Anh hùng Hoàng Minh Đạo, ảnh chụp năm 1968

Những phẩm chất cao quý

Nghề tình báo, đôi khi tình huống khó khăn nhất không phải là lúc giáp mặt quân thù, mà là những giờ phút phải đối mặt với chính đồng chí, đồng đội của mình.

Cuộc đời đầy ắp biến cố hy hữu của anh hùng Hoàng Minh Đạo cho thấy người cán bộ tình báo phải có phương pháp làm việc khoa học để phân biệt thật - giả, trắng - đen, và trên hết, phải có một tấm lòng nhân hậu với đồng đội.

Vụ án “gián điệp Miền Đông”

Trong cuốn sách tập hợp các hồi ức, các bài viết về anh hùng Hoàng Minh Đạo bà Vân tặng tôi, có rất nhiều chuyện xúc động, chứa đựng nhiều tư liệu quý về một thời kỳ đau thương và anh dũng của dân tộc, trong đó có hai chuyện càng suy ngẫm tôi càng kính phục những phẩm chất của người anh hùng tình báo.

Chuyện thứ nhất do cụ Sáu Ninh (đã được nói tới ở số báo trước) kể lại.

Khoảng năm 1950, Phân liên khu Miền Đông phải xử lý một vụ án gián điệp gồm 34 bị cáo, nhiều người là Huyện ủy viên, Tỉnh ủy viên. Bản án đã có, chỉ chờ ý kiến của Bộ Tư lệnh Nam Bộ là đem ra xử lý. Trong chiến tranh, tội gián điệp thật khó thoát án tử hình.

Thời gian đó, ông Hoàng Minh Đạo phụ trách tình báo Nam Bộ, thêm nhiệm vụ phản gián. Hồ sơ đã khép, nhưng đọc lại, ông thấy còn nhiều nghi vấn. Ông đề xuất Bộ tư lệnh cho thẩm tra lại toàn bộ các bị cáo một lần nữa, tránh xử lý oan đồng chí của mình.

Được đồng ý, ông Đạo giao nhiệm vụ đặc biệt này cho ông Sáu Ninh, người được ông tin tưởng vì có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng gian bảo mật, đặc biệt là đã từng giải oan thành công cho một số trường hợp đồng chí mình bị nghi oan.

“Đối với tôi, anh Đạo là một nhà tình báo đầy nhân bản, một thủ trưởng có bản lĩnh can trường, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của ngành, trước sinh mệnh chính trị của đồng chí, đồng đội” - hồi tưởng lại vụ án “gián điệp Miền Đông”, cụ Sáu Ninh đã dành những lời này để nói về thủ trưởng trực tiếp của mình.

…Ông Ninh có hai tháng để đọc hồ sơ, thẩm vấn lại các bị cáo, xem xét lại các vật chứng. Kết thúc quãng thời gian làm việc căng thẳng cả ngày cả đêm ấy, ông Ninh viết một bản báo cáo, khẳng định 34 người đều bị oan, và người đầu tiên nghe ông trình bày là thủ trưởng Hoàng Minh Đạo.

Đây là việc cực kỳ hệ trọng, không chỉ quyết định sự sống cái chết của 34 bị cáo, mà còn quan hệ đến sinh mệnh chính trị của người viết báo cáo, duyệt báo cáo. Sau khi rà soát từng trường hợp trong số 34 bị cáo, ông Đạo đề xuất Bộ tư lệnh cần trực tiếp nghe ông Sáu Ninh trình bày bản báo cáo thẩm tra.

Cuộc họp ấy, đã có lúc không khí căng như sợi dây đàn, tiếng muỗi bay cũng nghe rõ… Và rồi, các đồng chí lãnh đạo gồm Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Nguyễn Bình, Cao Đăng Chiếm, và dĩ nhiên cả Hoàng Minh Đạo nữa, đi đến thống nhất: Hủy bản án đã tuyên, tiếp tục bố trí công tác cho các đồng chí bị oan.

“Quyền sinh quyền sát của anh Đạo lúc đó rất lớn. Nếu anh Đạo cho thanh lọc nội bộ một cách máy móc, cả 34 đồng chí đã bị xử lý… Buổi lễ tuyên bố trả lại tự do cho 34 đồng chí, mọi người ôm lấy nhau khóc, họ nói không có anh Năm Thu, anh Sáu Ninh, chúng tôi đã ra pháp trường với tội danh phản bội Tổ quốc, các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai” - trích những dòng hồi ức của cụ Sáu Ninh.

Phải nghiêm trị, không tha được!

Và chuyện thứ hai tôi xin được ghi lại trong bài viết này, là những hồi ức của cụ Nguyễn Trọng Tuệ, cũng đã được nói đến ở số báo trước. Chuyện xảy ra khoảng đầu năm 1952. Ngày ấy ông Tuệ được giao nhiệm vụ thụ lý một vụ án gián điệp, người đứng đầu vụ là ông C.V.N. - nguyên Trưởng ban địa hình địa vật Bộ tư lệnh Nam Bộ, ngoài ra còn có 11 bị can khác nữa, đều phạm tội làm gián điệp.

...Hôm ấy, đang chuẩn bị đi hỏi cung bị can, ông Tuệ phải tiếp một người khách lạ. Ông này dáng gầy, mặt vuông, miệng rộng, cặp mắt lanh lợi, mang theo một phong thơ của Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ. Mời người khách vào nhà, rót nước mời, một vài câu thăm hỏi xã giao xong, ông Tuệ mới bóc phong bì.

Thơ nói đại ý: C.V.N. là cán bộ có năng lực và đạo đức, có bề dày cống hiến, chưa làm gì tổn thương cách mạng. Đề nghị thận trọng trong điều tra xét hỏi, tránh oan sai cho người vô tội. Trung tướng Tư lệnh viết thêm: Người mang thơ là đồng chí Hoàng Minh Đạo sẽ trao đổi trực tiếp thêm với các đồng chí.

“Có nhiều thời gian công tác với đồng chí tại chiến khu miền Nam, Căm - pu - chia, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy Hoàng Minh Đạo là đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho đến ngày hy sinh”.

Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam)

“Chú vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về ba cháu, một cán bộ gương mẫu và luôn hoàn thành nhiệm vụ được trao, một người đồng chí chân thành, cởi mở, lạc quan, trong gần mười năm cùng công tác ở Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Chú mong cháu luôn cố gắng, xứng đáng với ba cháu”.

Võ Văn Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ)

“Tôi rất cảm động hôm nay gặp mặt cháu Đào Thị Minh Vân, con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo, đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng ban quân báo Nam Bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đọc xong thơ, ông Tuệ hỏi: Đồng chí trao đổi gì thêm với chúng tôi? Ông Đạo đáp: Nếu được thì cho tôi xem qua hồ sơ, chứng cớ. Ngay tại phòng làm việc của ông Tuệ, ông Đạo ngồi mải miết đọc hồ sơ vụ án ba tiếng đồng hồ liền.

Khi trời đã nhá nhem tối, ông Đạo mới gấp hồ sơ, đứng lên xin phép ra về.

“Tôi tiễn anh Đạo ra sân. Trước khi chia tay, tôi hỏi: Quan điểm đánh giá vụ án của anh thế nào? Một phút suy nghĩ anh Đạo thẳng thắn trả lời: Theo cá nhân tôi thì phải trị, không trị sẽ mất nước. Tôi hỏi thêm: Vậy còn ý kiến của đồng chí Tư lệnh? Anh đáp: Tôi sẽ có cách trình bày với Trung tướng.

Rồi anh nói thêm: Trung tướng Nguyễn Bình là người rất tốt, rất dễ gần gũi, chỉ tội ông có tính hay thương thuộc cấp nên nhiều khi bị họ lợi dụng mà ông không biết” - hồi tưởng lại vụ việc hết sức nhạy cảm ngày ấy, cụ Tuệ vẫn nhớ rõ từng lời nói của vị thủ trưởng tình báo Nam Bộ.

Trong câu chuyện trên, có lẽ chỉ cần nói thêm một chi tiết: Trung tướng Nguyễn Bình là “sếp” cũ của Hoàng Minh Đạo, từ khi họ ở chiến khu Đông Triều những ngày tiền khởi nghĩa; gặp lại nhau ở Nam Bộ, tình cảm sâu nặng giữa hai người được nhiều cán bộ khác biết rõ.

“Ba luôn khao khát thư các con”

Trong cuốn sách về anh hùng Hoàng Minh Đạo, người biên soạn là nhà văn Nguyễn Kim Thành đã đưa vào những tư liệu quý, những hồi ức chân thành của nhiều người từng gần gũi, ăn cùng mâm, ngủ cùng hầm, cùng bị vây ráp, cùng thoát chết trong gang tấc với nhà tình báo.

Và đặc biệt, cuốn sách có cả những bức thư Hoàng Minh Đạo gửi từ chiến trường về cho những đứa con bé bỏng của ông ở miền Bắc. Những tư liệu ấy giúp hiện ra một Hoàng Minh Đạo chân thực, sống động. Tôi thật sự ấn tượng với bức thư đề ngày 5/7/1969, bức thư dài nhất, và cũng là bức thư cuối cùng Hoàng Minh Đạo viết cho con, trước khi ông ra đi mãi mãi.

Như rất nhiều lá thư viết từ chiến trường, thư ông Đạo không thể thiếu những tin tức, những thông điệp nóng hổi về cuộc chiến của người đang ở tuyến đầu. Thời gian ấy, Mỹ ngụy đang hằng ngày càn đi quét lại vùng ven Sài Gòn sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, hy sinh mất mát của cách mạng là rất lớn. Nhà tình báo của chúng ta viết:

“Tuy Mỹ ngụy còn ngoan cố nhiều, nhưng Mỹ đã phải xuống thang dần, và chắc còn phải xuống thang nữa. Trước thắng lợi về các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao dồn dập của ta, trước thất bại và sự xuống thang của Mỹ, bọn ngụy ở Sài Gòn đang hoang mang, dao động, phân hoá dữ lắm. Ác liệt và phức tạp còn nhiều đấy, các con ạ.

Nhưng Bác Hồ đã dạy: Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan mà. Thực ra, với tình hình trong nước và trên thế giới hiện nay, Mỹ càng ngoan cố càng bị thất bại nhiều hơn, đau hơn mà thôi. Hình ảnh một thắng lợi rất to lớn của cách mạng miền Nam, một sự sụp đổ rất lớn của ngụy quyền ở miền Nam cũng rất rõ ràng.

Việc chung của cách mạng miền Nam, nói sơ lược và đại khái là như vậy. Nếu nói dài và cụ thể hơn nữa, tình hình không cho phép, và cũng ngại là ba sẽ viết bài giảng về chánh trị cho các con”.

Về người vợ đang tù ở Côn Đảo (người vợ sau, kết hôn ở miền Nam), ông viết:

“Má con bị bắt, chiến đấu rất anh dũng với quân thù. Ba rất tự hào về má con (và ba chắc các con cũng vậy). Nhưng các con biết không, nhiều lúc tình cảm thương yêu má con lại dày vò ba: Tại sao những ngày sống chung, ba không thể giúp đỡ và làm vui lòng má con được hơn nữa? Tại sao ba không chăm sóc tình cảm, dặn dò má con kỹ lưỡng hơn nữa ở buổi chia tay cuối cùng?”.

Sự thương nhớ ông dành cho những đứa con nhiều năm chưa được gặp mặt đã ở độ cháy bỏng:

“Các con cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu? Hình dáng bây giờ của các con ra sao? Ưu khuyết điểm cụ thể của các con là gì? Băn khoăn, thắc mắc, vui vẻ phấn khởi hiện nay là thế nào? Dự tính, ước mơ tương lai của các con ra sao? Rất nhiều, to lớn cấp bách và cụ thể đấy!

Nhưng làm sao các con đáp ứng được yêu cầu của ba, trừ phi cha con ta gặp nhau! Lúc nào thuận tiện, các con viết thư cho ba từng mẩu, từng việc, từng lúc cũng được. Muốn viết gì thì viết, miễn sao ba có tin, nhận được thư và chữ của các con”.

*

* *

Hoàng Minh Đạo ra đi trước khi đất nước có ngày toàn thắng. Ông không được chứng kiến giây phút gia đình đoàn tụ, để gặp lại người vợ suốt những năm tháng tù đày luôn một lòng trung kiên với cách mạng, để được thấy những người con đều thành đạt, đều có gia đình riêng hạnh phúc đầm ấm.

Những hồi ức chân thực, những tư liệu quý giá còn lưu giữ được cho chúng ta thấy một nhà tình báo luôn có tác phong làm việc khoa học, luôn tôn trọng sự thật khách quan, không hồ sơ máy móc, càng không qua loa đại khái. Trên hết ở ông là tấm lòng trung kiên với cách mạng, nhân hậu, thương yêu đồng chí, đồng đội của mình.

Và tôi - người viết bài này - dù tiếp xúc chưa được nhiều, cũng đã kịp nhận thấy kịp ghi nhận tấm lòng nhân hậu ấm áp ở bà Vân, con gái của người anh hùng...

Theo Đinh Anh Tuấn (Tiền Phong Online)