 |
Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và Trần Quý Hai phổ biến kế hoạch quân sự mùa khô 1967-1968 và kế hoạch mở chiến dịch Khe Sanh 1968 cho các cán bộ chủ trì Bộ Tổng tham mưu. Ảnh tư liệu |
Sau hơn hai năm trực tiếp đụng đầu với quân viễn chinh Mỹ, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của chúng, ta đã hiểu rõ hơn chỗ mạnh chỗ yếu của địch đồng thời cũng hiểu và khẳng định sức mạnh của quân và dân ta trên cả hai miền Nam Bắc. Mặc dù đã đưa sang Nam Việt Nam nửa triệu quân, dù đã chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đế quốc Mỹ vẫn mất quyền chủ động trên chiến trường. Cuộc tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân nổ ra khi bộ tư lệnh quân viễn chinh Mỹ đang trù tính một cuộc phản công chiến lược thứ ba vào mùa khô 1967-1968 đi đôi với một bước leo thang mới cả về quy mô và cường độ đánh phá miền Bắc, nhằm cố giành lợi thế về quân sự. Lợi thế đó không những có tác dụng gây sức ép với ta hòng tiến tới cuộc đàm phán trên thế mạnh mà còn nhằm phục vụ cho tham vọng ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 của Giôn-xơn trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1968.
Nửa năm sau khi quân Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam, qua một số thắng lợi trên chiến trường trong những trận đầu đánh Mỹ, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 (họp cuối tháng 12 năm 1965) đã nhận định: Mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt, nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch.
Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương: trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn1.
Nghị quyết hội nghị Trung ương 12 trở thành hiệu lệnh đầu tiên để Tổng hành dinh chuẩn bị mọi điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết đồng thời chỉ đạo các chiến trường tạo thế mới, lực mới, để tiến dần từng bước tới cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Phải hai năm sau sự kiện lịch sử đó mới diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân-1968.
Quá trình phát triển từ quyết tâm chung là giành thắng lợi quyết định đến quyết tâm cụ thể của tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân có những đặc điểm sau đây:
1 – Biện pháp chiến lược (nhằm thực hiện quyết tâm giành thắng lợi quyết định của Trung ương) là vấn đề được các cấp lãnh đạo trao đổi, thảo luận nhiều lần, khi tập thể, khi nhóm nhỏ, khi chỉ riêng các đồng chí ở Tổng hành dinh, khi có cả đại diện các chiến trường tham gia.
2 – Quá trình hình thành quyết tâm tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân là một quá trình dài suốt hai năm 1966 và 1967. Đó cũng là quá trình tình báo chiến lược thường xuyên cung cấp tin tức thêm về địch (nhất là việc Mỹ tiếp tục tăng quân và âm mưu chiến lược của chúng). Trong quá trình đó, thực tế chiến trường cho thấy không chỉ riêng ta mà đế quốc Mỹ cũng có ý định thắng lớn để giành ưu thế và thoát ra khỏi tình thế bị động chiến lược.
3 – Quá trình thảo luận để hình thành quyết tâm chiến lược tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở miền Nam cũng là quá trình Tổng hành dinh chỉ đạo đồng thời các mặt hoạt động khác của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên cả hai miền và trên đất bạn: chỉ đạo tác chiến thường xuyên trên chiến trường miền Nam, chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của địch trên miền Bắc, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt để các địa phương sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc (nhất là nam Khu 4), chỉ đạo vận chuyển trên đường Trường Sơn phục vụ cho các chiến trường, chỉ đạo hoạt động trên chiến trường Lào2…
4 – Trong quá trình đó, biện pháp chiến lược nhằm thực hiện quyết tâm giành thắng lợi quyết định ngày càng rõ thêm, cụ thể thêm. Nếu chỉ tiêu đề ra năm trước, đợt trước (hè thu-thu đông-đông xuân) chưa đạt được thì lại chuyển sang năm sau, đợt sau, cả về hướng chiến trường và chỉ tiêu. Thường mỗi lần “chuyển” là một lần chỉ tiêu được nâng lên, đồng thời phương hướng quyết tâm cũng xác định cụ thể hơn, cao hơn. Và mỗi lần “chuyển” đều dự kiến các khả năng và mức độ giành thắng lợi của ta, không loại trừ khả năng và mức độ giành thắng lợi thấp nhất.
Đầu tháng 1 năm 1966, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra Bắc. Sau khi báo cáo Bộ Chính trị về tình hình địch, ta và ý định quân sự sắp tới của miền Nam, ngày 7 tháng 1 đồng chí cùng Bộ Chính trị nghe Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo kế hoạch tác chiến năm 1966.
Theo dự thảo của Bộ Tổng tham mưu, trước những thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn, từ đầu năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam hòng củng cố tinh thần quân đội ngụy, cứu vãn chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc hòng làm lung lay quyết tâm giải phóng miền Nam của quân và dân ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn… Quân Mỹ trở thành nòng cốt về quân sự khiến cho tính chất “chiến tranh đặc biệt” dần dần thay đổi với sự xuất hiện các yếu tố của “chiến tranh cục bộ”. Nhiệm vụ quân sự đề ra cho chiến trường miền Nam trong năm 1966 là tập trung tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, chia cắt, cô lập, phá giao thông, kho tàng của địch, giành nhân lực để bổ sung lực lượng của ta; mở rộng căn cứ vùng rừng núi, vùng giải phóng ở nông thôn; bao vây thành phố, thu hẹp vùng kiểm soát của địch; đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, khởi nghĩa ở thị trấn, phối hợp với hoạt động quân sự; bảo vệ hành lang vận chuyển Bắc-Nam và mở tuyến vận chuyển mới.
Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đầu tháng 2 năm 1966 Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy3 họp nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo bản dự thảo đã được bổ sung sửa chữa. Phân tích tình hình mọi mặt, hội nghị dự kiến trong năm 1966 lực lượng quân Mỹ ở miền Nam có thể lên tới 40 vạn và khẳng định: quyết tâm của ta là thắng về quân sự dù Mỹ có hơn 40 vạn quân, phấn đấu giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn.
Ngày 26 tháng 2, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị kế hoạch quân sự năm 1966 (đã bổ sung sửa chữa), trong đó nổi lên hai điểm: 1) Mục đích các hoạt động trên chiến trường nhằm đánh bại âm mưu chiến lược của Mỹ đối với miền Nam dù lực lượng Mỹ có từ 20 đến 40 vạn quân. Cụ thể là làm thất bại kế hoạch chiến lược 5 điểm của Westmoreland, tiến tới một bước thắng lợi quyết định ở miền Nam trong năm 1966. 2) Phương châm chỉ đạo hoạt động là kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược; phương châm chỉ đạo tác chiến là đánh liên tục, rộng khắp của lực lượng địa phương, kết hợp với các hoạt động lớn của bộ đội chủ lực trong ba đợt (Xuân 1966, Hè 1966, Đông Xuân 1966-1967) trên ba hướng chiến lược (Trị Thiên, Tây Nguyên-Khu 5, Đông Nam Bộ).
Để bảo đảm binh lực cho kế hoạch quân sự 1966, trong hai ngày 7 và 8 tháng 3 Thường trực Quân ủy họp bàn chuyên đề về quân số và kế hoạch tuyển quân, sau đó Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc riêng với Cục Quân huấn về công tác huấn luyện quân sự.
(còn nữa)
1 Xem Những sự kiện lịch sử Đảng-Tập 3-Nxb Thông tin lý luận-1985-trang 356-357. Hồi đó, nội dung cơ bản của thắng lợi quyết định thường được hiểu là ta làm phá sản được các mục tiêu chủ yếu của từng chiến lược chiến tranh của địch, làm thay đổi được cục diện chiến tranh, buộc địch phải thay đổi chiến lược, ta có điều kiện tiến lên giành thắng lợi mới (Chú thích 26 trong Tổng kết cuộc KCCM-Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị-trang 313). Theo Lịch sử Cục Tác chiến (Nxb QĐND 2005-trang 466) thì Giành thắng lợi quyết định được hiểu là làm chuyển biến tình hình về phía địch, làm chuyển biến cục diện miền Nam, trong đó đặc biệt chú trọng 3 thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.
2 Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ tập trung nói về quá trình hình thành quyết tâm chiến lược Xuân 1968 và cũng chỉ nói những điểm chính. Không nói đến chỉ đạo bảo đảm (tuyển quân và huấn luyện bộ đội, nghiên cứu cách đánh thành phố, kế hoạch nghi binh chiến lược; tăng viện…).
3 Gồm các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào Nam, đồng chí Phạm Hùng thay. Các đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn chỉ dự những cuộc họp của tập thể Bộ Chính trị. Đáng chú ý là trong quá trình hình thành quyết tâm và kế hoạch chiến lược cũng như trong những ngày đầu của đợt 1 của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1968, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều lần vắng mặt ở Tổng hành dinh và không tham gia một số cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng như cuộc họp của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. |
Trần Trọng Trung