Cảnh trong vở “Mệnh lệnh thần kỳ”.

Nhà hát chèo Việt Nam vừa công diễn vở “Mệnh lệnh thần kỳ”, tác giả kịch bản: TS. Trần Đình Ngôn; đạo diễn: NSND Bùi Đắc Sừ; biên đạo múa: NSND Trần Minh; âm nhạc: NSƯT Trần Ngọc Chung, do tập thể diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam biểu diễn.

Vở diễn kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tài thao lược bày binh bố trận của ông trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện sống động trên sân khấu Việt Nam nói chung và trên sân khấu chèo nói riêng.

Trước mưu đồ xảo quyệt của quân giặc và thực tế khôn lường của cuộc chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy đã phải thay đổi chiến thuật đấu tranh trong từng giờ, từng khắc. Thấy chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" có phần mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Đại tướng ngày đêm vắt óc để tìm ra chiến thuật đấu tranh mới: "Đánh chắc, tiến chắc", với quyết tâm đã đánh là phải thắng. Cũng chính mệnh lệnh bất ngờ này đã khiến một số chiến sĩ trong quân đội ta không hiểu, cho rằng Đại tướng cố tình chần chừ không đánh giặc và làm nhụt ý chí tiến công của chiến sĩ, đồng bào. Tuy nhiên, với trí tuệ uyên bác và lý luận cách mạng sắc bén, Đại tướng đã chỉ rõ cho các chiến sĩ ta thấy rằng: Từ cổ chí kim, lấy yếu thắng mạnh bao giờ cũng phải dùng mưu trí, chứ không thể dựa hoàn toàn vào sức lực. Sau khi nghe Đại tướng giảng giải, tất cả các chiến sĩ đều đồng tâm, hiệp lực tuân theo mệnh lệnh của Đại tướng và làm nên chiến thắng thần kỳ cho dân tộc Việt Nam.

Tác giả Trần Đình Ngôn đã khắc họa rõ nét một vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc, có ý chí kiên định và tinh thần đấu tranh sắt đá. Tuy nhiên, tác giả cũng không quên chú tâm vào những điểm lắng của kịch, những phút giây tĩnh lặng trong tâm hồn Đại tướng: Mỗi khi buổi chiều buông xuống, điệu dân ca Bình Trị Thiên vang lên, trái tim Đại tướng lại xao xuyến, bồi hồi và nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn thường trực trong lòng Đại tướng. Đây là những lớp kịch rất thơ và cần thiết đối với một vở diễn mang đầy yếu tố chính trị như vở "Mệnh lệnh thần kỳ". Điều này còn thể hiện phần nào phong cách viết của tác giả Trần Đình Ngôn. Tác giả luôn biết cách khai thác, đan cài chất thơ, chất trữ tình, lãng mạn trong những lớp kịch tưởng như khô cứng.

Vở diễn đã tái hiện thời khắc hào hùng của lịch sử dân tộc, làm sống dậy trong trái tim người xem niềm xúc cảm lạ thường về những tấm gương không quản ngại hy sinh, ngày đêm thồ lương, tải đạn ra chiến trường để ủng hộ kháng chiến.

Nhà hát Kim Mã chật cứng người xem, khán giả vỗ tay rào rào sau mỗi màn kịch. Có lẽ do lần đầu tiên họ được chứng kiến hình tượng Đại tướng tài ba của dân tộc trên sân khấu và do trái tim mỗi thế hệ người dân Việt Nam luôn dành trọn tình yêu, lòng ngưỡng mộ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nghệ thuật không phải là bản sao của cuộc sống. Thành công lớn nhất của vở chèo “Mệnh lệnh thần kỳ” là khán giả đã nhìn thấy dáng dấp, thần thái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sự thể hiện của nghệ sĩ Vũ Ngọc Hưng. Đại tướng bình dị, tự nhiên, từ từ hiện ra và dần dần thuyết phục người xem cho đến phút chót của vở. Điều này cũng chứng tỏ sự thành công của nghệ sĩ trẻ Vũ Ngọc Hưng trong vai diễn của mình.

Các nghệ sĩ Lê Tuấn Cường (vai Tướng Na-va), Vũ Văn Đông (vai Tướng Đờ Cát-xtơ-ri), Mạnh Huấn (vai Trung tá Pi-ốt), Lê Tuấn Cường (vai Tướng Cô-nhi) đã diễn xuất hết mình, thể hiện được những nét tính cách riêng biệt, hài hước và có phần lố bịch của quân địch.

Vở chèo "Mệnh lệnh thần kỳ", với đề tài lịch sử - một đề tài vô cùng khó và càng khó hơn khi nhân vật chính là nhân vật lịch sử nổi tiếng sống rất gần với thời đại của chúng ta là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng, cả ê-kíp sáng tạo của Nhà hát chèo Việt Nam đã lao động nghệ thuật hết sức kỳ công và nghiêm túc, đem lại cho khán giả những cảm xúc hân hoan và niềm tự hào dân tộc khi được sống lại thời khắc lịch sử hào hùng đã qua…

TRẦN PHƯƠNG HẠNH