QĐND - Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19-5-1890/19-5-1990), chúng tôi vinh dự được Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn giao nhiệm vụ sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử để ra cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn”. Sau 5 năm, cuốn sách được xuất bản và phát hành. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã được làm việc với nhiều cơ quan Đảng, cơ quan nghiên cứu khoa học lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số nhà khoa học, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ giáo và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành cuốn sách. Chúng tôi xin được viết đôi điều ký ức về những lần được Đại tướng tiếp và làm việc…
 |
Tác giả (người đứng ngoài cùng, bên trái, hàng thứ nhất) cùng ban biên tập cuốn sách chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khi còn ở tuổi thanh thiếu niên cũng như gần hết cuộc đời học tập và công tác, tôi chỉ được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sách, báo. Với nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh giao làm sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn”, đã tạo cơ hội may mắn giúp chúng tôi được Đại tướng tiếp và làm việc tới 3 lần. Những lần được trực tiếp trao đổi, báo cáo, xin ý kiến của Đại tướng về những tư liệu lịch sử quý, nhất là về sự kiện “Bác Hồ cũng ra trận” trong chiến dịch Biên giới năm 1950. Đến nay, dù không có dịp nào được gặp lại mà những kỷ niệm và hạnh phúc lớn ấy còn như mới hôm qua thành ký ức sâu nặng của chúng tôi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong quá trình đi sưu tầm, khai thác tư liệu, Ban biên tập đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, kể cả nhân chứng trực tiếp phục vụ Bác Hồ và gián tiếp được thấy, nghe Bác nói, Bác giao nhiệm vụ trong chiến dịch Biên giới năm 1950… Đại tướng là nguồn tư liệu sống, tỉ mỉ, sâu sắc mở ra những nút lịch sử quan trọng, định hướng cho chúng tôi gắng sức hoàn thành cuốn sách có giá trị văn hóa, lịch sử về Bác Hồ.
Nhận được thông báo hẹn của anh Tâm, Thư ký Đại tướng, chiều 8-9-1993, chúng tôi vào ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội) để gặp Đại tướng. Trong bộ đồng phục mùa thu giản dị, Đại tướng đón chúng tôi với tình cảm gần gũi. Trước khi chúng tôi báo cáo công việc, Đại tướng vui vẻ hỏi tình hình Lạng Sơn. Riêng tôi được Đại tướng hỏi: “Năm nay chú bốn mấy?”, tôi thẹn thùng trả lời: “Dạ, năm nay 53 tuổi rồi ạ!”. Ông khen người xứ Lạng khỏe, trẻ lâu. Thay mặt đoàn, tôi báo cáo mục đích, chủ trương của Đảng bộ Lạng Sơn về việc làm sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn” cùng kế hoạch 5 năm, từ 1990 đến 1995. Đại tướng đánh giá cao quyết định làm cuốn sách về Bác của Đảng bộ Lạng Sơn, và lần lượt cho ý kiến về yêu cầu của bản kế hoạch và trả lời các câu hỏi của đoàn xung quanh nội dung Bác Hồ với việc chỉ đạo, lãnh đạo chiến dịch Biên giới năm 1950, đặc biệt Đại tướng nói rõ vì sao Bác Hồ cũng ra trận. Và nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950. Hôm ấy, tôi mạnh dạn đề nghị Đại tướng viết bài cho cuốn sách. Ông vui vẻ nhận lời và yêu cầu Ban biên tập cho xem trước một số bài sẽ viết của lãnh đạo trong quân đội như bài của Thiếu tướng Cao Pha, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tá La Văn Cầu, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Vũ Kỳ; nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Đáp ứng nguyện vọng của đoàn Lạng Sơn, Đại tướng vui lòng chụp ảnh với đoàn. Bức ảnh đã ghi dấu ấn sâu sắc tình cảm của Đại tướng trên gương mặt rạng rỡ hòa vào cảnh thiên nhiên của vườn cây rợp bóng nắng chiều thu Hà Nội…
Ngày 21-1-1994, chúng tôi lại xin vào văn phòng để gửi các bài viết theo yêu cầu của Đại tướng. Anh Tâm thông báo, tuy chưa được xem đầy đủ các bài viết của lãnh đạo quân đội, lãnh đạo Lạng Sơn và bài viết khác, nhưng, Đại tướng quyết định tham gia viết bài để góp phần đánh giá công lao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, động viên Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn phát huy truyền thống yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới. Được tin này, chúng tôi rất phấn khởi và mong từng ngày sẽ nhận được bài viết của Đại tướng.
Lần thứ hai, đêm 21-3-1994, theo lời hẹn của anh Tâm, tôi lại đến nhà riêng của Đại tướng bên đường Hoàng Diệu. Với chiếc áo khoác mùa đông, ông tiếp chúng tôi bên bàn trà còn đượm không khí xuân đầm ấm. Biết Đại tướng bận, tôi chủ động hỏi thăm và xin bài viết. Ông tươi cười nói rằng, luôn nhớ còn nợ bài của Lạng Sơn. Đại tướng hẹn sẽ xong trong dịp gần đây. Bác gái tiễn chúng tôi ra cổng trong tình cảm người nhà thân thiện…
Công tác biên tập cơ bản đã xong bản thảo từ giữa tháng 4 năm 1994. Để đủ thủ tục duyệt, in, phát hành trong tháng 5-1995 còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi đó, Ban biên tập vẫn chưa được trình bày toàn bộ nội dung, hình thức của cuốn sách với Đại tướng. Đặc biệt là chưa có được bài của ông. Chúng tôi xin ý kiến Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải cố gắng xin ý kiến cuối cùng và có được bài của Đại tướng mới làm tiếp khâu khác, cần thiết có thể kéo dài đến trước Tết Nguyên đán. Chúng tôi lại tiếp tục về Hà Nội để xin bài của Đại tướng và được anh Tâm cho biết: Đại tướng đang phải gấp rút hoàn thành cuốn sách: “Những chặng đường lịch sử” vào tháng 12 năm 1994. Vì vậy, Đại tướng hẹn trong tháng 8 năm 1995 sẽ có bài. Mặc dù ông rất bận, nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt với Lạng Sơn. Mỗi lần đến văn phòng của Đại tướng, chúng tôi lại càng thấm thía công lao to lớn của ông với Đảng, với dân tộc, bằng tinh thần làm việc vì dân, vì nước.
Ngày 17-8-1995, tại văn phòng của Đại tướng, chúng tôi rất hạnh phúc được ông cùng anh Tâm tiếp. Lần này, Đại tướng tươi cười đưa bài cho chúng tôi. Ông yêu cầu đọc lại cùng nghe và góp ý. Nghe xong, tôi mạnh dạn đề nghị thay hai từ “nối gót” bằng “noi gương”. Sau khi nghe ý kiến của chúng tôi, Đại tướng cầm bút sửa ngay và hỏi “Có cần chép lại không?”. Tôi thưa, cứ để như vậy càng sinh động. Nhận được bài và được cả những lời chỉ giáo của Đại tướng trong việc làm sách về Bác Hồ, lòng chúng tôi trào dâng niềm tin. Sau 3 tháng miệt mài chỉnh sửa, biên tập với sự cộng tác nhiệt tình của Nhà xuất bản VHTT và Xí nghiệp in Trẻ (Hà Nội) cuốn sách được ra mắt bạn đọc trong tháng 11-1995.
Ngày nay, nhớ lại 17 năm về trước (1993-2010) những kỷ niệm và kết quả trong quá trình hoàn thành cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn”, chúng tôi vô cùng tự hào được làm việc với nhiều tướng lĩnh trong quân đội, và rất hạnh phúc vì 3 lần được gặp Đại tướng, người đã truyền cho chúng tôi bao điều sâu sắc trong nghiên cứu khoa học và đạo đức, lối sống của người cán bộ. Khi Ban biên tập đem sách về biếu, Đại tướng bận đi công tác. Chúng tôi gửi anh Tâm và không biết nói gì hơn bằng việc luôn ghi nhớ những lời dạy ân cần của Đại tướng, nguyện làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn mong Đại tướng mạnh khỏe, sống lâu…
Đinh Ích Toàn