 |
Tiến công và nổi dậyơ Huế. Ảnh tư liệu |
(Tiếp theo và hết)
Trung tuần tháng 6, sau khi tranh thủ ý kiến một số đồng chí lãnh đạo các chiến trường1, Bộ Tổng tham mưu soạn thảo Quyết tâm chiến lược trước mắt, dựa theo nội dung đã được Bộ Chính trị thông qua trung tuần tháng 5. Ngày 20 tháng 6, Quân ủy Trung ương họp và ra nghị quyết về quyết tâm chiến lược. Sau khi thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình trong hai năm 1965-1966 và nhất là mùa khô 1966-1967, Quân ủy xác định quyết tâm chiến lược của ta là: Trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan của ta tới mức cao nhất, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn.
Sau khi nêu lên các mục tiêu chiến lược cần đạt được2, nghị quyết của Quân ủy khẳng định: Trên cơ sở đạt được các mục tiêu chiến lược nói trên, buộc Mỹ phải chịu thua, từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, chúng ta đạt được mục tiêu về độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà…
Khi đã có quyết tâm chiến lược, một bài toán đặt ra và cần tìm lời giải là phải có kế hoạch và cách đánh như thế nào để tạo nên một đòn bất ngờ về chiến lược, đánh mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Trong hai ngày 30 tháng 6 và 1 tháng 7 năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, quyết tâm đưa cách mạng miền Nam chuyển sang một bước mới. Hội nghị xác định khả năng giành thắng lợi quyết định bằng tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Thời cơ tốt nhất là Đông-Xuân 1967-1968 - hè 1968 hoặc sớm hơn. Đồng thời cũng chuẩn bị kế hoạch cho 1968-1969 và chuẩn bị tư tưởng kiên trì đánh lâu dài.
Trung tuần tháng 8-1967, làm việc với các đồng chí Văn Tiến Dũng và Lê Trọng Tấn về kế hoạch chiến lược của Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn nói: Điều kiện kinh tế và chính trị của nước Mỹ cho thấy đã đến lúc Mỹ phải kết thúc chiến tranh. Vì vậy ta phải đánh cho chúng thua để rút ra khỏi miền Nam Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu phải lập kế hoạch đầy đủ hơn, chỉ đạo linh hoạt, chuẩn bị hậu cần tại chỗ chu đáo.
Ngày 9 tháng 9 năm 1967, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh ra báo cáo với Bộ Tổng tham mưu kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa của Trung ương cục miền Nam. Kế hoạch nói rõ: dự kiến tổ chức ba chiến trường Sài Gòn-Gia Định, vùng rừng núi giáp ranh Sài Gòn, đồng bằng khu 9 và một phần Khu 8. Tổ chức 5 cánh quân bao vây, tiến công Sài Gòn, chiếm Chợ Lớn...
Trung ương cục đã sơ bộ thông qua kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, bao gồm khởi nghĩa, quân sự, công an, binh vận, chính quyền, quản lý đô thị, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Kế hoạch dự kiến ba tình huống: Thứ nhất: Địch co cụm về giữ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Khi thấy ta khởi nghĩa, quân Mỹ cũng co về căn cứ, không phản kích. Chính phủ mới ra tuyên bố yêu cầu quân Mỹ giữ nguyên trong vị trí đóng quân. Thứ hai: Địch tan rã, nội bộ khủng hoảng, lật đổ nhau trước khi ta tiến công quân sự. Ta lợi dụng phát động quần chúng khởi nghĩa, thành lập chính phủ liên hiệp. Lực lượng vũ trang đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Thứ ba: Thành lập Chính phủ liên hiệp rộng rãi, có cả thành phần thân Mỹ, thân Pháp, đại bộ phận là trung lập, lừng chừng. Ta chỉ nắm một số vị trí chủ chốt và nắm chắc cấp cơ sở. Chính phủ này phải thật rộng rãi để Mỹ có thể chấp nhận được… Sách lược của ta là quân Mỹ ở đâu thì giữ nguyên ở đó, hoặc tập hợp về Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Cam Ranh. Sách lược về thành phần chính phủ chính là nhằm để Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến tranh ở miền Nam.
Qua nghe báo cáo, đồng chí Văn Tiến Dũng nhất trí sẽ đề nghị với Bộ Chính trị thông qua phương hướng kế hoạch của Nam Bộ. Ngày 11 và 12 tháng 9, đồng chí Lê Đức Anh báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị đồng ý với phương hướng kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa của Trung ương cục miền Nam và xác định Sài Gòn-Chợ Lớn là hướng chủ yếu của Nam Bộ và toàn miền Nam. Nửa tháng sau, ngày 25 tháng 9, Bộ Chính trị họp bàn một số vấn đề về ngoại giao và kế hoạch chiến lược quyết tâm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam. Ta đặt vấn đề thương lượng với Mỹ để tạo cho địch chủ quan, sơ hở, tạo cho ta lợi thế trong chuẩn bị thực hiện kế hoạch chiến lược. Sau khi kết luận đồng tình với kế hoạch chiến lược và quyết tâm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam, đồng chí Trường Chinh yêu cầu: trong tháng 10, Quân ủy Trung ương và Ban Thống nhất phải hoàn thành và báo cáo Bộ Chính trị ba kế hoạch: kế hoạch tiến công quân sự và khởi nghĩa của quần chúng; kế hoạch thành lập chính quyền ở miền Nam; kế hoạch ngoại giao.
Cũng chính theo phương hướng đó, ngày 11-9 Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện hướng dẫn Khu 5 xây dựng kế hoạch công kích-tổng khởi nghĩa ở đồng bằng Khu 5 và tiếp đó ngày 27-9, thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu bàn cụ thể kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa ở Khu 5 và Tây Nguyên.
Ngày 12-10, Cục Tác chiến dự thảo xong kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa toàn miền Nam. Dự kiến diễn biến ba đợt: 1 – Đông 1967; 2- Xuân 1968 (tổng công kích-tổng khởi nghĩa) và đợt 3 từ tháng 3 đến tháng 5. Trong ba mức thắng lợi, Cục Tác chiến không loại trừ khả năng thứ ba: ta chỉ giành thắng lợi ở một số nơi do cố gắng chủ quan chưa đầy đủ, hoặc do chuẩn bị không tốt, hoặc bị lộ. Cục Tác chiến đề nghị phân công các đồng chí sau đây theo dõi và chỉ đạo triển khai kế hoạch chiến lược tổng công kích-tổng khởi nghĩa: quân sự: Văn Tiến Dũng; các vấn đề chính trị: Trường Chinh; chính quyền: Phạm Văn Đồng; an ninh: Trần Quốc Hoàn; kinh tế: Lê Thanh Nghị; Ngoại giao: Nguyễn Duy Trinh; binh vận: Tổng cục Chính trị. Ngày 15 tháng 10, trong cuộc trao đổi với đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Song Hào nhận xét rằng kế hoạch chưa làm nổi bật phán đoán của Quân ủy Trung ương về phản ứng của địch, kể cả khả năng chúng đánh ra Khu 4. Đồng chí Văn Tiến Dũng khẳng định lại quyết tâm của Bộ Chính trị, nhấn mạnh Quân ủy Trung ương có trách nhiệm thực hiện, kiểm tra chặt chẽ khả năng thực hiện của ta. Kế hoạch quân sự phải ăn khớp với kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền, tập trung cụ thể hóa kế hoạch công kích ba thành phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, để đề nghị Bộ Chính trị thông qua.
Sau khi biên soạn lại, kế hoạch được thảo luận tại hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) trong các ngày từ 20 đến 24 tháng 10(3). Nghị quyết về tổng công kích-tổng khởi nghĩa lúc này được Bộ Tổng tham mưu cho mang mật danh Quyết tâm chiến lược mùa thu. Yêu cầu đặt ra trong cuộc tiến công chiến lược là Tích cực chuẩn bị, kiên quyết tổng công kích-tổng khởi nghĩa đánh đổ Mỹ-ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ, cô lập chúng buộc chúng phải chịu thua và rút khỏi miền Nam, chấm dứt oanh tạc miền Bắc; kiên quyết tiêu diệt và làm tan rã căn bản ngụy quân, ngụy quyền, các tổ chức phản động, bắt nhiều tù binh Mỹ và quan chức cấp cao Mỹ-ngụy... Hội nghị cũng thảo luận ba trường hợp có thể giành thắng lợi, trong đó mức thứ ba chỉ thắng được một phần.
Riêng về chiến trường Nam Bộ (chủ yếu là Sài Gòn), cuộc trao đổi giữa các đồng chí Lê Trọng Tấn và Nguyễn Văn Vịnh (ngày 11 tháng 11-1967) dự kiến 4 khả năng phản ứng của Mỹ: 1- Lúc đầu hoang mang, phản ứng cục bộ, giữ vị trí, đợi lệnh từ bên Mỹ; 2- Mỹ thay đổi chiến lược, tiếp xúc với cách mạng vì quân ngụy đã bị tiêu diệt, thành phố đã bị chiếm giữ; 3- Sử dụng bom đạn đánh ác liệt phá hủy thành phố, đánh chiếm lại những vị trí quan trọng, quyết tâm không để mất Sài Gòn; 4- Cấp tốc tăng quân vào miền Nam.
Về khả năng diễn biến của cục diện chiến trường khi ta triển khai kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam, các hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 và tháng 1-1968 đều dự kiến tình hình có thể phát triển theo một trong ba khả năng:
1 - Ta giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn và đập tan mọi âm mưu phản kích của địch, làm cho địch thất bại đến mức không thể gượng lại được nữa, đè bẹp được ý chí xâm lược của địch, bắt địch phải chịu thua, phải thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo mục đích và yêu cầu của ta.
2 - Tuy ta giành được thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch cố gắng tập trung và tăng viện thêm lực lượng từ ngoài vào giành lại những vị trí quan trọng ở các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn và dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục đẩy chiến tranh kéo dài.
3 - Mỹ động viên và tăng viện thêm nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh thêm một bước ra miền Bắc, sang Lào và Cam-pu-chia, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.
Điểm mới đáng chú ý là trong hội nghị ngày 13-1-1968 (hội nghị thông qua nghị quyết về tổng công kích-tổng khởi nghĩa) là Bộ Chính trị xác định cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp…
Năm ngày sau, trong cuộc họp mở rộng ngày 18-1-1968 có đồng chí Nguyễn Văn Linh tham dự, Bộ Chính trị quyết định thời điểm tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Dự cuộc họp tuyệt mật này có các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Văn Tiến Dũng và Vũ Lăng (Cục Tác chiến).
Hôm sau, 19-1, rà soát lại chủ trương, quyết tâm, kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa và sau khi đã trao đổi và phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị (với thành phần nói trên, trừ Vũ Lăng) khẳng định quyết tâm tổng công kích-tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1968. Đây là lần cuối cùng chính thức hạ quyết tâm tổng tiến công chiến lược trong khi quân dân toàn miền Nam đang khẩn trương chuẩn bị để kịp đồng loạt nổ súng đúng vào lúc giao thừa Xuân Mậu Thân.
(1) Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh (Nam Bộ), Nguyễn Đôn (Khu 5), Chu Huy Mân (Tây Nguyên).
(2) Các mục tiêu chiến lược cần đạt cho được gồm: 1-Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quan trọng quân Mỹ, làm cho bản thân chúng bị tổn thất nặng, không thể ngăn chặn được sự tan rã của ngụy quân, ngụy quyền, làm cho quân Mỹ bị thất bại cả trong nhiệm vụ quân sự và chính trị. 2-Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, tới mức làm cho chúng không còn là lực lượng chiến lược mà Mỹ có thể dựa vào để tiếp tục cuộc chiến tranh. Khi chúng buộc phải chuyển sang giải pháp chính trị thì thế và lực của ngụy quân, ngụy quyền không đủ sức để duy trì và giữ vững chế độ chính trị của chúng. 3-Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh quân sự tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đô thị và vùng nông thôn, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ rộng rãi mà nòng cốt là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
(3) Tham dự gồm có các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Quý Hai. Ngoài ra còn có các Cục trưởng Lê Trọng Nghĩa, Lê Ngọc Hiền và đại diện các chiến trường Đường 9-Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Vắng mặt hai người: đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp.
TRẦN TRỌNG TRUNG