Càng gần đến ngày kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-2009), du khách trong và ngoài nước đến thăm chiến trường Điện Biên ngày càng đông. Năm nay, quần thể di tích Điện Biên Phủ có những công trình nào được bảo tồn, tôn tạo, xây dựng mới để phục vụ du khách? Đó là câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm, nhất là các cựu chiến binh. Mới đây, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã lên Điện Biên để tìm hiểu về vấn đề này.
Những điểm nhấn mới trên mảnh đất “máu và hoa”
 |
Công trình tượng đài Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ sẽ khánh thành trước ngày 7-5-2009 (ảnh chụp ngày 15-3-2009). |
Chúng tôi lên Điện Biên vào thời điểm các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công “nước rút” một số công trình di tích để đưa vào phục vụ du khách đúng dịp kỷ niệm lần thứ 55 chiến thắng Điện Biên Phủ. Công trình được người dân quan tâm nhất là Tượng đài Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Tượng đài này xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 500m2, khối tượng gồm 28 nhân vật trong tư thế kéo khẩu pháo 105mm ngược dốc, trong đó có 7 nhân vật toàn thân, 21 nhân vật bán thân, với tổng số 84 cấu kiện. Khối tượng có chiều dài 21m, rộng 3m, điểm tượng cao nhất 12m và trọng lượng 1.200 tấn. Tượng đài Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ làm bằng đá xanh nguyên khối được lấy từ Thanh Hóa. Hôm chúng tôi đến địa điểm đặt tượng đài, hàng chục công nhân của Doanh nghiệp Mỹ thuật Hoàn Hảo (huyện Hoa Lư-tỉnh Ninh Bình) đang miệt mài đục, đẽo và tạc những chi tiết sau cùng trên bức tượng đài đồ sộ này. Đến nay, đơn vị thi công đã lắp ghép, tinh chỉnh xong 15 nhân vật và đang hoàn thiện chân dung 13 nhân vật. Anh Phạm Thanh Bình, người chỉ đạo thi công công trình tượng đài cho biết: “Thời gian đến ngày kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ không còn nhiều, trong khi đây là một công trình trọng điểm nên chúng tôi đang tranh thủ thời gian, tập trung sức lực thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 7-5-2009 để phục vụ du khách đến tham quan”.
Từ khuôn viên tượng đài, du khách sẽ được tham quan con đường Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ. Con đường đã được bê tông hóa với chiều rộng mặt đường 1,2m và chiều dài 4km. Sau khi đi bộ trên con đường uốn theo sườn đồi núi quanh co, lên dốc, xuống đèo rất hiểm trở, du khách sẽ dừng chân ở địa điểm Tô Vĩnh Diện đã tình nguyện lấy thân mình để chèn bánh không cho pháo tụt xuống dốc, tạo điều kiện cho đồng đội tiếp tục kéo pháo vào trận địa. Tại đây vừa hoàn thành tượng đài và văn bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Cụm công trình này là một điểm nhấn quan trọng trong tua du lịch truyền thống về Điện Biên Phủ.
Trò chuyện với chúng tôi, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo tâm sự:
- Thiết kế tượng đài thể hiện một trung đội pháo binh kéo pháo 105 mm đang vượt dốc cao và tái tạo con đường Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ, tôi muốn gửi đến du khách, nhất là thế hệ trẻ hôm nay một thông điệp: Sự chịu đựng gian lao, vất vả và tinh thần sắt đá, lòng quả cảm và sức mạnh vô song của bộ đội pháo binh Việt Nam trong quá trình kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ để tiêu diệt kẻ thù, là một hành động phi thường. Đây không chỉ là một yếu tố góp phần quyết định đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mà còn là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cùng với bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân và Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thông qua tượng đài Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo muốn khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên ngày càng in đậm trong ký ức, trái tim của đồng bào và chiến sĩ cả nước.
 |
Tượng đài tại Công viên Chiến thắng Mường Phăng. |
Trong khu di tích Mường Phăng, tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng cũng mới khánh thành vào cuối tháng 2-2009. Tượng đài khắc họa hình ảnh bộ đội và đồng bào các dân tộc đứng xung quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi lễ mừng công chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, có nhà đón tiếp và bãi đỗ xe thông thoáng, tượng đài hoành tráng này trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến với khu di tích Căn cứ Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.
Ngoài ra, Quảng trường và trục hành lễ Đồi D1-nơi đặt tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được hoàn thiện giai đoạn cuối. Sau khi hoàn thành, theo đường chính ở trung tâm thành phố, du khách có thể đi bộ từ chân lên đỉnh đồi D1 để chiêm ngưỡng tượng đài Chiến thắng và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ, chứ không phải đi vòng thêm một quãng đường khá xa như trước đây.
Điều mong muốn của người dân
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, du khách và nhân dân địa phương rất quan tâm đến chất lượng của các công trình di tích được bảo tồn, tôn tạo tại Điện Biên Phủ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Ngọc Lượng, Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ cho biết:
- Ban quản lý thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và phân công cán bộ, nhân viên trực tiếp giám sát chặt chẽ các công trình di tích trong suốt quá trình thi công; bảo đảm mọi công đoạn được thực hiện đúng quy trình, các nguyên vật liệu đúng khối lượng, chủng loại; không để xảy ra sai sót, lãng phí và thất thoát. Chúng tôi đã xác định: Bảo tồn, tôn tạo các di tích hay xây dựng các tượng đài liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ mà không làm đến nơi đến chốn, là không chỉ có tội với dân, với nước, mà còn có tội với các thế hệ ông cha đã đổ bao xương máu xuống mảnh đất Điện Biên.
Một vấn đề khác cũng được công luận quan tâm là việc quản lý, bảo vệ các di tích Điện Biên Phủ của địa phương. Chúng tôi được biết, các địa danh, chứng tích đánh dấu và ghi nhận các sự kiện lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đến ngày 7-5-1954 kéo dài hàng trăm ki-lô-mét và trải rộng trên hầu hết địa bàn tỉnh Điện Biên. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay có 49 điểm di tích được khoanh vùng và có biển tên bảo vệ, nhưng do phân bố rải rác ở nhiều địa điểm nên việc quản lý, bảo vệ di tích của Bảo tàng cũng gặp khó khăn. Vì vậy, Bảo tàng rất cần sự quan tâm ủng hộ của các ngành, các cấp và sự tham gia bảo vệ của nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân ở nơi có các di tích.
Các di tích liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của niềm tin, sức mạnh chính nghĩa và tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của quân và dân ta. Vì vậy, theo chúng tôi, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tỉnh Điện Biên cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị quân đội, nhà trường, các khu dân cư và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn trong việc bảo quản, gìn giữ và khai thác có hiệu quả giá trị của các di tích. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân để cùng tham gia quản lý, bảo vệ thật tốt các công trình di tích ở Điện Biên Phủ.
“Di tích Điện Biên Phủ là một trong những di tích lịch sử quan trọng của quốc gia và có tầm cỡ quốc tế, là tài sản vô giá không chỉ của Điện Biên, Tây Bắc mà của cả nước ta, của muôn đời con cháu mai sau, của bạn bè quốc tế. Mặc dù Điện Biên Phủ có tiềm năng du lịch, nhưng nếu những chiến tích về trận thắng Điện Biên Phủ oanh liệt không được giữ gìn, thì sức hút đối với khách trong nước và quốc tế đến Điện Biên sẽ hạn chế rất nhiều”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). |
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI