QĐND - “Trước hết, chúng tôi xin chia sẻ cùng các bạn niềm tiếc thương và kính trọng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng lỗi lạc của Việt Nam vừa mới từ trần tuần trước. Ông là vị thống soái nổi tiếng thế giới với nghệ thuật chiến tranh nhân dân tài tình, kết hợp chiến thuật du kích với tác chiến chính quy, đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Bê-la-rút giữa thế kỷ trước, chúng tôi cũng đã xây dựng lực lượng du kích để chiến đấu ngăn chặn bước tiến như vũ bão ban đầu của quân phát-xít, trước khi sử dụng những tập đoàn quân và phương diện quân hùng mạnh đè bẹp quân thù. Tôi nhắc lại điều này để thấy rằng, Việt Nam và Bê-la-rút có rất nhiều nét tương đồng, trước hết là trong chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc…”.
Đại tá Ma-ca-rốp, Cục trưởng Cục công tác tư tưởng của quân đội Bê-la-rút, đã mở đầu như trên trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Trung tâm thông tin quân đội Bê-la-rút với đoàn cán bộ báo chí quân đội ta, do Trung tướng Lê Phúc Nguyên-Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân-dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Bê-la-rút vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
 |
Toàn đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại quảng trường trung tâm thành phố Min-xcơ, nơi hằng ngày vẫn hiện diện bức tượng của lãnh tụ Lê-nin vĩ đại. Ảnh: MT
|
Và không chỉ mở đầu như vậy, suốt buổi làm việc hôm ấy, nhiều lần chúng tôi được nghe các bạn tự hào nhắc lại những chiến công của Bê-la-rút trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại những năm 1941-1944, về sự giúp đỡ của Bê-la-rút đối với Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây, về những học viên Việt Nam tại các trường quân sự ở Bê-la-rút những năm 60-70 của thế kỷ trước, về những chuyên gia phòng không-không quân của Bê-la-rút đã từng có mặt ở Hà Nội và nhiều địa phương miền Bắc Việt Nam v.v.. Tại tòa soạn Báo Quân đội Bê-la-rút, các đồng nghiệp phía bạn còn hào hứng giới thiệu những trang báo cũ hàng chục năm trước, có đăng những bài viết về cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên các chiến trường. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 ở Hà Nội, có số báo dành hẳn 2 trang phản ánh sự kiện trên đây, với những bài viết và những bức ảnh do phóng viên của Hãng thông tấn ITAR-TASS thực hiện tại chỗ…
Bê-la-rút, đất nước Bạch Nga đang độ giữa thu với màu vàng quyến rũ của những cánh rừng bạch dương, rừng sồi, rừng phong... Vàng nắng, vàng cây và tóc vàng thiếu nữ từng ám ảnh biết bao thế hệ tao nhân mặc khách, để lại những tuyệt phẩm nghệ thuật đủ mọi thể loại. Lần đầu tiên được đến với mùa thu vàng Bê-la-rút, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước màu vàng mê hoặc ấy. Nhưng ấn tượng sâu đậm và nhân văn nhất vẫn là tình cảm đôn hậu, nhiệt thành của những người bạn, những đồng nghiệp Bê-la-rút; đặc biệt là ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử và truyền thống trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, điều mà mỗi người dân Việt Nam chúng ta hiện nay cũng hết sức quan tâm.
Tình cờ tôi bắt gặp trên Báo Quân đội (Vaiar) ra ngày 15-10-2013, số 194 (26837) có chuyên mục “Những lá thư từ mặt trận”. Chiếm hẳn cả trang 6 là lá thư của một Hồng quân đề ngày 30-9-1943 ở mặt trận phía tây, có cả bút tích và chân dung của anh. Đại tá An-đơ-rây Su-ba-đê-rốp, Tổng biên tập Trung tâm thông tin quân đội, cho biết: Suốt mấy chục năm nay, báo “Vaiar” vẫn giữ đều đặn chuyên mục này và các anh chưa bao giờ lo cạn nguồn tư liệu. Không những thế, ở Tổng cục Công tác tư tưởng của quân đội Bê-la-rút còn có một cơ quan gọi là “Cục hồi tưởng chiến tranh” chuyên trách giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, như: Tìm kiếm những quân nhân và công dân bị mất tích; xác minh các trường hợp hy sinh, bị thương hoặc người có công; giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước v.v.. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống quân phát-xít xâm lược, cứ ba người dân Bê-la-rút thì có một người bị chết. Vì vậy, 72 năm đã trôi qua nhưng những công việc tìm kiếm, xác minh, báo đáp… vẫn chưa vơi. Hiện nay, quân đội Bê-la-rút vẫn tồn tại một tiểu đoàn đặc biệt, ngày ngày mải miết đi kiếm tìm đồng đội trên khắp các chiến trường xưa…
Ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng bảo vệ Tổ quốc được thể hiện khá rõ trong việc định hướng tiêu chí và các biện pháp nghiệp vụ của Trung tâm thông tin Quân đội Bê-la-rút. Đặc biệt, trong thời đại phát triển của các phương tiện truyền thông, các đồng nghiệp ở đây rất chú trọng tính tương tác của các chương trình, hướng tới đối tượng thanh niên, thông qua các trò chơi điện tử và các trang mạng xã hội. Đại tá A.Su-ba-đê-rốp nói rằng, các anh phải “chơi” với thanh niên bằng những trò chơi sở thích của họ, bằng ngôn ngữ của họ, thì mới định hướng được tư tưởng, nhận thức cho họ. Chẳng hạn, thông qua các chương trình games có thể giúp thanh niên phân biệt được bạo lực phi nghĩa với tự vệ chính đáng, ý chí khắc phục khó khăn, lòng dũng cảm, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật… Theo đó, các anh đã tổ chức nhiều cuộc thi “Trò chơi quân sự” thu hút hàng nghìn “ghêm thủ” là thanh niên tham gia, do Bộ Quốc phòng đứng ra trao giải. Hiện nay, Trung tâm đang phấn đấu trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới các trò chơi về đề tài này. Tương tự như vậy, Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi thu hút hàng nghìn blogger tham gia với các bài viết về chiến tranh vệ quốc, về lực lượng vũ trang, về nghĩa vụ quân sự… Điều độc đáo là kết thúc mỗi cuộc thi, ban tổ chức chọn một “tiểu đội blogger” xuất sắc nhất cho “nhập ngũ” một tuần, trải nghiệm cuộc sống tại ngũ thực thụ của người chiến sĩ…
 |
Tác giả ngắm mùa thu vàng từ trên sân thượng khách sạn “40 năm chiến thắng” ở thủ đô Min-xcơ. Ảnh: Thành Tuyên
|
Bảo tàng lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến thủ đô Min-xcơ. Mặc dù hôm chúng tôi đến, ban lãnh đạo bảo tàng cứ phân trần rằng, do sắp sửa di chuyển bảo tàng sang tòa nhà to đẹp hơn trong cùng khu vực, nên khá nhiều hiện vật đã được niêm cất; đồng thời việc trưng bày hiện tại cũng bị xáo trộn hoặc sơ sài; tuy nhiên, chúng tôi vẫn hết sức ấn tượng bởi nội dung của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại toát lên từ những tư liệu, hình ảnh, hiện vật và cách bố trí, sắp xếp hiện tại. Ấn tượng nhất là khu vực giới thiệu những hoạt động du kích trong thời kỳ đầu chiến tranh, những công binh xưởng chế tạo vũ khí trong rừng sâu, những ngôi lán bằng gỗ đơn sơ là sở chỉ huy những chiến dịch cầm chân địch, những phương tiện thô sơ vận chuyển vũ khí và lương thực cho mặt trận… Rồi những cuốn nhật ký chiến trường nhàu nhĩ, những bức thư, tấm ảnh thu được trong những cuộc khai quật tìm kiếm liệt sĩ… Và bức chân dung bà Ku-pri-an-nốp-va, một bà mẹ Bê-la-rút tiêu biểu đã lần lượt tiễn 5 người con ra trận, để rồi chỉ còn một người sống sót trở về trên đôi nạng gỗ…
Thốt nhiên, tôi ngỡ như mình đang đứng trong một bảo tàng lịch sử chiến tranh ở Việt Nam và trước mắt tôi là những hình ảnh của Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Nam Bộ… từng thân thuộc trong tâm trí chúng tôi, những người lính đã từng chứng kiến hoặc được can dự một phần trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người hướng dẫn cho chúng tôi hôm đó là một cựu chiến binh 73 tuổi, Thiếu tá Vla-đi-mia Pôn-ka-pô-vích, từng có 2 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Áp-ga-ni-xtan cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước. Sau khi giới thiệu một vòng các gian trưng bày theo các chủ đề, ông hăm hở dẫn chúng tôi vào một căn phòng trưng bày những hiện vật đặc biệt của bảo tàng, trong số đó có khẩu súng AK47 của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khẩu súng được Giám đốc Bảo tàng Quân đội ta-nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam-tặng cho đồng chí Mi-rô-sô-vích Ma-sê-rốp, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Bê-la-rút, trong một lần đồng chí sang thăm Việt Nam giữa thập niên 1980 của thế kỷ trước.
Bảo tàng ngoài trời mang tên Chiến Thắng cũng là một “địa chỉ đỏ” của Bê-la-rút, nằm cách thủ đô Min-xcơ 30 cây số về phía tây, trên một khu thực địa củaPhòng tuyến Xtalin được xây dựng từ năm 1931. Bảo tàng được xây dựng, phục chế, tôn tạo từ những năm đầu thế kỷ 21 và khánh thành vào năm 2005, đúng dịp kỷ niệm 60 năm “Ngày chiến thắng” chủ nghĩa phát-xít. Tôi đặc biệt lưu ý những con số về thời gian trên đây, bởi vào năm 2005, chiến tranh đã lùi xa tròn sáu chục năm và Liên bang Xô-viết tan rã đã 15 năm. Vào thời điểm đó, không ít người và không ít quốc gia của Liên Xô trước đây đã “nã đạn vào quá khứ”, thế mà ở đất nước chưa đầy chục triệu dân này, trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu lần thứ nhất của thế kỷ mới, Nhà nước vẫn chăm lo đầu tư phục dựng và xây dựng một cụm di tích lịch sử khổng lồ trải dọc biên giới phía tây, với 327 cứ điểm kiên cố bậc nhất thời chiến. Người phụ nữ thuyết minh bảo tàng nói với chúng tôi rằng, với hệ thống công sự bằng bê tông cốt thép kiên cố này, Phòng tuyến Xtalin có thể chiến đấu giam chân địch trong vòng 2-3 tuần. Trên thực tế khi chiến sự xảy ra, tại phòng tuyến này đã tập trung gần một phần ba binh lực Hồng quân Liên Xô, bởi đây là hướng chính diện với mũi tấn công từ nước Đức phát-xít lúc đó…
Chúng tôi dừng chân trên điểm cao 134, nơi có cột mốc ký hiệu 0101 trên đường biên giới giữa Bê-la-rút và Ba Lan. Đây là một điểm nhấn của Bảo tàng Chiến thắng ngoài trời, với hệ thống giao thông hào nguyên gốc nối liên hoàn 18 ụ chiến đấu cấp đại đội cũng đều là những hiện vật gốc. Tất cả các dãy cọc chống tăng chôn dưới chân đồi, cùng những khẩu hỏa lực trong các ụ chiến đấu đều bố trí chếch 75 độ hướng tây. Lô cốt của chỉ huy đại đội đồng thời là ổ trọng pháo hạng nặng cũng hướng nòng về phía tây, được xây dựng bằng bê tông cốt thép dày một mét rưỡi. Chúng tôi đã đi bộ dưới lòng hào, chui vào từng ụ súng, bắt gặp những hình tượng mô phỏng động tác các chiến sĩ đang trong tư thế chiến đấu với kích thước như người thật. Trong tôi chợt trào lên những cảm xúc tương tự như những lần đã đến tham quan các công sự chiến đấu ở Điện Biên, Củ Chi, Thành cổ Quảng Trị… Chợt nhận ra ở đâu trên thế gian này, tư thế của người chiến sĩ trên chiến trường vệ quốc cũng đều giống nhau. Và ở bất cứ phòng tuyến nào thì các loại vũ khí cũng đều nhằm về phía quân xâm lược…
Lại nhớ lời Đại tá An-đơ-rây Su-ba-đê-rốp tâm sự trong buổi làm việc tại Trung tâm thông tin hôm trước: Thế giới có thể đổi thay, nhưng lịch sử và truyền thống của dân tộc thì không thể thay đổi! Vâng, máu xương của hàng triệu con người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là những giá trị vình hằng, không thế lực nào có thể xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ được. Như mùa xuân quê tôi hoa đào lại nở. Và mùa thu ở xứ sở bạch dương lại lộng lẫy sắc vàng…
Min-xcơ - Hà Nội, thu 2013
Bút ký của MAI NAM THẮNG