Câu chuyện của Trung tướng Phạm Tuân, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng- Anh hùng LLVT nhân dân đưa tôi trở về thời điểm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh Việt Nam. Ngày 5-8- 1964, chúng bắt đầu tấn công đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa hòng cắt đứt chi viện cho

Trung tướng Phạm Tuân, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng- Anh hùng LLVT nhân dân

miền Nam. Trung ương Đảng và Bác Hồ đã sáng suốt nhận định: “Mỹ nhất định thua và chúng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Vì thế, tư tưởng chỉ đạo chiến lược của ta là quyết tâm thắng Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội!

Siêu “pháo đài bay B52” được coi là biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ. Lúc ấy, không lực Hoa Kỳ có tới vài nghìn máy bay chiến đấu và riêng B52 cũng có hàng trăm chiếc biên chế ở cả lực lượng không quân và hải quân. Phi công Mỹ cũng có nhiều kinh nghiệm tham chiến ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Mỹ lai có các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại. Trong khi đó, Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ chỉ có máy bay chiến đấu Mic 17, Míc 19 và Míc 21, hầu hết phi công rất trẻ, mới được đào tạo từ nước bạn trở về, giờ bay tích luỹ còn rất ít. Tuy nhiên, quán triệt quyết tâm bảo vệ miền Bắc, lực lượng phòng không, không quân của ta đã chủ động chuẩn bị kỹ càng, luyện tập tích cực các phương án chiến đấu. Mệnh lệnh chung của không quân Việt Nam là quyết đánh và phải đánh rơi B52 trong mọi điều kiện, nếu chúng tiến công đánh phá ra miền Bắc nhất là Thủ đô Hà Nội.

Cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc liên tục ghi những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Truyền thống mở mặt trận trên không thắng lợi (kể từ năm 1964, loại máy bay nào của đế quốc Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc cũng bị quân và dân ta bắn rơi), thôi thúc quyết tâm đánh thắng B52 của các phi công Việt Nam. Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, khi ấy, các phi công ta, ngoài ý chí cao độ, còn có nguồn lực trí tuệ và bản lĩnh của nghệ thuật quân sự Việt Nam tiếp sức. Đó chính là tư tưởng quyết đánh và biết đánh. Biết đánh là làm chủ được kỹ thuật, chiến thuật và quyết đánh bởi tinh thần dũng cảm không gì sánh được.

Mang theo tinh thần ấy vào trận, ngày 18-12-1972, khi các đài ra-đa của ta phát hiện B52 xâm phạm bầu trời miền Bắc, không quân ta được lệnh xuất phát. Trung tướng Phạm Tuân cùng phi đội xuất kích trận đầu. Các anh “gặp” B52 ở khu vực Sơn La nhưng địch gây nhiễu, đánh phá ác liệt các đài chỉ huy của ta nên máy bay không được dẫn đường tốt đành phải quay về sân bay Nội Bài. Liên tiếp các ngày 19, 20, 21, không quân ta đã công kích mạnh buộc B52 phải bỏ chạy, lực lượng tên lửa phòng không có điều kiện “vít cổ’ địch xuống. Tuy thế, chưa có chiếc B52 nào bị không quân bắn rơi. Cách đánh được xác định: Ta bố trí máy bay phân tán, bí mật cất cánh từ những sân bay dự bị , tổ chức chỉ huy, dẫn đường từ vòng ngoài, vòng xa để máy bay sử dụng tốc độ, chiếm độ cao, chiếm vị trí có lợi nhanh chóng tiếp cận tiêu diệt B52, kể cả việc dùng máy bay làm “quả tên lửa thứ 3”. Bằng cách đó, đêm 27-12-1972, phi đội 5 của Đoàn C21 (Sư đoàn B71) cất cánh, phi công Phạm Tuân điều khiển chiếc Míc 21 mang số hiệu 5721. Máy bay cất cánh từ sân bay Yên Bái, được các sở chỉ huy ở Sơn La, Thanh Hoá dẫn dắt tiếp cận nhanh mục tiêu vượt qua cả một bầy F4 “bâu” quanh, che chắn cho B52. Chiếc Míc 21 của phi công Phạm Tuân tăng tốc, lao đi với tốc độ 1400km/giờ, vượt qua các máy bay bảo vệ. Một tính toán nhanh và Phạm Tuân quyết định không phóng tên lửa từ phía sau, anh điều khiển Míc 21 hướng chếch lên trên lưng chiếc B52, hai quả tên lửa từ Míc 21 phóng ra, một quầng lửa trùm lên mục tiêu khi chiếc Míc 21 của Phạm Tuân bay vượt qua trong tích tắc.

Khoảng 22 giờ, chiếc máy bay Mic 21 của Phạm Tuân hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái. Phạm Tuân báo cáo lại tình hình và trở về doanh trại nghỉ ngơi. Nửa đêm, Phạm Tuân được đơn vị thông báo điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi chiến công xuất sắc bắn rơi B52. Đó chính là chiếc B52 đầu tiên bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi.

35 năm sau, người phi công 25 tuổi năm nào đã ở tuổi 60 nhưng vẫn hoạt tính. Những lúc rảnh rỗi, ông vẫn dành thời gian ra khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ở đó chiếc Mic mà ông bay và lập chiến công mới được đưa về trưng bày. Ông nói: “Bây giờ, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, vũ khí, trang bị vì thế cũng hiện đại hơn rất nhiều. Bộ đội ta phải cố gắng nhất, làm chủ được trang bị để sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: Ngô Anh Thu