QĐND - Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp đã huy động hàng vạn quân cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại tiến công lên Việt Bắc bằng đường bộ, đường thủy và đường không. Phạm vi cuộc tiến công của Quân đội Pháp rộng tới 12 tỉnh. Các cánh quân của địch, ngoài việc hình thành thế bao vây, còn tổ chức nhiều mũi thọc sâu, đánh thẳng vào hậu phương ta, vào trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, các cơ sở sản xuất, kho tàng của ta trong căn cứ, nhằm kết thúc chiến tranh bằng chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh.
Để phá tan âm mưu của thực dân Pháp, ngày 15-9-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Sửa soạn phá những cuộc tiến công lớn của địch”. Tiếp sau đó, hai hội nghị quân sự lần thứ tư và năm được triệu tập để thống nhất nhận định về âm mưu, thủ đoạn và hướng tiến công sắp tới của địch, đề ra chủ trương tác chiến, trong đó có việc: “bảo vệ căn cứ nhưng không cố thủ”. Đặc biệt trong hội nghị này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ nhiệm vụ của lực lượng hậu cần trong chiến dịch là: “Phải chuẩn bị cho bộ đội để giải quyết vấn đề quân nhu trong trường hợp khó khăn, phải chú trọng tăng gia sản xuất, phải chú trọng tiếp tế cho những miền bị chiếm, lo phân tán và bảo vệ kho tàng, cần phải bảo vệ cơ quan, công xưởng, tiết kiệm đạn dược, nêu cao tinh thần gìn giữ vũ khí, chuẩn bị việc điều trị thương binh, bệnh binh, lúc cần phải dựa vào dân. Dạy cho bộ đội những phương pháp tự cứu chữa thông thường”.
 |
Nhân dân tỉnh Phú Thọ chuẩn bị dụng cụ vận chuyển vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu
|
Thực hiện chỉ thị của Trung ương và sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cơ quan hậu cần các cấp đã tích cực làm tốt công tác chuẩn bị. Về công tác quân nhu, các kho quân nhu được điều chỉnh, một số kho chuyển lên gần các khu vực chuẩn bị chiến đấu để bảo đảm kịp thời, số còn lại được chuyển vào sâu trong rừng, phân tán vào các đình chùa, nhà dân, tổ chức cấp phát cho bộ đội. Quân nhu các đơn vị đã trực tiếp liên hệ với Ủy ban kháng chiến hành chính và nhân dân địa phương để thu mua gạo, thực phẩm và huy động dân công vận tải tiếp tế lương thực, thực phẩm, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội. Những đơn vị ở các khu vực mà khả năng cung cấp tại chỗ khó khăn, quân nhu tổ chức thu mua lúa gạo, thực phẩm từ địa phương khác chuyển đến. Sự phối hợp giữa quân nhu các đơn vị với chính quyền và nhân dân các địa phương đã giải quyết kịp thời về lương thực, thực phẩm trong chiến đấu.
Về công tác quân y, trước chiến dịch, các trung đoàn đều được bổ sung thêm lực lượng quân y. Ban quân y các trung đoàn đều có bác sĩ hoặc y sĩ phụ trách. Nhiều đơn vị ở gần mặt trận đã tổ chức các ban quân y lưu động để cấp cứu thương binh, bệnh binh trên các hướng. Tuyến sau có quân y viện của khu và bệnh viện tỉnh. Các địa phương trong khu vực đã huy động lực lượng, vật liệu xây dựng lán trại, chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh. Các đơn vị hiệp đồng, nhờ dân công chuyển thương từ quân y trung đoàn về tuyến sau. Các quân y viện, cơ sở quân y được chuyển sâu vào trong căn cứ, cách xa đường giao thông, tổ chức phân tán thành nhiều bộ phận nhỏ để có thể nhanh chóng di chuyển, tránh địch tiến công, đồng thời tiện cơ động cứu chữa thương binh, bệnh binh kịp thời.
Về công tác kỹ thuật, các xưởng quân giới đều xây dựng các phương án sơ tán, phòng tránh, chôn giấu máy móc, nguyên vật liệu và thành lập các đội tự vệ sẵn sàng đánh địch bảo vệ xưởng. Nhiều xưởng đã thành lập các đội sửa chữa lưu động kịp thời khắc phục vũ khí hư hỏng. Thực hiện chủ trương “Việt hóa” của Trung ương Đảng, nhiều xưởng quân giới trên địa bàn Việt Bắc đều tích cực cải tiến phương thức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, đơn giản quy trình sản xuất, tìm những vật liệu sẵn có để chế tạo vũ khí. Các xưởng quân giới đã sản xuất được nhiều loại mìn, lựu đạn, sửa chữa súng hư hỏng, đáp ứng kịp thời một phần vũ khí trang bị cho các đơn vị chiến đấu. Trung bình mỗi tháng, các xưởng trên địa bàn Việt Bắc sản xuất được 2 khẩu ba-dô-ca, 1 khẩu cối, 600 quả đạn cối, 20 quả địa lôi, 1.200kg thuốc súng, 10.000 quả lựu đạn… cung cấp cho mặt trận. Cùng với bộ đội, nhân dân và du kích địa phương cũng tìm cách tự chế tạo vũ khí giết giặc. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, nhiều kho, xưởng đều có phương án chiến đấu bảo vệ, nên khi bị địch tiến công, công nhân, tự vệ đã chủ động đánh địch bảo vệ được máy móc, phương tiện tiếp tục sản xuất.
Tính từ ngày "Toàn quốc kháng chiến" đến chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, quân và dân ta không những đứng vững, mà còn đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Trong năm đầu kháng chiến, mặc dù công tác hậu cần, kỹ thuật quân sự còn muôn vàn khó khăn, song lực lượng hậu cần Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành công này không chỉ thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tài năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ hậu cần, mà còn thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ giữa sơ tán với sản xuất chiến đấu bảo vệ, lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu kết hợp khai thác vận chuyển từ địa phương khác tới và biết dựa vào chính quyền, nhân dân địa phương để tạo nên sức mạnh vô địch của hậu cần nhân dân.
Đại tá ĐỖ ĐẮC YÊN