Thiếu nữ dân tộc Thái bên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đối với tôi, Điện Biên không hề xa lạ từ hơn hai chục năm nay. Lần đầu tôi lên vào mùa đông năm 1983, khi Điện Biên chỉ là một thị trấn nhỏ, chợ trung tâm lèo tèo mấy quán lợp gianh, bày bán măng khô, mộc nhĩ và chuối tiêu. Dạo đó quầy hàng bách hóa bé cỏn con, khi nào cũng vắng, mặc dù trong quầy có bày bán cho đồng bào miền núi một số hàng ở miền xuôi phải phân phối rất khó khăn như ruột phích nước, bếp dầu hỏa... cán bộ lên công tác thường mua mang về Hà Nội. Ấn tượng mạnh để lại trong tôi lần ấy là cánh đồng Mường Thanh rộng lạ lùng giữa một vùng núi non Tây Bắc. Lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… trở lại khi Điện Biên đã trở thành thị xã. Và lần này tôi trở lại, thì Điện Biên đã là một thành phố.

Thành phố Điện Biên đã qua mùa xây dựng. Đường phố chính là đường mang tên Mồng Bảy Tháng Năm, chạy từ đông sang tây, nghĩa là từ phía đồi Him Lam đến đồi A1. Một đường phố khá rộng nữa chạy từ trung tâm về phía sân bay Mường Thanh. Những đường phố còn lại nói chung ngắn và nhỏ, mang dấu ấn những con đường của một thị xã miền núi. Khách sạn, nhà khách cũng chưa nhiều, quen thuộc với các tên như Mường Thanh, Công Đoàn, Hàng Không… cộng với các nhà nghỉ tư nhân, khả năng đón khách còn hạn hẹp, nếu tổng số khách lên đột ngột, thì nơi ăn nghỉ còn là một vấn đề không đơn giản.

Ai cũng vậy, lên Điện Biên không phải để ngắm thành phố, dù thành phố là cái đập vào mắt ta trước tiên. Cái chính là để tận mắt trông thấy các di tích mà ta đã nghe nhiều, thấy nhiều trong sách báo và phim ảnh. Chúng tôi lại tìm đến đồi A1. Rặng tếch quanh sườn đồi đã sắp thành cây cổ thụ, phơi những tán rộng, xanh mướt dưới ánh mặt trời. Một đơn vị mấy chục người đang gấp rút tái tạo các đường hào vốn có nhưng đã bị thời gian và mưa gió vùi lấp. Tất cả các đường hào, kể cả của ta và của địch ở đây đều hướng tới chiếc hầm ngầm trên đỉnh đồi. Toàn bộ chiến dịch Điện Biên xảy ra trong 56 ngày đêm, thì riêng ở đồi A1 này, chúng ta đã chiến đấu 36 ngày đêm. Đến thăm đồi A1 lần này, tôi được biết: khi tái tạo lại một số đoạn đường hào nổi ở đây, ta đã phát hiện ra hài cốt của 33 liệt sĩ. Xẻng đã mục hết cán, súng đã tan hết báng, người chỉ còn xương. Hơn nửa thế kỷ trong đất, dáng nằm của các liệt sĩ vẫn nguyên vẹn: tất cả đầu đều hướng lên đỉnh đồi, với xẻng nằm nghiêng, với súng nằm sấp, không một ai nằm ngửa! Tôi đứng lặng bên đoạn hào mà tự hỏi rằng: Chỉ một đoạn hào này đã phát hiện ra 33 hài cốt liệt sĩ, thì với 440 ki-lô-mét đường hào của Điện Biên, bao nhiêu liệt sĩ còn vô danh trong đất?

Rời đồi A1, tôi ghé thăm Nhà trưng bày Điện Biên Phủ. Đã nhiều lần vào đây, tôi không xa lạ với những hiện vật, nhưng lần nào cũng đứng lặng ngắm nhìn những đoạn dây mà bộ đội ta đã dùng sức người để kéo pháo, những chiếc xe đạp thồ của dân công đã từng vượt đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô tiếp viện cho Điện Biên… Lần này đặc biệt gây sự chú ý cho khách tham quan là hai bức tượng tạc Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi bên bàn làm việc, đặt ở vị trí trang trọng nhất. Không ai không đọc kỹ lời chú thích, chính là lời Bác Hồ:

Tổng tư lệnh ra mặt trận, “tướng quân tại ngoại”, cho chú toàn quyền quyết định… Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. HỒ CHÍ MINH.

Trong nhà trưng bày này còn có một nơi luôn gây cho khách tham quan suy nghĩ. Đó là lời nói đề dưới bức ảnh của Đại tướng: Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện một quyết định khó nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi-VÕ NGUYÊN GIÁP. Ngày đó là ngày nào và quyết định khó khăn đó là gì vậy? Theo lời người giới thiệu, ta lùi về quá khứ năm mươi tư năm, trở lại tháng Giêng năm 1954, khi Đại tướng đến sở chỉ huy tạm thời của mặt trận ở hang Thẩm Púa, trên đường Tuần Giáo-Điện Biên. Do đường sá quá khó khăn, pháo của ta chưa vào kịp trận địa như kế hoạch, buộc giờ G phải lùi lại năm ngày, tức là vào hồi 17 giờ ngày 25-1-1954. Nhưng rồi do tình báo địch biết được giờ nổ súng của ta, nên phải lùi thêm một ngày nữa. Lúc đó sở chỉ huy đã chuyển vào Nà Tấu cách Điện Biên 15 cây số. Đêm 25-1-1954 là một đêm lịch sử, Đại tướng đã thức trắng, đầu đau nhức phải buộc trên trán nắm ngải cứu hơ lửa. Phân tích lực lượng ta và địch, Đại tướng thấy rằng không có gì bảo đảm cho thắng lợi, nếu ta chỉ dự định đánh trong hai ngày ba đêm, vì ta chưa quen đánh ban ngày trên địa bàn trống trải, hợp đồng các binh chủng trong một trận đánh lớn cũng là điều còn mới mẻ… Nếu dốc toàn lực ra mà đánh trong vài ba ngày, không thắng được tức là thua, là trắng tay sạch vốn, lúc ấy ai chịu trách nhiệm trước nhân dân, biết nói thế nào với Bác Hồ, vì Bác đã căn dặn “không chắc thắng không đánh” kia mà! Sau một đêm thức trắng, Đại tướng đã quyết định thay đổi chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng. Và buổi họp sáng hôm sau, Đại tướng đã thuyết phục được Bộ Tư lệnh mặt trận đồng ý với cách đánh mới này.

Tôi nhớ có lần được đọc một bài báo của một nhà quân sự nước ngoài với đầu đề rất ấn tượng: “Võ Nguyên Giáp suýt thua ở Điện Biên Phủ”. Tác giả bài báo viết rằng, sau khi tình báo Pháp biết được ý đồ của ta muốn đánh nhanh thắng nhanh, chúng rất phấn khởi và đã chuẩn bị mọi thứ để bẻ gãy các mũi tiến công của ta. Bởi thế, khi không thấy ta tiến công theo lịch định, chúng rất thất vọng và tướng Đờ Cát đã rải truyền đơn khiêu khích quân ta, nội dung như sau:

Gửi tướng Võ Nguyên Giáp

Nghe tin ngài mang nhiều đại đoàn lên đây để giao chiến và dự định đem quân vào ăn tết trong Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài. Ký tên: Đờ Catstri. Chỉ huy GONO.

Cũng như nhận định của nhiều nhà quân sự nước ngoài, tác giả bài báo này đã kết luận rằng, nếu tướng Giáp đánh theo kế hoạch cũ, thì chắc chắn Việt Minh đã thua ở Điện Biên Phủ. Như vậy, cái quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng là thay đổi cách đánh, một quyết định có tầm chiến lược hết sức quan trọng đã mang lại chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

Lần nào tôi vào thăm nhà bảo tàng cũng gặp một số cựu chiến binh Pháp, phần lớn là hàng binh cách đây năm mươi năm. Không ai tuổi dưới bảy mươi, đi lại đã chậm chạp, họ quan sát hết sức kỹ lưỡng những hiện vật bảo tàng như cố tìm lời lý giải sự thất bại của quân đội Pháp. Sau đó họ xem tới xem lại bộ phim tài liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, có thuyết minh bằng tiếng Pháp. Cả buổi họ lặng lẽ, hầu như không nói gì.

Đối diện với nhà trưng bày này là nghĩa trang liệt sĩ. Đây chỉ là một trong những nghĩa trang liệt sĩ của Điện Biên, toàn nghĩa trang có tám trăm ngôi mộ nhưng chỉ có bốn bia mộ có tên là Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Phan Đình Giót; còn gần tám trăm liệt sĩ khác chỉ là tấm bia trắng với một ngôi sao. Tôi không quen dùng hai tiếng vô danh để chỉ những bia mộ ta chưa tìm ra tên họ người hy sinh. Người nằm dưới bia mộ ấy có tên có tuổi, có quê quán, sao có thể gọi là vô danh được? Nên chăng, thay cụm từ mộ liệt sĩ vô danh bằng mộ Liệt sĩ chưa tìm thấy tên, có dài dòng một chút cũng chẳng sao, đỡ tủi hồn người đã khuất. Rõ ràng họ có tên. Trên hai bức tường lớn có ghi tên khoảng hai ngàn tám trăm liệt sĩ hy sinh ở Điện Biên, xếp theo đơn vị tỉnh. Phảng phất trong khói hương tưởng nhớ, dằng dặc những dòng tên hiện lên trên nền đá đen, làm lòng người thắt lại. Đông nhất là Thanh Hóa và Nghệ An. Có lẽ số liệt sĩ của hai tỉnh này cộng lại phải chiếm một nửa của số liệt sĩ Điện Biên. Đã bao lần tôi dự định đếm thật chính xác số liệt sĩ Nghệ An quê mình đã hy sinh trên chiến trường này, nhưng đếm không xuể, cuối cùng phải đếm số tên trong một hàng đang xếp theo vần ABC trên những tấm bia lớn, rồi nhân với số hàng để ước tính tổng số. Với cách tính đó, số liệt sĩ quê Nghệ An chừng bảy trăm người. Ngay tên An đã có ba người là Nguyễn Duy An, Nguyễn Thị An và Trần Văn An. Tên Ân cũng ba người: Đinh Thị Ân, Lê Văn Ân và Nguyễn Bá Ân…

Ra khỏi cửa nghĩa trang, ngước mắt nhìn lên: sao mà nhiều mây trắng thế! Trời trắng mây, đồi xanh cây, đồng xanh lúa. Vâng, lúa xanh đã phủ kín cánh đồng Mường Thanh, dù mới sau tết Nguyên đán vài tuần, ở miền xuôi phần vì do rét đậm, phần thì do hạn hán nên chưa gieo cấy được. Điện Biên mấy năm liền được mùa. Lúa tẻ, lúa nếp ở đây ngon nổi tiếng, nhiều đoàn khách du lịch mua về xuôi làm quà. Đồng Điện Biên dù bị hạn lớn cũng không lo thiếu nước nhờ có hồ Pá Khoang. Hồ Pá Khoang là một hồ nhân tạo nằm trên đoạn đường từ Điện Biên vào khu di tích Mường Phăng. Khi đi thuyền trên hồ này, tôi có cảm giác mình đang ở trên hồ Thác Bà. Ngoài nhiệm vụ tưới nước chống hạn, hồ Pá Khoang nuôi nhiều cá nước ngọt và đặc biệt là một địa điểm du lịch đầy hứng thú.

Tôi nhớ trong lần trò chuyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên nói rằng: Cả lòng chảo này là một di tích. Đó là một đặc ân cả nước dành cho Điện Biên. Song song với việc phát triển nông nghiệp, cần phát triển du lịch để “quảng bá” các di tích, đồng thời tăng thu nhập, có điều kiện nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Tôi nghĩ rằng, đó là một hướng đi đúng, nhưng việc phát triển du lịch ở Điện Biên, hiện tại chỉ mới là những bước đầu tiên, phần lớn còn ở dạng tiềm năng hứa hẹn.

Điện Biên thật gần gũi. Từ Hà Nội, đi xe ô tô, bạn chỉ mất một ngày đường, còn bằng hàng không, chỉ vừa vặn bốn mươi lăm phút là đáp xuống sân bay Mường Thanh. Thế mà mỗi lần đặt chân lên đây là được trở lại với lịch sử hào hùng của dân tộc; nơi mà mỗi thước đất, ngọn đồi như ẩn chứa huyền thoại, thiêng liêng. Năm mươi tư năm nay, Điện Biên, một địa danh, với thế giới đã trở thành động từ mang nghĩa chiến thắng. Trăm năm, ngàn năm sau, mảnh đất Điện Biên vẫn gần gũi và thiêng liêng, huyền thoại…
Nhà thơ Vương Trọng