Đó là một thanh niên năm nay mới 23 tuổi, anh đã vẽ rất nhiều tranh về phong cảnh quê hương đất nước, nhưng nhiều nhất là tranh Bác Hồ. Đặc biệt, trong chương trình “Một trái tim, một thế giới” do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức, mọi người rất xúc động khi thấy Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón nhận nhận bức tranh “Bác Hồ làm việc ở Phủ Chủ tịch” do anh thể hiện. Gần đây anh lại vừa hoàn thành xong bức tranh về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mặt bên kia là hình ảnh buổi ra quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Người thanh niên khiếm thính tài hoa ấy tên là Đỗ Đặng Phi Long ở phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
 |
Phi Long đang vẽ tranh Bác Hồ
|
Chỉ vì bị khiếm thính từ nhỏ mà Long đã không được đến trường như bao bạn bè cùng lứa. Năm 17 tuổi, Long xin vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo học lớp vẽ tranh cát của nghệ nhân Ỷ Lan và chỉ một năm sau, anh đã trở thành một học trò giỏi. Thương người học trò khiếm thính nhưng có ý chí và tay nghề khéo, nghệ nhân Ỷ Lan đã rất muốn giữ em lại để làm việc lâu dài. Nhưng Long học nghề này không chỉ là để kiếm tiền, anh về lại Phan Thiết để mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những thanh thiếu niên cũng bị khiếm thính như mình. Cơ sở Tranh cát Phi Long đến nay qua ba năm đã đào tạo thành công hơn 150 em nam nữ khiếm thính ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Em nào đến đây đều được dạy nghề miễn phí, có chỗ ăn ở đàng hoàng. Để có kinh phí nuôi dạy các em, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh tàn tật là 240 nghìn đồng/tháng, gia đình Long đã hỗ trợ cho mỗi em một tháng là 150 nghìn đồng. Những em nào đã thành thạo nghề, muốn ở lại sẽ được trả lương từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng, còn những em đang học nghề, nếu sản phẩm tiêu thụ được thì trả theo sản phẩm, mỗi sản phẩm làm ra đều có ký nhận hai bên rất rõ ràng. Ông Lâm Hải Vân, một phụ huynh ở Cam Ranh - Khánh Hòa đã rơi nước mắt khi cô con gái khiếm thính bướng bỉnh ngày nào, giờ đây đã vẽ tặng ông một bức tranh về chân dung của mình. Những ai đến Phan Thiết du lịch, khi vào siêu thị, hay đến các điểm bán hàng lưu niệm, đều nhìn thấy các sản phẩm của Tranh cát Phi Long. Ngoài phong cảnh thiên nhiên đất nước, từ Vịnh Hạ Long, đến Chùa Một cột, Nhà sàn Bác Hồ, Trường Dục Thanh, đến tượng Phật, tranh “Mã đáo thành công”, phong cảnh Hòn Rơm v.v…
Tuy khiếm thính nhưng Long lại rất mê những câu chuyện của bố mẹ kể về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2006, Long đã vinh dự được ra Hà Nội dự Đại hội những người khuyết tật Việt Nam. Tại đây, em đã được chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được vào lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người, được nghe nhiều câu chuyện cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ những nhận thức của riêng mình, từ đó đến nay em đã vẽ rất nhiều bức tranh về Bác Hồ, đó là các bức như: Bác Hồ làm việc ở Phủ Chủ tịch; Bác Hồ đang cho cá ăn; Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; Bác chuẩn bị lên ngựa đi kháng chiến; Bác ở hang Pắc Bó. Gần đây, Long đã dành ra 3 tháng để miệt mài thực hiện bức chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kích thước 1,2m x 0,6m với hai mặt kính trong suốt, bên này là chân dung quen thuộc của Đại tướng, bên kia là cảnh ra mắt của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Để thực hiện bức tranh này phải cần tới 46kg cát, với 35 màu cát khác nhau.
 |
Phi Long với chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (mặt trước)
|

|
Và hình ảnh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (mặt sau)
|
Sẽ là một thiếu sót nếu bài viết này không giới thiệu đôi nét để bạn đọc hiểu được vẽ tranh cát là vẽ như thế nào? Có khó lắm không? Xin được nói ngay rằng, nó không quá khó, nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Nơi thể hiện tranh cát là phải bằng thủy tinh trong suốt, có thể là bình pha lê, hoặc ly uống rượu sâm panh, hay là khung kính hai mặt có kẽ hở ở giữa chừng 2cm. Người vẽ sẽ một tay dùng thìa xúc cát đổ vào, tay kia dùng chổi lông gạt qua gạt lại, sao cho các màu cát phải đúng với vị trí của bức tranh của nó, để từ đó tạo ra mây trời, sông nước, cỏ cây hoa lá, nếu bạn không kiên trì và khéo tay thì chắc chắn thất bại. Để có một bức tranh vẽ về Bác, thể hiện được râu tóc, quần áo của Người và cỏ cây ở Phủ Chủ tịch, Long đã dùng tới 45 màu cát khác nhau, đó là một công việc vô cùng tỉ mỉ, bởi chỉ cần sai một li là phải làm lại từ đầu. Cát ở đây là những hạt rất nhỏ và được lấy ở khắp mọi miền đất nước đem về. Long mong ước được ra Hà Nội một ngày gần đây để mang bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Đại tướng. Bạn đọc mê tranh cát, hãy mua tranh để giúp đỡ Long cùng nhiều bạn trẻ khuyết tật. Xin liên hệ qua chị Đặng Thị Thu Hà là mẹ của em Long qua số điện thoại 0919003346.
Bài và ảnh: Phan Cao Thông