 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương nghiên cứu phương án chỉ đạo tác chiến phòng không bảo vệ miền Bắc trong thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Ảnh tư liệu |
Đầu năm 1967, không quân Mỹ thực hành bước leo thang mới ném bom đánh phá hầu hết các địa phương trên miền Bắc nước ta. Hà Nội là trọng điểm trải qua nhiều đợt đánh phá ác liệt của chúng nhưng vẫn vững vàng đảm đương sứ mệnh là nơi đọ sức cuối cùng trong những nấc thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Mỗi lần đối mặt với quân thù là một lần Hà Nội lại lập công, đặc biệt là trận thắng oanh liệt ngày 5-5-1967, cách đây tròn 40 năm.
Trước khi mở đợt đánh mới vào Hà Nội, máy bay Mỹ liên tục đánh phá các cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông quan trọng của ta trên miền Bắc. Công kích vào Hà Nội, ngay từ đầu chúng cũng dùng chiến thuật đánh ồ ạt vào hầu hết các cơ sở trọng điểm của Thủ đô, đặc biệt là giao thông, kho tàng, các cơ sở công nghiệp nhất là công nghiệp điện và khu đông dân cư... ở các huyện ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, cả cầu, kho, xưởng, nhà máy đều bị bom đạn Mỹ phá nát. Hòng dìm Hà Nội trong bóng tối, bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương lần đầu tiên quyết định dùng nhiều loại vũ khí mới như bom vô tuyến, nhiễu chống tên lửa, khí tài điện tử, đặc biệt là bom “tinh khôn” (walai)... nhằm thực hiện cho được kế hoạch “Sấm rền 56”.
Ngày 5-5-1967, lúc 16 giờ 30 phút, nhiều tốp máy bay Mỹ cùng lúc vào đánh phá cả khu trung tâm và các vùng ngoại ô thành phố. Ngay lúc phát hiện máy bay địch từ xa, tất cả các trận địa pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội, dân quân, tự vệ đã kịp thời ra chiếm lĩnh trận địa. Dân quân trực chiến, tự vệ nhiều nhà máy, xí nghiệp ở cả nội và ngoại thành đều được trang bị súng máy phòng không 12,7mm và hàng trăm súng trường phục sẵn từng điểm để bắn đón khi mục tiêu xuống thấp. Cả Hà Nội cùng cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.
Ngay từ phút đầu tiên máy bay Mỹ vào, lưới lửa của các chiến sĩ pháo cao xạ đã vây lấy những tên cướp trời. Các tổ súng máy phòng không của nhà máy Dệt 8-3, Cơ khí Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long, Xe đạp Thống Nhất, Cơ khí Quang Trung, Phân lân Văn Điển… đã cùng các lực lượng phòng không Hà Nội tạo nên nhiều tầng hỏa lực tiêu diệt máy bay địch.
Các ông Hoàng Ngọc Chiến, Nguyễn Văn Thủy, nguyên là công nhân phân xưởng lò nấu thủy tinh, Nhà máy bóng đèn-phích nước Rạng Đông, người trực tiếp tham gia sản xuất trong những giây phút ấy, kể lại:
- Máy bay Mỹ đến thật bất ngờ, các khu Thanh Xuân, đường Nguyễn Trãi, các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Thăng Long và nhiều khu dân cư quanh vùng bị bom Mỹ đánh phá dữ dội. Bom phá hỏng nhiều phân xưởng, nhưng tổ của chúng tôi bất chấp hiểm nguy, anh em cùng nhau quyết không rời lò, vẫn bình tĩnh điều chỉnh hơi. Cứ 15 phút phải cho than một lần, chúng tôi duy trì đều, mọi quy trình vận hành khi ấy chúng tôi kiên quyết bảo đảm tốt.
Trận chiến đất đối không của quân-dân Hà Nội đang diễn ra ác liệt. Lợi dụng ánh nắng, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ định tháo chạy nhưng không thoát, chiếc đi đầu trúng đạn bốc cháy rơi ngay ở phía tây bắc thành phố, mảnh xác máy bay rơi xuống vùng Ngọc Hà. Lại một lần nữa nhân dân Hà Nội được tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ đền tội.
Trận đánh trả máy bay địch của quân dân Hà Nội diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn với chiến công rực rỡ: hạ 8 máy bay Mỹ, bắt sống 5 giặc lái, trong đó có hai tên trung tá chỉ huy, làm nức lòng nhân dân cả nước. Càng đánh quân dân Hà Nội càng nhanh chóng trưởng thành, càng củng cố thêm khả năng và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.
Ông Phùng Đông Ban, trung tá, nguyên cán bộ Bộ tư lệnh Quân khu Thủ Đô ngày ấy kể lại:
- Ngay khi giành được chiến thắng vẻ vang ấy, Hà Nội tổ chức họp báo công bố tội ác của giặc Mỹ, cổ vũ tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Thủ đô. Khi bộ đội ta giải những tên giặc lái Mỹ bị bắt trong trận ngày 5-5 tới phòng họp báo, tất cả sôi sục không khí căm thù, nhìn nét mặt, ánh mắt ai cũng rực lửa. Các nhà báo cả trong nước và quốc tế được chứng kiến vỏ một quả bom bi mẹ mới được sản xuất tại Mỹ (4-1967) mà chúng đã ném xuống Hà Nội ngày 5-5. Đây là vật chứng không thể chối cãi được về tội ác giết người của bọn cuồng chiến Mỹ trong trận thua nhanh nhất, sâu cay nhất đến thời điểm đó của chúng trên vùng trời Hà Nội. Vậy là không thể uy hiếp được Hà Nội cũng như cả nước ta bằng bom đạn, trái lại chính Mỹ đang lao nhanh xuống hố sâu thất bại.
Nhận được báo cáo chiến thắng, ngày 7-5 Bác Hồ đã gửi thư khen quân dân Hà Nội chiến thắng lớn. Bác mong Hà Nội lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng là Thủ đô anh hùng. Quân và dân Hà Nội rất vui mừng vì chiến thắng vẻ vang này là quà tặng mừng sinh nhật lần thứ 77 của Bác Hồ kính yêu.
NGUYỄN NGỌC LAN