QĐND - Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì ngôi nhà tình nghĩa do Bộ tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng xây tặng cụ cũng đến lúc khánh thành. Có nhà mới khang trang, lập cái bàn thờ tươm tất để ngày ngày hương khói cho người vợ quá cố và người anh, người thủ trưởng vĩ đại của đời mình-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là tâm nguyện cuối đời của cụ.

Cụ là Tô Văn Cắm, (còn có các bí danh là Tô Tiến Lực, Tô Đình Cắm), quê ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, hiện cư ngụ ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Nhắc đến cụ, ai cũng biết đó là người chiến sĩ cuối cùng còn sống của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Tên tuổi của cụ được giới truyền thông nhắc đến nhiều vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thương tiếc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của quân đội ta về nơi an nghỉ cuối cùng. Cụ là nhân chứng đặc biệt, là người chiến sĩ thuộc quyền, thân thiết với thủ trưởng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ đầu vừa xây dựng, vừa chiến đấu của quân đội ta. Nay, dù đã 91 tuổi, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cụ vẫn nhớ như in quãng đời trai trẻ của mình. Những trận đánh kinh điển được lưu danh sử sách: Phai Khắt, Nà Ngần… vẫn được cụ tường thuật lại từng chi tiết ngỡ như vừa xảy ra hôm qua. Dù ở Cao Bằng hay khi vào cao nguyên Lâm Đồng, trong nhà cụ lúc nào cũng treo trang trọng ảnh chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự ra đi của người Anh Cả khiến cụ Cắm bị suy sụp nặng cả thể chất lẫn tinh thần. Cụ đã thức trắng nhiều đêm, khóc đến sưng húp cả hai mắt. Nguyện vọng của cụ là được ra Hà Nội viếng Đại tướng, được tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở đất mẹ Quảng Bình. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm khám, kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ đã không thể mạo hiểm chiều theo ước muốn của cụ, vì cho dù đi lại bằng bất cứ phương tiện gì, sức khỏe hiện tại của cụ cũng không cho phép. Cụ đành phải nén đau thương, tự mình lập bàn thờ ở nhà để viếng người anh, người thủ trưởng vĩ đại theo cách nói của cụ, sau đó được Ban chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh rước vào doanh trại để làm lễ viếng Đại tướng. Cụ là người dễ xúc động, mau nước mắt nên cứ ngất lên ngất xuống mỗi khi khóc, nhớ thủ trưởng. Cụ bảo, có lẽ đây là cú sốc tinh thần cuối cùng của cụ, trước khi cụ đi theo ông Giáp để lại được làm người chiến sĩ dưới quyền Đại tướng ở thế giới vĩnh hằng… Và đó cũng là một trong hai cú sốc tinh thần lớn nhất cuộc đời cụ, lại xảy ra quá gần nhau, lúc cụ đã ở tuổi gần đất xa trời…

Cụ Tô Văn Cắm trước bàn thờ người vợ quá cố.

Hai năm trước, vào ngày 23-10-2011, cụ Tô Văn Cắm đã khóc thương trước sự ra đi quá đau đớn và đột ngột của người bạn đời. Cũng từ nỗi đau tột cùng ấy, nhiều người mới biết được câu chuyện tình cảm động, gian khổ, trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống của hai cụ. Ai cũng xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến tình yêu thương vô bờ bến của người cựu chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dành cho người con gái cùng quê suốt cả cuộc đời…

Bữa ấy, chúng tôi-những người làm báo Báo Quân đội nhân dân đã vượt hàng ngàn cây số từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, lên cao nguyên Lâm Đồng để đến thăm cụ, mong muốn được ghi lại những ký ức của cụ trước khi thời gian phủ quy luật định mệnh xuống cuộc đời con người đã ở tuổi thượng thọ. Trời cao nguyên mưa rả rích. Mây đen từng khối sà thấp hơn cả đỉnh đèo. Lối vào nhà cụ nước mưa dâng ngập ngõ và khoảng sân lầy lội ngập ngụa lá mục. Để vào được bên trong nhà, chúng tôi đã phải cởi giày xắn quần lội bộ. Trong nhà, nơi trang trọng nhất ở gian phòng khách chật hẹp, cụ Cắm dành để lập bàn thờ người vợ quá cố. Chúng tôi xin phép cụ thắp một nén nhang lên bàn thờ rồi hỏi chuyện cụ. Mới buổi sáng sớm mà không gian trong nhà cứ tối om om. Đây là căn nhà do chính quyền địa phương xây tặng cụ vào năm 2000 theo diện nhà ở cho cán bộ tiền khởi nghĩa. Do điều kiện kinh tế của địa phương lúc bấy giờ khó khăn, việc thiết kế, xây dựng chưa được như mong muốn nên căn nhà đến nay không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng. Với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cụ xứng đáng được hưởng sự chăm sóc, tri ân nhiều hơn như thế. Chính vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, mới đây Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã quyết định xây tặng cụ một căn nhà khang trang hơn. Thấy chúng tôi giở sổ ra ghi chép, cụ Cắm đứng dậy bật công tắc đèn. Sau tiếng “tách”, đèn bật sáng, cụ Cắm bỗng ôm mặt khóc rưng rức rồi cất tiếng gọi nức nở: “Bà ơi! Tôi nhớ bà quá!”. Tất cả chúng tôi đều nghẹn lòng. Có điều gì đó ở cái công tắc đèn đã bất ngờ gợi lại nỗi xúc động đột ngột của cụ? Một lúc sau, qua lời kể đứt quãng của cụ Cắm và lời của người con trai Tô Đức Tuân, chúng tôi mới tường tận nỗi đau tột cùng vừa ập xuống đời cụ. Tất cả chúng tôi chẳng ai bảo ai, nước mắt rơi nhòe trang sổ tay…

Cụ Cắm và con trai Tô Đức Tuân.

Cụ Cắm kết hôn với người con gái dân tộc Tày cùng quê, tên Đồng Thị Hiển, sinh năm 1926, ít hơn chồng 4 tuổi. Bà Đồng Thị Hiển tham gia Việt Minh từ rất sớm (năm 1943). Mối tình của hai người đơm hoa kết trái từ những năm tháng cùng chung chiến hào, chung lý tưởng cách mạng, thề đi theo Cụ Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tô Văn Cắm giải ngũ về quê. Hai vợ chồng tích cực sản xuất, xây dựng cuộc sống và tham gia công tác xã hội tại địa phương. Bà Hiển lần lượt sinh cho ông 7 người con và đến nay đã có 18 cháu, 7 chắt, cả nội lẫn ngoại. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng ông bà luôn yêu thương nhau hết mực. Năm 1992, vào tuổi 70 tuổi, cụ Cắm rời Cao Bằng, đưa vợ và 4 người con (3 gái, 1 trai) vào cao nguyên Lâm Đồng lập nghiệp. Từ năm 2000, hai cụ sống với nhau trong căn nhà do địa phương xây tặng, ngay cạnh nhà của vợ chồng người con trai. Hiếm có người đàn ông nào trên đời lại yêu thương, chăm sóc vợ chu đáo, tận tình như cụ Cắm. Hai cụ thường đọc thơ, kể chuyện cho nhau nghe, cùng nhau giặt rũ, phơi quần áo, cùng nhau chơi vui với các cháu và chăm chỉ làm vườn, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Đến bữa ăn, cụ ông nhặt rau, cụ bà vo gạo, cùng nhau thổi lửa nhóm bếp. Hai cụ chăm sóc nhau từ những điều giản đơn, bình dị trong cuộc sống. Tuổi già sức yếu, ban đêm, mỗi lần cụ bà đi vệ sinh, cụ ông luôn dậy bật công tắc đèn, dìu đỡ cụ bà. Anh Tô Đức Tuân kể rằng, chứng kiến tình cảm bố mẹ yêu thương, chăm sóc nhau như vậy, vợ chồng anh và các cháu rất vui. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Tình cảm tuổi già giúp hai cụ sống khỏe, sống thọ và nuôi dưỡng cảm xúc lãng mạn của tình yêu. Trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, mấy ai giữ được nếp sống, tình cảm và phong cách như hai cụ…

Cái bảng điện có cái công tắc đèn ấy được gắn ở góc bức tường sát phòng ngủ. Do sử dụng lâu ngày nên nó đã bị ô xi hóa, phía trên ổ cắm, dây điện đã bị bong, hở nhưng chẳng ai hay. Đêm hôm ấy, thấy cụ ông đang ngủ say, cụ bà không nỡ đánh thức chồng nên đã tự mình dậy đi vệ sinh. Cụ lò dò bước đến bật công tắc đèn. Chẳng may bàn tay run run già nua của cụ đụng phải dây điện bị hở phía trên ổ cắm. Cụ chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Ối! Ông ơi!” rồi ngã vật xuống nền nhà. Nghe tiếng vợ, cụ Cắm hốt hoảng lồm cồm ngồi dậy. Khi đèn được bật sáng, cụ bàng hoàng lao đến đỡ vợ và cuống quýt gọi con cháu. Nhưng đã muộn. Tất cả xảy đến quá đột ngột. Tất cả không thể cứu vãn được… Đôi mắt cụ bà chỉ kịp ánh lên nhìn cụ ông lần cuối cùng rồi lặn vào vĩnh viễn…

Cụ Cắm kể về cái chết thương tâm của vợ trong lã chã nước mắt. Cụ mất vợ quá đột ngột và đau đớn, vượt khỏi mọi hình dung và sức chịu đựng của cụ nên cụ đã ngất lên ngất xuống cả trăm lần…

Bây giờ thì sức khỏe cụ Cắm đã khá hơn so với những ngày để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ơn trời, cụ vẫn rất minh mẫn, tỉnh táo. Mỗi lần nghe đài, xem ti vi, chỉ cần nghe phát thanh viên đọc tên hay thấy hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ lại rưng rưng nước mắt. Ngôi nhà mới khang trang đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để đón cụ về ở. Dự kiến sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.

 
Bài và ảnh:  SƠN TIẾN