Bộ đội pháo binh trút bão lửa lên đầu Mỹ-ngụy ở Khe Sanh.

(Tiếp theo kỳ trước)

Liên tiếp trong ba ngày 4 đến 6-4-1966, làm việc với Thường trực Quân ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trình bày chủ trương và quyết tâm của Trung ương cục và Quân ủy Miền trong năm 1966 là tiêu diệt từ 6 đến 8 vạn quân Mỹ, 15 đến 20 vạn quân ngụy, làm chủ 2/3 đất đai miền Nam, giải phóng 8 triệu dân trở lên. Theo đồng chí, năm 1966 có khả năng thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, cách mạng miền Nam có khả năng giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, và nếu chiến tranh có kéo dài thì ta vẫn có khả năng giành thắng lợi. Sau khi trao đổi, Quân ủy nhất trí với đồng chí Nguyễn Chí Thanh về chỉ tiêu tiêu diệt quân Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, đẩy phong trào thành phố lên mạnh, tạo nên khả năng giành thắng lợi quyết định trong năm 1966-1967.

Lúc này, tin tình báo cho biết, đến giữa năm 1967, quân Mỹ có thể lên tới 42 vạn, quân ngụy có thể nâng tổng số lên 72 vạn.

Cuối tháng 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm việc với Thường trực Quân ủy (có đồng chí Lê Trọng Tấn mới ở chiến trường ra). Đồng chí Tấn chỉ nói về tác chiến trong mùa khô 1966-1967, chủ lực “sẽ làm ăn lớn” hơn mùa khô trước. Vấn đề giành thắng lợi quyết định không thấy đề cập trong cuộc họp này.

Tuần đầu tháng 5 năm 1966, Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy thông qua phương hướng chiến lược sắp tới do Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng báo cáo, trong đó có nói ta tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn (nói rõ trong mùa khô 1966-1967) là giành thắng lợi quyết định cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Quyết tâm và phương hướng giành thắng lợi quyết định là đánh bại mọi ý định xâm lược của Mỹ trong phạm vi chiến tranh ở miền Nam hiện nay và sắp tới, trong điều kiện địch có trên dưới một triệu quân (40-50 vạn quân Mỹ). Lần đầu tiên bản dự thảo nói đến nhiệm vụ lực lượng vũ trang là hỗ trợ đấu tranh chính trị và thực hiện phối hợp tổng công kích-tổng khởi nghĩa, đỉnh cao nhất của chiến tranh cách mạng.

Cũng tại hội nghị này, Quân ủy quyết định mở Mặt trận Bắc Trị Thiên.

Kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1966-1967 (sau khi được bổ sung sửa chữa) được đồng chí Nguyễn Văn Vịnh thay mặt Bộ Tổng tham mưu báo cáo chính thức trong cuộc họp (mở rộng) của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy trung ương từ 14 đến 17-6-19661. Bản báo cáo mang tên Kế hoạch giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam. Bộ Tổng tham mưu dự kiến trong Đông Xuân 1966-1967 sẽ sử dụng 4 khối chủ lực tiến công trên 4 chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5 và Trị Thiên, kết hợp với khởi nghĩa ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, tiêu diệt và đánh tan rã chủ lực ngụy, đánh thiệt hại nặng quân Mỹ, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967. Đáng chú ý là trong lúc thảo luận, nếu đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh quyết tâm và kế hoạch tiến công chiến lược của ta trong Đông Xuân là nhằm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong năm 1967, thì đồng chí Lê Quang Đạo lại lưu ý cần dự kiến tình huống địch ngoan cố và tình hình khó khăn nhất của ta.

Quân Mỹ chui rúc dưới hầm và tháo chạy khỏi Khe Sanh. Ảnh tư liệu

Kết luận cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1967 và chỉ rõ Đông Xuân 1966-1967 là rất quan trọng. Riêng tại các đô thị, phải đánh từ nhỏ đến lớn đi đến kết hợp với khởi nghĩa, hình thành ưu thế chiến dịch trên từng hướng.

Một tháng sau, trong các ngày 18 và 19 tháng 7 năm 1966, Bộ Chính trị họp, nghe báo cáo kế hoạch tác chiến năm 1967 của Quân ủy do đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày và chính thức thông qua quyết tâm giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967. Tinh thần cơ bản và nội dung mấu chốt của kế hoạch là đánh bại cuộc phản công chiến lược của 35-40 vạn quân Mỹ và gần một triệu quân đội tay sai trong mùa khô 1966-1967, sau đó mở rộng thắng lợi sang cả mùa hè năm 1967. Có hai ý kiến đáng chú ý. Đồng chí Lê Duẩn nói: Với tinh thần chủ động tiến công địch, không những ta tiêu diệt địch ngay trong yết hầu của chúng tại các thành phố mà còn phải kéo địch ra vùng rừng núi Tây Nguyên và gần vĩ tuyến 17 mà tiêu diệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đại ý mấy điểm: 1 - Các dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, lạc quan, nhưng xem báo cáo có chủ quan không? 2 - Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài; 3 - Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn, nhất là mặt hậu cần, bảo đảm; 4 - Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân, nếu sức người sức của mà kiệt thì quân nhiều cũng không đánh được; 5 - Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích; 6 - Phải làm sao cho ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được lâu.

Ngày 15 tháng 8, Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy họp nghe tổng kết hè 1966 và xem xét lại một số vấn đề trong kế hoạch theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch2. Đáng chú ý trong hội nghị này là đánh giá của Bộ Tổng tham mưu về hoạt động trên chiến trường miền Nam trong mùa hè: Lực lượng ta nhiều nhưng đánh được ít, không đạt chỉ tiêu tiêu diệt địch, không có những cú đánh vang dội và những trận thắng giòn giã để tạo điều kiện cho hoạt động mùa khô sắp tới, mặc dù ta tác chiến trong điều kiện địch phòng ngự, thời tiết hạn chế hoạt động của chúng và về quân sự địch vừa thất bại trong Đông Xuân 1965-1966.

Kết luận, đồng chí Lê Duẩn nói: Mùa mưa này, về địch có thể nói là chúng không thua. Ta cần nghiên cứu lại cho chắc chắn kế hoạch Đông Xuân 1966-1967 và sẽ thảo luận tiếp.

Ngày 12 tháng 9, Quân ủy tiếp tục họp nghiên cứu tình hình chiến trường trước khi bước vào mùa khô. Một kết luận quan trọng rút ra là: chiến trường vẫn đứng trước những khó khăn chưa khắc phục được, dẫn đến sức chiến đấu bị giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến cho chưa thực hiện được yêu cầu “càng đánh càng mạnh”.

Ngày 22 tháng 9 Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị phương hướng Đông-Xuân-Hè 1966-1967. Sau hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh hai bức điện gửi Bộ tư lệnh Miền và Bộ tư lệnh Khu 53. Ngoài những vấn đề về tổ chức chiến trường, phương hướng hoạt động, mục tiêu tiến công, chỉ tiêu, các đợt hoạt động… nội dung chủ yếu của các bức điện nói lên quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là trên cơ sở nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong hai năm 1967-1968, quan trọng nhất là năm 1967.

Có thể nói kế hoạch chiến lược 1967-1968 thể hiện rõ rệt nhất từ các cuộc họp của Quân ủy và Bộ Chính trị từ đầu tháng 4 năm 1967. Đó là sự phát triển từ Kế hoạch chiến lược mùa hè năm 1967 thành Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Xuân Hè 1968.

Ngày 4 tháng 4, Phó bí thư Quân ủy Trung ương Văn Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Quân ủy, nghe Cục Tác chiến báo cáo dự thảo Đề án kế hoạch chiến lược mùa hè năm 1967, nhằm đánh giá kết quả hoạt động trên các chiến trường mùa khô 1966-1967 và đề ra phương hướng hoạt động trong và sau mùa mưa 1967. Sau khi các ủy viên phát biểu, Phó bí thư Văn Tiến Dũng kết luận: Văn bản chuẩn bị chưa chặt, chưa sát, chưa phản ánh hết những tồn tại; cần nghiên cứu chỉnh lý bổ sung về phương hướng hoạt động mùa hè và mùa khô ở miền Nam. Cuộc họp tiếp tục ngày 6 tháng 4, nghe đồng chí Nguyễn Văn Vịnh trình bày đề án đã được phát triển thành Kế hoạch chiến lược từ mùa hè 1967 đến Xuân hè 1968. Hội nghị nhận định: Thắng lợi mùa khô 1966-1967 là cực kỳ to lớn, thể hiện trên hai mặt diệt địch và phá âm mưu bình định của chúng. Khi quân Mỹ lên tới trên dưới 50 vạn, chúng ta đánh giá, nếu mùa khô 1966-1967 dù ta diệt ít địch hơn trước nhưng bảo tồn được lực lượng thì đã là thắng lợi; nếu vẫn bảo tồn được lực lượng mà diệt địch ngang với mức năm 1965-1966 thì là thắng to. Năm 1967, mùa khô còn dài, lực lượng ta ngày càng sung sức và đang trên đà tiến công địch khắp nơi. Có thể nói rằng, với thời gian ấy, với lực lượng ấy, với đà thắng lợi sẵn có, nhất định sẽ mở ra triển vọng tốt. Dự thảo cũng nêu lên một số nhược điểm, tồn tại cần khắc phục.

Sau khi các ủy viên Quân ủy trao đổi ý kiến, bản dự thảo được bổ sung sửa chữa và ngày 18 tháng 4, các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu tiếp tục thảo luận và giao đồng chí Nguyễn Văn Vịnh tiếp tục chỉnh lý. Lúc này kế hoạch đã chính thức mang tên Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968. Điểm mới trong cuộc thảo luận lần này là các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu nhận định rằng ta phải tránh xây dựng một kế hoạch chiến lược theo kiểu “Xuân Thu nhị kỳ” như trước đây. Yêu cầu kế hoạch chiến lược lần này là phải tạo nên một thay đổi lớn về cục diện để đánh sập Mỹ-ngụy. Nếu mùa hè 1967 ta không tạo được chuyển biến để giành thắng lợi thì cả hai miền Nam Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 1968. Cuối cùng, các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu thống nhất: cần xây dựng một kế hoạch chiến lược để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.

Sau cuộc họp ngày 26 tháng 4 năm 1967 của Quân ủy Trung ương, bản dự thảo kế hoạch chiến lược giành thắng lợi quyết định ở miền Nam được đưa ra thảo luận trong cuộc họp mở rộng (trong ba ngày từ 27 đến 29-4-1967) của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương 4. Hội nghị nhất trí: Ta phải một mặt nắm chắc vấn đề đấu tranh lâu dài, mặt khác phải nỗ lực buộc Mỹ phải thua trong năm 1968… Hoạt động quân sự phải kết hợp với phát động quần chúng ở các đô thị vùng dậy, tạo thành cao trào tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở đó, ta chủ động đấu tranh ngoại giao, mở một con đường cho Mỹ rút khỏi miền Nam.

Trong bức điện ngày 9 tháng 5 gửi Quân ủy Miền gợi ý về phương hướng xây dựng kế hoạch chiến lược, Quân ủy Trung ương viết: Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn (từ tháng 5 năm 1967 đến hết năm 1968)…

(Còn nữa)

(1) Dự họp có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Trần Quý Hai, Song Hào, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo và Nguyễn Văn Vịnh.

(2) Dự họp có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Song Hào, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện và hai cán bộ Cục Tác chiến.

(3) Do Mặt trận Trị Thiên-Đường 9 trực thuộc Bộ nên có chỉ đạo riêng, trực tiếp.

(4) Gồm các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện và một số cán bộ Cục Tình báo và Tác chiến.

Trần Trọng Trung
bài 1: Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào?