Xuân 1973 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát chiến trường Quảng Trị tại căn cứ Dốc Miếu Đường 9. Sư đoàn trưởng 320B Nguyễn Sùng Lãm báo cáo với Đại tướng về trận phản công lấn chiếm Cửa Việt của Mỹ-ngụy. Ảnh: Tư liệu

Một ngày đầu xuân nắng đẹp, ở ngôi nhà số 16 dãy A Khu tập thể Quân khu Ba ngõ 6 phố Ngô Quyền, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây có đôi bạn già say sưa tâm sự, ôn lại những kỷ niệm thời trai trẻ, thuở họ cầm gần một vạn quân từ vựa thóc miền Bắc hành tốc vượt sông Bến Hải đánh giặc, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Hai ông lão, người vừa bước vào tuổi 83, người vừa qua tuổi này được mươi hôm, mái đầu trắng như cước. Họ nói cười rôm rả sôi nổi ôn lại những chuyện đánh giặc cánh Đông và cánh Tây mặt trận Đường 9-Khe Sanh năm ấy. Đó là Trung tướng Nguyễn Sùng Lãm, nguyên Sư đoàn trưởng 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) và Đại tá Trần Nhật Độ, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị mặt trận B5-Đường 9.

Ông Trần Nhật Độ hiện đang sống ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), nhớ người bạn chiến đấu, đi xe buýt vào Hà Đông thăm ông Sùng Lãm. Chủ khách đón tiếp nhau nồng ấm, quý hóa như người nhà. Và câu chuyện của hai ông về cuộc sống đời thường bình dị như bao nhiêu đôi bạn già khác.

- Chị dạo này có khỏe không?- Ông Độ hỏi thăm bà vợ ông Lãm.

- Cảm ơn anh. Tôi dạo này mất ngủ nhiều-Bà đáp.

- Chị ngồi đây tôi chữa cho. Công năng dưỡng sinh của tôi bây giờ mạnh hơn trước nhiều, nhiều lắm. Tôi truyền chân khí cho chị, chỉ độ một tiếng đồng hồ là chị thấy đỡ ngay thôi.

Rồi ông mở cái túi dết lấy ra một bản thảo đánh máy đưa cho ông Lãm, nói:

- Cái này tôi viết cho anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) về mặt trận B5-Đường 9 nhưng chưa đưa anh ấy thông qua được. Anh xem giúp tôi xem cần sửa gì không, rồi chuyển cho anh Văn.

Ông Sùng Lãm cầm bản thảo đọc không cần kính. Ông Độ lặng lẽ xem bệnh cho bà Lãm bằng một con lắc bạc và chữa bệnh bằng năng lượng sinh học. Một lúc sau, ông Độ truyền năng lượng chữa bệnh xong thì ông Lãm cũng đọc xong bản thảo. Câu chuyện về mặt trận B5-Đường 9 của họ được bắt đầu.

*

* *

Năm 1966, sau khi thất bại cuộc chiến tranh đặc biệt, Mỹ ồ ạt đưa hơn 20 vạn quân vào miền Nam hòng cứu vãn chính quyền ngụy có nguy cơ tan rã. Với khẩu hiệu "Tìm và Diệt" chúng dàn quân khắp miền Nam. Lúc này, Quảng Trị và Thừa Thiên nằm trong khu phi quân sự (khu vực giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc) nên rất nhạy cảm. Bộ Chính trị nhận định, nếu ta đánh vào đó nhất định Mỹ và ngụy phải phản ứng, mang quân ra giữ đất. Như vậy là ta phá được thế chiến lược quân sự của chúng. Ngày 6-12-1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định tách hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ra khỏi khu V thành lập Quân khu Trị Thiên, mở Mặt trận Đường 9-Khe Sanh (mật danh là Mặt trận B5).

Ông Trần Nhật Độ lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324. Khi xóa phiên hiệu sư đoàn thành lập Mặt trận B5 ông giữ chức Phó chủ nhiệm chính trị mặt trận, phụ trách hướng cánh Tây mặt trận Đường 9-Khe Sanh.

Mặt trận B5 có nhiệm vụ thu hút và giam chân địch càng lâu càng tốt để tạo điều kiện cho Mặt trận miền Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Bốn trung đoàn của Sư đoàn 324 cũ chuyển sang trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận B5 có nhiệm vụ phối thuộc cùng lực lượng bộ đội địa phương và du kích bao vây thung lũng Khe Sanh để cùm chân địch. Quân địch rất sợ thung lũng Khe Sanh trở thành Điện Biên Phủ thứ hai nên chúng ra sức phá vây. Lực lượng địch rất mạnh nhưng lại có một điểm yếu là lính thủy đánh bộ nên không quen tác chiến trên địa bàn rừng núi. Ta quyết định kéo chúng lên địa bàn rừng núi mà đánh. Mở đầu từ cứ điểm Huổi Xạn trên đất Lào (phía tây Lao Bảo). Đây là một cứ điểm tiền tiêu của quân ngụy Lào. Ta tập kích và diệt gọn cứ điểm này và tiếp tục chuẩn bị tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây nằm ở phía tây Đường 9, là một cứ điểm bảo vệ sườn của cụm cứ điểm quân sự của Mỹ ở Khe Sanh.

Làng Vây có vị trí trọng yếu nên địch bố trí một tiểu đoàn lính biệt kích thiện chiến do quân Mỹ trực tiếp chỉ huy. Lực lượng ta đánh trận này có một bộ phận của Sư đoàn 304 gồm một tiểu đoàn tăng lội nước, một đại đội súng phun lửa và một đại đội đặc công. Vì xe tăng lội nước của ta là do Liên Xô viện trợ, là loại xe tăng T34 cổ điển mà Hồng quân Liên Xô sử dụng từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, không có sức công phá rào cản nên ta phải bố trí một đại đội đặc công bí mật mở đường và lợi dụng địa hình khe suối cạn để giảm tiếng động cơ khi tiếp cận gần cứ điểm làng Vây. Khi phát lệnh tấn công, đãđặc công mở đường, xe tăng mở hết tốc lực lao thẳng vào cứ điểm. Bộ binh theo xe tăng tiến công. Địch bị bất ngờ, trở tay không kịp. Chỉ trong vòng khoảng một giờ ta diệt gọn cứ điểm này. Bắt sống hơn một trăm tù binh và cố vấn Mỹ.
-Cánh Tây cho bộ
đội ăn Tết thế nào? – Ông Sùng Lãm chợt hỏi.

-Cánh Tây cho bộ đội ăn Tết trước vào khoảng cuối tháng Chạp. Cỗ Tết cũng có đủ bánh, mứt, kẹo và bánh chưng xanh. Bộ Tư lệnh mặt trận thì vất vả. Bữa trưa, đang ăn Tết thì bị lộ, chúng đem phản lực giội bom, đến nỗi mấy quả đồi cây xanh bị bom đánh trọc lóc trở thành ngọn đồi đất đỏ. Chúng tôi phải di chuyển lên núi. Trời đã tối, đang đi bỗng thấy chiến trường yên ắng. Theo kinh nghiệm tôi nhận định là B52 sắp đến rải thảm bom. Tôi lệnh cho anh em bật đèn pin vận động nhanh đến khu vực núi có hang đá trú ẩn. Tất cả vừa vào hang thì B52 ập đến. Chẳng nghe được tiếng bom nổ vì quá gần mà chỉ thấy từng khối khói lửa phụt lên. Thật hú vía.
-Hồi ấy cánh chúng tôi có nhiều chuyện hay lắm nhé. – Ông hào hứng nói tiếp: - Chiến sĩ Lương
Văn Thao của E803 có tới 5 lần đẩy lùi 5 đợt xung phong của quân Mỹ bằng 5 loại vũ khí khác nhau: Tiểu liên, trung liên, B40, lựu đạn và lần cuối cùng là… một nắm cơm. Lựu đạn hết, bí quá cậu ta lấy nắm cơm ném về phía địch, chúng hoảng hồn không biết là thứ vũ khí gì mà trắng toát nên hò nhau rút chạy. Chiến sĩ Hà Học Tuấn sử dụng B40, bắn 4 phát cháy 5 xe tăng địch. Vì một cái hoảng loạn tự lao vào chiếc xe bị bắn cháy nên cũng cháy theo luôn.

Vui nhất là chuyện tân binh Phạm Văn Tánh thuộc E90, mới nhập ngũ bị ốm phải nằm ở hậu cứ. Địch đổ bộ ngay khu hậu cứ. Mặc dù chưa biết sử dụng súng trung liên, cậu ta vác ngay khẩu trung liên ra vừa học thao tác vừa ngắm bắn. Thế mà cậu ấy diệt được 20 tên địch, bắn cháy một chiếc máy bay trực thăng trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú và Dũng sĩ diệt máy bay. Anh Tánh một dạo làm Tư lệnh Quân khu Thủ Đô, bây giờ đang là Trung tướng, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng.

Lại còn chuyện tên đại đội trưởng biệt kích bị bắt làm tù binh mà lại "ăn Tết" bằng thịt gà nướng nữa chứ. Hắn khôn lắm. Năm ấy rét hơn bây giờ nhiều. Ta bắt hắn trong trận diệt làng Vây. Theo chính sách nhân đạo ta chỉ cùm chân, cho hắn một cái chăn, được đốt lửa sưởi và mỗi ngày được ăn một nắm cơm. Mấy hôm, anh em phát hiện thấy khu vực xung quanh hắn rất nhiều lông gà liền theo dõi, thấy hắn không ăn cơm mà rắc ra xung quanh, dụ cho gà đến ăn rồi nhảy ra vồ, vặt lông nướng ăn. Bị bắt quả tang, hắn ngẩn tò re như đứa trẻ, mặt nhọ nhem, trông đến tức cười.

Hai ông bạn già vừa cười vang vừa kể cho nhau nghe tiếp chuyện của đơn vị mình. Dừng một lát, ông Độ nói tiếp:

- Ngày ấy cánh Tây vây thung lũng Khe Sanh ác liệt lắm, giằng co mãi đến tận tháng 9-1968 chúng mới rút khỏi thung lũng đấy. Ta cũng tổn thất, thương vong nhiều.

Trung tướng Sùng Lãm còn nhớ như in, ngày 25-11-1967, toàn Sư đoàn 320 gần một vạn quân bí mật làm lễ xuất quân từ khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, hành quân ròng rã gần một tháng trời theo đường Hồ Chí Minh qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến tập kết ở khu vực một nông trường bên bờ Bắc sông Bến Hải. Khi di chuyển quân, đơn vị vẫn để lại máy bộ đàm thông tin và một lực lượng ở lại Sư đoàn bộ để nghi binh. Hằng ngày vẫn thực hiện chế độ báo cáo bình thường. Dọc đường hành quân, đơn vị sử dụng lực lượng thông tin vận động và hệ thống giao liên của Đường dây 559. Cả đoàn quân di chuyển, vượt qua chặng đường dài chừng 600km mà vẫn bảo đảm bí mật tuyệt đối.

Đoàn cán bộ của 3 trung đoàn và sư đoàn khoảng 13-14 người, hành quân đến nơi tập kết bằng 2 xe com măng ca nên đến sớm hơn đoàn quân chừng nửa tháng để chuẩn bị. Cũng chính trên chặng hành quân ấy, Sư trưởng Nguyễn Sùng Lãm trở thành lái xe bất đắc dĩ. Chả là người lái xe giỏi nhất thì lái chiếc xe chở Chính ủy Lương Tuấn Khang. Lái xe khác đi cùng mới được đào tạo, chưa thuộc đường và chưa được rèn luyện bản lĩnh lái xe chiến trường, xử trí những tình huống phức tạp.

Đoàn đi đến dốc Bò Lăn (Thanh Hóa), anh em đề nghị lái xe chuyển tay lái cho Sư trưởng, để cuộc hành quân vào mặt trận được an toàn. Thế là ông lái chiếc xe suốt chặng đường từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh. Xe chạy đêm bằng đèn ngầm dưới một bầy máy bay trinh sát như một bầy quạ sắt luôn sẵn sàng phóng rốc két xuống những mục tiêu chúng nghi ngờ là xe ta đang di chuyển. Đường mòn Hồ Chí Minh lúc đó mới mở nên rất nhiều đèo cao, suối sâu. Các ngầm trọng điểm, địch thường rải các loại bom nổ chậm, bom bi bom bươm bướm… làm vật cản.

Lực lượng Sư đoàn 320 có 3 trung đoàn bộ binh: Thăng Long, Tây Tiến và Quyết Thắng; một trung đoàn pháo binh 122mm và hai loại cối 85mm, 120mm; một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm có xe kéo; một tiểu đoàn pháo chống tăng; một tiểu đoàn đặc công và các đại đội binh chủng bảo đảm. Khi xuất quân trên lệnh cắt lại trung đoàn pháo và tiểu đoàn pháo cao xạ, Sư đoàn 320 trở thành sư đoàn bộ binh nhẹ. Vào đến nơi tập kết, trên lại lệnh cắt tiếp Tiểu đoàn cối 120mm lại, thành ra sư đoàn gặp khó khăn khi tác chiến. Vì khi huấn luyện, từ cán bộ đến chiến sĩ đều huấn luyện hiệp đồng binh chủng: Bộ binh, xe tăng, pháo binh chi viện. Nay vào chiến trường không có pháo binh, địch hoàn toàn làm chủ không phận. Ta phải đối mặt với 3 thứ quân: Không quân, hải quân (pháo hạm từ ngoài biển bắn vào) và pháo mặt đất của chúng.

(còn nữa)

NGUYỄN THỊ TÂM BẮC (ghi)