 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi tổ bay sau chuyến bay thắng lợi |
QĐND Online - Cho đến nay, mọi người vẫn cảm thấy bất ngờ và thán phục trước trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975 của phi đội Quyết Thắng. Những cái tên Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Mai Xuân Vượng, Nguyễn Thành Trung... được nhiều người biết đến.
Vào những ngày cuối tháng 3-1975, khi toàn quân và toàn dân ta đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thì lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam nhận được lệnh “Chuẩn bị tham gia chiến dịch”.
Bộ tư lệnh (BTL) Quân chủng đã họp bàn và đưa ra rất nhiều phương án triển khai thực hiện mệnh lệnh. Ban đầu MiG-17 được chọn làm “ứng cử viên” tham gia chiến đấu, bởi nếu dùng loại máy bay này, chúng ta có nhiều thuận lợi như lực lượng phi công giỏi và nhiều kinh nghiệm trận mạc. Nhưng vấn đề đặt ra chính là yếu tố thời gian. Nếu dùng MiG-17 di chuyển từ sân bay Kiến An vào Phan Rang phải qua 5 chặng là các sân bay Vinh - Đồng Hới - Đà Nẵng - Phù Cát - Phan Rang; trong khi đó thời tiết miền Bắc rất nhiều mây mù, không phù hợp với yêu cầu “thần tốc” của chiến dịch. Bên cạnh đó, hệ thống xe tải đi bằng đường bộ mang theo vũ khí và xăng dầu phục vụ cho từng điểm dừng chân tiếp sức cũng gặp khó khăn. Thế là, các phương án dùng máy bay của ta tham gia chiến dịch xem ra đều “bất khả thi”. Suy đi tính lại, đồng chí Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) nêu ra một câu hỏi không ai ngờ tới: “Liệu có thể lấy máy bay địch đánh địch?”. Ý kiến của đồng chí Tư lệnh Quân chủng đã mở ra một hướng giải quyết khá táo bạo nhưng không phải không có căn cứ.
Đà Nẵng: Tổ đặc nhiệm khẩn trương vào tiếp quản
Ngày 2-4-1975, Đại úy Hồ Thanh Minh, Phó phòng Máy bay Quân chủng PK-KQ, đã cùng với Thượng úy Nguyễn Văn Soạn, kỹ sư điện đồng hồ máy bay; Trung úy Nguyễn Đình Thủy, kỹ sư vũ khí hàng không; Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn, kỹ sư máy được lệnh vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng mới giải phóng.
Tổ khẩn trương lên đường, mang theo phương án đã được BTL Quân chủng phê duyệt. Vừa mới bước chân vào sân bay Đà Nẵng, ngay trên con đường đất gần sân đỗ, mọi người đã thấy một chiếc máy bay A37 mang số hiệu 777 nằm quay đầu vào bờ đất, bên cửa lên xuống là một xác phi công quân đội Sài Gòn. Tổ đã đánh dấu ngay chiếc máy bay này. Vào sâu trong sân bay, một chiếc máy bay khác mang số hiệu 980 cũng nằm “chết” ở cạnh xưởng sửa chữa. Máy bay nàytrên thân có một vài vết đạn nhưng qua kiểm tra sơ bộ không thấy hỏng hóc gì nghiêm trọng. Vậy là bắt đầu từ hai chiếc A37 này, tổ bắt tay ngay vào công việc thu gom, phục hồi các máy bay.
Trong 15 ngày đầu tháng 4, tổ đã làm công tác tiếp quản, kiểm kê và sửa chữa lại số máy bay còn có thể dùng được của địch ở sân bay Đà Nẵng để báo cáo khôi phục, cuối cùng tổ đặc chủng đã có thể khẳng định hai máy bay vẫn sử dụng tốt. Trên cơ sở đó, ngày 16-4, Bộ Quốc phòng đã đồng ý phương án sử dụng 2 máy bay thu được ở sân bay Đà Nẵng để đánh địch. Đây là một ý tưởng hết sức táo bạo và bất ngờ.
Ngày 20-4, Tổ đặc nhiệm được tăng cường 15 thượng sĩ nhất về máy bay động cơ của Sư đoàn Không quân Sài Gòn tại Đà Nẵng, để thực hiện nhiệm vụ phục hồi nhanh chóng các máy bay A37 còn sử dụng được của chúng, chuẩn bị cho các phi công ta sử dụng chiến đấu. Theo phương án này, các phi công của Phi đội 4 (Phi đội Quyết Thắng) cũng lập tức được điều từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) vào Đà Nẵng để cấp tốc học lái máy bay địch. Ngày 21-4, chỉ sau gần 20 ngày, chiếc A37 mang số hiệu 777 đã được cán bộ huấn luyện chiến đấu của Quân chủng PK-KQ cùng phi công của quân đội Sài Gòn Trần Văn On nổ máy, lăn bánh trên sân băng. Máy bay hoạt động tốt. Với thành công mang tính chất nền tảng đó, chiều ngày 22-4, các phi công của Phi đội 4 - phi đội cơ động của Trung đoàn 923 - đã từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng, bắt tay thực hiện huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyển loại. Thành phần gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục, Phi đội trưởng; Từ Đễ, Phi đội phó; Hán Văn Quảng; Mai Văn Vượng, Âu Văn Hùng, Tạ Đông Chung, Nguyễn Văn Hùng... Sau khi bàn giao 2 máy bay A37 đã phục hồi cho các phi công luyện tập, Tổ đặc nhiệm lại lên đường vào sân bay Phù Cát để khai thác tiếp những máy bay A37 ở đây phục vụ chiến dịch.
Phù Cát: Lực lượng đầy đủ, sẵn sàng cơ động
Tình hình tại sân bay Phù Cát khó khăn hơn Đà Nẵng rất nhiều. Sân bay rộng lớn nằm trên một đồi sim. Ngay khi có mặt tại đây, Tổ đặc nhiệm đã được nhân dân cảnh báo: khu vực sân bay vẫn còn tàn quân địch ẩn nấp dưới hầm ngầm, rất nhiều người đã bị chúng giết hại khi ra tắm tại hồ nước trong sân bay. Có được những thông tin đó, Tổ đặc nhiệm đã lên kế hoạch vừa công tác vừa sẵn sàng chiến đấu.
Sân bay Phù Cát có đến 40 nhà vòm nhưng chỉ còn lại 14 máy bay, trong đó có 9 chiếc A37 là nổ máy được. Thực hiện khôi phục với phương pháp chọn lựa, Tổ đặc nhiệm đã lắp ráp được 5 chiếc tốt nhất phục vụ cho chiến dịch. Trong vòng 3 ngày (từ 22 đến 26-4), các đồng chí Tổ đặc nhiệm đã hoàn thành công việc, song cũng chỉ nổ máy máy bay chứ chưa có phi công để bay thử. Khi đó, đồng chí Tư lệnh Quân chủng vẫn ở trong sân bay Phan Rang. Phi đội 4 ở sân bay Đà Nẵng chờ phi công Nguyễn Thành Trung (người của ta hoạt động trong hàng ngũ địch, ngày 8-4-1975 đã lái máy bay địch, ném bom Dinh Độc Lập, rồi bay ra vùng giải phóng Phước Long) ở Phước Long ra; Tổ đặc nhiệm ở giữa không thể liên lạc được với trên. Ba ngày liền hết gạo, anh em phải ăn toàn lương khô và liên tục thay nhau canh gác suốt ngày đêm để bảo vệ máy bay.
Trong khi các thợ máy ở Phù Cát đang nóng lòng chờ đợi thì tại sân bay Đà Nẵng, các phi công của Phi đội Quyết Thắng nhanh chóng học tập kỹ thuật, chiến thuật chuyển loại máy bay. Từ trước đến nay ta chỉ sử dụng máy bay của Liên Xô cũ, tất cả mọi ký hiệu, bảng chỉ dẫn đều bằng tiếng Nga, nay chuyển sang máy bay A37 của Mỹ tất cả đều được thể hiện bằng tiếng Anh, ngay cả một số đơn vị đo lường cách tính cũng khác nên rất khó nắm bắt và nhớ chính xác. Các phi công đã có sáng kiến ghi lại chức năng "núm nút" theo tiếng Việt rồi dán đè lên trên phần tiếng Anh cho dễ nhận biết. Ban ngày, mọi người thay nhau bay tập trên hai chiếc A37, buổi tối vẫn tranh thủ học tính năng và tên “núm nút” máy bay, hầu như không ai nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Sau 3 ngày luyện tập với cường độ cao, các phi công của ta đã cơ bản bay được loại máy bay mới, lập nên một kỳ tích về chuyển loại máy bay.
Trưa ngày 26-4, các phi công của Phi đội Quyết Thắng sau khi hoàn thành “khóa” huấn luyện cấp tốc đã cùng với các đồng chí lãnh đạo của Quân chủng PK-KQ, cơ động vào sân bay Phù Cát. Sáng ngày 27-4, tại sân bay, không khí như mở hội. Ngoài đường băng, 5 chiếc máy bay A37 xếp hàng ngang đồng loạt khởi động, tiếng máy rền vang cả một vùng. Giờ đây số máy bay đã nhiều lên, việc luyện tập cũng thuận lợi hơn. Các đồng chí phi công lần lượt lên 5 chiếc A37 cất cánh thử. Tất cả sẵn sàng cho nhiệm vụ.
Phan Rang: Những công việc cuối cùng
Sau khi phi công bay luyện tập thử về, Tổ đặc nhiệm lại tiếp nhận máy bay, làm các khâu kiểm tra kỹ thuật, chuẩn bị cho máy bay ở tình trạng tốt nhất. Sáng ngày 28-4, 5 chiếc A37 đã sẵn sàng để phi đội làm nhiệm vụ chuyển từ Phù Cát vào sân bay Phan Rang. Khi phi đội vừa cất cánh cũng là lúc Tổ đặc nhiệm lại "khăn gói quả mướp" tất tả lên máy bay An-26 theo vào Phan Rang để tiếp tục thực thi nhiệm vụ.
Ngay khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Phan Rang, các đồng chí thợ máy đã làm công tác kiểm tra kỹ thuật, nạp xăng dầu và lắp ráp bom đạn. 5 chiếc A37 mỗi chiếc được lắp 4 tấn bom dưới giá, nghĩa là trọng lượng đã ở mức tối đa. Số dầu cũng được nạp đủ cho bán kính hoạt đồng từ Phan Rang đến sân bay Tân Sơn Nhất, nơi sẽ là mục tiêu ném bom. Các đồng chí phi công tập trung họp bàn kế hoạch nghiên cứu phương án của trận đánh. Một số tình huống được dự kiến xử lý trong đó các tình huống liên quan trực tiếp đến máy bay như: trên đường đến mục tiêu, nếu máy bay nào hỏng nhẹ thì vẫn bám theo phi đội vào cắt bom; trường hợp hỏng nặng, tự quay về hoặc hạ cánh bắt buộc; nếu lạc đội hình, quay ra hướng Đông bay dọc bờ biển về căn cứ. Thời gian cất cánh được xác định vào khoảng 16 giờ hoặc 17 giờ, bởi đây là thời điểm địch đổi ca trực nên sẽ lơ là hơn, chúng không thể kịp thời đối phó.
16 giờ 30 phút ngày 28-4, Phi đội Quyết thắng cất cánh làm nhiệm vụ. Nguyễn Thành Trung bay số 1, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Văn Lục bay số 3, Mai Xuân Vượng và Trần Văn On bay số 4, Hán Văn Quảng bay số 5. Từng chiếc A37 mang bom tự tin rời đường băng, mọi người nín thở theo dõi. Ai cũng hồi hộp chờ mong tin tức bởi biết bao công sức miệt mài của anh em cả tháng trời trông chờ cả vào lần xuất kích này.
Hai tiếng sau, Phi đội Quyết Thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về an toàn. Tư lệnh Quân chủng và các thành phần chỉ huy, anh em thợ máy ùa ra đường băng trong niềm vui khôn tả. Mọi người xúm lại ôm hôn, chúc mừng các đồng chí phi công. Sau đó, Tổ đặc nhiệm lại tổ chức kéo máy bay cất giấu, ngụy trang đề phòng địch trả thù. Đúng như dự đoán, bị đòn đau bất ngờ, ngay rạng sáng hôm sau (29-4) địch đã cho máy bay ném bom sân bay Phan Rang nhằm trả đũa không quân ta đã tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng do tinh thần hoảng loạn chúng ném bom bừa bãi xuống sân bay rồi chuồn thẳng. Ta cũng đã dự kiến trước tình huống này, bố trí người và phương tiện hợp lý nên không bị thiệt hại.
Chiến thắng vang dội của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975 đã góp phần cùng với Bộ đội Pháo binh làm tê liệt cầu hàng không di tản bằng máy bay của địch mang tên “Người liều mạng”, tiêu diệt 24 máy bay và hàng trăm sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn, gây tiếng vang vô cùng rộng lớn, đẩy nhanh quá trình tan rã, suy sụp của chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng đó có công sức không nhỏ của các kỹ sư, thợ máy - những người đã không quản ngại hiểm nguy, âm thầm làm việc gần một tháng trời dưới cái nắng nóng của miền Trung và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Xuân Đức - Bích Phượng