 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, năm 1994. Ảnh: Trần Hồng |
Sáng thứ hai, tuần thứ hai của tháng 6 năm 2007, một cụ già đội mũ phớt đen, số răng cửa đã rụng nhiều cái, song tiếng nói vẫn vang vào văn phòng:
- Tôi xin chào tất cả các đồng chí!
Một người của Văn phòng Cựu chiến binh thành phố Hà Nội hỏi cụ:
- Thưa cụ! Cụ từ đâu đến đây?
- Thưa ông, tôi từ chợ Ô Cách, phường Đức Giang, quận Long Biên!
- Thế cụ đi bằng xe gì mà tới đây sớm thế ạ?
- Tôi đi xe ôm hết 10.000đ tới phố Bà Triệu, còn từ Bà Triệu tôi đi bộ tới đây.
- Chắc cụ muốn biết thêm về chính sách khen thưởng tổng kết hai cuộc kháng chiến?
- Không phải đâu ạ, tôi là Đặng Trần Lãng, 72 tuổi, Hội viên hội Cựu chiến binh phường Đức Giang, tới đây cốt xin mua tờ báo “Cựu chiến binh Thủ đô” số 257 phát hành tháng 5-2007 mà bộ sưu tập của tôi bị thiếu.
- Thưa cụ, tờ báo đó có bài viết về cụ hay có gì viết không đúng về hội Cựu chiến binh phường Đức Giang?
- Không phải thế đâu! Tôi thường xuyên đọc báo “Cựu chiến binh Thủ đô”. Riêng số báo 257, tôi thích vì có tấm ảnh Bác Hồ nghỉ chân bên gốc thông ở Thái Nguyên năm 1953.
*
* *
Theo địa chỉ, tôi hỏi thăm mấy người mới tìm thấy nhà bác ở rất sâu trong cái ngõ 49 phường Đức Giang, chiều hôm ấy lại rất nóng vì nhà bác chỉ có 2 cái quạt điện thấp lè tè!
Qua những câu chuyện không đầu, không cuối, tôi được biết, ngay từ khi nhập ngũ (1949), cậu học sinh Đặng Trần Lãng được bổ sung vào Đại đội 103, Trung đoàn 77 trực thuộc Bộ Quốc phòng và do biết tiếng Pháp nên được giao nhiệm vụ trông nom tủ sách riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phần lớn là sách chữ Pháp) và nhiệm vụ thứ hai là “gác” máy điện thoại ở “vòng ngoài”, để mỗi khi có khách đến làm việc thì điện vào văn phòng xin ý kiến…
Tôi cố gợi mãi, bác Lãng mới chịu kể tóm tắt về chuyện giữ gìn tủ sách của Võ Đại tướng:
… Gọi là tủ sách cho nó sang trọng đối với một vị Đại tướng Tổng tư lệnh như anh Văn, chứ thực ra đó chỉ là những miếng ván giường tập thể ghép lại không phải bằng mộng, bằng ngàm mà là đinh 5 phân đóng mau cho chắc.
Số đầu sách thì không nhiều nhưng gồm đủ loại: Quân sự, Chính trị, Địa lý, Địa dư, Từ điển tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiểu thuyết, thơ của Pháp, các tác phẩm Kiều, Chinh phụ ngâm của Việt Nam… Đặc biệt trong tủ sách có tập thơ “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp (Liên Xô) do ông Tố Hữu dịch mà Đại tướng thích đọc.
Suốt 4 năm (1949-1953) sống trong An toàn khu (ATK) được gần gũi các đồng chí lãnh tụ, bác Lãng học được rất nhiều, nhất là về đạo đức cách mạng của các vị lãnh tụ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bác Lãng được đi theo làm nhiệm vụ hỏi cung tù binh Âu, Phi để khai thác tài liệu phục vụ cho chiến dịch. Khi toàn thắng, bác Đặng Trần Lãng là một trong số những người áp giải tù binh từ Điện Biên Phủ về Tuyên Quang để rồi tiếp tục làm phiên dịch cho đến khi trao trả hết tù binh.
*
* *
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp rất quý cái tính cẩn thận, tỉ mỉ và trí thông minh của bác Đặng Trần Lãng, nhưng nếu cứ để làm nhiệm vụ thủ thư (giữ sách) và trực đài thì khó đề bạt cấp bậc cho tương xứng tài đức, không phát huy được khả năng của con người. Nghĩ vậy nên năm 1956, chính Đại tướng đã gợi ý Trung đoàn 77 giải quyết cho Đặng Trần Lãng được chuyển ngành, đi học thêm văn hóa rồi thi vào Trường đại học Dược Hà Nội.
Khi tốt nghiệp Trường đại học Dược Hà Nội, thầy Lãng được điều về dạy ở trường Y sĩ tỉnh Phú Thọ suốt 20 năm (1964-1984).
Cũng trong năm 1984, khi nghe tin người con trai út của Võ Đại tướng cưới vợ, thầy giáo Đặng Trần Lãng đã đạp xe từ Phú Thọ về Hà Nội để chúc mừng.
Tại nhà riêng, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động ôm người thủ thư rất lâu, rồi gọi tên:
- Lãng!… Lãng!… Lãng!…
Đồng chí Đại tướng còn nhớ cả chuyện gia đình bác Lãng có tới 5 người con xung phong tòng quân, được tặng bằng “Gia đình vẻ vang” và huân chương Kháng chiến hạng ba đầu tiên của huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bây giờ họ đều là sĩ quan, được nghỉ hưu theo chế độ.
Thấy tôi chăm chú nhìn đống sách báo, bà Trương Thị Y-vợ bác Lãng “mách nhỏ” với tôi:
- Ông ấy nhà tôi không bia, không rượu, không thuốc nhưng thi thoảng lại đi “rước” những quyển sách “dày cộp” giá hàng trăm nghìn đồng mà lương hưu mỗi tháng chả đáng là bao!
Được bà vợ trách yêu, bác Đặng Trần Lãng cười rất giòn mà rằng:
- Bây giờ thì ít người thiếu ăn, thiếu mặc, còn nếu thiếu các đồ dùng sang trọng thì đành phải chịu nhưng “đói” báo thì tuổi già chúng tôi buồn lắm!
Khi chia tay, ông Lãng còn nói nhỏ với tôi:
-Tết này thế nào tôi cũng đi xe ôm sang chúc thọ Đại tướng và mừng Xuân Mậu Tý với toàn gia đình.
Chia tay với bác Lãng, hình ảnh người thủ thư cần mẫn, trung thành của Võ Đại tướng cứ như một thứ hoa thơm, thơm mãi trong tôi.
NGỌC MINH (Ghi theo lời kể của cụ Đặng Trần Lãng)