QĐND - Đại hội mừng công Bộ đội Trường Sơn (17-3-1973) được Bí thư Quân ủy Trung ương Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào dự. Đại tướng thân mật nói chuyện với đại hội: “...Thế là ta đã thắng Mỹ hiệp đầu, nhưng cũng khá dài, 18 năm 7 tháng rồi còn gì. Trong lịch sử chiến tranh đây là lần đầu dân tộc ta đối chọi với tên xâm lược khổng lồ, có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, có tư duy chiến lược sắc sảo hiểm độc vượt xa các đế quốc đương thời... Mỹ đổ vào cuộc chiến tranh Việt Nam, theo số liệu họ công bố chưa đầy đủ đã tốn gần nghìn tỷ đô-la, 19% tổng lực lượng quân sự, năm triệu rưỡi lao động chính quốc phục vụ hậu cần cho cuộc chiến... Riêng đối với việc ngăn chặn “đường mòn”, Mỹ đã huy động trí tuệ hầu hết các nhà khoa học nổi tiếng để sáng chế các chương trình “chiến tranh điện tử”, chiến tranh “trụi lá rừng”, thực chất là chiến tranh hóa học, chiến tranh môi trường... Phải dốc sức vì Mỹ ý thức rõ “đường mòn” Hồ Chí Minh là “động mạch” chủ yếu của cơ thể Việt Nam...

Cuộc chinh phục Việt Nam nằm trong chương trình chống Cộng ở châu Á. Chủ tâm của đế quốc Mỹ là không bỏ chỗ đứng ở Việt Nam, nhưng rồi Mỹ vẫn phải ký Hiệp định Pa-ri. Không phải họ kiệt sức đâu, chúng ta cần hiểu đúng khả năng của Mỹ,... Về phía ta tuy thắng nhưng cũng còn chỗ yếu kém, nhất là lãnh đạo đôi lúc chủ quan nên tổn thất không nhỏ...".

Cán bộ nghe hấp dẫn bởi cách diễn đạt thanh thoát của Đại tướng. Đại tướng chẳng dùng những danh từ to tát nhằm gây ấn tượng hạ nhục kẻ địch. Trong cách so sánh lực lượng, không một lúc nào Đại tướng tỏ ý coi thường đối phương, không cường điệu khả năng của ta, rất tỉnh táo tự thấy mình. Sức thuyết phục của Đại tướng là thế. Tổng Tư lệnh trầm ngâm một chút rồi nói tiếp: “... Bác Hồ vĩ đại vô cùng kính yêu không còn nữa, nhưng Bác đã để lại lời tiên tri về những chặng đường tiến tới toàn thắng. Một lúc nào đó nôn nóng làm trật là tổn thất khôn lường. Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã làm đúng lời dạy của Người nên đã buộc Mỹ phải rút...". Mọi người chợt như vẳng bên tai lời thơ chúc Tết của Bác... Đại tướng hơi nghiêng đầu, giọng sảng khoái: “Chúng ta là những học trò của Hồ Chủ tịch, những người con trung thành của Tổ quốc hết sức tin tưởng chặng đường tiếp theo càng thắng lợi rực rỡ... Tôi tin Bộ đội Trường Sơn sẽ nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công mọi chủ trương của Đảng, Chính phủ... Thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tôi chúc tất cả cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn mạnh khỏe”.

- Chúc Đại tướng khỏe - Tiếng đáp đồng thanh, vỗ tay vang dậy. Tổng Tư lệnh tươi cười giơ hai tay vẫy cảm ơn.

- Chúng ta nói chuyện thân mật với nhau rồi. Sau đây tôi muốn xem một số trọng điểm, thăm mấy đơn vị để cảm nhận rõ hơn về sức chịu đựng kiên cường của bộ đội, thanh niên xung phong chúng ta.

Lúc này máy bay Mỹ đã ngừng bắn phá, nhưng nó vẫn trinh sát bầu trời. Các trọng điểm dọc đường còn bom nổ chậm, từ trường, biệt kích thám báo chưa diệt hết... Đại tướng đi thị sát... Ai cũng lo bảo vệ an toàn “linh hồn” của quân đội.

Hai Sư đoàn 472 và 571 được giao trách nhiệm tổ chức bảo đảm hành trình thị sát của Đại tướng. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính ngồi xe cùng Đại tướng. Mặt trời gần tròn bóng, xe của Đại tướng và đoàn hộ tống có các nhà văn Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Nguyễn Đức Toàn, Học Phi cùng đi đến địa điểm tạm dừng bên dòng sông Nậm Nghi trên đường 24A. Mọi người vào nhà nghỉ, anh công vụ bưng thau nước đến để khách rửa tay. Đại tướng hỏi:

- Đồng chí để tôi xuống cầu phao được chứ?

Anh chiến sĩ lúng túng. Chỉ huy Sư đoàn 472 vội đỡ lời:

- Thưa được ạ! Nhưng để đồng chí ấy xuống xem lại đã.

Đại tướng cười:

- Anh em vẫn dùng hằng ngày mà! - Rồi ông thong thả bước từng bậc xuống cầu phao, chăm chú nhìn những nút lạt mây buộc thanh vịn, những đoạn tre ngà vàng óng ken mặt cầu, mấy dò phong lan Hoàng Điệp rực rỡ. Ông khỏa tay chân xuống dòng nước trong veo, ngước nhìn mặt nước thoáng rộng, quay sang người cán bộ đứng hộ vệ bên cầu hỏi:

- Đồng chí mần chi ở đơn vị?

- Dà - Báo cáo tui là “xê” trưởng...

- Đồng chí người Bố Trạch phải không?

Người cán bộ công binh mở to mắt như gặp sự bất ngờ đến lạ lùng:

- Dà... dà, nhằm ạ!

- Anh em khéo tay lắm - Đại tướng mỉm cười - Chiếc cầu vững chãi rất đẹp. Đơn vị mới làm đón khách phải không?

- Dà, dà... Làm từ trước...

- Những nút lạt, vệt đẽo các bậc lên xuống đã mách bảo tôi rồi. Cảm ơn đồng chí muốn tránh cho khách khỏi áy náy.

Đã từ lâu tôi nghe và đọc sách báo trong nước, thế giới ca tụng tài năng quân sự và nhãn quan chiến lược thông tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cũng đã chiêm nghiệm gần ba chục năm chiến đấu, kể từ trận Phai Khắt, Nà Ngần thực tế hiển nhiên chứng minh điều đó. Nhưng hôm nay, được chứng kiến vị thống lĩnh các lực lượng vũ trang có thái độ trân trọng công sức của quần chúng, lại rất thông cảm tâm lý con người Việt Nam trong bộ quần áo lính. Tôi chợt nghĩ, ông đã nhìn chuyện đời và lòng người bằng mắt sử gia dân tộc, chứ không bằng cách nhìn của “ngài” Tổng Tư lệnh. Một ấn tượng mới về ông mãi mãi in đậm trong tâm khảm Bộ đội Trường Sơn...

Cơm trưa xong, tôi đến xin chỉ thị lúc nào có thể tiếp tục lên đường. Đại tướng cười vui vẻ:

- Ở đây đồng chí là chủ.

- Báo cáo! 13 giờ cho đi được không ạ?

- Tốt lắm. Cơm xong nghỉ 15 phút là đủ.

Đúng giờ, tôi đến nhà khách thì Đại tướng đã sẵn sàng. Anh Bùi Đình Kế - Phó văn phòng Quân ủy kiêm Bí thư của Tổng Tư lệnh khẽ nhắc tôi: “Để bảo vệ sức khỏe của anh Văn, chiều nay cố về đến Xuân Sơn nhé!”.

Theo gợi ý đó, tôi bỏ nội dung giới thiệu các trọng điểm Lùm Bùm, Tha Mé. Tới đèo Cốc Mạc, Đại tướng ra hiệu dừng lại ngắm địa thế con đường phải qua chỗ địch đánh phá ác liệt. Ông đi vào trận địa cao xạ dưới chân trọng điểm, đến từng khẩu đội xem cách bố trí, thăm các chiến sĩ và nghe tiểu đoàn trưởng báo cáo trận đánh đạt hiệu quả nhất tại trọng điểm này... Đại tướng hoan nghênh và đánh giá cao chiến thuật tác chiến bảo vệ giao thông thắng lợi. Ông bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ... Họ cứ ngây người ngắm mái tóc bạc phơ, khuôn mặt đôn hậu trìu mến của Tổng Tư lệnh.

Khi quay ra, tôi thoáng nghe tiếng líu ríu: “... Đại tướng nắm tay tớ mà rung cậu ạ...”, “... Ông cụ nắm đến chặt...”. Tôi bỗng nhận thấy nét tinh tế của người lính, họ hiểu tấm lòng qua cái bắt tay của cấp trên thế đấy!

Ở trận địa pháo ra, đoàn xe đi thẳng tới Ka Tốc. Anh Nguyễn Đàm -Sư đoàn trưởng 571 đã chờ đón dẫn đoàn đi theo trục 20A . Ngọn Phu La Nhích đột ngột nhô cao bên ngầm Ta Lê. Đường lên đèo đỏ đọc, oằn oèo, từ xa trông như tấm vải điều treo vắt trên đám mây đang bồng bềnh trôi. Dọc đường, công binh đã dọn dẹp cho giảm bớt dữ dằn, song với những xác xe cong queo đỏ quạch, những bệ pháo vỡ... ghi nhận bao nhiêu trận đánh ác liệt đã diễn ra trên dãy núi... Đoàn xe lên tới đỉnh đèo, chỗ có ba đường rẽ. Một chiến sĩ gái quân phục màu rêu đứng trước hầm chữ A phất mạnh lá cờ hiệu chỉ đường xuống ngầm.

Đại tướng mở cửa bước ra, đi tới trạm điều chỉnh. Cô chiến sĩ sững người, đưa tay lên vành mũ, nói lúng búng:

- Cháu... cháu chào Đại tướng ạ!

Tổng Tư lệnh đáp lễ, cười hiền hậu, bắt tay người chiến sĩ gái:

- Đồng chí tên gì? Quê ở đâu?

- Dạ! Cháu Trần Thị Ngân, người Nam Hà ạ.

- Đồng chí nhập ngũ năm nào?

- Cháu nhập ngũ năm bảy hai ạ!

- Đồng chí nhập ngũ đúng vào lúc Tổng thống Mỹ muốn làm nhụt tinh thần chiến đấu của nhân dân ta bằng máy bay B-52 đấy! - Đại tướng giữ nụ cười hồn hậu - Đồng chí đã dự mấy trận chiến đấu rồi?...

Tôi chợt nhận thấy nét đối xử bình đẳng của Tổng Tư lệnh trong cách xưng hô với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế cô chiến sĩ dần dần bớt e ngại, mạnh dạn báo cáo những trận chiến đấu chống máy bay Mỹ phá hoại... Nhưng cô chỉ kể về chị tổ trưởng Trần Thị Loan đã áp dụng sáng kiến tháo thuốc trong bom nổ chậm để làm bộc phá và sáng kiến kiểm tra bom rơi ban đêm... Tinh thần của anh lái xe Đỗ Uyển bật pha nhử địch đuổi theo...

Trung đoàn trưởng công binh khẽ nhắc: “Sao không báo cáo Đại tướng về sáng kiến của cô dùng cây lát kín hố bom, tạm thời cho tiểu đoàn xe vượt xong rồi mới sửa đường...”. Cô chiến sĩ cúi đầu nói lí nhí: “Chuyện đó thường thôi có gì mà kể”.

Đại tướng nhìn người chiến sĩ gái đỏ nhừ mặt khi được chỉ huy nhắc đến chiến công của mình. Ông trìu mến nói:

- Khiêm tốn là đức tính quý lắm, nhưng nói để người khác biết cùng làm thì đừng e ngại.

Đứng trên đỉnh đèo lộng gió, Tổng Tư lệnh nhìn bao quát cả vùng núi rừng trước mặt bị bom phá hủy trụi từng mảng. Con sông Ta Lê uốn khúc ôm lấy chân núi đã bị bóc hết lớp cây, trơ đất đỏ rực... Vậy mà con “đường ngầm” qua sông vẫn không đứt. Đoàn xe tải chở hàng từ hậu phương vào vẫn nườm nượp băng qua, vượt đèo lên tiền tuyến...

Chờ cho đoàn xe tải qua hết, đoàn xe con bò dần xuống mép nước. Theo hiệu lệnh, những anh lái trẻ yên trí giữ đều tốc độ băng trên mặt ngầm phẳng rộng. Nước tóe vọt sang hai bên như vòi phun trắng lóa. Xe lên khỏi ngầm, Đại tướng đề nghị dừng lại, xuống hỏi chuyện các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Người trung đội trưởng công binh bảy năm liền trụ bám đoạn đường này báo cáo với Đại tướng một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời chiến đấu của mình.

“... Hôm đó các tiểu đoàn xe đang vượt ngầm, đột nhiên một chói sáng ngợp mắt bùng lên giữa sông. Chẳng nghe tiếng nổ, một xe tải biến mất, một xe lật úp bên mép ngầm. Trên đầu núi những bó lửa từ các trận địa pháo vun vút tung lên. Tổ công binh bảo đảm vội xách choòng băng xuống, hai xe ben chở đá trực ở đầu ngầm lùi nhanh tới hố bom. Chỉ mười phút thông đường. Trên đầu, máy bay địch vẫn rít ràn rạt. Tôi ngồi chiếc xe tải đi đầu dẫn đoàn băng qua ngầm. Những lái xe đã rèn luyện gan lì bỗng giật thột vì ngay mép ngầm, hai chục cô thanh niên xung phong khoác dù trắng nắm tay nhau làm lộ tiêu cho xe qua... Trận ấy, ba cô đã ngã xuống giữa dòng...

Đại tướng lắng nghe, đôi mắt ông thoát mờ đi như bị hút vào cuộc chiến vô cùng dũng cảm của đội quân “Tường đồng vách sắt” gái trai quên mình cho sự nghiệp cứu nước... Đại tướng choàng tay ôm lấy người cán bộ hơn hai ngàn ngày đêm dầm mình trong lửa đạn. Ông siết chặt tay từng chiến sĩ, xúc động:

- Tôi cảm ơn các chiến sĩ Trường Sơn anh hùng, những người con ưu tú của Tổ quốc góp phần làm nên thắng lợi rất to lớn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Lần ấy trước khi lên đường, Đại tướng Tổng Tư lệnh nhìn suốt cán bộ, chiến sĩ trong buổi tiễn chân. Ông trầm giọng: "Rồi đây, tuyến giao thông chiến lược Hồ Chí Minh sẽ không dừng ở mức độ hiện nay, mà phải mở rộng, rải đá để có thể vận tải được cả những tháng đầu mùa mưa, xe chạy được hai chiều không giảm tốc độ... Không lâu nữa đâu, con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại sẽ góp công lớn vào kỳ tích hoàn toàn giải phóng miền Nam, làm rạng rỡ dân tộc và thỏa hồn bao người đã khuất...".

NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG