QĐND Online - Bước vào kháng chiến toàn quốc, vấn đề đặt ra cho Quân đội ta là phải đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, giành quyền chủ động. Từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1947, Tổng quân Uỷ, Bộ quốc phòng, Tổng chỉ huy, đã tổ chức nhiều Hội nghị, để bàn bạc để tìm ra cánh đánh sao cho phù hợp với tương quan so sánh lực lượng hiện nay và phù hợp với tình hình chiến sự đang lan rộng. Bộ Tổng chỉ huy thấy cần sớm chỉ đạo khắc phục những thiếu sót về cách đánh cho phù hợp với điều kiện chiến trường. Bộ Tổng chỉ huy đã phân tích chỉ rõ thủ đoạn của địch là dùng cơ giới, nhanh chóng hình thành thế bao vây, vu hồi thọc sâu vào trận địa ta nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang mà chủ yếu là bộ đội chủ lực non trẻ của cách mạng. Trong khi đó bộ đội ta thì phân tán binh lực, lập phòng tuyến án ngữ, giữ đất, chờ địch… Bộ nhấn mạnh cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến.
Theo khái niệm của Bộ Tổng tham mưu về Du kích vận động chiến được viết trong cuốn Tiến mạnh sang giai đoạn mới, xuất bản năm 1948: thì các chiến thuật mà quân đội chính qui ta thường dùng là Du kích vận động chiến, không phải là Du kích chiến vì lực lượng huy động tương đối lớn, về mục đích nhằm tiêu diệt hơn là tiêu hao, nhưng cũng chưa phải là Vận động chiến, vì điều kiện kỹ thuật và huấn luyện của quân đội ta còn kém, vì phạm vi tác chiến chưa rộng lớn, lại vì hình thức chiến đấu có khi là bao vây vu hồi, nhưng cũng có khi là tập kích, phục kích , mà cũng có khi phối hợp tất cả những hình thức ấy. Bộ nhấn mạnh, trong quá trình chiến tranh, Du kích chiến phải phát triển thành Vận động chiến. Hai chiến thuật ấy khác nhau ở trình độ phát triển. Chiến thuật Du kích vận động chiến (lúc này) ở vào quãng giữa trên quá trình phát triển ấy.
Năm 1948, yêu cầu chiến lược đặt ra đối với ta: là phát động chiến tranh du kích rộng rãi nhằm biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, buộc chúng phải căng lực lương đối phó với ta ; hai là tổ chức các chiến dịch tiến công trên các hướng địch yếu và sơ hở để phá biện pháp “Vết dầu loang” và hệ thống cứ điểm của địch. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mở rộng từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 1 năm 1948 chỉ rõ: Nắm thời cơ, tuỳ khả năng, tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, nhằm tiêu diệt những đồn lẻ. Vận dụng cách đánh tập kích quấy rối địch trong các đô thị để thu hẹp phạm vi chiếm đóng và phân tán lực lượng đối phó của địch; đồng thời khi có điều kiện cho phép tổ chức các chiến dịch tiến công trên hướng địch sơ hở và yêú, nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch. Qua thực tiễn chiến đấu mà rút kinh nghiệm và rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành. Tinh thần nghị quyết đó đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, thành phương châm hành động cho Du kích vận động chiến phát triển.
Thực hiện hiện Nghị quyết của Ban chấp hàng Trung ương Đảng, ta phát triển dân quân du kích ở khắp nơi, cả trong vùng địch chiếm đóng. ở mỗi châu (huyện, phủ) có một trung đội hoặc đại đội du kích thoát ly, được trang bị vũ khí bộ binh. Lực lượng này có khả năng độc lập tác chiến tại chỗ hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ xóm làng, bảo vệ cơ sở cách mạng và trực tiếp sản xuất. Phương châm hoạt động là đánh địch, cướp vũ khí tự trang bị cho mình. Các đơn vị này đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban kháng chiến cáca cấp. Bộ Tổng chỉ huy đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương: “Đại đội độc lập” và “Tiểu đoàn tập trung” đưa một phần 3 số đơn vị chủ lực của các tỉnh từ khu 4 trở ra phân tán thành các đại đội độc lập, luồn sâu và vùng địch tạm chiếm để hoạt động xây dựng phong trào chiến tranh du kích và bảo vệ cơ sở cách mạng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp ở các địa phương. Đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung là lực lượng cơ bản cho Du kích vận động chiến phát triển. Kết quả là trong 2 năm 1948, 1949 ta đã đánh hàng trăm trận bao gồm phục kích, tập kích, chống càn mà điểm hình là trận phục kích bản Sao – Bông Lau (09.10.47), Phục kích La Ngà - Định Quán (1.3.48), phục kích Điền Xá (4.3.49), phục kích Bông Lau – Lũng Phầy (3.9.49); tập kích Phủ Thông (30.10.47 và 25.7.48), tập kích Cẩm Lý (21.7.48) tập kích đồn Thu Cúc (9.4.49), cường tập đồn Đại Bục (19.5.49); chống càn xóm Nụ (Chính Nghĩa) (25.11.48), chống càn Tân Hội (Đan Phượng), chống càn Yên Lãng ((3-4.11.49, chống càn Vật Lại ((19.2.49) vv.
Qua 2 năm thực hiện chủ trương Du kích vận động chiến, ta đã phát triển Du kích chiến và Du kích vận động chiến, từng bước lên vận động chiến bằng việc đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, “đánh kéo dài”, với các thủ đoạn “vết dầu loang” và chiến thuật”cứ điểm nhỏ kết hợp đội ứng chiếm nhỏ” của Pháp. Buộc quân pháp đã phải lui dần về phòng ngự. Trong báo cáo của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ Đảng lần thứ VI (18.1.49) cũng kết luận: “Du kích chiến đã phát triển hơn trước” “Vận động chiến đã tiến bộ”. Chất lượng bộ đội trải qua thực tế chiến đấu và các kỳ huấn luyện đã được nâng cao. Trang bị vũ khí của ta cũng khá hơn so với đầu năm 1948 (súng trường tăng 20%, tiểu liên tăng 22%, trung liên 27%, đại liên 24%, súng cối tăng 4-5 lần. Như vậy so sánh giữa ta và địch đã có nhiều thay đổi, ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng suy nhược. Các hình thức chiến thuật tập kích, phục kích, công kiên diễn ra độc lập và trong đội hình chiến dịch đã diễn ra phổ biến. Bước đầu ta đã định hình định hướng được những vấn đề cơ bản của lý luận chiến thuật, điều đó chứng tỏ Du kích vận động chiến đã phát triển vượt bậc.
Cao Xuân Lịch