Những chiến công hiển hách của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - nhân vật trong bài "Ơi con suối La La" của tác giả Huy Thục - lừng danh hơn 40 năm qua. Song, ông còn nhiều chiến công thầm lặng sau ngày 30/4/1975.

Ông Bùi Ngọc Đủ. Ảnh: Huỳnh Kiên.
Ngày 17/3/2009, Bùi Ngọc Đủ rời Tây Nguyên ra Hà Nội nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ” do Chủ tịch nước phong tặng.

Chiều muộn, chúng tôi về tổ dân phố 1, thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang, Gia Lai) tìm Anh hùng Bùi Ngọc Đủ.

Kon Dỡng bảy năm trở lại đây được chọn làm trung tâm của huyện mới Mang Yang,được lên thị trấn chứ trước đây, thời ông Đủ chọn lập nghiệp là vùng sâu vùng xa, hẻo lánh.

May hôm nay ông có ở nhà. Căn hộ nhỏ khá sạch sẽ ngăn nắp, bày biện đơn sơ, ngược với danh tiếng lẫy lừng chủ nhân. Quanh khu vườn hàng trăm giò lan rừng khoe sắc.

Ở tuổi 71, dũng sĩ diệt Mỹ năm nào vẫn giữ nét nhanh nhẹn, tinh anh, mắt sáng quắc và mái tóc chỉ điểm vài sợi bạc.

Bùi Ngọc Đủ quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, tham gia bộ đội từ năm 1961, vào Quảng Trị năm 1963, đánh Mỹ 140 trận ở những chiến trường ác liệt từ Quảng Trị, Tây Nguyên rồi vào giải phóng Sài Gòn.

Chiến công vang dội nhất vinh danh tên ông là trận đánh ngày 26/2/1967 tại đồi không tên dưới chân núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị có con suối La La hiền hoà.

Hôm đó, tiểu đội Bùi Ngọc Đủ nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Hà.

Tiểu đội gồm 10 người, tuổi từ 18 đến 24, do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ, trung đội phó làm tiểu đội trưởng, hạ sĩ Đặng Văn Hạng làm tổ trưởng Đảng và tám chiến sĩ.

Khoảng 7 giờ sáng 28/2/1967, đi lấy nước dưới suối La La về, Bùi Ngọc Đủ phát hiện địch dàn đội hình bao vây tiểu đội. Lựu đạn nổ bất ngờ tám tên Mỹ to lớn đổ gục tại chỗ. Lập tức, anh gọi toàn đơn vị vào vị trí chiến đấu. 15 khẩu trung liên và hàng trăm khẩu AR15 của địch đồng loạt nhả đạn.

Chúng điên cuồng gọi chi viện. Trên trời, bốn máy bay F105 quần đảo ném bom, hai máy bay trực thăng phóng rocket. Do cự ly của tiểu đội ta quá gần địch nên đạn pháo và bom của chúng không phát huy hiệu quả.

Địch vẫn tù mù trước tài ngụy trang của tiểu đội, chúng không rõ ta bao nhiêu quân, trận địa thế nào. Chiến sĩ Nguyễn Nhân Nhê hy sinh từ đợt tấn công thứ hai, chiến sĩ Lê Bá Chính bị thương trong đợt tấn công thứ tư. Tiểu đội chỉ còn lại tám người.

Đến khoảng 12 giờ trưa, Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã bẻ gãy 10 đợt tấn công của địch. Khoảng 17 giờ, trong đợt tấn công thứ 15, tên chỉ huy địch bị ta tiêu diệt.

Sẩm tối, cũng là lúc đại đội đưa lực lượng vào chi viện và chuyển 3.000 quả đạn pháo đi nơi khác an toàn. Địch để lại 41 xác chết trên trận địa, ta thu 101 khẩu AR 15 và nhiều chiến lợi phẩm.

Chiến thắng của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên chiến thắng giòn giã ngày 7/3/1967, phá hủy 21 khẩu pháo, 30 xe vận tải, năm xe tăng, diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch.

Kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ ngay sau đó được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài “Ơi con suối La La” cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.

Trận chiến mới ở Tây Nguyên

“Ơi con suối La La! Nước trong xanh hiền hòa, chảy quanh đồi không tên. Nay đồi đã mang tên Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - Mười dũng sĩ diệt Mỹ…”

Nhạc Huy Thục

Sau chiến công ở đồi không tên Bùi Ngọc Đủ được ra thăm miền Bắc gặp Bác Hồ và các lãnh tụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Các đồng chí phải đưa được pháo vào giải phóng miền Nam”.

Năm 1970, Bùi Ngọc Đủ cùng đơn vị rời Ninh Bình vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24/2/1972, Bùi Ngọc Đủ lúc này là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 pháo binh thuộc Trung đoàn 675 chỉ huy đơn vị đánh vào Đắc To -Tân Cảnh.

Trận đánh chiến lược này giải phóng một phần rộng lớn ở Bắc Tây Nguyên, mở ra thế trận mới trên địa bàn quan trọng này. Đêm 10/3, tiếng đạn pháo của tiểu đoàn pháo 2 vang rền giáng sấm sét xuống Buôn Ma Thuột báo hiệu cuộc sập đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông giải phóng Bình Long, Bình Phước, rồi thẳng tiến đánh Củ Chi vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Trong chiến tranh, ông trải qua khắp các chiến trường ác liệt nhất, đánh trực diện với địch 140 trận, ngoài ra còn bị giội bom, phục kích liên miên, song chỉ duy nhất một lần ông bị thương, khi ấy đang ở chiến trường Tây Nguyên.

Không biết có phải vì duyên do một phần máu xương gửi lại đất này mà khi nước nhà thống nhất, ông nhận nhiệm vụ quay trở lại chiến trường Tây Nguyên.

Năm 1977, trước nhiệm vụ chính trị ở Gia Lai-Kon Tum rất cần cán bộ có bản lĩnh, ông Đủ rời quân ngũ với quân hàm thiếu tá, về làm Phó ban Tổ chức Huyện Mang Yang, Phó ban Cải tạo Công thương nghiệp.

Ful rô hoạt động ráo riết ở nhiều nơi, một mình ông đi làm bí thư sáu xã Kon Dỡng, Đăk Yá, K’Tang… của huyện Mang Yang.

Ổn định an ninh chính trị ở cơ sở, cấp trên rút ông về làm chủ tịch công đoàn huyện. Năm 1995, nghỉ hưu, ông được địa phương tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội khuyến học huyện Mang Yang mới.

Những ngày ông làm bí thư sáu xã, Fulro hoạt động dữ dội. Bằng những kinh nghiệm từ chiến trường, ông Đủ chỉ huy đánh 17 trận với Fulrô.

Khi về làm chủ tịch hội cựu chiến binh, thấy bà con dân tộc thiểu số thường xuyên bị đói giáp hạt, ông cùng ông Nguyễn Khắc Lưu, lúc đó là phó chủ tịch hội vận động các hội viên, mở “kho thóc cựu chiến binh”.

Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc này. Cả huyện Mang Yang có 37 kho thóc có lúc lên gần 1.000 tấn ở tất cả các xã. Đến vụ giáp hạt, ai thiếu đói được cựu chiến binh xuất số thóc này hỗ trợ. Nhiều gia đình ở Mang Yang thoát đói thoát nghèo nhờ những kho thóc này.

Từ năm 2003, tham gia hội khuyến học huyện, ông cũng vận động được quỹ vài trăm triệu đồng, do cán bộ nhân viên trong huyện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp.

Những học sinh có thành tích xuất sắc, con em đồng bào dân tộc thiểu sốđạt thành tích khá, hoặc những gia đình giáo viên khó khăn được quỹ này giúp sức. Các chi hội khuyến học có mặt ở tất cả các xã, các trường trong huyện.

Cả đời Bùi Ngọc Đủ tham gia cách mạng không màng danh lợi. Về huyện Mang Yang (cũ) từ rất sớm, đất đai ở thị trấn Đắc Đoa và thị trấn Mang Yang bây giờ giá tính tiền triệu, tiền tỷ song ông cũng mặc. Vợ chồng con cái ông khai hoang, lập vườn sâu bên trong sườn núi trồng trọt chăn nuôi.

Ở tuổi 72, ông vẫn chăm sóc cà phê, tiêu, lúa cùng với lương hưu chăm lo cho ba con còn học đại học. Ngày 16/4/2009 khi chúng tôi có mặt ở Kon Dỡng, ông Đủ cho hay, hôm sau ông được mời dự hội nghị biểu dương những người sản xuất giỏi.

Bùi Ngọc Đủ, tên một cá nhân đã thành tên một đơn vị.

Theo: TPO-Huỳnh Kiên