QĐND - 101 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, trưng bày tại Hội trường Dinh Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) mới đây, là những khoảnh khắc đời thường dung dị và cảm động của vị tướng huyền thoại. Một trong những bức ảnh tạo ấn tượng mạnh, gây xúc động cho người xem là hình ảnh Đại tướng ngồi cắt tóc.
Bức ảnh lịch sử
Đó là một bức ảnh khổ lớn, được trưng bày ngay gần cửa ra vào phòng triển lãm Hội trường Dinh Thống Nhất. Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nụ cười hiền từ, bao dung, ánh mắt trìu mến, nhân hậu ngồi ngay ngắn trong tấm vải choàng để cho người thợ cắt tóc cẩn thận làm công việc của mình với thái độ mãn nguyện. Bức ảnh đã lột tả được một khoảnh khắc đời thường quý giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà báo Trần Tuấn kể:
 |
Anh Lê Sự cắt tóc cho Đại tướng ở Vũng Tàu năm 1996.Ảnh: Trần Tuấn |
- Tôi chụp bức ảnh này vào cuối mùa xuân năm 1996. Thời điểm đó Đại tướng vào Vũng Tàu. Sau khi làm việc, Đại tướng có khoảng thời gian yên tĩnh nghỉ dưỡng tại biệt thự số 11, đường Phan Đình Phùng. Chuyến đi làm việc kết hợp nghỉ dưỡng ấy tương đối dài ngày. Thấy tóc của Đại tướng đã dài, một số anh em nhắc Đại tướng cắt tóc. Đại tướng vui vẻ đồng ý. Anh em trong đoàn đều là người từ Hà Nội vào, không biết phải mời ai đến cắt tóc cho Đại tướng nên đã nhờ anh Trần Văn Sửu, lúc đó là Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam, một “thổ công” ở Vũng Tàu tìm giúp. Gần trưa, anh Sửu dẫn tới một người thợ cắt tóc. Đại tướng ngồi xuống ghế rồi trò chuyện thân mật với người thợ. Tôi thấy hình ảnh quá ấn tượng nên đã lấy máy ảnh ra chụp. Đây là một trong những bức ảnh về khoảnh khắc đời thường của Đại tướng mà tôi rất tâm đắc.
Bức ảnh ấy được nghệ sĩ Trần Tuấn chụp bằng phim đen trắng. Bố cục, chọn góc độ lấy ánh sáng và đặc biệt là thời khắc bấm máy đã giúp Trần Tuấn có được một bức ảnh quý giá. Người xem ảnh ngưỡng mộ, khâm phục, kính trọng Đại tướng bao nhiêu lại lắng lòng cảm xúc trước sự chân thành, gần gũi, thân thiết, nhân hậu của Đại tướng bấy nhiêu.
Mười lăm năm trôi qua kể từ ngày chụp bức ảnh ấy, nhà báo Trần Tuấn tổ chức triển lãm ảnh cá nhân “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp”. Ông đã liên hệ, tìm gặp lại người thợ cắt tóc cho Đại tướng năm ấy và mời anh lên Thành phố Hồ Chí Minh tham quan triển lãm.
Nhà báo Trần Tuấn nguyên là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Trong đời làm báo của mình, ông vinh dự được nhiều năm tháp tùng, gần gũi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh nhiều bộ sưu tập ảnh chụp Đại tướng trong công tác, quan hệ ngoại giao, Trần Tuấn đã có rất nhiều ảnh chụp cảnh sinh hoạt đời thường của Đại tướng. 101 bức ảnh triển lãm lần này được ông lựa chọn trong số ảnh mà ông đã chụp Đại tướng suốt gần 30 năm qua. Ông tâm nguyện coi đó là món quà tinh thần nhân dịp Đại tướng bước sang tuổi 101. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.
Kỷ niệm và lẽ sống
Anh thợ cắt tóc trong bức ảnh ấy là Lê Sự, sinh năm 1957, quê ở Thừa Thiên-Huế, làm nghề “phó cạo” từ năm 1972, đến năm 1977 thì gia đình chuyển vào Vũng Tàu sinh sống. Hiện nay anh là Chủ tiệm hớt tóc Trẻ nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Sự có mặt của anh tại triển lãm của nhà báo Trần Tuấn thu hút sự quan tâm của nhiều người. “Đây là một dịp may hiếm có, một niềm vinh dự lớn nên tôi đã đưa cả vợ con lên Thành phố Hồ Chí Minh ở 2 ngày để xem triển lãm. Rất nhiều người xem ảnh đã hỏi tôi về những kỷ niệm của lần cắt tóc có một không hai trong đời ấy” - Anh Lê Sự xúc động nói.
Mười lăm năm rồi nhưng anh Sự vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy. Anh kể: Hôm ấy cũng như mọi ngày, tôi đang ở tiệm cắt tóc của mình thì thấy ông Trần Văn Sửu, một khách quen thường xuyên được tôi cắt tóc tìm đến. Ông Sửu nói với tôi:
- Chú chuẩn bị đồ nghề đi với tôi đến cắt tóc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhé.
 |
Anh Lê Sự kể lại kỷ niệm cắt tóc cho Đại tướng với tác giả bên cạnh bức ảnh lịch sử. Ảnh: Trần Hồng |
Nghe nhắc đến Đại tướng, tôi hồi hộp và lo lắng lắm. Mặc dù là một thợ cắt tóc có uy tín ở thành phố Vũng Tàu, nhưng tôi chưa bao giờ cắt tóc cho một vị khách đặc biệt như thế. Trong hình dung của tôi, Đại tướng là một con người vĩ đại. Tôi sợ mình khi gặp Đại tướng sẽ hồi hộp, thiếu tự tin, run tay không cắt được. Vì thế ban đầu tôi đã từ chối nhưng sau đó được ông Sửu động viên, tôi đã mạnh dạn hơn. Tôi thay bộ quần áo khác cho tươm tất hơn, chuẩn bị đồ nghề rồi theo ông Sửu đến chỗ ở của Đại tướng. Tôi ngồi ở phòng đợi được vài phút thì thấy Đại tướng từ trên lầu bước xuống cầu thang. Tôi hồi hộp nhìn Đại tướng không chớp mắt và liên tưởng đến những bài học về chiến thắng Điện Biên Phủ, về uy danh lừng lẫy năm châu của Đại tướng. Tim tôi đập thình thịch. Đại tướng bước xuống tươi cười chào mọi người rồi tiến lại phía tôi. Tôi cúi đầu và cất tiếng:
- Cháu chào bác ạ!
Đại tướng bắt tay tôi, cất giọng ôn tồn:
- Cháu giúp bác, cắt tóc cho bác nhé!
Tôi đáp “Vâng ạ!” rồi mời Đại tướng ngồi xuống ghế, lấy tấm vải choàng lên người Đại tướng. Đại tướng nở nụ cười hiền hậu, hỏi tôi về cha mẹ, quê quán, vợ con, cuộc sống, tình cảm, thu nhập... Tôi cảm thấy thân thương, ấm áp như thể tình ruột thịt. Từ chỗ hồi hộp, lo lắng, trong lòng tôi dậy lên cảm giác hạnh phúc, tự hào. Tôi lễ phép trả lời các câu hỏi của Đại tướng và trò chuyện cùng Đại tướng như là một người con, người cháu trò chuyện với người ông, người cha của mình vậy. Vừa trò chuyện, tôi vừa cẩn thận lia đường kéo. Tôi ngắm rất lâu mái tóc của Đại tướng, vừa để chọn cách cắt cho đẹp, vừa để lưu giữ những hình ảnh của Đại tướng vào trái tim, trí óc của mình. Bởi thế, thời gian cắt tóc cho Đại tướng kéo dài hơn so với cắt cho người khác. Sau khi cắt tóc xong, chờ tôi thu dọn đồ nghề rồi bằng giọng Quảng Bình ấm áp, Đại tướng nói:
- Bác gửi tiền cho cháu!
Tôi thưa với Đại tướng:
- Dạ! Chú Sửu đã gửi tiền cho cháu rồi ạ!
Đại tướng bắt tay tôi một lần nữa rồi nói:
- Bác cảm ơn cháu nhé! Bác mong cháu có sức khỏe tốt, gia đình hạnh phúc và luôn sống tốt với mọi người!
Tôi thưa:
- Dạ! Cháu cảm ơn bác! Cháu sẽ làm theo lời bác dặn ạ!
Kỷ niệm về lần cắt tóc có một không hai trong đời ấy đã trở thành niềm hạnh phúc, vinh dự lớn đối với đời tôi. Tôi đã kể lại kỷ niệm ấy rất nhiều lần cho vợ con, gia đình, người thân, bạn bè của tôi và coi lời dặn của Đại tướng như một lẽ sống để mình phấn đấu, tu dưỡng. Tôi cũng không hay biết khoảnh khắc đáng nhớ ấy đã được nhà báo Trần Tuấn ghi lại và hôm nay xuất hiện trong một cuộc triển lãm long trọng và đầy ý nghĩa này. Nhà báo Trần Tuấn đã tặng tôi một bức ảnh. Tôi sẽ về phóng to lên, treo ở nhà để mỗi lần nhìn thấy bức ảnh lại nhớ đến lời dặn của Đại tướng. Tôi nguyện sẽ sống tốt đến trọn đời và nuôi dạy con cái theo lẽ sống ấy.
Được biết những năm qua, anh Sự bằng tay nghề và uy tín trong làng “phó cạo” của mình, đã quan tâm, giúp đỡ, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tiệm hớt tóc Trẻ của anh cũng đang có khá nhiều người theo học nghề được anh tận tình giúp đỡ.
Nói về ước mơ của mình, anh Sự bộc bạch: “Tôi mong có dịp được ra Hà Nội, được đến thăm Đại tướng. Tôi đã coi Đại tướng như người cha tinh thần của mình. Từ trái tim mình, tôi luôn chúc mong Đại tướng được mạnh khỏe, sống lâu!”.
Lữ Ngàn