Chống lầy trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

(Tiếp theo kỳ trước)

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phụ trách các tuyến đường 5, 6 và hệ thống đường sắt, đường thủy đồng thời thành lập các đoàn vận tải Nhà nước để tham gia giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4.

Sau gần ba năm cả nước ta trực tiếp đánh Mỹ, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trên cả hai miền, đánh thắng chiến lược chiến tranh cục bộ, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng sau thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968, cách mạng miền Nam trải qua những thử thách khó khăn to lớn. Địch tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân giải tỏa, hành quân lấn chiếm, tranh giành quyết liệt địa bàn nông thôn với ta. Trong khi đó, lực lượng ta hao tổn khá nặng nề chưa kịp bổ sung, công tác bảo đảm hậu cần cũng gặp nhiều khó khăn do sự đánh phá ác liệt của địch. Hậu cứ, hậu phương tại chỗ của các chiến trường, các mặt trận bị thu hẹp. Trong tình thế đó, hậu phương miền Bắc đã tỏ rõ vai trò to lớn, quyết định của mình với tiền tuyến lớn miền Nam. Từ hậu phương miền Bắc, nhiều đơn vị chủ lực được lệnh hành quân cùng với lượng hàng hóa, vũ khí lớn bổ sung cho các chiến trường miền Nam.

Nhưng suốt trong hai tháng 4 và 5-1968, không quân Mỹ tập trung lực lượng đánh phá ngăn chặn ác liệt trên toàn tuyến giao thông ở Quân khu 4. Giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc bị đình trệ nghiêm trọng. Hàng hóa, vũ khí bị ùn tắc ở trọng điểm, gây cho ta khá nhiều thiệt hại. Kẻ thù đã thực hiện được một phần âm mưu của chúng. Lượng hàng vận chuyển vào Nam mỗi ngày một giảm. Tháng 4-1968, hàng vào đến Hà Tĩnh là 6.500 tấn, đến tháng 5 còn 1.600 tấn, tháng 6 tiếp tục giảm chỉ còn 1.430 tấn.

Trong khi đó, lực lượng ứng cứu giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc thường xuyên có Đội cầu 8 của Cục Quản lý đường bộ, 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh (26) của Quân khu gồm 60 chiến sĩ rà phá bom mìn, một tổ máy san ủi đất, 1.200 người của hai Tổng đội thanh niên xung phong N53 và N55. Lực lượng dân quân của bốn xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc thường xuyên canh trực sẵn sàng ứng cứu giao thông bất kỳ lúc nào. Ở đây chỉ có súng máy 12,7mm của dân quân địa phương và một tiểu đoàn pháo 37mm của Quân khu 4, lực lượng rất mỏng so với không quân địch. Khi Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc thì tình hình ách tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng.

Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, kịp thời có nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường thêm lực lượng cho mặt trận giao thông vận tải ở Quân khu 4, trước hết là cho trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Cuối tháng 5-1968, Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình vận chuyển cho chiến trường miền Nam ở Quân khu 4, đặc biệt là ở Ngã ba Đồng Lộc. Liền sau đó, ngày 6-6-1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông tri về việc tăng cường lãnh đạo tổ chức và chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải ở Quân khu 4. Thông tri chỉ rõ: Việc lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm giao thông của ta chưa thống nhất, tổ chức hiệp đồng chưa chặt chẽ, kỷ luật trật tự trên đường chưa nghiêm đã gây một số tổn thất. Trước âm mưu và thủ đoạn mới của địch, việc giữ vững mạch máu giao thông để chi viện toàn diện, liên tục, vững chắc và ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam là một quyết tâm to lớn của hậu phương miền Bắc.

Để giữ vững sự chi viện đó, tháng 7-1968, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Quân khu 4, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải được cử làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Quang Hòa-Chính ủy Quân khu 4 làm Chính ủy. Đại tá Hoàng Văn Thái-Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Các đồng chí Nguyễn Tường Lân-Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, Đại tá Lê Văn Tri-Phó Tư lệnh Phòng không-Không quân, Chu Mạnh-Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An, Nguyễn Tiến Chương-Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh, Cổ Kim Thành-Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Quân khu 4.

Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Quân khu 4 có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức hợp đồng các lực lượng giao thông vận tải có mặt trên địa bàn Khu 4; cùng Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh động viên sức người, sức của cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được cử làm cố vấn vào làm việc với Quân khu 4. Ba tháng sau, ngày 28-10-1968, Bộ Tư lệnh 500 ra đời thay Tiền phương Tổng cục Hậu cần. Các đồng chí Nguyễn Đôn, Lê Quang Đạo, Hồng Kỳ, Đoàn La được giao trọng trách tổ chức khai thông nút cổ chai Quân khu 4.

Bộ Tổng tham mưu điều thêm lực lượng phòng không, không quân, pháo binh tăng cường cho Quân khu 4. Bộ Tư lệnh Công binh tăng cường cho Quân khu 4 hai trung đoàn vượt sông và một số phân đội công binh của Quân khu Tả ngạn, Quân khu Hữu ngạn cùng với thanh niên xung phong và nhân dân địa phương, bộ đội công binh ngày đêm không quản hy sinh gian khổ, sửa gấp các đoạn đường bị địch đánh hỏng, mở thêm nhiều đoạn đường vòng, đường tránh, ngày đêm bám trụ ở các bến phà, các trọng điểm, bảo đảm cho các đoàn xe ra mặt trận.

Sau khi Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Quân khu 4 được thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã gửi thư cho đồng chí Lê Quang Hòa nhắc nhở: “Bất cứ bằng cách nào cũng phải bảo đảm cho kỳ được giao thông thông suốt để không ảnh hưởng đến tiền tuyến. Việc bảo đảm giao thông thông suốt là một công tác quan trọng, nhất thiết phải thi hành cho kỳ được”.

Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân rút bớt các đơn vị bảo vệ hai yếu địa Hà Nội, Hải Phòng đưa dần vào Quân khu 4, đồng thời tăng cường phòng không cho hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tháng 5-1968, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nghiên cứu tổ chức tác chiến phòng không trên địa bàn quân khu. Sư đoàn phòng không 367 quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, với tinh thần “Quyết bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống” đã khắc phục mọi khó khăn, hiệp đồng với các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, giữ vững giao thông thông suốt từ Linh Cảm đến Xuân Sơn.

Có thể nói, việc chỉ đạo bảo đảm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 là một trong những nội dung lớn trong chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đảng và Nhà nước ta đã dành mọi ưu tiên, đầu tư thích đáng về người và phương tiện cho Quân khu 4. Đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, huyết mạch giao thông sống còn của ta trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ở đất Hà Tĩnh được Trung ương Đảng, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm nhất, tập trung chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phải bảo đảm giao thông thông suốt bằng bất cứ giá nào. Tại đây đã diễn ra sự đấu trí, đấu lực căng thẳng nhất giữa hai bộ thống soái Việt Nam và Hoa Kỳ và kết quả là chúng ta đã thắng.

4. Kết tinh của sức mạnh toàn dân

Thắng lợi của Ngã ba Đồng Lộc khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền các cấp. Trước hết là sự quán triệt, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, kịp thời chuyển hướng lãnh đạo. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương đã đề ra chủ trương, biện pháp thích hợp, sáng tạo, động viên được hàng chục vạn quần chúng tham gia, tạo ra phong trào quần chúng thi đua sôi nổi và rộng khắp, đoàn kết toàn dân, vượt lên gian khổ ác liệt, xây dựng quyết tâm và hành động cho lực lượng vũ trang trong đảm bảo giao thông vận tải.

Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo. Các ngành, các địa phương đã huy động lực lượng dồn sức cho Ngã ba Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông qua khu vực này.

Nói đến sức mạnh toàn dân, trước hết là việc động viên, tổ chức lực lượng toàn dân chiến đấu. Tham chiến ở Ngã ba Đồng Lộc có nhiều lực lượng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong; nhiều quân binh chủng hiện đại: Phòng không-không quân, công binh, vận tải, công an vũ trang… hội tụ của nhiều ngành: Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bưu điện, Thương nghiệp, Y tế, sự tham gia của nhiều tổ chức quần chúng: Đoàn thanh niên Công đoàn, Hội phụ nữ, Hội phụ lão…

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là đảng bộ các cấp, mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi lứa tuổi không phân biệt nam, nữ, miền xuôi, miền núi, đều hăng hái tham gia cuộc chiến đấu đảm bảo giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Mỗi người dân ở đây đều trở thành chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi căn cứ địa vững chắc để đảm bảo vừa sản xuất vừa chiến đấu lâu dài với địch.

(Còn nữa)

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG

(Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)