có cả người xén giấy, người đóng gói, người lấy nước chua, quả khế quả chanh để rửa đá, khi in xong đợi mài khô in tiếp. Các anh phóng viên đi lại nộp bài ra vào rất trật tự. Điểm nối giữa mặt trận và sở chỉ huy rất bí mật, chặt chẽ. Bộ đội đọc báo là đọc được mệnh lệnh đánh giặc, lời khen ngợi của Cụ Hồ và ban chỉ huy mặt trận.
Bộ đội Phong dắt tay cô Bình theo triền dốc xuống phía giếng cây “mác ó” vừa đi anh vừa kể: Phía bên kia là căn hầm xuyên núi Tổng cục Chính trị, còn phía dưới là nơi làm việc của Bộ Tổng tham mưu.
- Thế còn miếu Đồng Rằm? Bình hỏi.
- Ở chỗ hai gốc đa to.
- Vâng!
Bộ đội Phong bảo cha anh nói anh nghe được: Dưới hai cây đa to có căn hầm kiên cố, những người tinh ý mới thấy thường có bốn con ngựa màu lông trắng, đỏ, vàng hoặc đen cùng buộc dưới gốc chờ đợi. Dưới hầm đang diễn ra hội nghị “Tứ trụ triều đình”, tức là hội nghị gồm Bác Hồ, bác Võ Nguyên Giáp, bác Phạm Văn Đồng và bác Trường Chinh để quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tôi lẽo đẽo theo sau hai người như cái đuôi con mèo, nhưng thực ra tôi chả hiểu họ đang nói gì. Khi thấy hai người lớn ngồi nấp xuống dưới bóng cây kháo quang, gần cây đa cổ thụ thì tôi lui lại ngồi xuống, ngả người lẫn vào bãi cây sa nhân mọc cao ngang thắt lưng. Trong ánh trăng mờ mờ của đêm cuối xuân, tôi chỉ nhìn thấy bóng đen và tiếng cười khúc khích vọng lại.
Khi được tuyển vào trường thiếu sinh quân, về làng Vẹ, tiếp nữa xuống Đại Từ học văn hóa tại Trường Lý Thường Kiệt. Khi được tuyển sang Trung Quốc học trường lục quân thì được tin cha tôi mất, mẹ tôi đến cơ quan nói với lãnh đạo:
- Cho thằng nhỏ về nhà thôi! Tôi nhớ nó quá rồi.
- Chú ấy đi học làm lãnh đạo mà.
- Tôi chỉ muốn ở nhà cày ruộng nuôi mẹ.
- Con chim khôn nhấc nó lên cành cao mà.
Mẹ tôi nhất định từ chối, tôi đành theo mẹ về quê, nhưng đi được nửa đường, tôi trốn mẹ đi theo đoàn. Năm năm sau, tôi trở về và được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị bảo vệ khu an toàn kháng chiến. Trong một trận chặn đánh quân địch ở Ba Khoái, tôi thấy chị Bình phụ trách một đại đội du kích từ Quế Linh ra phối hợp. Trận ấy đại đội của chị Bình thiệt hại nặng, chị Bình bị trọng thương. Người đến chăm sóc vết thương cho chị là bộ đội Phong. Bà Quyển vợ ông Lớn, mẹ bộ đội Phong trúng mảnh đạn “moóc-chi-ê” ở Đồng Pén, đứt đốt xương sống.
Ít lâu sau, tôi về nhà thăm mẹ và không quên xuống nhà ông Bình thăm tòa soạn báo. Thấy tôi, ông Lớn báo tin vui: Bác Hồ từ mặt trận đến phối hợp nhập hai tờ báo nhỏ thành tờ báo lớn rồi. Tôi vui mừng:
- Bác Hồ về làng Khau Điều?
- Đúng.
- Tại nơi này?
- Đúng.
Tôi không còn là đứa trẻ ngày nào đi mò chuyện người lớn, mà đã trở thành anh lính Cụ Hồ đích thực. Tôi đã đi nhiều nơi, giáp mặt với kẻ thù, thắng bại đều có cả, còn ông Lớn vẫn ở một chỗ, làm một nghề. Tờ báo có vị trí tối quan trọng, chuyển tải đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ, mệnh lệnh chiến đấu của Bác Hồ với bộ đội ngoài mặt trận. Ông Lớn hỏi tôi:
- Bộ đội có báo đọc không?
- Có.
- Báo có đến tay bộ đội kịp thời không?
- Có.
Tôi nói tờ báo ngày một đẹp ra, thêm trang, thêm mục, hình thức cũng khá hơn rất nhiều so với thời kỳ in bằng đá. Ông Lớn đưa tôi đi thăm nơi làm việc của tòa báo, nơi đóng xén báo, đóng gói chuẩn bị đưa ra mặt trận. Tôi thầm nghĩ cuộc kháng chiến do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo không đơn giản tý nào. Nông dân sản xuất thóc gạo, nuôi lợn nuôi gà; công nhân sản xuất ra cây súng, viên đạn, quả mìn; lại còn bộ đội cơ quan làm báo, làm văn, động viên chỉ đạo toàn dân tập trung vào cuộc kháng chiến... như vậy bộ chỉ huy phải tài năng lắm, sáng suốt lắm mới kịp thời.
Tôi nói với ông Lớn:
- Từ đây ra mặt trận có xa không?
- Chừng vài trăm cây số.
- Sao không dịch chuyển theo chiến dịch.
- Đây là thủ để kháng chiến mà.
Tôi chợt nhận ra câu hỏi mình thật ngớ ngẩn với ông Lớn, chả gì cũng là một anh cán bộ cấp tiểu đoàn. Nhưng nhận thức của người dân vùng thủ đô xanh chỉ chừng vài năm là kết thúc kháng chiến, không ngờ lại lâu đến thế. Ông Lớn đã nói ở nhà ông Bình hồi trước, đời mình đánh giặc không xong thì đời con, đời cháu đánh tiếp. Tôi cho ý kiến đó là xác đáng vì làng Khau Điều đã mất một số cụ già, cha tôi và bà Quyển...
Khi ngồi lại tại nhà ông Bình, ông Lớn tâm sự với tôi:
- Cậu sinh ở làng Khau Điều, cậu nghĩ gì về vùng đất ấy?
- Ý bác là...?
- Trước sau địa danh này sẽ vào lịch sử, khi cuộc kháng chiến kết thúc.
- Bác muốn thay đổi tên làng?
- Vâng! Chứ để mãi bong phi eng, phi đếch, Cẩm Gioọc ám ảnh mãi, nghe nó lạnh lắm.
- Thế nhưng đây lại là Khau Điều?
- Khau là núi, Điều là hoa, ta nên gọi tên làng là núi hoa có đẹp hơn không?
Tôi cười và khen đầu óc ông nhà báo già thông minh sáng suốt quá, còn thổ dân ăn trám ăn măng có ai nghĩ ra đâu. Cứ đeo đẳng cái tên ma tà quỷ quái ấy mãi còn đủ khổ, mai này hòa bình, bộ đội rút về xuôi, còn lại mấy nóc nhà còn buồn gấp mấy xưa... Thấy tôi vẻ mặt tư lự suy nghĩ, ông Lớn hạ quyết tâm:
- Mai cho đăng tên Núi Hoa lên báo nhé.
- Lo lộ bí mật?
- Chính đó mới không lộ.
- Danh từ mới hả?
Được tin giặc lại mở trận càn vào Đồng Pén, Nà Lại, tôi cho bộ đội phối hợp với trung đoàn P15 của Nông Quốc Chủng (Đội Bát) chặn đánh ở dốc Co Lái, làm cho bọn giặc chạy sang Tuyên Quang. Đơn vị của tôi được lệnh truy đuổi giặc đến bến Bình Ca thì dìm chúng xuống lòng sông. Tôi cho bộ đội ngược Tây Bắc đến dốc Co Hin thì gặp bộ đội Phong đang làm nhiệm vụ tiếp nhận trâu lợn của các đoàn dân công đưa lên nuôi bộ đội. Khi tôi và bộ đội Phong đang vui câu chuyện thì Phong nhảy bổ qua người tôi vì quá mừng:
- Có phải cô Bình đấy không?
- Làm gì phải.
- Đúng cô ấy mà.
Không cần chờ tôi công nhận, bộ đội Phong mạnh dạn đến giằng lấy chạc hai con trâu từ tay người con gái buộc vào cọc.
- Sao em lại về đây?
- Ơ... ơ...?
- Phong đây mà.
- Anh Pho...o...ong!
Hai người ôm lấy nhay xoay tròn mấy vòng, làm tôi phát ngượng mà vui. Chính xác cô Bình. Ba chúng tôi cùng ngồi xuống bãi cỏ “nhả nhùng” ven đường. Anh Phong hỏi chuyện cô Bình bị thương, cô không nói, anh mạnh dạn lật áo, tôi ghé nhanh thấy lưng và bụng chị Bình có hai vết sẹo bằng móng tay cái. Anh Phong kể đó là vết đạn xuyên táo năm xưa ở trận càn Ba Khoái Phúc Sinh, may mà không đứt ruột, chỉ rửa sạch, đắp lá thuốc là liền sẹo. Mặt cô Bình lúc ấy tái mét như tàu lá, may mà có thang thuốc “mằn hin” bổ máu mới hồng trở lại.
Chị Bình thấy ngượng, khi ngón tay anh Phong day day vào chỗ vết sẹo ở lưng và bụng. Chị Bình gạt tay anh Phong rồi đẩy nhẹ anh Phong nằm lên bãi cỏ. Nét mặt chị rạng rỡ, kể rằng đoàn dân công hỏa tuyến kỳ này đông lắm, cứ mỗi người dắt hai con trâu, rồng rắn đêm đi, ngày nghỉ lên chiến dịch.
Đột ngột, anh Phong hỏi tôi làm chị Bình mất hứng:
- Các cậu có biết Núi Hoa ở chỗ nào không?
- Sao anh lại hỏi Núi Hoa?
- Báo có đăng địa danh này.
- Không rõ.
Chị Bình kể, ngày đoàn dân công chuẩn bị xuất phát thì thanh niên làng mình cùng bộ đội cơ quan chuẩn bị đón Bác Hồ về nói chuyện với hội nghị chiến sĩ thi đua.
- Ai cho chị biết sự kiện ấy?
- Bộ đội Lớn.
- Tại Núi Hoa?
- Vâng.
Tôi mừng thầm vì biết làng mình có tên gọi mới là Núi Hoa và thêm một sự kiện lịch sử, nhưng không tiện nói với anh Phong. Không ngờ từ hôm ấy, chúng tôi chia tay nhau, chẳng còn tin tức gì về Bình và Phong nữa. Đánh xong chiến dịch, anh chị sống hay chết, giờ ở đâu? Còn tôi, ở thêm vài năm nữa thì về quê. Làng Núi Hoa quê tôi bị bom giặc cày xới nham nhở. Nhà ông Bình và khu lán trại bộ đội đã bỏ hoang dần, thành bãi đất trống. Bộ đội đã rút về xuôi, ông Bình đã qua đời, không con cái. Khu đất bỏ hoang mãi, sau chính quyền lên cắm mốc và cho học sinh lên trồng cây ăn quả cho râm mát. Tháng giêng hoa mơ, hoa mận, hoa đào nở sáng rực, xung quanh là cờ Tổ quốc.
Đất nước hòa bình, làng Núi Hoa đông người lên, xây dựng to đẹp ra, có điện, đường, nhà xây chẳng khác Hà Nội thủ đô thu nhỏ. Một hôm, làng đón đoàn nhà văn, nhà báo lên thăm chiến khu cách mạng. Tôi hỏi thăm tin ông Lớn, chị Bình, anh Phong... các anh đều lắc đầu. Bản thân tôi cũng tóc bạc, răng long thì chắc các vị đã chết, có sống cũng chả đủ sức lên núi lần hai. Không ngờ hôm làng tổ chức đón bằng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đông vui nhộn nhịp, có hai người tóc bạc như cước đứng chụp ảnh bên đài tưởng niệm lại chính là chị Bình, anh Phong. Nhận ra người quen, cả hai cùng đến ôm lấy tôi rất chặt. Tình đất, tình người, tình quân dân hòa quyện nhau dính chặt như vỏ bám vào cây. Ánh nắng ngày xuân đỏ rực nồng ấm, hắt bóng chúng tôi lên vạt núi làng Núi Hoa cao lồng lộng.
Truyện ngắn của HOÀNG LUẬN