Một ngày gần đây, tôi thật xúc động khi được đọc tập thơ - nhạc “Thiên thần” (do Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát hành) viết về sự hy sinh như một huyền thoại của 10 cô gái TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc. Đọc cuốn sách, hình ảnh các chị mà tôi cảm nhận được thật lộng lẫy, cao đẹp với những chiến công thầm lặng mà vô cùng hiển hách…
 |
Bìa tập sách "Thiên thần". |
Trước khi tập sách đến với bạn đọc, một cán bộ trong Ban biên tập cuốn sách có đưa tôi xem bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết ngày
31-5-2007 gửi từ Thủ đô Hà Nội. Thư viết:
Được biết Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh có tâm nguyện sưu tầm và xuất bản một tập thơ về “Ngã ba Đồng Lộc” nhằm giới thiệu với tuổi trẻ cả nước những tấm gương hy sinh oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại năm xưa, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và mong tập thơ sớm được xuất bản và phổ biến rộng rãi để góp phần giáo dục thế hệ trẻ cả nước về truyền thống yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng vì Độc lập và Tự do của dân tộc ta... Và lời thư của Đại tướng được đăng trang trọng ngay trang đầu của cuốn sách. Từ đó đến nay, không chỉ tôi mà nhiều bạn trẻ trong và ngoài Quân đội đã luôn nâng niu, trân trọng tập sách ấy như một món quà vô giá mà 10 cô gái TNXP đã dành tặng cho họ.
Riêng tôi, chưa một lần được đặt chân tới Ngã Ba Đồng Lộc, nhưng dường như địa danh nổi tiếng ấy với những chiến công vang dội của 10 cô gái TNXP đã in đậm trong tâm trí tôi ngay từ khi lần đầu tiên bài thơ “Cúc ơi!” (tên của một trong 10 cô gái TNXP đã hy sinh) được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam, rồi đến bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” ra đời và hôm nay trên tay tôi là tập thơ nhạc “Thiên thần”. Thật bi thương và hùng tráng bởi Ngã Ba Đồng Lộc đã chứng kiến và ghi nhận nhiều đau thương, mất mát nhưng rất đáng khâm phục và tự hào về những chiến công của quân-dân Hà Tĩnh, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng TNXP. Từ tháng 4 đến 10-1968, máy bay Mỹ đã ngày đêm đánh phá liên tục nhằm biến Ngã Ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”. Chỉ trong tháng 7-1968, Ngã Ba Đồng Lộc đã hứng chịu hơn 50 nghìn quả bom từ máy bay Mỹ ném xuống. Và, lịch sử đã phải chứng kiến một sự kiện vô cùng thảm khốc tại Ngã Ba Đồng Lộc: Vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968, 10 cô gái TNXP đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe qua đã bị bom Mỹ chôn vùi cùng một lúc!
Ngay trong “Lời mở đầu” của tập sách đã khiến các bạn trẻ thấy lòng mình lắng lại để mà suy ngẫm về trách nhiệm của người thanh niên đối với Tổ quốc trước sự hy sinh anh dũng của 10 nữ TNXP ấy: Trong số 43.000 anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh tại tọa độ ác liệt này, 10 cô gái TNXP như những thiên thần, căng bầu máu nóng tuổi hai mươi cùng đồng đội băng mình xông trận và đã oanh liệt ngã xuống đất mẹ thân yêu... Các cô đã trở thành biểu tượng anh hùng, lung linh ánh hào quang chiến thắng của những người con gái Việt Nam và thế giới về lòng quả cảm, đức hy sinh quên mình cho lý tưởng độc lập tự do của Tổ quốc. Thật cao đẹp và tự hào biết bao về một thế hệ thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước!
Càng đọc những bài thơ và lời của những ca khúc in trong tập sách này, tôi càng không lý giải nổi, tại sao 10 cô gái TNXP mảnh mai ấy lại có một tinh thần nghị lực phi thường đến không ngờ như vậy? Rồi tôi lại ước ao, giá như mình được sống trong những ngày đỏ lửa ấy thì có thể sẽ hiểu hơn về tinh thần quả cảm của các chị! Hình ảnh hiên ngang, lộng lẫy của các chị mà hiếm nơi nào trên thế gian có được cứ ẩn hiện trong những vần thơ của tác giả Bùi Mạnh Hảo: Các chị nằm lại đây/ Vẫn thẳng hàng như thời xông trận/ Đạn cao nòng, cuốc xẻng chắc trong tay/ Bay trong mưa bom bão lửa/ Cánh tóc mây rợp mát những cung đường.( Bài Mười bông hoa trinh liệt Ngã ba Đồng Lộc).
Để kết thúc bài viết này, mời các bạn trẻ hãy lắng nghe câu chuyện cảm động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự hy sinh của 10 cô gái TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc: Tôi nhớ mãi, một lần đi qua Ngã ba Đồng Lộc gặp anh chị em TNXP đang hăng say làm việc ban đêm. Khi biết tôi, các anh chị em ôm chầm lấy tôi khóc nức nở: “Bác ơi! Mời bác đi nhanh lên, kẻo máy bay địch đến thả bom”. Và không ngờ ít ngày sau đó, tôi được tin chính các cháu gái hôm ấy đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ngày 24-7-1968. Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công.
Bình Dương, ngày 20 tháng 7 năm 2008
Bài và ảnh: BĂNG PHƯƠNG