 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet |
Vừa qua, bài
“Khói đạn đã tan tình hữu nghị vẫn trường tồn-Đọc Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Hồng Tả Quân, đăng trên tạp chí
“Tri thức Thế giới” (Trung Quốc), sau khi tác giả được tặng cuốn Hồi ức
“Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2000. Chúng tôi xin giới thiệu tóm lược bài viết trên.
Vào một đêm sao sáng đầy trời của mùa thu vàng Bắc Kinh, tôi vinh dự được nhận từ tay bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một cuốn sách dày cộp, cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” (dịch sang Trung văn là Điện Biên Phủ-Lịch sử đích tiêu điểm) hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tấm thịnh tình và ý đẹp của vị tướng lão thành từ xa xôi ngàn dặm tặng sách, khiến tôi vô cùng cảm kích.
Là một độc giả Trung Quốc, điều làm cho tôi sâu đậm hứng thú là trong sách, lần đầu tiên ông công bố một số sự thật lịch sử về sự phối hợp chặt chẽ về quân sự của hai nước vì thắng lợi của chiến dịch, đặc biệt là sự sát cánh kề vai chiến đấu với Quân đội nhân dân Việt Nam của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn, trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Là một nhà lãnh đạo thế hệ tiền bối của Đảng và Nhà nước Việt Nam duy nhất còn mạnh khỏe và nhân chứng của lịch sử hữu nghị sâu đậm của hai nước Trung-Việt, từng câu nói của ông đều có tiếng vang, đây cũng là chỗ khiến cho mọi người cảm động nhất.
Mùa thu năm 1950, sau khi giành được thắng lợi lớn trong chiến dịch tiến công quân đội Pháp dọc biên giới Trung-Việt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước nắm được quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Khi ấy, quân Pháp co vòi lại vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời tăng thêm binh lực cố thủ vùng Tây Bắc.
Những trận đánh sau đó, nên đánh như thế nào, Trung ương Đảng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ. Xem xét khả năng cơ động của quân đội Pháp ở vùng đồng bằng sông Hồng mạnh, trái lại, lực lượng phòng giữ của quân Pháp tại vùng Tây Bắc tương đối yếu, hơn nữa vùng này lại là vùng xung yếu thông với Lào và Trung Quốc, đồng thời từ sau lưng, cạnh sườn cũng tạo thành mối uy hiếp nghiêm trọng đối với Khu Giải phóng, đại bản doanh của cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Việt Nam, vị trí chiến lược rất quan trọng, thế là Trung ương Đảng Việt Nam đánh giá vùng Tây Bắc là trọng điểm tiến công.
Chính trong những ngày khẩn trương náo nức chuẩn bị tiến công vùng Tây Bắc, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam kế hoạch tác chiến bí mật của Nava, viên chỉ huy quân đội thực dân Pháp tại Đông Dương, đồng thời lệnh cho đồng chí Vi Quốc Thanh đang ở Bắc Kinh hỏa tốc trở lại Việt Nam, hiệp tác giúp đỡ tác chiến.
Trên đường bôn tập ra tiền tuyến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Vi Quốc Thanh thường xuyên trao đổi ý kiến. Ông viết: “Tôi thường xuyên thông báo tình hình mới ở các chiến trường với anh Vi Quốc Thanh. Giữa chúng tôi tiếp tục có những cuộc trao đổi ý hợp tâm đầu. Anh Vi và tôi đều thống nhất cách tốt nhất để giải quyết tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tiến hành tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng”.
Mùa xuân năm 1954, các đồng chí trong Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc ăn tết tại mặt trận biên thùy Tây Bắc Việt Nam. Về chuyện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dành riêng miêu tả một đoạn trong sách: Nói rằng khi các đồng chí Trung-Việt quây quần bên nhau, mọi người muốn nói nhiều nhất đến chuyện làm thế nào để cho cuộc kháng chiến của Việt Nam sớm giành được thắng lợi.
Ông viết:
“Tôi sang lán đồng chí Vi Quốc Thanh chúc tết Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam phải tiếp tục ăn một cái tết ở ngay mặt trận, xa Tổ quốc, xa gia đình, và báo tin thắng lợi trên các chiến trường. Đồng chí Vi vui vẻ chúc mừng năm mới cùng những thắng lợi mới của quân và dân ta. Trung Quốc gửi sang gấp những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa và chiến đấu đường hầm, kể cả cuốn sách Thượng Cam Lĩnh”, để bộ đội Việt Nam tham khảo. Trong sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập đến, tiến công Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam ngoài việc tổng kết kinh nghiệm mà mình có được, còn học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt là kinh nghiệm của chiến dịch Hoài Hải. Ông còn nói rằng, để tiến công Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp đỡ huấn luyện bộ đội lựu pháo tại Vân Nam.
Thời gian bốn năm chục năm đã trôi qua, song những bông hoa hữu nghị Trung-Việt đâm chồi, đua sắc trên mảnh đất biên thùy Tây Bắc Việt Nam mà trước đây ít người được biết, lại nở rộ không tàn, hương thơm mãi mãi đến ngày nay.
Từng câu chuyện hữu nghị nặng tình nồng ấm, quý báu như gia bảo của tình bạn chiến đấu hai nước Trung-Việt năm xưa được một vị tướng lão thành kể lại trong hồi ức của ông, chẳng phải là những minh chứng tốt đẹp nhất hay sao?
VŨ PHONG TẠO giới thiệu và dịch